Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 3 Tháng 10 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 3 Tháng 10 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân   
Thứ Hai, 03 Tháng 10 Năm 2011 09:05

Ngành quản trị kinh doanh châu Á hấp dẫn sinh viên phương Tây

 
Báo Financial Times đánh giá cao các bằng MBA của Châu Á (DR)

Trước đây, khi muốn theo học ngành quản trị kinh doanh, sinh viên châu Á thường tìm đến Hoa Kỳ hay Tây Âu. Xu thế này phải chăng đang đảo ngược, và châu Á đang trở thành lò đào tạo cho phương Tây. Đối với nhật báo Pháp Le Figaro thì thực tế đang chuyển biến theo chiều hướng đó.

 Trong bài viết mang tựa đề « Bằng quản trị kinh doanh MBA vào kỷ nguyên Châu Á », Le Figaro ghi nhận hiện tượng các trường thưong mại kinh doanh ở châu Á, từ Singapore, Ấn Độ, cho đến Trung Quốc, đang ngày càng thu hút sinh viên quốc tế và cả những người trong giới điều hành, muốn trau dồi tay nghề. Le Figaro minh hoạ với trường hợp một số người Pháp.
 
Bài báo mở đầu với nhận xét là từ nhiều năm qua, giới lãnh đạo Pháp đã nhìn châu Á như vùng đất hứa để họ phát triển sản xuất kinh doanh, nhưng giờ đây phải chăng là trên mặt phát triển kỹ năng cũng thế ?
 
Le Figaro nêu ví dụ của Sébastien Pervis, một kỹ sư làm việc 7 năm cho hãng xe hơi Renault ở Pháp và Hàn Quốc. Ông đã chọn đi học thêm ở Trung Quốc. Ông Pervis đã từng thực tập ở Thượng Hải vào năm 2000, và đánh giá rằng Trung Quốc là một nước tạo nhiều cơ hội kinh doanh. Và khi quyết định theo học MBA để mở rộng kỹ năng của mình thì ông đã chọn trường châu Á.

 Hiện nay theo Le Figaro, Sébastien Pervis theo khoá đào tạo ở trường China Europe International Business School (CEIBS).
 
Viện INSEAD của Pháp, thành lập ở Singapore từ 10 năm qua, nêu bật sức thu hút của châu Á qua kinh nghiệm của mình. Trường của họ lúc mới mở ra ở Singapore chỉ thu hút 50 sinh viên, nhưng hiện nay đã có đến 400 sinh viên theo học.

 Trong trường ở Pháp, tại Fontainebleau, số sinh viên cũng chỉ có 600 mà thôi, và phân nửa sinh viên theo học MBA, thì vẫn muốn trước tiên đến Singapore.
 
Theo Le Figaro, hiện nay các trường lớn châu Á đã sang tuyển sinh thẳng ở các nước phương tây, hầu mở rộng địa bàn. Trong số này, 4 trường lớn là CEIBS, University of Science and Technology ở Hồng Kông, Nayang Business School ở Singapore, và Indian School of Business, từ năm ngoái, đã liên kết với nhau để thăm dò thị trường. Chủ bài của họ là bằng MBA do họ cấp phát đã được nhật báo Anh Financial Times đánh giá cao trong bảng xếp hạng, trong lúc chi phí iá đào tạo thấp vô địch nếu so sánh với các chương trình của Mỹ. Cho nên họ dễ dàng thu hút sinh viên.
 
Julien Levrier, một kỹ sư người Pháp làm việc cho tập đoàn Bosch ở Đức từ 2006, đã chọn đến tu nghiệp tại trường Ấn Độ, Indian School of Business, vào năm ngoái. Chương trình của trường đã hấp dẫn Julien, vì trình độ cao của trường, nhưng một phần cũng vì anh đã từng làm việc với người Ấn, được đào tạo ở đây còn có thuận lợi nhờ hiểu biết văn hoá, cho nên sẽ dễ dàng thăng tiến.
 
Chính quyền Nhật khuyến khích dân trở về vùng Fukushima
 
 
Theo báo Les Echos, sau tai nạn nhà máy điện hạt nhân dân cư các vùng chung quanh đã phải di tản do phóng xạ cao.

