Home Tin Tức Thời Sự Dân đang đói, xây tượng đài sang hơn Mỹ!

Dân đang đói, xây tượng đài sang hơn Mỹ! PDF Print E-mail
Tác Giả: Văn Quang ( Sài Gòn )   
Thứ Ba, 27 Tháng 9 Năm 2011 07:35

Quan chức tỉnh Quảng Nam vẫn cứ thản nhiên trả lời rằng “xây dựng pho tượng này là thể theo nguyện vọng của quần chúng nhân dân”. 

Việc đáng nói nhất trong tuần này là chuyện người dân khắp nơi đang “la làng” về mấy ông quan chức một tỉnh nghèo, gần như nghèo nhất VN bây giờ, lại đang lo xây một bức tượng đài với kinh phí lên đến hơn 400 tỉ đồng. Bạn đọc chưa hỏi, tôi cũng phải nói về việc làm quái đản này. Mặc dù dư luận trong nước cũng như ở nước ngoài cũng đang bất bình, nhưng tôi là người VN còn đang sống ở VN, tôi thấy có bổn phận phải nói tiếng nói của mình và tin chắc phản ảnh được trung thực tiếng nói của người dân. Việc xây tượng đài này, không những đã “quái” mà còn là sự coi thường người dân, trắng trợn thách thức dư luận trong thời buổi vô cùng khó khăn này.

 

Phong trào “xây tượng đài” đã có từ lâu

Thật ra câu chuyện xây tượng đài ở nhiều tỉnh thành đã có một thời rộ lên như “một nét văn hoá mới” làm đẹp thành phố, tỉnh lỵ. Mỗi thành phố, mỗi tỉnh thuê một ông hoạ sĩ hay một nhà điêu khắc, thậm chí một ông “thợ nặn” nào đó vẽ cho vài  cái mẫu làm “biểu tượng” cho tỉnh mình rồi hội thảo lu bù, chọn một mẫu “văn hoá” đẹp nhất, xuất quỹ làm tượng, đặt ở ngay lối vào đầu tỉnh hoặc một nơi chốn có đông người qua lại. Như bức tượng trên con đường lớn nhất, bên bãi biển Nha Trang mà từ “người dân bổn xứ” cho đến khách du lịch nhìn mãi chưa hiểu nổi ý nghĩa “thâm sâu” của bức tượng là gì! Hồi đó cuộc sống của người dân còn tương đối no đủ, vậy mà cũng đã có nhiều lời than phiền chê trách. “Phong trào chơi biểu tượng” ấy xẹp xuống dần như nhiều cái “phong trào” khác giống quả bóng xì hơi. Nay lại thấy tỉnh Quảng Nam chơi trội, xây một cái tượng đài làm “biểu tượng” cho toàn quốc. Đó là “tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng” được xây dựng tại khu vực núi Cấm, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam. Tượng đài này xây trên tổng diện tích hơn 15 ha, gồm khối tượng chính và 8 trụ huyền thoại. (Từ đây xin gọi tắt là “tượng đài” cho đỡ dài dòng). Theo các quan chức tỉnh và nhà nặn tượng thì tượng đài này “sau khi hoàn thành không chỉ lớn nhất Việt Nam mà còn lớn nhất Ðông Nam Á.” Đó là niềm hãnh diện hay để các nước Đông Nam Á cười chút chơi?

Ngân quỹ bổ sung gấp 5 lần ban đầu!

Tượng đài tạc bằng đá hoa cương. Trong lòng khối tượng là nhà tưởng niệm có diện tích 950 m2. Kinh phí phê duyệt ban đầu vào tháng 8/2007 là 81 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương cấp 50 tỉ đồng, tỉnh chi 20 tỉ đồng và nguồn đóng góp từ các đoàn thể, tổ chức xã hội là 11 tỉ đồng. Tượng đài được khởi công vào ngày 27/7/2007.

Nay quyết định bổ sung vốn, tổng số tiền đầu tư tượng đài này lên 410 tỷ đồng, tức là phải bổ sung thêm 329 tỉ đồng, gấp 5 lần lúc ban đầu.

