Nước Ý vô địch về nghe lén điện thoại
Hình ảnh được dán trên một bức tường ở Milan, với Thủ tướng Silvio Berlusconi trong trang phục của Napoléon điều khiển một cỗ xe ngựa chở các cô gái đẹp. Ảnh chụp ngày 29/9/11. REUTERS/Stefano Rellandini
Để phục vụ cho công tác điều tra, ngành tư pháp của Ý rất chú ý đến biện pháp nghe lén điện thoại.
Đương kim Thủ tướng Silvio Berlusconi cũng đã từng bị nghe lén như thế. Phân tích hiện tượng này, nhật báo Le Figaro có bài viết chạy dòng tựa khá độc đáo :
« Nước Ý vô địch nghe lén điện thoại ».
Tờ báo cho biết, tuần này Quốc hội Ý đã bắt đầu xem xét dự luật hạn chế phát tán và công khai các cuộc nghe lén điện thoại để phục vụ cho công tác điều tra tội phạm của ngành tư pháp. Dự luật này bị « treo » tại Quốc hội từ một năm nay. Việc Quốc hội quay lại thảo luận dự luật được giải thích là do tình trạng nghe lén điện thoại nói trên ngày càng bị lạm dụng. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Eurispes, một viện nghiên cứu xã hội độc lập có uy tín tại Ý, trong vòng 10 năm, đã có đến 30 triệu người Ý bị ngành tư pháp nghe lén điện thoại, một con số vượt xa các nước châu Âu khác. Thủ tướng Berlusconi cũng khổ sở với hiện tượng này. Trong vụ án tuyển dụng và cung cấp gái gọi cho ông, đã có không dưới 10.000 cuộc nói chuyện điện thoại bị ghi âm, và sau đó nội dung được công bố trong hồ sơ công tố. Ông Berlusconi bức xúc cho rằng, ở các nước độc tài họ cũng chẳng làm đến mức đó. Trong một hồ sơ có minh chứng khá đầy đủ, tuần san Panorama đã phác họa « những thủ thuật » mà ngành tư pháp sử dụng, theo đó có nhiều trường hợp vi phạm luật. Chẳng hạn như luật cấm nghe lén điện thoại các nghị sĩ nếu chưa có sự đồng ý trước của Quốc hội, thế nhưng thực tế, thường có nhiều trường hợp ngược lại. Đến mức mà năm 2003 một nghị sĩ đã đề nghị ra luật quy định việc này. Ông cũng đã thẳng thắng nhận định : «Hiến pháp và pháp luật đã bị vi phạm». Theo Le Figaro, hiện tượng nghe lén điện thoại đang làm cho vụ án cung cấp gái gọi liên quan đến ông Berlusconi thêm phức tạp.
Trong quá trình đều tra, 33 cuộc nói chuyện điện thoại di động của ông đã bị nghe lén, và đã được ghi vào trong hồ sơ thẩm tra. Tệ hại hơn là có bằng chứng cho thấy lời nói của ông trong các cuộc điện đàm nói trên đã bị thay đổi nội dung theo hướng bất lợi cho ông. Le Figaro cho biết, ngoài ông Berlusconi, nhiều nhân vật khác cũng bị nghe lén, và đã có xảy ra những vụ sao chép sai nội dung các cuộc điện thoại một cách cố ý. Trước tình hình đó, chuyên gia nghiên cứu Hiến pháp Angelo Bianco cảnh báo cần cấp thiết bảo vệ cuộc sống riêng tư. Chính phủ Miến Điện có thật sự muốn cải tổ ? Gần đây, chính phủ dân sự Miến Điện của Tổng thống Thein Sein đã có nhiều động thái cải cách dân chủ. Báo chí cũng nhiều lần nhắc đến và phân tích vụ việc.
Libération hôm nay có bài tổng kết đề tựa : « Chính phủ Miến Điện chơi chiêu bài hạ nhiệt ». Đầu tiên, tờ báo thống kê lại một số động thái có vẻ tích cực gần đây của chính phủ Thein Sein.
