Home Tin Tức Thời Sự Trung Quốc gây áp lực lên Miến Điện về dự án đập thủy điện Myitsone

Trung Quốc gây áp lực lên Miến Điện về dự án đập thủy điện Myitsone PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Hà   
Chúa Nhật, 02 Tháng 10 Năm 2011 15:26

Đây là một dự án do Trung Quốc tài trợ, trị giá 3,6 tỷ đô la.

 

 Người Miến Điện sống tại Malaysia biểu tình tại Kuala Lumpur hôm 22/9/2011 để phản đối dự án thủy điện Myitsone hợp tác với Trung Quốc.
REUTERS/Bazuki Muhammad

Ngày 01/10/11 Bắc Kinh kêu gọi chính quyền Nayppyidaw bảo vệ quyền lợi của các tập đoàn Trung Quốc sau khi Miến Điện đình chỉ dự án xây dựng đập thủy điện Myitsone dưới áp lực của dư luận. Đây là một dự án do Trung Quốc tài trợ, trị giá 3,6 tỷ đô la.

 Trong một thông cáo được công bố vào hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi thúc giục «các nước liên quan bảo đảm về phương diện pháp lý và bảo đảm quyền lợi của các tập đoàn Trung Quốc» tham gia vào dự án xây đập Myitsone. Đây là một dự án « do Trung Quốc và Miến Điện cùng đầu tư và đã được cả hai bên cùng nghiên cữu lý lưỡng ». Do vậy bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng các bên cần «xử lý vấn đề một cách thỏa đáng».
 
Ngày 29/09/11, dưới áp lực của xã hội dân sự, tổng thống Miến Điện Thein Sein thông báo với Quốc hội là chính quyền «lắng nghe nguyện vọng của người dân» và quyết định đình chỉ dự án xây dựng đập thủy điện Myitsone trên con sông Irrawaddy tại bang Kachin.
 
Năm 2006 chính quyền quân sự Miến Điện đã đề nghị xây dựng công trình thủy điện nói trên. Ba năm sau, tập đoàn Asia World Company do quân đội kiểm soát đã ký hợp đồng với công ty Đầu tư Điện lực của Trung Quốc để xây đập.
 
Dự kiến, đập Myitsone dự trù được hoàn thành vào năm 2019, cung cấp 6.000 MW điện, chủ yếu để bán cho Trung Quốc vốn đang phải nhập đến 90 % nhu cầu điện lực.
 
AFP nhắc lại, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quan trọng thứ nhì của Miến Điện và là nhà đầu tư ngoại quốc số 1 tại quốc gia Đông Nam Á này. Trung Quốc cũng là một chỗ dựa quan trọng của Miến Điện cả về phương diện kinh tế lẫn chính trị. Do vậy  Bắc Kinh ít khi công khai bày tỏ thái độ bất đồng với Nayppyidaw.
 
Còn theo nhận định của Reuters, cho dù Miến Điện và Trung Quốc có những mối liên hệ gắn bó nhưng gần đây, đôi bên bắt đầu nghi kỵ lẫn nhau. Bắc Kinh lo ngại trước tình hình bất ổn tại các vùng miền núi tại Miến Điện, sát biên giới hai nước.

 Về phần mình Nayppyidaw bắt đầu hướng tới Ấn Độ để tìm cách giảm bớt mức độ lệ thuộc vào nước láng giềng to lớn nằm sát cạnh là Trung Quốc.