Khai thác tài nguyên và mở tuyến giao thông hàng hải mới
Toàn cảnh vùng Grimsstadir ở phía đông bắc Iceland, ngày 01/09/2011 REUTERS/Ingolfur Juliusson
Dự án mới đây của một nhà đầu tư Trung Quốc muốn thành lập một khu nghỉ mát rộng lớn tại Iceland, đã gây ra một luồng dư luận phản đối.
Rất nhiều người cho rằng Bắc Kinh đang âm mưu thiết lập đầu cầu tại một khu vực chiến lược để có thể sẵn sàng khai thác nguồn tài nguyên rất dồi dào dưới Bắc Băng Dương, cũng như tuyến hàng hải rất ngắn nối liền châu Âu với châu Á qua ngã Bắc Cực có trong thời gian tới đây.
Khai thác tài nguyên và mở tuyến giao thông hàng hải mới, đây là hai khả năng ngày càng hiện thực với đà tan chảy ngày càng nhanh của lớp băng bao phủ Bắc Cực do hiện tượng khí hậu bị hâm nóng. Trung Quốc được cho là đang có mưu toan " tiên hạ thủ vi cường ", khi tìm cách chen chân vào Iceland, một quốc gia châu Âu nằm sát Bắc Cực. Vì không thể lộ mặt với tư cách Nhà nước để mua đất, Bắc Kinh bị tình nghi là đã thông qua một tỷ phú Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với chính quyền Iceland để làm việc này. Cuối tháng 8 vừa qua, ông Hoàng Nộ Ba, một tỷ phú Trung Quốc, đã loan báo ý định bỏ ra gần 10 triệu đô la mua một khu đất rộng 300 km2, tương đương với 0,3% diện tích của Iceland. Khu đất mà nhân vật này muốn mua, tọa lạc ở vùng Fjöllum Grimsstadir, miền đông bắc Iceland. Mục tiêu được ông Hoàng Nộ Ba, một ông trùm địa ốc chủ nhân tập đoàn Trung Khôn tại Bắc Kinh, loan báo mang tính chất thuần túy thương mại. Đó là thành lập một khu du lịch sang trọng, bao gồm một khách sạn, sân golf và một khu bảo tồn tự nhiên lớn nhất ở châu Âu. Thế nhưng, nhiều quan sát viên người Iceland nghĩ rằng qua dự án gọi là du lịch đó, Bắc Kinh muốn chen chân vào khu vực, thiết lập cơ sở, chuẩn bị tranh giành các mối lợi nẩy sinh từ việc Bắc Cực không còn bị đóng băng thường xuyên. Trả lời hãng tin Pháp AFP, bà Embla EIR Oddsdottir, một chủ nhiệm dự án tại Viện Bắc Cực Stefansson, xác định : " Chính phủ Trung Quốc dường như đang tìm mọi cách để giành phần trong công cuộc xây dựng và khai thác các cơ sở hạ tầng tương lai " ở Bắc Cực. Viện Stefansson là một tổ chức khoa học thuộc bộ Môi trường Iceland, chuyên trách vấn đề nghiên cứu và phát triển ở Bắc Cực. Theo các chuyên gia hàng hải, vào mùa hè, khi băng tan, các tuyến hàng hải nối liền Thượng Hải với châu Âu đi qua Bắc Cực sẽ tiết kiệm được khoảng 6.400 km đoạn đường so với tuyến truyền thống xuyên qua kênh đào Suez. Chủ tịch Uỷ ban Ngoại giao Quốc hội Iceland, ông Arni Thor Sigurdsson tiết lộ : "Khi thảo luận với chính quyền Iceland, (Trung Quốc) đã công nhận rằng rất có thể " họ sẽ sử dụng Iceland như một hải cảng trên tuyến vận tải hàng hóa xuyên Bắc Cực. Ngoài mối lợi về hàng hải, Trung Quốc cũng ngấp nghé nguồn dầu khí tiềm tàng ở Bắc Cực. Theo ông Marc Lanteigne, chuyên gia về Trung Quốc tại trường Đại học Victoria thủ đô Wellington của New Zealand, trữ lượng dầu hỏa ở Bắc Cực có thể lên đến 160 tỷ thùng dầu, và đó cũng là điều hấp dẫn Trung Quốc. Trong một công trình nghiên cứu của mình, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) từng xác định là Trung Quốc xem Bắc Cực là điểm đến đầu tư, và đã bắt đầu tìm cách thu vén lợi ích kinh tế từ hiện tượng băng tan ở khu vực này. Câu hỏi đặt ra là các mối quan tâm của chính quyền Trung Quốc có liên can gì đến đề án của ông Hoàng Nộ Ba ?
Theo giới phân tích, đó là vì bản thân nhân vật này bị cho là người của chế độ. Khu vực nhà tỷ phú Trung Quốc muốn mua lại rất gần một cảng nước sâu.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông Marc Lanteigne, khẳng định là chính quyền Bắc Kinh luôn luôn duy trì “quan hệ chặt chẽ và nhiều khi mờ ám” với giới kinh doanh trong nước. Là người giàu đứng thứ 161 trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc của tạp chí Forbes năm 2010, ông Hoàng Nộ Ba từng làm Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Trung Quốc và là cán bộ tại bộ Xây dựng Trung Quốc. Nhìn chung, dư luận hoài nghi về dụng tâm của Trung Quốc đã khiến chính quyền Iceland phải thận trọng. Bộ trưởng Nội vụ Iceland Qgmundr Jonasson mới đây đã xác định rằng yêu cầu mua đất của nhà đầu tư Trung Quốc sẽ được xem xét rất cẩn thận.
tags: Châu Á - Phân tích - Tài nguyên - Trung Quốc
|