Theo tờ báo, động thái hạ nhiệt đáng chú ý nhất có lẽ là cuộc hội kiến giữa thủ lĩnh phe đối lập, bà Aung San Suu Kyi, và ông Thein Sein tại Phủ tổng thống. Chính phủ cũng để cho bà được thực hiện những chuyến đi thực địa mang đậm chất chính trị, với những cuộc mít tinh nhiều ngàn người. Bà San Suu Kyi cũng đã thừa nhận chế độ đã có những bước tiến tích cực. Chỉ trong hai tháng, bà đã ba lần gặp Bộ trưởng Lao động Aung Kyi. Ông này tuyên bố sẵn sàng làm việc với đảng của bà nếu đảng này trở lại chính trường. Chính phủ Miến Điện cũng đã cho phép các nhà quan sát quốc tế đến tham dự một phiên họp của Quốc hội vào tháng 8, và cũng vừa hủy lệnh cấm các trang mạng nước ngoài. Tuần này, cảnh sát đã ngăn chặn một cuộc biểu tình, nhưng một cách ôn hòa, không bạo lực, không bắt bớ. Một điểm đáng chú ý nữa là, dường như hiểu được sự phản đối trong dân chúng, vào hôm qua, chính phủ đã quyết định đình chỉ dự án xây dựng một con đập khổng lồ do Trung Quốc tài trợ. Tờ báo đặt câu hỏi : Tại sao lại có những động thái đó ?
Câu trả lời có thể là giới lãnh đạo Miến Điện, vốn mới trút bỏ áo quân nhân để thành lập chính quyền dân sự, đang tạo dựng uy tín, và đang ra sức làm mờ dần vẻ độc tài.
Nhà cầm quyền nước này còn muốn thoát khỏi thế cô lập, đang ra sức lấy cảm tình các nước để có thể được tiếp nhận chức chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2014.
Ngoài ra, chính phủ Thein Sein còn có dụng ý làm mát lòng cộng đồng quốc tế để tránh một cuộc điều tra mà nhiều nước và các tổ chức phi chính phủ kêu gọi, đó là cuộc điều tra về tội ác chống lại nhân loại. Liệu có tin được động thái mở cửa này không ?
Libération cho rằng hành động cụ thể của chính phủ sẽ cho mọi người câu trả lời xác đáng. Tuy vậy, tờ báo cho biết, hiện tại còn hơn 2.000 tù nhân chính trị tại nước này. Vừa rồi, có hai nhà báo bị kết án nặng, các quyền tự do cơ bản tiếp tục bị xúc phạm. Cuối cùng tờ báo cho rằng, lịch sử đã chứng minh, tại Miến Điện, sau một giai đoạn hạ nhiệt là đến giai đoạn khép cửa và thanh trừng chính trị ở chóp bu đất nước. Bắc Triều Tiên làm chính trị ẩm thực ? Cũng liên quan đến Miến Điện, nhật báo Le Monde có bài « Chúc mừng sức khỏe của tình hữu nghị Rangoon - Bình Nhưỡng ».
Bài viết phân tích sự nồng ấm trở lại trong mối quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và Miến Điện, đồng thời cũng nhìn về chiến thuật làm chính trị thông qua ẩm thực của chế độ Kim Jong Il. Tại thành phố Rangoon của Miến Điện, có một nhà hàng Bắc Triều Tiên được mở hồi tháng 7, phục vụ đặc sản Triều Tiên. Sự hiện diện của nhà hàng này không phải chỉ đơn thuần mang mục đích kinh tế. Quan hệ hai nước bắt đầu gián đoạn hồi năm 1983. Năm đó, một phái đoàn cấp cao của Hàn Quốc được chính phủ Miến Điện mời đến dự lễ tại Rangoon đã bị đánh bom. Có 21 người trong phái đoàn bị thiệt mạng, trong đó có có ba bộ trưởng. Tổng thống Hàn Quốc khi ấy là ông Chun Doo Hwan may mắn thoát chết nhờ đến muộn. Thủ phạm được cho là người của chính quyền Bắc Triều Tiên. Miến Điện sau đó lập tức đình chỉ quan hệ ngoại giao với nước này. Trên phương diện chính thức, phải đợi đến năm 2007, hai nước mới cho mở lại sứ quán. