Home Tin Tức Thời Sự Chính sách hỗ trợ giá mua gạo gây tranh luận tại Thái Lan

Chính sách hỗ trợ giá mua gạo gây tranh luận tại Thái Lan PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Hai, 26 Tháng 9 Năm 2011 12:01

Có khoảng 3 tỷ người ăn cơm và gạo của Thái Lan chiếm một phần ba tổng xuất khẩu thế giới.


Gạo Thái lan xuất khẩu sang Indonesia / Reuters

Việc chính quyền Bangkong lập cơ chế hỗ trợ, bảo đảm mua gạo giá cao cho người sản xuất đang gây tranh luận tại Thái Lan : Kế hoạch này không chỉ làm cho thị trường gạo quốc tế căng thẳng mà Thái Lan có thể sẽ bị thiệt thòi.
 
 
Tân chính phủ Thái Lan, được thành lập vào tháng Tám, đã hứa là trong giai đoạn từ tháng Mười đến tháng Hai, sẽ nâng mức giá tối thiểu mua gạo cho các nhà sản xuất Thái Lan, từ 10.000 bahts/tấn hiện nay (240 €) lên 15.000 bahts/tấn (360€).
 
Đây là một trong những cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử của đảng Puea Thai và các đồng minh đối với tầng lớp dân nghèo ở các địa phương đã bỏ phiếu ủng hộ, đưa bà Yingluck, em gái cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra và các đồng minh thân cận lên cầm quyền.
 
Thế nhưng biện pháp này đang đẩy giá gạo lên cao trên thị trường thế giới. Thực tế những tháng vừa qua cho thấy, giá gạo đã tăng mạnh cho dù tác động đối với người tiêu dùng còn chưa rõ ràng. Xin lưu ý là, hàng ngày, trên thế giới, có khoảng 3 tỷ người ăn cơm và gạo của Thái Lan chiếm một phần ba tổng xuất khẩu thế giới.
 
Do chính phủ hứa mua gạo giá cao, các nhà sản xuất Thái Lan tích trữ và chờ đợi.

Theo cơ quan tư vấn kinh tế Capital Economics, hậu quả là giá gạo Thái Lan xuất khẩu đã tăng, từ 370€/tấn vào đầu tháng Bẩy lên tới 445€/tấn hiện nay. Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan dự báo là giá gạo có thể lên tới 590€/tấn và cảnh báo là Thái Lan có thể mất vị trí nước xuất khẩu gạo số một thế giới. Như vậy, tình trạng khan hiếm đã làm tăng giá xuất khẩu, gạo Thái Lan mất sức cạnh tranh và khối lượng xuất khẩu sẽ giảm.
 
Ông Vichai Sriprasert, chủ công ty xuất khẩu gạo Riceland International, được AFP trích dẫn, nhận định : « Các chính phủ trên toàn thế giới trợ giá nguyên liệu để nâng cao sức cạnh tranh hơn, nhưng Thái Lan thì làm ngược lại hoàn toàn ».
 
Theo dự báo của bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu gạo của Thái Lan trong năm nay có thể đạt 10 triệu tấn và sẽ bị giảm 20% vào năm 2012 trong lúc các giao dịch mua bán gạo trên thế giới sẽ chỉ giảm khoảng 4%. Kể từ tháng Tám, các nhà xuất khẩu Việt Nam đã tăng 4% giá gạo, sau khi nguồn cung ứng xuất khẩu bị giảm.
 
Bangkok đã bác bỏ dự báo này và cho rằng chất lượng cao của gạo của Thái Lan vẫn thu hút được khách hàng. Trợ lý phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Anuttama Amornvivat nói : « Chúng tôi tin tưởng là có thể xuất khẩu với khối lượng như trước nhưng lại có thu nhập cao hơn ».
 
Vừa qua, đại diện các nhà xuất khẩu Thái Lan và Việt Nam, nước đứng hàng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, đã gặp nhau tại Chieng Mai, đông bắc Thái Lan.

Một quan chức thuộc Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết là phía Việt Nam lo ngại là giá gạo Thái Lan tăng cao sẽ kéo theo giá gạo tiêu dùng tại Việt Nam trong lúc lạm phát ở mức hai con số.
 
Mặt khác, một số chuyên gia Thái Lan cảnh báo là với cơ chế trợ giá của chính phủ, thì Việt Nam có thể vươn lên vị trí nước xuất khẩu gạo số một thế giới, thay chỗ của Thái Lan.
 
Trên báo The Nation, số ra ngày hôm nay, cựu bộ trưởng Tài chính Thái Lan, ông Pridiyathorn Devakula cho biết là trong quá khứ, nhiều chính phủ cũng đã từng thực hiện trợ giá gạo nhưng không mang lại kết quả, thậm chí, cơ chế này còn làm tăng nạn tham nhũng.
 
Từ năm 2004, dưới thời thủ tướng Thaksin, với cơ chế hỗ trợ này, giá gạo đã tăng một cách phi lý. Thế nhưng, xuất khẩu của Thái Lan không ngừng giảm, từ 10,11 triệu tấn năm 2003-2004 xuống còn 7,28 triệu tấn năm 2004-2005, trong cùng thời kỳ này, xuất khẩu gạo của Việt Nam lại tăng từ 4,3 triệu tấn lên thành 5,17 triệu tấn.

Cựu bộ trưởng Tài chính Thái Lan nhấn mạnh, mất đi vị trí số một cũng có nghĩa là mất đi nguồn thu ngoại tệ.