Nhưng thứ Bảy vừa qua, chính quyền Nhật đã trấn an, cho biết là đan chúng có thể trở về lại nhà một cách an toàn, nhiệt độ ở các lò phản ứng đã xuống dưới 100 độ C, và không còn mối đe doạ nào.
 
Tuy nhiên theo Les Echos, mức phóng xạ vẫn cao gấp 4 lần so mực độ cho phép. Người dân thì vẫn thận trọng, cho nên chính quyền những vùng liên can dự trù cho họ về dần dần từ đây đến cuối năm 2012.
 
Theo tờ báo, nhiều tập đoàn điện thoại di động Nhật hiện nay đã nghĩ ra cách cho khách hàng của họ có thể dò phóng xạ qua điện thoại di động của mình.

 Tập đoàn NTT DoCoMo tuần này sẽ giới thiệu một bao điện thoại có gắn thiệt bị đo độ phóng xạ, người sử dụng có thể đọc ngay kết quả trên màn ảnh điện thoại.
 
Miến Điện : Tân chính quyền đình chỉ một đề án thủy điện của Trung Quốc 
 
Báo Le Monde nhìn sang Miến Điện, đã rất chú ý đến một đề án xây dựng đập thủy điện của Trung Quốc, bị đánh giá là nguy hiểm đối với môi trường. Đề án này cũng đang gây chia rẽ trong nội bộ.
 
Mở đầu bài báo, đặc phái viên Le Monde gọi đề án thủy điện đồ sộ Myitsone một cách hóm hỉnh là « Con đập của sự bất hoà ». Đây là đập do Trung Quốc tài trợ, xây dựng trên sông Irrawaddy, miền Bắc Miến Điện, và có thể thay đổi nhiịp độ cải tổ mà chính quyền mới của đất nước này đang thực hiện.
 
Bài báo nhắc lại là đề án đã gây bất đồng trong nội bộ từ giữa tháng 9, và đến thứ Sáu vừa qua, quyết định của Tổng thống Thein Sein, đình chỉ việc xây dụng đập, đã cho thấy rõ nét hơn nữa sự đọ sức giữa cánh thực tiễn và cánh ‘cứng rắn’.
 
Trung Quốc đầu tư 3,6 tỷ đô la cho công trình. Nếu xây dựng đập thì một vùng rộng bằng Singapore sẽ bị xóa sổ, vì bị ngập nước. Điều làm cho mọi người lưu ý là tuyên bố của tổng thống Miến Điện khi cho biết quyết định đó là « phải tôn trọng ý muốn của người dân vì chính phủ được dân bầu lên, phải lưu ý đến nguyện vọng của dân chúng ».
 
Tác giả bài báo cho là những nhà quan sát vốn hoài nghi về chế độ Miến Điện có cảm giác như đang nằm mơ. Nhưng những tuần lễ gần đây ngày càng có nhiều dấu hiệu cởi mở, cho thấy cánh thực tiễn đang thắng thế. Cuộc tranh cãi về con đập mang tính chất biểu tượng cao.
 
Sông Irrawaddy dài 2170 cây số là mạch sống người dân Miến Điện, đập ngăn sông là một vấn đề rất tế nhị. Đập do Trung Quốc đầu tư sẽ càng làm tăng thêm lòng phẫn uất của người Miến Điện đối với Trung Quốc. Hơn nữa việc xây dưng đập sẽ di dời hàng chục ngàn người bộ tộc kachin sống trong vùng, và lực lượng du kích Kachin, KIA, chống chính quyền, đã cực lực phản đối đề án này.
 
Theo Le Monde, tổng thống Thein Sein, trên vấn đề con đập, đã đối đầu gay gắt với vị phó tổng thống nặng ký, tướng Tin Aung Mint Oo, thân cận với cựu lãnh đạo khét tiếng Than Shwe. Cuộc đối đầu giữa hai phe đến mức mà ngay trong chính quyền người ta lo ngại sẽ tác động đến những cải tổ mà tổng thống Miến Điện muốn thực hiện.
 