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia, từ năm 1993, các kỹ sư Bắc Triều Tiên đã thường xuyên lui tới Miến Điện trong khuôn khổ hợp tác quân sự giữa hai nước. Một bộ phim tài liệu do một tập đoàn truyền thông của người Miến Điện sống lưu vong tại Oslo, Na Uy, được công bố hồi tháng 6/2010, đã cho biết Miến Điện đang phát triển bom nguyên tử với sự giúp đỡ của Bắc Triều Tiên. Theo tiết lộ mới đây của Wikileaks, các bức điện ngoại giao năm 2009 của đại sứ Hoa Kỳ tại Miến Điện khẳng định, Miến Điện đã cho xuất 20.000 tấn gạo cho Bắc Triều Tiên để đổi các thiết bị quân sự. Báo cáo tháng 11/2010 của Liên Hiệp Quốc cũng cho biết, Bắc Triều Tiên, Syria và Iran đã cung cấp thiết bị hạt nhân thuộc diện cấm cho Miến Điện. Trong bối cảnh đó, việc mở một nhà hàng tại Rangoon dường như chẳng có gì đáng chú ý. Thế nhưng, Bình Nhưỡng đang tận dụng mọi biện pháp có thể. Nước này cũng đã cho mở hai nhà hàng tại hai thành phố lớn ở Cam Bốt là Siêm Riệp và Phnom Penh. Có phải nước này đang chơi chiêu bài ẩm thực ?
Theo ông Hein Latt, tác giả một cuốn sách viết về nhà lãnh đạo Kim jong Il, đại sứ quán Bắc Triều Tiên muốn sử dụng nhà hàng ở Rangoon nói trên cho các cuộc gặp gỡ bí mật và cho mục đích tình báo. Một chuyên gia về Miến Điện tại Thái Lan cũng chia sẻ quan điểm này. Chính sách thu mua nông sản của Thái Lan làm thế giới lo ngại Le Figaro quan tâm đến lĩnh vực an toàn lương thực thế giới, và có bài viết phân tích quyết định của tân chính phủ Thái Lan về việc mua lúa của nông dân với mức giá cao gấp hai lần giá thị trường. Bài viết chạy tựa cảnh báo : « Thái Lan có thể làm bất ổn thị trường gạo thế giới ». Ngày 7/10 tới đây, Thái Lan sẽ chính thức áp dụng chính sách bảo hộ giá gạo sản xuất trong nước.
Ông Vichai Sriprasert, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan nhận định, với chính sách này, Thái Lan sẽ mất đi sức cạnh tranh so với các quốc gia châu Ấ khác. Việt Nam và Ấn Độ sẽ tranh thủ cơ hội để chiếm lĩnh thị trường. Ông nhấn mạnh, chính phủ các nước luôn tìm cách nâng cao khả năng cạnh tranh, trong khi chính phủ Thái Lan lại làm điều ngược lại. Theo chuyên gia kinh tế Ammar Siamwalla, đây là một biện pháp có mục tiêu không rõ ràng, và sẽ có lợi cho Việt Nam, trong khi lại bất lợi cho người tiêu thụ trong nước. Ông cảnh báo Thái Lan chỉ có hại với chính sách này. Năm 2004, chính phủ của ông Thaksin, anh trai tân Thủ tướng Yinluck, đã khởi động chính sách này.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của viện nghiên cứu của ông Ammar, chính sách khi ấy đã bị phá sản bởi nạn tham nhũng tràn lan. Trong khi đó, lợi ích mà người dân được hưởng cũng không là bao, bởi họ chỉ được hưởng có 37% số tiền được đầu tư cho chính sách.
Còn chính phủ thì bị thất thoát đến 19,1 tỷ bath (455 triệu euro). Theo một cựu bộ trưởng tài chính Thái Lan, lần này, nếu tái vận hành chính sách nói trên, thiệt hại mà chính phủ phải chịu có thể lên đế 250 tỷ bath (6 tỷ euro). Cộng đồng quốc tế như đang ngồi trên đống lửa. Chỉ số giá gạo xuất khẩu được qui định bởi Tổ chức Lương nông của Liên Hiệp Quốc (FAO) đã chạm kỷ lục tính từ năm 2009. Trong tình hình đó, chính sách nói trên của Thái Lan cũng giống như thêm dầu vào lửa. Nghị định thư Kyoto và một tương lai ảm đạm
Theo lịch trình, vào cuối tháng 11 tới đây, tại thành phố Durban (Nam Phi), bộ trưởng các nước sẽ gặp nhau để tiếp tục bàn về biến đổi khí hậu và tương lai của nghị định thư Kyoto. Cuộc họp trù bị diễn ra từ ngày 01 đến ngày 07/9/2011 tại Cộng hòa Panama (Trung Mỹ).
