“Đất nước còn trong tay của Ngưòi Quốc Gia thì còn tất cả. Để đất nước lọt vào tay của Người Cộng sản thì mất tất cả.”
(Bài phát biểu của ông Triệu huỳnh Võ, nguyên Phụ Tá Đặc biệt Tổng Trưởng Bộ Dân Vận Chiêu Hồi tại Lễ giổ cố Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu tổ chức tại Nhà Thờ Saint Peter ở Sacramento, ngày Chúa Nhật 25 tháng 9 năm 2011 lúc 12 giờ trưa.) Kính thưa Phu Nhân cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Kính thưa quí vị trong Ban Tồ chức, Kính thưa quí vị quan khách
|
Tháng 9 năm 2011 là tháng lễ giỗ thứ mười của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Khác với mọi năm, tháng 9 năm nay là tháng, trong nước cũng như ngoài nước, đang rầm rộ có những cuộc biểu tình nổi lên lên án công hàm của Thủ Tướng Cộng sản Phạm Văn Đồng đã ký ngày 14-9-1958, thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Cộng.
Trong thời điểm năm 1958, chúng ta không thấy có dấu hiệu áp lực nào của Tàu Cộng trên vùng biển đông hay trên hai quần đảo nầy và cũng chưa có cuộc giao tranh ác liệt nào xảy ra giữa hai miền Nam, Bắc ở VN. Nhưng đảng CS Việt Nam, do Hồ Chí Minh lãnh đạo, vì muốn tìm sự ủng hộ của Tàu Cộng trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam sau nầy, đã làm ngơ để cho chúng giành lấy quyền kiểm soát trên hai quần đảo nói trên.
Hôm nay, tôi xin đưa vấn đề nầy ra để chứng minh sự đối nghịch giữa quyết tâm bảo vệ đảo Hoàng Sa của nhà lãnh đạo miền Nam Việt Nam, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, và dã tâm dâng hiến đảo này cho Trung Cộng của tập đoàn lãnh đạo Cộng Sản Miền Bắc.
Thật vậy, vào sáng ngày 16-1-1974, đúng vào lúc các tàu chiến của Trung Cộng, ngụy trang là tàu đánh cá, xuất hiện quanh khu vực đảo Hoàng Sa và khi Tư Lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên Hải, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đưọc khẩn báo, thì cũng trùng vào dịp Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đang đi kinh lý ở miền Trung. Vì thế, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đã có dịp phúc trình ngay với Tổng Thống trong bữa ăn tối hôm đó tại Bộ Chỉ Huy I Tiếp Vận ở Mỷ Khê. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã chỉ thị cho Phó Đề Đốc Thoại chuẩn bị thuyết trình chi tiết nội vụ vào 8 giờ sáng ngày hôm sau tại văn phòng của Tư Lệnh Hải quân Vùng I để ông có quyết định thích đáng. Sau khi nghe thuyết trình vào sáng ngày 17-1-1974, Tổng Thống Thiệu đã tự tay thảo chỉ thị rồi trao cho Phó Đề Đốc Thoại và nói ‘Anh Thoại, đến đây, đọc trước mặt tôi xem có gì không rõ ràng, cho tôi biết ngay từ bây giờ’. Hiện diện trong phòng họp hôm đó còn có Trung Tướng Lê Nguyên Khang, Tổng Tham Mưu Phó; Trung Tưởng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đòan I; và, Chuẩn Tướng Trần Đình Thọ, Trưởng Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu.
Thưa quí vị, Theo như tường thuật của Phó Đề Đốc Thoại trong cuốn hồi ký ‘Can Trường Trong Chiến Bại’ thì Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, sau khi trao thủ bút cho ông, có hỏi các vị tướng lãnh hiện diện có ý kiến gì không. Vì không ai trả lời, nên ông nói tiếp ‘Chúng ta không để mất một tấc đất nào cả’(trang 162).
Thưa quí vị, Chính trong tinh thần không thể để mất một tấc đất nào nên,trong thủ bút nói trên, ông đã ra lệnh trực tiếp cho Phó Đề đốc Thoại là, nếu sau khi áp dụng các biện pháp ôn hòa, từ việc mời các chiến hạm Trung Cộng ra khỏi lảnh hải VN, đến việc nổ súng cảnh cáo trước mũi tàu của họ mà không có kết quả thì Phó Đề Đốc Thoại được ‘toàn quyền sử dụng vũ khí để bảo vệ sự toàn vẹn lảnh thổ VNCH’(trang 163). Cùng lúc, Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu đã ra lệnh cho Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, một mặt cho họp ngay Hội Đồng Nội Các để tìm mọi phương cách phản đối với quốc tế việc Trung Cộng xâm phạm lãnh hải VN, mặt khác ra lệnh cho các Tòa Đại Sứ VN tại các quốc gia trên thế giới lên tiếng minh xác về chủ quyền của VNCH trên đảo Hoàng Sa.
Và, như mọi người đã biết, khi mà mọi biện pháp khuyến cáo ôn hòa không có hiệu quả, một trận hải chiến tại vùng đảo Hoàng Sa đã xảy ra, giữa Hải quân Quân Lực VNCH và Hải quân Trung Cộng. Thật vậy,vào ngày 19-1-1974.trước việc tàu chiến của Trung Cộng ngoan cố không chịu rút lui mà còn có thái độ khiêu khích bằng cách cho tàu chạy chận tàu Hải quân ta, nên lực lượng Hải Đoàn Đặc nhiệm của ta được điều động đến ứng chiến đã đồng loạt khai hỏa trước gây nhiều tổn thất lớn cho địch. Trận hải chiến kéo dài khoảng 30 phút rồi ngưng. Chiến hạm VN không đuổi theo tàu địch và chiến hạm của Trung Cộng cũng không đuổi theo tàu của VN.