Bài báo nhắc lại tập đoàn năng lượng Trung Quốc China Power Investment Corporation đã ký vào năm 2007với chính quyền cũ của ông Than Shwe, một đề án xây dựng 7 con đập ở mièn Bắc Miến Điện trong đó có đập Myitsone. Tập đoàn đã cho đánh giá tác động về môi trường, nhưng đã giấu nhẹm kết quả, ghi trong báo cáo dầy 945 trang.
 
Theo 80 chuyên gia Trung Quốc và Miến Điện thì không thể xây dựng đập Myitsone do tác hại quá lớn đối với môi sinh.

Căn cứ theo báo cáo của các chuyên gia thì đề án hoàn toàn không còn giá trị nữa. Theo tính toán phiá Trung Quốc, 90% điện do đập thủy điện này sản xuất sẽ bán về Trung Quốc.
 
Bài báo kết luận : cho dù Miến Điện có được thu nhập do bán điện cho người láng giềng, nhưng quyết định ngoạn mục của tổng thống Miến Điện, một đồng minh của Trung Quốc đã đặt lại toàn bộ vấn đề.
 
Nỗi lo ngại của người Thiên chúa giáo tại các nước Ả Rập
 
Khủng hoảng tài chính khiến các ngân hàng Pháp thay đổi mô hình hoạt động, chính trường Pháp trước cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, cũng như là diễn tiến tình hình ở Libya, Syria, đây là những hồ sơ lớn của báo giới Pháp ngày đầu tuần này.
 
Le Monde, Le Figaro, cũng như Libération, đều dành tựa lớn cho chính trường Pháp. Libération nêu kết quả thăm dò của tờ báo, với con số to đập mắt trên trang đầu : 68% (người được hỏi) đánh giá là ông Sarkozy sẽ thất cử, trong lúc mà Le Monde phân tích là ông Sarkozy đang khéo léo vận động tranh cử tuy chưa phải là ứng viên.
 
Những diễn tiến ở Libya, Syria cũng rất được theo dõi hôm nay.

Nếu nhìn chung các báo theo dõi chiến sự ở Syrte (Libya), hoặc việc phe nổi dậy xâu xé nhau ở Tripoli, hay là sự kiện phe đối lập Syria đang tập hợp lực lượng, siết chặt hàng ngũ, thì riêng tờ La Croix nêu bật nỗi hoang mang của người Thiên chúa giáo tại các vùng đất Ả Rập bị xáo trộn. Thiểu số về mặt tín ngưỡng, họ rất lo ngại sự vươn lên các đảng Hồi giáo.
 
La Croix trích lời cha Paolo Dall’oglio, đã sống ở Syria từ hàng chục năm qua giải thích tại sao những người Thiên chúa giáo ở đây đứng bên ngoài cuộc nổi dậy chống lại chế độ Assad. Họ rất lo ngại ‘dân chủ’. Một khái niệm rất mơ hồ đối với người Syria, từ trong gia đình ra đến xã hội.
 
Giờ đây họ đứng trước một sự chọn lựa rất khó khăn : người ta kêu gọi họ tin tưởng vào một chế độ dân chủ mà họ không biết, và họ có thể mất tất cả sau khi chế độ Assad sụp đổ. Cho nên phần đông chọn con đường tiếp tục ủng hộ một chế độ đã bảo vệ họ, hơn là đánh cuộc trên những giá trị trừu tượng nặng tính lý thuyết.
 
Trong phong trào đòi dân chủ hiện nay tại Syria, theo phân tích của cha Paolo, những người đấu tranh xuống đường, phần lớn là người hệ phái sunni, chiếm đa số ở quốc gia này. Trong mắt họ, dân chủ đồng nghĩa với việc thành phần đa số nắm quyền. Cho nên các nhóm thiểu số rất lo ngại về sự thống trị này.
 
Họ sợ rằng nếu các đảng Hồi giáo lên nắm quyền, thì quyền tự do của các tôn giáo khác sẽ bị tước đoạt. Nhiều người Thiên chúa giáo đã tìm cách rời khỏi xứ, không chỉ tại Syria, mà cả tại những quốc gia Ả Rập khác, nơi mà cách mạng đã thành công như Ai Cập.