Home Tin Tức Thời Sự Cắt giảm ngân sách có thể gây nguy hại kỹ nghệ quốc phòng

Cắt giảm ngân sách có thể gây nguy hại kỹ nghệ quốc phòng PDF Print E-mail
Tác Giả: V.Giang   
Thứ Bảy, 01 Tháng 10 Năm 2011 09:00

Nước Mỹ nay không còn khả năng chuyên môn để chế bom nguyên tử.

WASHINGTON (Reuters) -Khi Hải Quân Anh ký giao kèo đóng loại tàu ngầm nguyên tử tấn công thế hệ mới vào năm 1997, họ phải mất mấy năm sau mới nhận ra rằng các nhà thầu trong kỹ nghệ đóng tàu Anh nay không còn có khả năng vẽ kiểu và chế tạo để hoàn tất công việc này.
 

 
Một chiếc thiết giáp của hãng BAE ở Anh. Khi kỹ nghệ quốc phòng Anh phải cắt giảm, nước Anh có thể mua của Mỹ. Khi kỹ nghệ quốc phòng Mỹ phải cắt giảm, Mỹ sẽ mua ở đâu - nhiều người đặt câu hỏi.
 

Hãng thầu chính, BAE Systems, sau cùng phải quay sang nhờ nhà thầu đóng tầu ngầm chính của Hải Quân Mỹ là General Dynamics Electric Boat, cung cấp khả năng chuyên môn mà nước Anh đã mất đi sau khi có các biện pháp cắt giảm ngân sách quốc phòng vì Chiến Tranh Lạnh chấm dứt và cũng vì các tiến triển về kỹ thuật.
 
Một số phân tích gia coi trường hợp của chiếc tàu ngầm HMS Astute, vốn được chính thức đưa vào hoạt động một năm trước đây, là một thí dụ điển hình về điều có thể xảy ra cho Ngũ Giác Ðài trừ phi chính phủ Mỹ biết bảo vệ những cơ phận mấu chốt của kỹ nghệ quốc phòng khi cắt hàng trăm tỉ dollars trong thập niên tới.
 
“Nếu chúng ta lâm vào tình trạng này... Chúng ta sẽ dựa vào ai? Trung Quốc? hay Nga?” Ông Barry Watts, một phân tích gia quốc phòng tại Center for Strategic and Budgetary Assessments (Viện Nghiên Cứu Thẩm Ðịnh Chiến Lược và Ngân Sách), đặt câu hỏi. “Chúng ta không muốn phải lâm vào tình trạng đó.”
 
Ðây chẳng phải là điều lo ngại vô căn cứ. Ngay cả trước khi Tổng Thống Barack Obama và Quốc Hội thỏa thuận việc cắt giảm ngân sách Quốc Phòng tới khoảng $1 ngàn tỉ trong 10 năm tới, nước Mỹ đã mất đi một số khả năng quan trọng của mình.
 
Vào năm 2008, bộ trưởng quốc phòng cùng bộ trưởng năng lượng lúc đó, ông Robert Gates và Samuel Bodman, cùng đồng ý với nhau là nước Mỹ nay không còn khả năng chuyên môn để chế bom nguyên tử.
 
“Tuy các đầu đạn nguyên tử hiện còn được bảo trì để tiếp tục có thể sử dụng, hiện nay Mỹ không có khả năng chế tạo võ khí nguyên tử mới,” hai ông cho hay trong bản báo cáo về khả năng võ khí nguyên tử của Mỹ.
 
Ðây là lý do khiến phía Cộng Hòa đòi hỏi phải có thêm việc tân trang võ khí nguyên tử trong cuộc tranh luận hồi cuối năm ngoái khi liên quan đến thỏa thuận võ khí nguyên tử New START với Nga.
 
Tuy nhiên Giáo Sư Gordon Adams tại đại học American University cho rằng đây chỉ là sự phóng đại. Ông cho rằng mỗi khi có cắt giảm ngân sách là lại có than phiền về nguy cơ mất đi khả năng kỹ nghệ quốc phòng.
 
Theo Giáo Sư Adams, chỉ có sáu hay bảy công ty quốc phòng hàng đầu của Mỹ, như Lockheed, Raytheon và Northrop Grumman, là tùy thuộc đến 75% doanh thu của họ từ các giao kèo quốc phòng. Các công ty khác, ở hàng thứ nhì và hàng thứ ba, có sự cân bằng hơn về các chương trình dân sự và quân sự.
 
Khả năng kỹ thuật và chế tạo sẽ an toàn đối với các công ty nhỏ vì họ dễ dàng chuyển đổi từ lãnh vực quốc phòng sang lãnh vực dân sự trong thời buổi kinh tế khó khăn, theo Giáo Sư Adams.