Home Tin Tức Thời Sự Trung Quốc từng bước thoát khỏi sự phụ thuộc Nga về vũ khí và năng lượng

Trung Quốc từng bước thoát khỏi sự phụ thuộc Nga về vũ khí và năng lượng PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Hai, 03 Tháng 10 Năm 2011 14:49

« không có sự tin tưởng chính trị thực sự giữa Trung Quốc và Nga ».

 

Tổng thống Medvedev và chủ tịch Hồ Cẩm Đào cuối 2009 (Reuters)

Quan hệ Trung Quốc - Nga trong lĩnh vực vũ khí và năng lượng đang chuyển đổi theo chiều hướng có lợi cho Bắc Kinh.

 Sau một thời gian dài phụ thuộc vào Nga, giờ đây, Trung Quốc đang vươn lên khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Cũng theo SIPRI, yếu tố Hoa Kỳ làm cho quan hệ Trung - Nga thêm phức tạp.

 Trên đây là nhận định của Học viện Quốc tế Nghiên cứu Hòa bình Stockholm - SIPRI *, trong bản báo cáo mang tựa đề « Quan hệ An ninh và Năng lượng của Trung Quốc với Nga » được công bố hôm nay, 03/10/2011.
 
Các chuyên gia của học viện SIPRI khẳng định, với việc giảm phụ thuộc vào xuất khẩu vũ khí của Nga và đa dạng hóa các đối tác cung ứng nhiên liệu, Trung Quốc nay đã giành ưu thế trong quan hệ với Nga.
 
Trong lĩnh vực vũ khí, kể từ năm 2007, ảnh hưởng của Nga đối với Trung Quốc đã giảm đáng kể.

Trong những năm sau khi Liên Xô tan rã, 90% nhập khẩu vũ khí thông thường của Trung Quốc đến từ Nga. Nhưng, trong năm 2007, tỷ lệ này đã giảm một nửa so với năm 2006 và tiếp tục giảm trong các năm 2009, 2010.
 
Đồng thời, thị trường Trung Quốc ngày càng thu hẹp trong xuất khẩu vũ khí thông thường của Nga, từ 40% xuống còn 10% trong năm 2010.
 
Báo cáo của SIPRI nhận định, hiện nay, Trung Quốc « quan tâm trước tiên đến việc có được công nghệ để phát triển ngành công nghiệp vũ khí của mình » và ngành này « ngày càng có khả năng đáp ứng được các nhu cầu trong nước và xuất khẩu ».
 
Thế nhưng, theo ông Paul Holtom, một trong các tác giả bản báo cáo, thì « Nga không sẵn sàng cung cấp cho Trung Quốc những công nghệ và vũ khí tiên tiến, chủ yếu là vì lo ngại Trung Quốc sao chép công nghệ Nga và cạnh tranh với Nga trên thị trường vũ khí quốc tế ». Do vậy, quan hệ Bắc Kinh – Matxcơva trong lĩnh vực này là cạnh tranh, ganh đua, hơn là hợp tác với nhau.
 
Về năng lượng, năm 2009, Nga dẫn đầu thế giới về sản lượng dầu lửa và đứng thứ hai về sản lượng khí đốt.

Trung Quốc có 4000 km đường biên giới chung với Nga và vào năm 2010, đã vượt Mỹ để trở thành nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới.

Mặc dù hai bên có những điểm bổ xung cho nhau, nhưng « so với tình hình cách nay 5 năm, tỷ trọng dầu thô của Nga đã giảm trong tổng nhập khẩu dầu lửa của Trung Quốc ».
 
Hiện nay, Ả Rập Xê Út là nước cung cấp hàng đầu về dầu lửa cho Trung Quốc, đứng trên Angola, Iran và Oman. Đồng thời, Bắc Kinh cũng có thêm các đối tác mới bán khí đốt tại Trung Á, làm « suy yếu nghiêm trọng vị thế của Nga ».
 
Báo cáo của SIPRI còn chú ý tới yếu tố Hoa Kỳ làm cho quan hệ Trung - Nga thêm phức tạp.
 
Cả Trung Quốc và Nga thường có lập trường chung trên một số vấn đề quốc tế lớn, ví dụ cả hai nước đều chống lại một thế giới đơn cực, hoặc đe dọa dùng quyền phủ quyết nghị quyết của Hội Đồng Bảo An trừng phạt Syria. Đồng thời, mỗi nước lại duy trì mối quan hệ song phương ưu tiên với Mỹ. Đến mức mà tại Bắc Kinh và Matxcơva, vẫn có những chính trị coi bên kia là « mối đe dọa chiến lược về lâu dài ».
 
Bà Linda Jakobson, người tham gia soạn thảo bản báo cáo của SIPRI nhận định, quan hệ đối tác Trung – Nga có nhiều vấn đề.

Trên thực tế, hợp tác song phương không tốt đẹp và êm ả như các phát biểu hùng hồn của giới lãnh đạo hai nước.

Cả Bắc Kinh và Matxcơva đều có đầu óc thực dụng trong quan hệ với nhau : « Khi các lợi ích tương đồng, Bắc Kinh và Matxcơva hợp tác với nhau. Nhưng khi có khác biệt về lợi ích, thì mối quan hệ đối tác chiến lược không còn có ý nghĩa gì nhiều lắm ».

Chuyên gia Jakobson nhấn mạnh, « không có sự tin tưởng chính trị thực sự giữa Trung Quốc và Nga ».
 
* Học viện Quốc tế Nghiên cứu Hòa bình Stokholm – SIPRI được thành lập năm 1966, là một cơ quan nghiên cứu độc lập, có trụ sở tại Stokholm. 50% chi phí hoạt động của Viện do Nhà nước Thụy Điển tài trợ. SIPRI chuyên nghiên cứu về các cuộc xung đột, công nghiệp quân sự, kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị.