Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27 Tháng 9 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27 Tháng 9 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Ba, 27 Tháng 9 Năm 2011 08:21

Miến Điện đang dần tiến đến một nền « dân chủ có kỷ luật »


Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi (ba từ trái sang), Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Miến Điện Zaw Zaw (hai từ trái sang, cùng đại tá Tin Win, Bộ Biên giới (tư trái sang), coi trận đấu bóng giữa hai đội tuyển U19 Miến Điện và Lào, 14/09/2011. REUTERS/Soe Zeya

Trong khi cánh tả nước Pháp còn đang ngất ngây với chiến thắng trong bầu cử Thượng viện, thì tại vùng Đông Nam Á, đất nước Miến Điện dường như đang rùng mình chuyển đổi. Nhiều tín hiệu cho thấy chính quyền dân sự của Tổng thống Thein Sein đang thực hiện từng bước các chính sách cải tổ để đưa đất nước này tiến dần về một nền « dân chủ có kỷ luật » (theo chính thuật ngữ của chính quyền Miến Điện).

 
Nội dung này được Le Monde trình bày cụ thể qua bài viết « Tại Miến Điện, các nhà cải tổ của chế độ đang thổi một luồng gió đổi mới ».

« Vào lúc này đây, chúng tôi đang tận hưởng một mức độ tự do chính trị thật sự » là nhận định của một cựu lãnh đạo nghiệp đoàn sinh viên ngành y trong suốt phong trào đấu tranh dân chủ, phong trào bị chính quyền quân sự Miến Điện dìm trong biển máu vào năm 1988.
 
Ngay chính bản thân nhà đối lập Aung San Suu Kyi, giải Nobel Hòa Bình năm 1991, cũng tỏ ra khá lạc quan. Dĩ nhiên, trong chừng mực nào đó, sự lạc quan này cũng đã cắt đứt phần nào sự hoài nghi của bà, kể từ sau khi được trả tự do vào tháng 11/ 2010.
 
Kể từ buổi diện kiến Tổng thống Thein Sein vào ngày 19/8 vừa qua, bà Aung San Suu Kyi luôn cho rằng ông Thein Sein đang tìm cách cho thấy đang có những thay đổi « khách quan ».
 
Theo Le Monde, cho đến giờ phút này không ai biết được nội dung của buổi gặp mặt giữa bà với vị Tổng thống đương nhiệm, ngoài việc vị phu nhân của Tổng thống bất chợt đã ôm hôn bà trước bữa ăn tối thân mật, theo xác nhận của một nguồn tin chính phủ.
 
Phần đông các chuyên gia phân tích vẫn tỏ ra rất thận trọng về tính lâu dài về cải tổ theo kiểu Miến Điện.

Hiện tại, các nhà cải tổ đang ở trong chính quyền, nhưng cản trở lớn nhất của họ chính là những kẻ trung thành với cựu độc tài Than Shwe.

Điều này cho thấy ở bậc thượng tầng của chính phủ, quan hệ giữa Tổng thống và phó Tổng thống Tin Aung Myint Oo, lãnh tụ của phe bảo thủ cực đoan, cũng rất căng thẳng.

Một đường lối tự do hóa quá nhanh sẽ khó có thể được vị phó Tổng thống này chấp nhận. Nó có thể dẫn đến một vụ đảo chính, nếu như tiến trình dân chủ hóa đi quá xa, theo đánh giá của một quan chức cao cấp xin được giấu tên.
 
Dù rằng quyền lực đang bị chia rẽ, nhưng người dân Miến Điện cũng cảm thấy được thiện chí cải tổ của những người ủng hộ tự do trong chính phủ.

 Trước mắt, thiện chí này được nhìn thấy rõ nét nhất trên lãnh vực kinh tế. Ở đó, người ta có thể thấy được những thành quả đầu tiên của sự tự do hóa một hệ thống, từ lâu đã bị chính quyền tập đoàn quân sự kìm hãm.
 
Nếu như sau tổng tuyển cử ngày 7/11/2010, quân đội vẫn chiếm đa số ghế (35%) trong Nghị viện, khiến người dân không mấy tin tưởng vào chính quyền dân sự mới này, thì giờ đây, nhiều tín hiệu cho thấy có những bước cải thiện rõ nét.

Kiểm duyệt báo chí cũng được nới lỏng dần. Trước đây, các đề tài về bà Aung San Suu Kyi là một điều cấm kỵ, thì nay người ta có thể nói về bà một cách tự do hơn. Thậm chí, hình ảnh của bà với nụ cười rạng rỡ còn được đăng trên trang nhất các nhật báo.
 
Xa hơn nữa, hôm 17/8 vừa qua, Tổng thống Miến Điện đã tuyên bố rằng những người tỵ nạn chính trị có thể hồi hương.

Nhiều tin đồn  lan truyền rằng, sắp tới chính quyền sẽ trả tự do cho hơn 2.100 tù nhân chính trị. Ông Thein Sein còn thể hiện một cử chỉ hòa bình với các nhóm dân tộc thiểu số vũ trang vẫn còn tiếp tục chiến đấu tại các vùng biên giới.

Chính các cuộc tàn sát những nhóm dân tộc thiểu số nổi dậy đòi quyền « tự trị » là nguyên nhân khiến cho Mỹ và Châu Âu khó có thể dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế, chống lại chính quyền Miến Điện.

Cuối cùng Le Monde nhận xét, Miến Điện sẽ phải trải qua một hành trình còn dài để hoàn thành mục tiêu này, nếu như họ muốn cởi bỏ bộ trang phục một « Chính phủ bị ruồng bỏ »

Một doanh nhân Trung Quốc tham gia vào Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản
 
Cũng liên quan đến Châu Á, Le Figaro quan tâm đến sự kiện khá kỳ thú. Bài viết đề tựa « Người đàn ông giàu nhất Trung Quốc có mặt trong Ủy Ban Trung Ương Đảng », cho thấy một cuộc cách mạng nho nhỏ đang diễn ra tại Trung Quốc.
 
Nói tóm lại, đây là một quyết định có tính biểu tượng. Ông Liang Wengen, 55 tuổi, sở hữu 58% cổ phần của tập đoàn Sany, chuyên sản xuất thiết bị, có xưởng đặt tại tỉnh Hồ Nam, đã được Forbes và Hurun xếp hạng doanh nhân giàu nhất Trung Quốc, với tổng trị giá tài sản ước tính lên đến 11 tỷ đô-la.

Theo Le Figaro, người đàn ông giàu nhất Trung Quốc này sẽ tham gia vào Ủy ban Trung ương Đảng, nhân Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào năm 2012.
 
Như vậy, ông sẽ là chủ doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được đặt chân vào tổ chức nòng cốt của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ông có thể sẽ giữ một chức tương đương với hàm Thứ trưởng, chẳng hạn như vị trí lãnh đạo tỉnh Hồ Nam.
 
Le Figaro nhắc lại chủ thuyết nổi tiếng « Ba Đại diện » của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân vào năm 2000 : Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ mở cửa đón các chủ doanh nghiệp tư nhân. Cho đến ngày hôm nay, trước sự kiện này, chỉ có chủ doanh nghiệp lớn, đã từng là những người đứng đầu các doanh nghiệp lớn của Nhà nước, mới có thể bước vào Ủy Ban Trung ương gồm 200 thành viên.
 
Sự kiện ông Liang Wengen có chân trong một cơ quan uy tín của Đảng Cộng sản đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều nhau trên mạng Internet.

Số ủng hộ cho rằng, Trung Quốc đang cần các nhà lãnh đạo am hiểu kinh tế, doanh nghiệp. Số khác phản đối lại nghĩ rằng, đó là sự lãng phí vì Trung Quốc đã quá dư thừa công chức, đất nước chỉ cần các chủ doanh nghiệp để xây dựng nên các thương hiệu lớn trên thế giới.
 
Còn Le Figaro cho rằng, đây cũng là một bằng chứng cho thấy sự thông đồng không trong sạch giữa quyền lực chính trị và những kẻ « siêu giàu ».

 Các nhà quan sát thì có vẻ lạc quan hơn, khi cho đó là một tín hiệu khách quan đối với lãnh vực tư nhân, bị đối xử không công bằng so với các doanh nghiệp nhà nước.

Cuối cùng Le Figaro tự hỏi, liệu việc thăng tiến chính trị này chỉ là « màn kịch báo chí » đơn độc của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, hay chỉ là một bước khởi đầu của một khuynh hướng mới khi mà sắp tới đây Bắc Kinh sẽ phải đón một dàn lãnh đạo mới.
 
Putin sẽ quay trở lại điện Kremlin, cuộc chiến bên lề cũng bắt đầu
 
Về thời sự kinh tế-chính trị thế giới, nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay có bài nhận định về việc ông Vladimir Putin tuyên bố sẽ ra ứng cử Tổng thống năm 2012 qua bài viết tựa đề « Putin quay trở lại Kremlin gây ra các cuộc tranh cãi đàng sau hậu trường ».
 
Cuối cùng, Robin cũng phải nhường ghế lại cho Batman. Đây là tên do Đại sứ của Mỹ tại Matxcơva dùng để ám chỉ Dimitri Medvedev, tổng thống Nga đương nhiệm và Vladimir Putin - Thủ tướng Nga - trong các bản điện mật, theo tiết lộ của Wikileaks. Batman sẽ lấy lại điện Kremlin, bù lại Robin sẽ được trao ghế Thủ tướng.
 
Một canh bạc đã được chuẩn bị kỹ lưỡng bên trong hậu trường chính trị. Nhưng Robin còn có các mối lo khác phải giải quyết đó là việc ông Alexei Koudrine bị sa thải, do ông này từ chối làm việc dưới quyền điều khiển của Medvedev, trong trường hợp ông này sẽ nắm ghế Thủ tướng.
 
Theo Les Echos, ông Alexei Koudrine, một trong những vị Bộ trưởng Tài chính kì cựu nhất của Nga còn đang thực thi nhiệm vụ trong khối G8.

