Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26 Tháng 9 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26 Tháng 9 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Hai, 26 Tháng 9 Năm 2011 12:44

Tổng thống Medvedev, kẻ lót đường cho Thủ tướng Putin


Cặp bài trùng Vladimir Poutine (trái ) và Dmitri Medvedev tại Matxccơva hôm 24 /9/2011.
REUTERS/Denis Sinyakov

Thông tín viên của Libération tại Matxcơva có bài viết mang tựa đề « Đầy hứa hẹn cho năm 2012, ông Putin xếp xó người bù nhìn ».

Đương kim Thủ tướng Nga khi loan báo sẽ ra ứng cử Tổng thống vào tháng Ba tới, đã khẳng định đây là một kế hoạch có từ lâu, chứng tỏ vai trò lâu nay của ông Medvedev chỉ đơn thuần là người lót đường.

Đối với những người ủng hộ ông Medvedev cũng như toàn bộ phe đối lập, việc ông Putin trở lại ghế Tổng thống vào năm 2012 là một thảm họa cho nước Nga.

Một nhà đối lập thổ lộ : « Putin, đó là tham nhũng vô độ, nhân dân cùng khổ, cảnh sát và viên chức lộng hành…Sự trở lại của ông Putin có nghĩa là sẽ chẳng bao giờ có cải tổ. Ngược lại, việc siết chặt cai trị có thể dẫn đến nổi loạn ».

Còn theo ông Petrov, thì « Những cuộc khủng hoảng lớn nhỏ liên tục trong năm 2012 sẽ khiến hệ thống phải thay đổi, nếu không sẽ mất kiểm soát cả đất nước, hậu quả là toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ ».
 
Tác giả nhận xét, tuy đảng Nước Nga Thống nhất chưa thắng kỳ bầu cử Quốc hội, ông Putin chưa lấy lại ghế Tổng thống và ông Medvedev chưa thành Thủ tướng, nhưng tất cả đều như chuyện đã rồi, chiếc bánh đã được giới chóp bu chia phần.

Bộ trưởng Tài chính Alexei Koudrine vốn nhiều uy tín, chưa chi đã từ chối làm việc với chính phủ Medvedev tương lai, vì ông này thiếu năng lực. Libération kết luận, trong lô-gich kiểu Putin, thêm một lý do để có thể an tâm trao chức Thủ tướng cho ông Medvedev!
 
Nhật báo công giáo La Croix nhấn mạnh đến sự thiếu vắng đối lập, trừ sự hiện diện của đảng Cộng sản và vài tiếng nói rời rạc trên mạng.

Theo tờ báo, thì thời gian qua ông Putin cần ông Medvedev để thu hút cảm tình của các lực lượng độc lập và giới đầu tư. Một khi lấy lại chiếc ghế Tổng thống, ông có thể lại biến ông Medvedev thành Thủ tướng bù nhìn, và buộc ông này phải từ chức nếu muốn. Còn Le Figaro trích ý kiến của một số đối lập, theo đó hai ông này chỉ là hai mặt của một đồng tiền – một chính phủ phản dân chủ và độc đoán.
 
Chú ý đến việc đại hội đảng Nước Nga Thống nhất nhiệt liệt hoan nghênh thông báo của ông Putin, nhật báo Le Figaro trích lời của một nhà phân tích : «Tất cả gợi nhớ đến thời kỳ Brejnev, khi mọi việc đều được quyết định phía sau hậu trường, trước khi công bố ra đại hội đảng ».

 Một nhà chính trị học khác nhận xét, kể từ thời Staline, chưa bao giờ thấy tình trạng tôn sùng cá nhân như thế.

Do Hiến pháp nước Nga không cho phép làm Tổng thống quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, nên ông Medvedev mới được ông Putin chọn làm người giữ chỗ cho mình.

Tuy vậy, việc ông Medvedev ra ứng cử Tổng thống là một khả năng có thể có thực, và đã gây nhiều hồi hộp trong những tháng vừa qua. Trong khi ông Putin thành lập Mặt trận Nhân dân để củng cố cho đảng Nước Nga Thống nhất đang mất lòng dân, thì ông Medvedev ủng hộ việc vực dậy đảng tự do mang tên Chính nghĩa, có thể hỗ trợ cho ông nếu ra tranh cử. Nhiều người bắt đầu tin vào các bài diễn văn của ông Medvedev, hứa hẹn hiện đại hóa kinh tế và chính trị, kiên quyết đấu tranh chống nạn tham nhũng và cửa quyền.
 
