Các tiếng nói đối lập không có không gian phát triển.
Khu dân cư gần hồ Boeung Kak (Phnompenh) bị phá hủy, 18/9/2011. REUTERS/Samrang Pring
Trong cuộc họp của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, ngày 29/9/2011, một chuyên gia cao cấp về nhân quyền đã chỉ trích mạnh tình trạng vi phạm quyền tự do ngôn luận tại Cam Bốt.
Bên cạnh đó, theo báo Phnompenh Post ra ngày 30/9, Pnompenh đã quyết định xem xét dự thảo luật lần bốn về qui chế đối với các tổ chức phi chính phủ, để thay cho dự thảo lần ba, vốn bị công luận phê phán quyết liệt.
Thông tín viên Phạm Phan tường trình từ Phnompenh.
1 / Nội dung chính trong đánh giá của một chuyên gia cao cấp của Liên Hiệp Quốc về tình trạng tự do ngôn luận tại Cam Bốt
Trong kỳ họp tuần trước của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ tại Geneva, báo cáo viên phụ trách về nhân quyền tại Cam Bốt là Giáo Sư Surya Subedi lại lên tiếng phê bình về tình trạng nhân quyền ở Cam Bốt, đặc biệt về tình trạng hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân do chính quyền áp đặt. Theo các phát biểu của ông Subedi thì tình hình hiện nay không đồng bộ, có một số lĩnh vực tiến triển, nhưng cũng có một số mặt yếu kém, suy thoái. Về quyền tự do ngôn luận, ông Subedi nói rằng: sự bày tỏ ý kiến của những người thuộc phe đối lập, các luật sư, và đại diện của những tổ chức xã hội dân sự đang trong tình trạng xấu đi.
Trong hệ thống tư pháp, các thẩm phán, công tố viên có cách hành xử khắc nghiệt hơn, luật pháp của Cam Bốt hiện nay, theo ông Subedi, chỉ tạo thuận lợi cho chính quyền chứ không đối xử bình đẳng, như việc chính quyền đưa ra các cáo buộc phỉ báng, thông tin sai lạc hay ngụy tạo thông tin để buộc tội những người mạnh dạn lên tiếng chỉ trích việc làm sai trái của chính quyền. Theo báo cáo viên Subedi, chính quyền không nên ghép các tội này vào tội hình sự. Không phải chỉ các nhân vật đối lập hay những người hoạt động cho các tổ chức xã hội dân sự nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền mới bị hạn chế quyền tự do ngôn luận, mà ngay ở bên trong nghị trường Quốc Hội, đặc biệt là những dân biểu không thuộc đảng cầm quyền, mỗi khi lên tiếng phê bình phải thận trọng từng lời phát biểu, theo lời ông Subedi, do vì có thể rơi vào trường hợp bị chính quyền viện dẫn là vu khống lãnh đạo quốc gia.
2/ Thêm chi tiết về dự luật liên quan đến việc đăng ký hoạt động của các tổ chức phi chính phủ NGO, bị giới hoạt động bảo vệ nhân quyền chỉ trích, coi như là một can thiệp của chính quyền nhằm bóp chẹt xã hội dân sự Trong khi phê bình sự hạn chế quyền tự do ngôn luận, ông Surya Subedi lại khen ngợi quyết định mới đây của chính quyền trong việc sẽ xem xét lại dự thảo luật liên hệ đến các tổ chức Phi Chính Phủ, gọi tắt là NGO. Dự thảo luật này đang được Bộ Nội Vụ duyệt lại trước khi đưa qua Quốc Hội thảo luận và thông qua. Trước đây, khi chính quyền dự định ban hành thành luật chính thức thì đã bị các tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền chỉ trích, vì họ cho rằng, nếu một khi thành luật, nó sẽ giúp cho chính quyền mạnh tay giải tán các tổ chức NGO đã lên tiếng phê bình chính quyền. Nguyên nhân để chính quyền dự tính ban hành một luật mới ngăn cấm các tổ chức NGO hoạt động là do các sự việc liên hệ đến dự án trùng tu hệ thống hỏa xa Cam Bốt được Ngân Hàng Phát Triển Á Châu và Cơ Quan Viện Trợ Phát Triển của Úc tài trợ có tổng trị giá khoảng 144 triệu Mỹ Kim. Khi thực hiện việc trùng tu đường xe lửa thì phải di chuyển nhiều gia đình cư trú dọc theo đường rày đi nơi khác sinh sống. Công tác di chuyển và đền bù cho dân do Bộ Tài Chính thực hiện. Tuy nhiên hoạt động của Bộ Tài Chính do ông Keat Chhon cầm đầu đã bị nhiều tổ chức xã hội dân sự chỉ trích.