Cái kiểu “bổ sung” này thường xảy ra ở rất nhiều công trình lớn nhỏ. Chưa nói đến việc có “ăn” vào đó hay không, cứ nói đến cái kế hoạch dự trù cũng đã ớn xương sống rồi. Hầu hết là những ông quan chức học hành tầm tầm cùng những ông bằng cấp đầy mình (mà thường là bằng cấp… khó chứng minh, đến thứ trưởng còn xài bằng giả kia mà) ngồi bàn kế hoạch dự trù đều lơ mơ chẳng bao giờ đúng. Hơn thế đã có cái “lệ làng” là cứ dự trù rồi lại xin điều chỉnh, xin bổ sung sau. Nhân cái “lệ làng” này cứ “vừa làm vừa ăn” rồi lại có chỗ rót vốn vào, lo gì cái vặt! Làm ẩu, làm liều, cọc sắt thành cọc tre, đường vừa làm xong đã hư, lại sửa! Cái cớ viện dẫn cho việc phải bổ sung này hợp lý nhất là giá vật liệu ngày một tăng cao. Giá tăng một, các ông ấy tăng gấp đôi gấp ba. Nhưng tăng đến 5 lần được “duyệt” ban đầu như bức tượng của các quan chức ở tỉnh Quảng Nam thì quả thật là một cuộc bổ sung phi mã, hiếm thấy trong “lịch sử bổ sung của nước nhà”.

Không diệt được kiểu bổ sung này thì còn là lắm chuyện, dân chỉ còn dài người ra đóng thuế hoặc con cháu chúng ta trả nợ “hộc xì dầu”.

 

 Phác thảo cụm tượng đài.

Chơi sang hơn Mỹ

Trước việc điều chỉnh vốn đầu tư nói trên, nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, người dân cho rằng, xây dựng tượng đài không nhất thiết phải quá hoành tráng, tốn kém đến hàng trăm tỷ đồng như vậy. Có thể nói đây là một kiểu chơi lố bịch như dân gian ví von: “Xây tượng đài hoành tráng như nhà nghèo nuôi voi cưỡi chơi” ! Ông Phạm Trung, Trưởng ban Mỹ thuật hiện đại (Viện Mỹ thuật) cho biết: “Để kỷ niệm 10 năm sự kiện 11/9 ở Mỹ, tại khuôn viên của tòa tháp đôi bị đánh sập, Ban tổ chức không làm những tượng đài cao vút, đồ sộ mà tại nền 2 tòa tháp cũ, họ đào hai cái hồ vuông, nước chảy liên tục vào đấy, xung quanh ghi tên những người thiệt mạng. Ngày tưởng niệm họ chiếu 2 cột đèn laser lên trời, kỹ thuật không có gì ghê gớm nhưng ý nghĩa vô cùng sâu sắc”.

Còn riêng 8 cái “trụ huyền thoại” trong tượng đài của tỉnh Quảng Nam, phần mỹ thuật, thân tượng và 8 cột trụ đã chiếm khoảng hơn 225 tỉ đồng. Đúng là các quan này chơi sang hơn Mỹ. Thú thật với bạn đọc tôi thấy “trụ huyền thoại” nghe có vẻ “văn hoá” quá xá, chẳng biết các ông này lôi ở đâu ra hai chữ “huyền thoại” để gắn vào đó cho thêm phần long trọng kiểu “sử thi”, cho đáng đồng tiền bát gạo. Nhưng một đồng tiền, một bát gạo đối với người dân nghèo quý lắm. Không thể mang cả trăm tỉ ra “chơi văn hoá” kiểu này được. Mỹ cũng phải chào thua.

 

 

 8 cột trụ huyền thoại trong tượng đài.

Sự phẫn nộ của người dân

Rất nhiều người dân đang lên tiếng bất bình. Tôi chỉ nêu vài ý kiến trong hàng trăm, hàng ngàn lời phát biểu đầy phẫn nộ của người dân:

- Bà Trần Thị Phẩm là một trong những bà mẹ VNAH còn sống, suốt gần 50 năm qua bà sống cô đơn ở huyện đảo Lý Sơn cũng phải kêu lên: “"Xây tượng đài cho mẹ làm chi, các chú hãy giành tiền giúp tụi nhỏ ở vùng sâu, vùng xa đến trường thì tốt hơn".