Sau đây là tổng kết thiệt hại của đôi bên trong trận hải chiến ngày 19-1-1974.
Về phiá Hải quân Trung Cộng. - Hộ tống hạm Konstat 274. Bị đánh chìm. Vì đây là soái hạm, nên Đại Tá Hạm Trưởng Quang Đức bị tử trận cùng toàn bộ tham mưu trên tàu gồm Đô Đốc Phương Quang Kính, Tư Lệnh Phó Hạm Đội Nam Hải; 4 Đại Tá, 6 Trung Tá, 2 Thiếu Tá, 7 sỉ quan cấp úy và một số đoàn viên. - Hộ tống hạm Konstat 271. Bị thiệt hại nặng, phải ủi bải, sau đó phải phá hủy. Đại Tá Hạm Trưởng Vương kỳ Uy, tử trận. - Trục lôi hạm số 389. Bị hư hại nặng. Chỉ huy tàu là Trung Tá Triệu Quát, tử thương. - Trục lôi hạm số 396. Bị hư hại nặng. Chỉ huy là Đại Tá Diệp Mạnh Hải, tử trận.
Về phía Hải quân VNCH. - Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ10). Bị chìm. Thiếu Tá Hạm Trưởng Nguỵ Văn Thà cùng 24 chiến sĩ khác hy sinh , 26 chiến sĩ mất tích. Đại Úy Hạm Phó Nguyễn Thành Trí, tử thương trên xuồng cao su sau khi chiến hạm bị chìm. - Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ4). Do Trung Tá Vũ Hữu San chỉ huy. Bị hư hại. Có hai chiến sĩ tử thương. - Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ5). Do Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh làm Hạm Trưởng. Bị hư hại. Có hai chiến sĩ hy sinh. Tuần dương hạm nầy được coi là soái hạm vì có sự hiện diện của Đại Tá Hà Văn Ngạc, người được Phó Đề Đốc Thoại chỉ định làm Sĩ quan Chiến Thuật để trực tiếp chỉ huy trận hải chiến. - Tuần dương hạm Lý Thưởng Kiệt (HQ 16). Do Trung Tá Lê Văn Thự chỉ huy. Có 1 chiến sĩ hy sinh và 14 chiến sĩ khác trôi dạt trên xuồng cao su về Qui Nhơn. - Hai nhân viên người nhái tử thương trên hải đảo. Sang ngày hôm sau, 20-1-1974, một hải đội hùng hậu của Trung Cộng, với hơn 10 chiến hạm được tăng viện, đã đổ quân tràn ngập lên hai đảo Cam Tuyền và Hoàng Sa. Họ bắt giữ nhân viên đài khí tượng, địa phương quân và biệt hải trên đảo Hoàng Sa. Tồng cộng có 48 người bị bắt làm tù binh và được đưa về tỉnh Quảng Châu. Tất cả đều được trao trả lại cho VNCH qua Hội Hồng Thập Tự quốc tế tại Hồng Kông.
Liền sau khi hay tin trận hải chỉến đã xảy ra ở Hoàng Sa, Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, đang kinh lý tại Phan Rang,liền triệu tập ngay một phiên họp đặc biệt của Hội Đồng An Ninh Quốc gia tại Nhà mát của ông ở bải biển Ninh Chữ, đồng thời cho gọi Tổng Trường Dân vận Chiêu hồi, ông Hoàng đức Nhã,ra hội kiến để hoạch định chiến dịch phản đối hành động xâm lăng của Trung cộng. Tôi xin mượn lời của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, trong cuốn ‘Can Trường Trong Chiến Bại’ để đánh gía trận hải chỉến nầy cũng như để đánh giá quyết định lịch sử của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong quyết tâm bảo vệ chủ quyền của VNCH trên đảo Hoàng Sa trước cuộc tấn chiếm của Trung Cộng 37 năm về trước: “Sự hy sinh của các thủy thủ can trường vẫn còn là một bằng chứng bằng xương bằng máu để con cháu chúng ta tranh đấu trước tòa án quốc tế để đòi hỏi Trung cộng phải trao trả các đão nầy cho Việt Nam.
Ai là người VN có quyền hảnh diện là trận hải chiến Hoàng Sa là một trận hải chiến duy nhất của VN và của thế kỷ, chống ngoại xâm, và bảy thế kỷ sau khi tướng Trần Hưng Đạo đánh bại quân Mông Cổ từ phương Bắc trên mặt nước.
Còn những ai nghĩ là VNCH còn lệ thuộc Mỹ phần nào thì đây là bằng chứng rõ rệt là việc tấn công lực lượng Trung cộng là hoàn toàn do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh, không có sự đồng ý của Hoa Kỳ và không có sự giúp đở của Hoa Kỳ dù là nhân đạo tối thiểu như vớt người trôi trên biển cả.”(trang 181 và 182.)
Thưa quí vị, Trong ngày giỗ thứ 10 của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hôm nay, và trước bối cảnh tình hình đất nước Việt Nam hiện tại, hơn bao giờ hết, chắc hẳn mọi người trong chúng ta đếu cảm nhận sâu xa được lời xác quyết của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: “Đất nước còn trong tay của Ngưòi Quốc Gia thì còn tất cả. Để đất nước lọt vào tay của Người Cộng sản thì mất tất cả.”
Trân trọng kính chào quí vị Sacramento, 25 tháng 9, năm 2011 |