Các lý do chính được nêu lên trong vấn đề này là, Bộ Tài Chính đền bù không thỏa đáng, khu đất dân đang sống có giá trị cao nhưng lại được bồi thường với giá rẻ. Hai là khu vực tái định cư không bảo đảm an toàn cho sinh hoạt hàng ngày. Vì lời chỉ trích này, nên Bộ Trưởng Keat Chhon đã viết bức thư ghi ngày 17/6 đệ trình lên Thủ Tướng Hun Sen với lời thỉnh cầu đóng cửa các tổ chức NGO, nếu không dự án đường hỏa xa sẽ bị Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đình chỉ. Và ngày 19/6, ông Hun Sen đã chấp thuận đề nghị này. Sau nhiều ý kiến khác nhau nổi lên quanh vấn đề này, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu có yêu cầu Bộ Trưởng Keat Chhon xác minh nội dung bức thư, tuy nhiên, theo báo mạng Phnom Penh Post ghi ngày 30/9 thì Bộ Tài Chính đã không trả lời Ngân Hàng Phát Triển Á Châu. Sự kiện này không khác gì chuyện trục đuổi cư dân tại hồ Boeung Kak, khi Ngân Hàng Thế Giới cảnh báo, nếu chính quyền tiếp tục cưỡng bức dân đi khỏi nơi họ đang sống thì Ngân Hàng Thế Giới sẽ ngưng viện trợ và cho mượn tiền. Chỉ vài ngày sau khi có cảnh báo, đích thân Thủ Tướng Hun Sen ra lịnh cho Ủy Ban Thành Phố Phnom Penh phải cấp đất đầy đủ cho số người bị trục đuổi.
3/ Đàn áp tự do ngôn luận tại Cam Bốt trong thời gian gần đây
Trong phát biểu hôm thứ Tư tuần trước tại khóa họp của Hội Đồng Nhân Quyền, ông Subedi đã nêu lại trường hợp một nhân viên của LHQ bị tù giam đến 6 tháng chỉ vì “phạm cái tội” là in các thông tin trên mạng sau đó gởi cho đồng nghiệp của bà đọc để biết. Theo ông Subedi đây là hành động đàn áp quyền tự do ngôn luận của người dân. Từ nhiều năm nay, các tiếng nói đối lập không có không gian phát triển. Người đứng đầu đảng đối lập lớn nhất ở xứ Chùa Tháp là ông Sam Rainsy hiện còn bôn đào ở Pháp để tránh thi hành án tù nhiều năm do tòa án tuyên phạt, do vì ông đã nói những điều chính quyền không cho nói, liên hệ đến tranh chấp đất với nhà nước Việt Nam. Chính quyền biện giải rằng sự ổn định quốc gia là tiên quyết để phát triển, những người đối lập hay các tổ chức nhân quyền phải biết tình hình dân chủ nơi đây khác với các nước Phương Tây.
Theo lập luận của chính quyền, người chỉ trích chỉ thấy một mặt của sự việc chứ không có cái nhìn toàn diện, chỉ vạch cái sai chứ không khen cái đúng, vì thế chỉ trích đã làm mất hòa khí và chậm sự phát triển của quốc gia. Trong khi đó lập luận của người bảo vệ nhân quyền hay hoạt động đối lập thì cần phải có sự phát triển đồng bộ, nhân quyền là căn bản, và quyền sống, cũng như quyền tự do chính trị phải được luật pháp tôn trọng bình đẳng. Và hiện nay, không phải chỉ những người bên ngoài Đảng Nhân Dân đương quyền mới bị bắt giữ hay bị đàn áp. Theo báo chí Phnom Penh, chỉ trong thời gian ngắn gần đây, có đến 4 nhân vật cao cấp thân cận với Chủ Tịch Đảng Nhân Dân kiêm Chủ Tịch Thượng Viện là ông Chea Sim đã bị cảnh sát bắt giữ với những tội danh khác nhau như lường gạt hay ngụy tạo.
Mới nhất là vụ ngày 28/9, bà Pheng Kunthea Borey, 56 tuổi bị bắt tại tỉnh Koh Kong khi sắp vượt qua biên giới Thái tìm chỗ trốn tránh. Bà này đứng đầu Vụ Nghi Lễ cho Chủ Tịch Chea Sim. Các vụ bắt giữ gây xôn xao này là những vụ đàn áp quyền tự do ngôn luận như thường xảy ra trước đây hay là mở đầu cho đợt thanh trừng mạnh tay trong nội bộ đảng cầm quyền để củng cố quyền lực cho vị Thủ Tướng kiêm Phó Chủ Tịch đảng là ông Hun Sen?
Sự kiện này có thể đặt người cầm đầu Cam Bốt ở vị thế thêm thù bớt bạn hay không? Nhiều người đang theo dõi diễn biến mới này. |