- Bạn Quách Phú Lộc đã lên tiếng: “Quá lãng phí. Không hiểu người ta thích cái gì cũng phải to, phải lớn nhỉ? Trong thời buổi khó khăn này mà nhà nước duyệt cho xây dựng những công trình như thế?! Tại sao chính phủ cứ hô hào cắt giảm đầu tư công mà công trình không được cắt giảm, tui thấy ở một số nơi đầu tư công được cắt bỏ là những công trình xây dựng trường học và bệnh viện (về Bình Dương sẽ biết).

- Bạn Lê Tuấn cay đắng: “Bà mẹ VN anh hùng với 410 tỉ sẽ nghĩ như thế nào nếu con gái của mẹ vì nghèo đói phải lấy chồng xứ lạ Đài Loan, Nam Triều Tiên... Con gái của mẹ lại đẻ thuê cho người Thái. Không có một bà mẹ VN anh hùng muốn vậy! Chỉ có những người dựa theo mẹ để làm việc riêng.

Nói đến người dân tỉnh Quảng Nam, ai cũng biết, hàng năm phải đối mặt với thiên tai bão lụt nhiều nhất. Liệu bức tượng kia có nhìn xuống dòng sông để thấy các em học sinh bản Ông Tú và Ka Oóc xã Trọng Hoá phải bơi qua sông đi học chữ không? Nhiều thôn xóm mọi người còn phải đu dây như khỉ qua những con sông con suối nước chảy băng băng, gùi từng củ mài về ăn thay cơm, nhặt từng cọng cây khô về sưởi ấm. Các bà mẹ ấy có đành lòng ngồi trên cao nhìn cuộc sống đang diễn ra như vậy không?

 

 

Gần một năm nay, học sinh bản Ông Tú và Ka Oóc xã Trọng Hoá phải bơi qua sông học chữ.

Vô cảm trước mọi dư luận chống đối của người dân   

Vậy mà trước những ý kiến chống đối gay gắt của người dân, có một số quan chức tỉnh Quảng Nam vẫn cứ thản nhiên trả lời rằng “xây dựng pho tượng này là thể theo nguyện vọng của quần chúng nhân dân”. Người ta lợi dụng hai chữ nhân dân quá nhiều rồi. Nhân dân nào? Hai chữ đó trở nên rất mơ hồ muốn gán vào chỗ nào cũng được. Hãy thử nhìn xem kết quả của một cuộc trưng cầu ý kiến của một tờ báo trong nước sẽ thấy ngay “nhân dân” có bao nhiêu người đồng tình và bao nhiêu người phản kháng:

Tính đến ngày 24-9-2011, số người đồng tình chỉ có 773 phiếu (4,5%) trên tổng số 17.005 phiếu. Số người nêu ý kiến làm với quy mô vừa phải có 7.102 phiếu (41,8%). Số người nêu ý kiến không nên xây tượng đài là 8.994 phiếu (52.3%) Vậy nguyện vọng của nhân dân ở đâu? Chỉ có 773 ông, chắc thuộc cơ quan nhà nước của tỉnh. Không ai có quyền đại diện cho nhân dân để làm bất cứ việc gì khi chưa có sự trưng cầu dân ý.

Cụ thể hơn, ngày 22 tháng 9 vừa qua, sau khi đã có sự phản đối của người dân, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Cục trưởng Nhiếp ảnh và Triển lãm, đã trả lời với phóng viên rằng: “Bản thân tôi chưa nhìn thấy sự lãng phí ở đây, đó là dư luận nói.” Và ông lại vin vào cớ “Các công trình xây dựng phần lớn đều đội giá, không thể nói riêng tượng đài”. Rồi ông đặt câu hỏi: “Các bạn đã tính 1 km quốc lộ là bao nhiêu tiền chưa? Nếu so sánh như thế thì sẽ thấy con số này là đắt hay rẻ”.

