Home Tin Tức Thời Sự HRW kêu gọi Việt Nam thả 15 tín đồ Công Giáo

HRW kêu gọi Việt Nam thả 15 tín đồ Công Giáo PDF Print E-mail
Tác Giả: Terri Dinh   
Thứ Bảy, 01 Tháng 10 Năm 2011 11:49

 Những tổ chức tôn giáo này khó tránh bị gán cho là “phản động”.

NEW YORK 30-9 (TH) - Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền HRW (Human Rights Watch) trụ sở ở New York vừa lên tiếng đòi nhà cầm quyền Hà Nội trả tự do cho 15 tín đồ Công Giáo, phần đông liên quan đến Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam, bị bắt thời gian gần đây.
 

  

15 tín đồ Công Giáo là những người tham gia các hoạt động truyền thông và tôn giáo đã bị bắt từ cuối tháng 7, 2011 đến nay.

 (Từ trên xuống dưới, từ trái sang phải) Trần Vũ Anh Bình, Tạ Phong Tần, Trần Minh Nhật, Thái Văn Dung, Hồ Văn Oanh, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Xuân Anh, Nông Hùng Anh, Lê Văn Sơn, Chu Mạnh Sơn, Trần Hữu Ðức, Ðậu Văn Dương, Hồ Ðức Hòa, Ðặng Xuân Diệu và Nguyễn Văn Oai. (Hình: Blog Thanh Niên Công Giáo)
 

Trong bản tuyên bố phổ biến ngày Thứ Sáu, HRW đòi Hà Nội “cần chấm dứt ngay lập tức việc đàn áp các nhà hoạt động tôn giáo và phóng thích 15 người bị bắt vì đã bày tỏ niềm tin của mình.

Các vụ bắt bớ, chủ yếu nhằm vào các tín đồ Công Giáo Dòng Chúa Cứu Thế, là một vết đen nữa trong bảng thành tích vốn đã nhiều vấn đề của Việt Nam về tự do tôn giáo.”
 
Chiến dịch khủng bố bắt đầu từ ngày 30 tháng 7, khi công an bắt 3 nhà hoạt động Công Giáo tại sân bay Tân Sơn Nhất ngay khi họ vừa từ nước ngoài trở về.

 Rồi 7 tuần lễ kế tiếp, công an tại nhiều địa phương tiếp tục bắt thêm 12 nhà hoạt động tôn giáo nữa.
 
Theo ghi nhận của HRW, đến nay, 10 người đã bị tố cáo tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” và truy tố theo điều 79 bộ luật hình sự với mức án có thể từ 5 đến 15 năm tù đối với người “đồng phạm” và 12 năm đến chung thân hoặc tử hình đối với những người được coi là “tổ chức,” hoặc có hành vi “gây hậu quả nghiêm trọng”.
 
“Những vụ bắt bớ mới nhất nói trên thể hiện mối ác cảm của chính quyền Việt Nam đối với những người muốn tự do thực hành tín ngưỡng của mình bên ngoài sự kiểm soát của chính quyền,” ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách Châu Á của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền phát biểu.

“Hành động của chính quyền đối với những người vận động tự do tôn giáo một cách ôn hòa nói trên là một chỉ dấu khá rõ về tình trạng vi phạm nhân quyền đang gia tăng ở Việt Nam.”

Giáo dân tham gia buổi thắp nến cầu nguyện cho các giáo dân bị nhà cầm quyền bắt giam gần đây. (Hình: Blog Thanh Niên Công Giáo)

 
Tổng số người hoạt động tôn giáo mà một số là cộng tác viên của báo điện tử Truyền Thông Chúa Cứu Thế (www.chuacuuthe.com) hiện đang bị bắt giam và thân nhân của họ không được tiếp xúc gồm Trần Vũ Anh Bình, Tạ Phong Tần, Trần Minh Nhật, Thái Văn Dung, Hồ Văn Oanh, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Xuân Anh, Nông Hùng Anh, Lê Văn Sơn, Chu Mạnh Sơn, Trần Hữu Ðức, Ðậu Văn Dương, Hồ Ðức Hòa, Ðặng Xuân Diệu và Nguyễn Văn Oai.
 
Một số người liên quan đến Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn, một số thân cận với nhà thờ Chúa Cứu Thế ở Thái Hà, Hà Nội. Các nhà thời này đã nhiều lần tổ chức các buổi thắp nến cầu nguyện cho công lý hòa bình và những người bị áp bức bất công.

 Hiển nhiên, trong mắt nhìn của một nhà nước độc tài đảng trị, những tổ chức tôn giáo này khó tránh bị gán cho là “phản động”. Các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn bị cấm xuất cảnh những tháng gần đây mà nhà cầm quyền không nêu ra một lý do gì.
 
Các bản tin liên quan đến các vụ bắt giữ 15 người tín đồ Công Giáo nói trên cho thấy nhà cầm quyền đã không tuân theo các qui định tư pháp của chính chế độ Hà Nội khi bắt giam hay truy tố công dân.
 
Trong số những người bị bắt nói trên, bà Tạ Phong Tần, 43 tuổi, là cộng tác viên của nhiều báo tiếng Việt hải ngoại. Bà có blog “Sự Thật và Công Lý” nơi bà tường thuật rất chi tiết những lần bà bị công an bắt giam trái phép.
 
Bà Tần được tổ chức HRW trao giải thưởng Hellmam-Hammett năm 2011 vì đã dũng cảm dùng ngòi bút phát biểu, phục vụ xã hội bất chấp những nguy hiểm tù tội có thể đến với bà bất cứ lúc nào.
 
Lê Sơn là một cộng tác viên thường xuyên của hai báo điện tử Công Giáo Nữ Vương Công Lý và Truyền Thông Chúa Cứu Thế.
 
Ðề cập đến việc các linh mục Phạm Trung Thành và Ðinh Hữu Thoại của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn bị cấm xuất ngoại, ông Robertson phát biểu là: “Tự do đi lại là quyền cơ bản của con người, được tôn vinh trong Hiến pháp Việt Nam và được bảo hộ bằng các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Qua việc ngăn chặn các lãnh đạo Dòng Chúa Cứu thế ra nước ngoài tham dự các sự kiện tôn giáo, chính quyền Việt Nam đã cho thấy, ở Việt Nam, pháp quyền bị coi rẻ đến mức nào.”
 

 Ông Robertson kêu gọi chính phủ Mỹ cần áp lực mạnh với chế độ Hà Nội, đòi thả hết các người bị giam giữ hay bỏ tù chỉ vì bất đồng chính kiến, phát biểu ôn hòa.
 
“Nhà cầm quyền Việt Nam cần công nhận rằng tự do tôn giáo không có nghĩa là chỉ được tự do hành xử theo cách đã được chính quyền cho phép từ trước rồi mới được làm.”