Le Monde dự đoán kết quả cuộc họp này qua bài viết : « Các cuộc thương thảo về khí hậu bên bờ hôn mê ». Các nhà thương thuyết sẽ bàn về cấu tạo của Quỹ Xanh, thực trạng chống biến đổi khí hậu ở các nước, việc chuyển giao công nghệ có liên quan…Tuy nhiên, họ sẽ không chạm đến nghị định thư Kyoto. Tính đến nay, nghị định thư này là thỏa thuận quốc tế duy nhất buộc các nước phát triển hạn chế thải khí CO2. Ngày 31/12/2012, nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn. Việc có tiếp tục kéo dài nghị định này hay không là một vấn đề có nhiều nguy cơ lâm vào bế tắc. Số phận của nó sẽ được quyết định bởi các bộ trưởng tại hội nghị Durban sắp tới. Nhật Bản, Canada và Nga đã tuyên bố sẽ không tiếp tục phê chuẩn nghị định, nếu không đạt được thảo thuận mới có sự tham gia của các nước gây ô nhiễm nhiều nhất như Mỹ và Trung Quốc. Hoa Kỳ đã không tham gia nghị định thư Kyoto, và hiện tại xem các cuộc bàn thảo về nghị định này không liên quan đến mình. Các nước châu Âu thì không dứt khoát rõ ràng. Trong khi đó, những nước mới phát triển vẫn kiên định quan điểm là truy cứu « trách nhiệm lịch sử » đối với những nước công nghiệp phát triển. Các nước mới nổi cũng cũng viện dẫn lý do là tỷ lệ thải khí CO2 trên đầu người ở nước họ là thấp.
Theo Le Monde, lập luận này có thể đúng với Ấn Độ và Brazil, nhưng với Trung Quốc thì không phù hợp.
Theo một nghiên cứu vừa được công bố, tỷ lệ này của Trung Quốc đã ngang bằng với Ý ở mức 6,8 tấn CO2/người/năm, tức cao hơn Pháp và Tây Ban Nha. Tính từ năm 2003, mức thải khí CO2 trên đầu người tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi. Tất cả những điều đó dự báo một tương lai bế tắc cho các cuộc thương thảo. Theo Le Monde, mỗi nước nên cố gắng hơn nữa để tránh thất bại. Bệnh bại liệt trở lại Trung Quốc ! Cuối cùng, trong lĩnh vực y tế, Le Monde có bài : « Tổ chức Y tế Thế giới lo ngại về sự xuất hiện trở lại của bệnh bại liệt tại Trung Quốc ».
Hôm 20/9/2011, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo đã phát hiện 9 ca bại liệt từ hai tháng nay tại tỉnh Tân Cương. Vi rút giống với chủng đang tồn tại ở Pakistan. Như vậy, có thể các vi rút đã vượt ranh giới xâm nhập vào Trung Quốc qua trung gian con người. Trên phương diện tổng thể, sau khi tiêu diệt xong bệnh đậu mùa hồi năm 1977, bệnh bại liệt trở thành bệnh đứng đầu danh sách quan tâm. Số ca bại liệt trên thế giới giảm đi nhanh chóng. Năm 2010, trên thế giới chỉ có 4 nước còn tình trạng dịch bại liệt, đó là Afghanistan, Ấn Độ, Nigeria và Pakistan.
Tại Trung Quốc, bệnh bại liệt đã xem như bị loại trừ hồi năm 1999. Đây là lần xuất hiện trở lại đầu tiên. Theo WHO, sự việc càng cho thấy tính cần thiết của liệu pháp vắc-xin trong việc loại trừ bệnh bại liệt. |