Home Tin Tức Thời Sự Lãnh tụ cao cấp al-Qaeda bị giết ở Yemen

Lãnh tụ cao cấp al-Qaeda bị giết ở Yemen PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Sáu, 30 Tháng 9 Năm 2011 15:22

Yemen nói Awlaki đã bị giết chết tại tỉnh Jawf cùng một số cộng sự khác

 

Ông Obama nói cái chết của Awlaki là "cú đánh lớn" nhắm vào al-Qaeda, nhưng không bình luận về vụ tấn công của Hoa Kỳ vào đoàn xe của ông này.


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói cái chết của lãnh tụ cao cấp của al-Qaeda, Anwar al-Awlaki tại Yemen là một "cú đánh lớn" nhắm vào tổ chức này. Ông ta là người sinh ra tại Mỹ.

Yemen nói Awlaki đã bị giết chết tại tỉnh Jawf cùng một số cộng sự khác - các quan chức Mỹ nói rằng các máy bay không người lái của Hoa Kỳ đã thực hiện vụ tấn công.

 

 Awlaki, người gốc Yemen, là một nhân vật quan trọng trong tổ chức al-Qaeda tại Bán đảo Ả Rập (AQAP).

Ông ta được cho là đã đứng đằng sau một số nỗ lực tấn công Hoa Kỳ.

Ông Obama nói Awlaki, trong vai trò là một nhân vật hàng đầu của AQAP, đã dẫn dắt việc "lên kế hoạch và chỉ đạo các nỗ lực nhằm giết chết những người Mỹ vô tội" và cũng đã "trực tiếp chịu trách nhiệm về cái chết của nhiều công dân Yemen."

Ông nói Awlaki đã chỉ đạo các nỗ lực nhằm cho nổ tung máy bay Mỹ và đã “nhiều lần kêu gọi các cá nhân ở Hoa Kỳ và trên khắp thế giới giết những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội."

Ông Awlaki bị cáo buộc: -Tuyển dụng và chuẩn bị cho Umar Farouk Abdulmutallab, người Nigeria, trong nỗ lực đánh bom bất thành một máy bay chở khách tới Detroit vào hôm Giáng sinh 2009,

-Chỉ đạo một âm mưu bất thành, định cho nổ tung hai máy bay vận tải ở Mỹ bằng chất nổ giấu trong hộp mực máy in hồi năm 2010,

- khuyến khích Maj Nidal Malik Hasan (người Mỹ) trong việc tiến hành vụ giết hại tại căn cứ không quân Hoa Kỳ ở Forrt Hood, Texas, làm chết 13 người hồi năm 2009

- tạo cảm hứng cho một kẻ tiến hành vụ đánh bom bất thành tại quảng trường Times của New York hồi năm 2010

- tạo cảm hứng khiến một phụ nữ Anh đâm dân biểu Stephen Timms đại diện cho khu vực cử tri của mình do ông này có quan điểm ủng hộ cuộc chiến Iraq

- Âm mưu sử dụng các loại chất độc, kể cả chất xyanua và chất ricin trong các cuộc tấn công liên tục kêu gọi việc giết hại người Mỹ, và nói trong một video trực tuyến hồi 2010 rằng họ đều thuộc "lũ ma quỷ".

Ông Obama nói cái chết của Alawi "đánh dấu một cột mốc quan trọng nữa trong nỗ lực rộng lớn nhằm đánh bại al-Qaeda và các chi nhánh của chúng."

Tổng thống Obama cũng ca ngợi sự phối hợp của cơ quan tình báo Hoa Kỳ và các quan chức an ninh Yemen trong vụ giết chết Awlaki.

Trong một tuyên bố ngắn hôm thứ Sáu, Bộ Quốc phòng Yemen nói ông Awlaki đã bị giết chết tại Khashef thuộc Jawf, cách thủ đô Sanaa chừng 140km về phía đông, “cùng một số kẻ đồng hành.”

“Truyền cảm hứng qua mạng”

Các quan chức Hoa Kỳ và Yemen sau đó nêu danh một trong những đối tượng bị giết chết là Samir Khan, cũng là một công dân Mỹ nhưng người gốc Pakistan, kẻ chuyên ra các tạp chí trực tuyến cổ vũ cho ý thức hệ al-Qaeda và hướng dẫn cách làm bom.

Các quan chức Mỹ giấu tên nói đoàn xe của Awlaki đã bị máy bay không người lái của Mỹ bắn trúng, nhưng ông Obama không bình luận về chuyện này.

Phóng viên chuyên về an ninh của BBC, Gordon Corera nói vụ giết chết Awlaki có ý nghĩa rất quan trọng bởi ông này biết cách tận dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để vươn rộng phạm vi ảnh hưởng, qua đó truyền bá rộng rãi tư tưởng cực đoan tới nhiều đối tượng hơn.

Được biết ông Obama đã đích thân ra lệnh giết chết Awlaki hồi năm 2010, nhưng ông ta đã thoát chết trong một số vụ tấn công.

Tuy nhiên, một số người ở Mỹ đã chỉ trích việc chính quyền nhắm giết công dân Mỹ ở nước ngoài, với lập luận lẽ ra nên bắt giữ và đưa ông ta ra xét xử.

Dân biểu thuộc đảng Cộng hòa, Ron Paul - một người phản đối chiến tranh tại Iraq và Afghanistan - nói vụ giết hại này giống như một vụ ám sát.

"Ông ta là một công dân Mỹ. Ông ta chưa bao giờ bị đưa ra xét xử hay bị cáo buộc tội danh gì. Không ai biết là ông ta có giết chết người nào hay chưa," ông nói với hãng tin ABC News.

Tuy nhiên, phóng viên BBC Mark Mardell tại Washington nói rằng tuy ông Awlaki bị nhắm tới do có những lời nói chứ không phải hành động của mình, nhưng không mấy người Mỹ tỏ ra quan ngại tới việc các quyền của ông ta bị vi phạm.