Đúng là một kiểu so sánh ngây thơ. Làm đường để phục vụ sự thông thương, phát triển kinh tế xã hội. Làm tượng chỉ để ngắm, hai việc khác nhau hoàn toàn. Ông đã gặp ngay câu trả lời của người dân: Bạn Nguyen Vinh Dan viết trên báo Người Lao Động: “Ông Cục trưởng này bị bịnh vô cảm rồi... Ông đang chứng tỏ mình là quan chỉ biết ý kiến của mình, quan điểm của mình mà không đếm xỉa gì đến ý kiến quần chúng nhân dân...”

Bạn Huynh Trong Tai: “Bó tay với cách phát biểu "thiếu trách nhiệm" của ông Thành, tôi nghĩ bản thân ông Vi Kiến Thành là ông bị bệnh cận thị và lãng tai khi tuổi đã cao nên không nghe, không thấy rõ sự phản đối 410 tỉ để xây tượng đài của người dân trong nước và hải ngoại”… Và bạn Trần Ba kết luận một câu gọn lỏn: “Ông Vi Kiến Thành này nói ngang...”

Đội ngũ chuyên môn còn hạn chế thì đừng “dự toán”

Ông cục trưởng nêu ra ba lý do để xin bổ sung kinh phí. Ông nói: “Theo tôi, ở đây cần có một cái nhìn khách quan. Các công trình xây dựng phần lớn đều đội giá, không thể nói riêng tượng đài. Nói như vậy, tượng đài biến thành tội đồ. Giá cả trượt quá nhanh, thời gian xây dựng bị kéo dài do kinh phí rót rất chậm cũng là một lý do. Thêm nữa, khả năng tiên lượng dự toán của đội ngũ chuyên môn cũng còn hạn chế. Tất cả cộng lại đã khiến chi phí bị đội lên”.

Như trên đã phân tích, cái “mốt” đổ cho trượt giá đã thành bài bản cho hầu hết những công trình lớn nhỏ. Ở đây cũng chỉ là “bổn cũ soạn lại” thôi, không cần bàn tới. Riêng việc ông thú nhận “đội ngũ chuyên viên còn hạn chế” cũng không khác gì những kiểu trả lời của nhiều cơ quan chức năng khi một vụ việc bị vỡ lở ra làm thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế đất nước. Đổ tội cho “còn hạn chế” nghe nhẹ hều, như thế chẳng ai có tội cả, chỉ vì ta ít người tài. Thật ra người tài không thiếu nhưng các ông không biết dùng hay không dám dùng mà thôi. Bởi lý lịch của họ hay vì không cùng phe cánh, không được ai giới thiệu.

- Bạn Minh nói thẳng thừng: “Khả năng tiên lượng dự toán của đội ngũ chuyên môn cũng còn hạn chế". Một câu nói mâu thuẫn hết sức, đã có chuyên môn mà lại hạn chế. Nếu trình độ còn hạn chế thì đừng tham lam ôm việc lớn để làm hao phí tiền bạc của dân. Đó mới là người chân chính”.

- Bạn Nguyên kết luận: “Đã là dân chuyên môn mà khả năng năng chuyên môn còn hạn chế !? Nói thật các ông "chuyên môn " đừng tự ái. Khả năng còn hạn chế nói cho đúng là “còn dốt”. Dự án kinh tế mà cứ giao cho các ông “còn hạn chế” kiểu này ,thì có nước in tiền âm phủ may ra mới đủ cho các ông bù vào khoản "còn hạn chế". Tội nghiệp cho đồng bào mình, giao việc cho các ông “còn hạn chế” như thế này thì bao giờ mới hết nghèo”

Tượng đài sẽ được tiếp tục như thế nào?

Đó là câu hỏi còn đang được bỏ ngỏ. Nhưng nó đã được khởi công vào ngày 27/7/2007, tức là cách đây 4 năm. Trong khoảng thời gian đó đã ngốn hết bao nhiêu ngân quỹ và làm được những gì, chưa thấy “hạch toán” rõ ràng. Tuy nhiên nó đã bắt đầu thì khó có thể bỏ ngang, đã “đâm lao phải theo lao”. Nhưng “theo lao” bằng cách nào?  Chỉ sợ các “cơ quan chức năng” cố đấm ăn xôi, phớt lờ dư luận cứ làm theo ý mình, ý dân thì mặc. Chúng ta hãy chờ xem.