Ông được các nhà đầu tư kính nể do năng lực của ông, có thể giải tỏa các thặng dư ngân sách và điều khiển tăng trưởng chặt chẽ (7% / năm kể từ khi được bổ nhiệm vào năm 2000, ngoài tai nạn khủng hoảng thế giới năm 2009).
 
Đây là một nghịch lý, Les Echos nhận xét. Bởi vì ông Alexei Koudrine nổi tiếng thuộc trường phái tự do, giống như Medvedev, trái ngược hoàn toàn với Vladimir Putin.

 Nhưng Alexei cũng chỉ trích Medvedev là kẻ lãng phí, nhất là trong kế hoạch chi cho quân đội đến 65 tỷ đô-la từ đây cho đến năm 2014.

Les Echos cũng cho rằng, có lẽ ông Alexei dùng tranh chấp chính trị, như là một cái cớ để có thể ứng cử vào vị trí Thủ tướng.
 
Theo nhận định của các chuyên gia chiến lược và kinh tế, trong mọi trường hợp, Alexei Koudrine là một nhân vật không thể nào thiếu được. Ông chính là hiện thân cho « sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và thuế khóa tại Nga ».

Trong khi Medvedev lại không có trong tay một ê-kíp nào chuyên về kinh tế và nhiệm kỳ sắp tới của Putin sẽ được đánh dấu bằng những thách thức khổng lồ.
 
Nếu như nước Nga ngày nay đang hưởng thụ một nền kinh tế năng động không thể chối cãi được, thì đất nước này đang bị trì trệ, bởi một ván cờ chính trị hài hước và nạn tham nhũng, mà Medvedev đã từng lên án.
 
Lần này, với tuyên bố quay lại điện Kremlin của Putin, theo một kết quả thăm dò mới đây, thì 22% người Nga được hỏi đang nghĩ đến chuyện đi ra nước ngoài (cách đây 4 năm con số này chỉ có 7%). Nga là một đất nước, mà ở đó sự đảm bảo về quyền sở hữu không được tôn trọng, sự thất thoát vốn đã đạt đến mức 31 tỷ đô-la trong quý I năm nay.
 
Giá vàng thế giới đột ngột chựng lại
 
Cũng liên quan đến kinh tế, báo Les Echos quan tâm đến việc giá vàng thế giới bất ngờ chựng lại.
 
Bài báo nhận định đây là một trong những đợt rớt giá mạnh nhất kể từ hơn 30 năm nay.

Những ngày gần đây, giá vàng thế giới liên tục hạ (đã xuống hơn 11% trong 3 phiên giao dịch cuối cùng), để cuối cùng chựng lại ở mức 1.600 đô-la/ounce vào ngày hôm qua (một ounce là hơn 31 gam, trong khi một cây vàng là 37,5 gam). Một mức giá quá thấp so với đỉnh điểm vừa rồi là 1.902 đô-la/ounce được đẩy lên từ hồi đầu tháng 9 này. Các nhà đầu tư tỏ ra lo âu về khả năng chính sách giải quyết khủng hoảng nợ công. Như vậy, liệu vàng có mất đi địa vị « giá trị bảo toàn » hay không ?
 
Les Echos cho rằng cũng không hẳn là thế. Nhưng hiện giờ, đối với các nhà đầu tư « tiền mặt là vua » (cash is king), họ cần tiền mặt và ồ ạt đua nhau bán tống bán tháo không chút thương tiếc.
 
Trong quá trình rớt giá, vàng đã kéo theo bạc, người anh em của mình, cùng đi theo, làm cho bạc bị mất giá đến 27% kể từ thứ Năm vừa qua và 37,5% so với hồi đỉnh điểm của nó là 48,5 đô-la/ounce.
 
Ngoài nguyên nhân « cần tiền mặt », việc thị trường các nguyên liệu tại Chicago đã cho thực thi các biện pháp nhằm hạn chế nạn đầu cơ cũng là nguyên nhân khiến cho vàng và bạc bị rớt giá. Theo đó, giá khởi điểm cho các hợp đồng thương lượng mua vàng trong tương lai sẽ phải tăng lên 21%. Tương tự cho hợp đồng kim loại bạc và đồng là 16%.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cũng tin rằng khả năng vàng sẽ vượt trên mức 1.600 đô-la/ounce từ đây cho đến cuối năm. Họ cũng cho rằng giá vàng hiện nay thể hiện điểm đầu vào khá ấn tượng.
 
Sự kiện cánh tả chiếm đa số tại Thượng viện trên trang nhất các báo
 
Sự kiện cánh tả chiếm đa số tại Thượng viện vẫn là chủ đề thời sự nóng bỏng trên các trang báo Pháp hôm nay.
« Thượng Viện về phe tả, diện mạo chính trị mới cho năm 2012 » là tựa đề trên trang nhất báo Le Monde.

Nhật báo cánh hữu Le Figaro chạy tít « Sau khi mất Thượng viện, Sarkozy ưu tiên cho cuộc chiến chống khủng hoảng ».

Libération lại chạy tựa « Sau khi mất Thượng viện, cánh hữu sợ hãi ».

Còn nhật báo Cộng sản L’Humanité đưa tít « Thùng phiếu làm chao đảo cánh hữu ».