Người giàu nhất TQ 'vào' trung ương đảng |
Tác Giả: BBC |
Thứ Ba, 27 Tháng 9 Năm 2011 15:48 |
Người giàu có của Trung Quốc đang ngày càng nhận được sự "ve vãn" bởi đảng cộng sản Tỷ phú Lương Ổn Căn, 55 tuổi, sẽ là hiện tượng đáng chú ý nếu lọt được vào Trung ương Đảng Cộng sản TQ kỳ tới.
Nếu ông Lương Ổn Căn , 55 tuổi, được chọn bởi Đại hội 2012 của đảng, ông sẽ là doanh nhân đầu tiên tham gia cơ cấu quyền lực nắm quyền ở quốc gia cộng sản có dân số đông nhất thế giới. Phóng viên của BBC tại Bắc Kinh mô tả điều này sẽ là một sự thay đổi đầy tính biểu tượng trong quan điểm của đảng về giới tư bản, kinh doanh. Ông trùm xây dựng Lương Ổn Căn đứng đầu cả hai danh sách Forbes và Hồ Nhuận 2010 (tương tự như Ford) như người giàu nhất của Trung Quốc và trong tốp giàu nhất Thế giới, với tài sản hơn 9 tỷ USD . Báo chí Trung Quốc cho hay ông Lương đã hoàn tất và vượt quan thủ tục "kiểm tra tư cách đảng" để sẵn sàng cho danh sách ủy ban trung ương gồm 300 người sẽ được Đại hội phê duyệt vào tháng Mười năm sau. Phóng viên BBC nhận xét những người giàu có của Trung Quốc đang ngày càng nhận được sự "ve vãn" bởi đảng cộng sản, vốn mới chỉ bắt đầu cho phép doanh nhân gia nhập hàng ngũ liên minh "công - nông - trí" từ một thập niên trước. 'Đảng cần thêm tiền?'
Tập đoàn Sany của ông Lương, chuyên sản xuất cần cẩu và máy xúc, đã được hưởng lợi trong những năm gần đây, từ sự bùng nổ trong lĩnh vực xây dựng của Trung Quốc. Ông Lương Ổn Căn, từng là giám đốc nhà máy vũ khí, nay là Chủ tịch của Sany Heavy Industry Co., một hãng công nghiệp có giá trị cổ phiếu đạt mức tăng kỷ lục vào năm ngoái. Trung Quốc đầu tư hàng nghìn tỷ đô-la xây cất nhà, đường sắt và cơ sở hạ tầng mới, tạo sự bùng nổ trong khu vực xây dựng và nhóm hưởng lợi nhiều là các nhà sản xuất xi măng, máy móc, và vật liệu xây dựng. Hãng xây dựng Sany có trụ sở tại tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc, được thành lập vào năm 1989 bởi ông Lương Ổn Căn, người nắm giữ 58% cổ phần. Việc chính quyền Trung Quốc đưa những nhà tư bản vào cơ cấu lãnh đạo trung ương cho thấy có thể có sự thay đổi thêm về nhận thức và tư duy của đảng cộng sản, so với tín điều của chủ nghĩa marxist nguyên gốc vốn đặt quyền lợi của đảng từ lâu đối lập với quyền lợi của giai cấp tư sản. Hiện tượng này cũng có thể đặt ra câu hỏi cho rằng phải chăng đảng cộng sản đang thực sự cần thêm nữa thế lực kinh tài của giới tư bản trong nước để củng cố quyền lực của mình. |