Home Tin Tức Thời Sự Tổng thống Nga Medvedev giải thích vì sao không tái tranh cử

Tổng thống Nga Medvedev giải thích vì sao không tái tranh cử PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Bảy, 01 Tháng 10 Năm 2011 09:37

'' Hãy để cho người dân quyết định bỏ phiếu cho ai và ai là người có uy tín nhất ''

 
Tổng thống Nga Medvedev trả lời phỏng vấn của truyền hình tại Matxcơva ngày 29/9/11.
REUTERS/Dmitry Astakhov

Vào ngày 24/9, tại hội nghị của Đảng « Nước Nga Thống nhất », Tổng thống Nga Dimitri Medvedev tuyên bố để Thủ tướng Vladimir Putin ra ứng cử Tổng thống năm 2012. Ngược lại, ông sẽ nhận ghế Thủ tướng của ông Putin hiện nay, để trở lại thành người đứng đầu chính phủ, sau khi bầu cử kết thúc.

Hôm qua 30/9, ông Medvedev mới lên tiếng giải thích vì sao ông đưa ra các quyết định này.

 Từ Matxcơva, thông tín viên đài RFI Anastasia Becchio tường trình :
 
Vladimir Putin trở lại điện Kremlin vào năm 2012 : dư luận Nga không còn gì phải nghi ngờ về điều này, cũng như ai cũng biết chắc đảng cầm quyền sẽ thắng cử trong kỳ bầu cử Quốc hội vào tháng 12.

Cuối cùng thì Dimitri Medvedev cũng phải lên tiếng giải thích. Ông cho rằng : « Không ai được bảo đảm về bất cứ điều gì. Làm sao có thể xác định trước được ? Hãy để cho người dân quyết định bỏ phiếu cho ai và ai là người có uy tín nhất ».

Tuy nhiên người dân cũng đã chọn ai là người quyền uy nhất. Chính vì lý do này mà Medvedev đã nhường chỗ lại cho Putin. Và hiển nhiên là theo Medvedev, Thủ tướng Putin là chính trị gia có uy tín nhất.

Ngoài ra ông Medvedev còn đáp lại những lời cáo buộc rằng đảng cầm quyền đang tiến hành bầu cử giả hiệu.

Ông nói : « Chừng nào chúng tôi thỏa thuận với Ziouganov, Jirinovski và lãnh đạo các đảng khác để các đảng này không tham gia tranh cử, thì mới gọi là bầu cử giả hiệu. Đằng này, các đảng ấy đều có tham gia bầu cử. Chỉ có các công dân mới có thể chọn đảng này hay đảng kia để bỏ phiếu. Đấy mới chính là dân chủ ».
 
Nếu như phe cộng sản và phe tự do dân chủ dân tộc chủ nghĩa, hiện đang có mặt trong Nghị viện, có tham gia bầu cử, thì ngược lại, các đảng phái khác sẽ không được ra tranh cử do đã không kịp đăng ký hoạt động. Đó chính là trường hợp của đảng Parnas, một đảng do các cựu thành viên chính phủ thành lập, bị gạt ra ngoài vì lý do kỹ thuật và pháp lý.