Thế nhưng, theo Libération, cung cách buông xuôi của ông Medvedev cho thấy ông chưa bao giờ có tham vọng cũng như kế hoạch nghiêm chỉnh.

Nikolai Petrov, một nhà chính trị học đã phân tích, ông Medvedev được ông Putin giao cho chức Tổng thống không phải nhờ năng lực lãnh đạo, mà chỉ nhờ lòng trung thành.

Chưa bao giờ có chủ thuyết chính trị thực sự, cũng không có phương tiện cho một chiến lược tự thân, ông ta không có cách nào khác hơn là phải trung thành
Tờ báo cũng nêu ra những ngờ vực về tương lai của nước Nga vốn lệ thuộc vào dầu hỏa, khi khủng hoảng kinh tế châu Âu đang đe dọa. Ngoài lời hứa xây thêm vườn trẻ và tăng thuế đối với người giàu, chính sách kinh tế của ông Putin còn rất mơ hồ.

 Nhiều nhà phân tích dự báo một sự chững lại trong 12 năm tới, tức hai nhiệm kỳ Tổng thống tới của ông Putin. Hoặc một sự mở cửa có kiểm soát, nhằm chuẩn bị đưa ông Medvedev trở lại làm trái độn tiếp. Nhưng theo một chính khách độc lập, thì một kịch bản như thế khó được phương Tây chấp nhận, và sẽ bị giới trí thức cũng như cư dân mạng chống đối.
 
Cánh tả Pháp giành thắng lợi lịch sử tại Thượng viện

Sự kiện Thượng viện Pháp rơi vào tay cánh tả là đề tài được hầu hết các nhật báo Pháp đưa lên trang nhất hôm nay.

Tờ báo cánh hữu Le Figaro chạy tựa « Thượng viện ngả sang cánh tả » và nhấn mạnh, lần đầu tiên từ năm 1958 đến nay, cánh hữu và cánh trung chỉ còn là thiểu số ở Thượng viện Pháp. Trong bài xã luận mang tựa đề « Đòn sấm sét », tờ báo nhìn nhận, đây quả là một sự kiện lịch sử kể từ 53 năm qua. Và như vậy, nhân vật số hai của nước Pháp sẽ là người của phe Xã hội.
 
Tờ báo cánh tả Libération chạy tựa « Phe tả chiếm đa số ở Thượng viện : Chiếm lĩnh điện Luxembourg » - điện Luxembourg là trụ sở của Thượng viện Pháp- Trong bài xã luận, Libération nhận định, sở dĩ Thượng viện chưa bao giờ bị chuyển sang tay cánh tả, đó là vì các thủ tục bầu bán được định ra lâu nay là nhằm tránh khả năng này.

Tờ báo ví von, sự kiện hôm Chủ nhật 25/9 sẽ « xâm nhập bất hợp pháp » vào sử sách, và coi đây là một trận động đất, một sự trừng phạt mang tính biểu tượng, đồng thời là niềm hy vọng cho năm 2012.
 
Ở các trang trong, Libération đề cập đến các yếu tố như, các đại cử tri là các đại biểu dân cử không đảng phái, xưa nay vẫn có khuynh hướng bầu cho phe hữu, nay đã chán nản với sức nặng của chủ trương phi tập trung hóa, dồn trách nhiệm cho địa phương trong khi phương tiện lại hạn chế.

Bên cạnh đó là sự chia rẽ ngay trong cánh hữu. Một giáo sư về công pháp, khi trả lời Libération đã nhận định, nếu cánh tả đã chờ đợi 23 năm trước khi giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1981, thì đã phải đợi đến hơn nửa thế kỷ để có được chiến thắng ở Thượng viện lần này, khiến cơ quan này trở thành một nghị viện đối lập cho đến kỳ bầu cử tới.
 
Nhật báo cộng sản L’Humanité vui mừng chạy tựa « Bầu cử Thượng viện : Một chiến thắng lịch sử », vì từ thuở bình minh của nền Đệ ngũ Cộng hòa, Thượng viện vẫn đóng vai trò hãm phanh đối với những cải cách của Hạ viện, khi phe tả chiếm đa số tại đây.

Theo tờ báo, thể thức bầu cử gián tiếp, dành nhiều chỗ cho các địa phương nhỏ lâu nay tạo ưu thế cho cánh hữu, nhưng một khi sự bất bình đã lên cao, thì hệ thống bảo vệ phản dân chủ không còn hữu hiệu nữa, và thành phần mới của Thượng viện cũng đang tiến gần với quan điểm của công chúng.
 
« Bầu cử Thượng viện : Cánh tả chiến thắng », tựa trang nhất của nhật báo công giáo La Croix.

Cũng có cùng nhận định, trận « động đất chính trị » này có thể làm giai đoạn cuối nhiệm kỳ của đương kim Tổng thống thêm khó khăn, tờ báo đăng phỏng vấn hai thượng nghị sĩ. Một thuộc cánh tả bày tỏ sự bất bình khi phải ở phe đối lập suốt 19 năm qua, và cho rằng cần thay đổi thể thức bầu cử Thượng viện.

Còn một thượng nghị sĩ khác thuộc cánh hữu thì lại cảm thấy thất vọng vì dư luận quần chúng không được thông tin đầy đủ về công việc của Thượng viện, trong khi đã có rất nhiều cải thiện trong việc tổ chức hoạt động của các cơ quan lập hiến.
 
Những hệ lụy cho cánh hữu trong cuộc bầu cử Tổng thống 2012
 
Liệu người đứng đầu Pháp quốc sẽ được bầu ra vào tháng 5/2012 cũng sẽ của cánh tả ?

Le Figaro cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chao đảo, phe tả tỏ ra vụng về, lỗi thời, không biết thích ứng với hoàn cảnh mới, trong khi cánh hữu biết điều hành đất nước trước một cuộc khủng hoảng quy mô. Phe hữu cần phải biết nhấn mạnh ưu điểm của mình trong cuộc chạy đua sắp tới.
 
Về phía cử tri cánh hữu, Le Figaro nhắc nhở là cần phải ý thức được tầm vóc của kỳ bầu cử Tổng thống năm 2012. Nếu cánh tả chiến thắng trong cả cuộc bầu cử Tổng thống lẫn Quốc hội lần tới, thì sẽ có tất cả : từ Dinh Tổng thống Elysée, Phủ Thủ tướng Matignon, Hạ viện, Thượng viện, cho đến chính quyền địa phương các cấp vùng, cấp tỉnh và hầu hết các thành phố lớn.

 Một nước Pháp màu hồng mà ngay cả ông François Mitterand cũng chẳng dám mơ tới ! Đảng UMP cầm quyền còn bảy tháng nữa để xoay chuyển lại tình hình, tránh phải chịu một đòn sấm sét mới mà hậu quả sẽ vô cùng khốc liệt.

Hãy coi chừng  với những liều thuốc giảm cân

Trên lãnh vực y tế, nhật báo Le Figaro đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ hai loại thuốc giảm béo Alli và Xenical có thể gây bệnh viêm gan. Alli được bán tự do trên thị trường, còn Xenical bán theo toa bác sĩ, đều chứa cùng một loại dược chất với liều lượng khác nhau.
 
Đây là hai loại thuốc giảm béo còn được cho phép lưu hành trên thị trường Pháp. Trên 38 triệu người trên thế giới đã sử dụng, trong đó có hàng trăm ngàn người Pháp. Nhưng tối thứ Sáu tuần trước, cơ quan quản lý dược phẩm Pháp đã báo động, hai loại thuốc trên « có thể gây ra các bệnh viêm gan, tuy khả năng này hiếm hoi nhưng nếu mắc bệnh sẽ rất trầm trọng ».

Le Figaro cho rằng, từ nay cơ quan y tế sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cho thương mại hóa các loại thuốc chống béo phì, vì cho đến nay các loại thuốc này đều lần lượt bị cấm sử dụng do tác dụng phụ của chúng.

Nếu nạn béo phì là mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng, thì đại đa số người sử dụng thuốc chống béo phì đều không chỉ muốn sút đi một vài kí lô mà thôi. Và như vậy rất khó tìm được một loại thuốc mà lợi ích cao hơn rủi ro, có nguy cơ bằng 0.