Trung Quốc : Chính quyền ngày càng mất lòng dân
Hàng trăm nông dân tỉnh Quảng Đông phá hủy tường bao một khu đất trồng trọt bị nhà nước tước đoạt, trong cuộc bạo động cuối tháng 10/2011. REUTERS/Staff
Gần đây, báo giới liên tiếp phản ánh về những bất ổn trong xã hội Trung Quốc với việc ngày càng có nhiều cuộc biểu tình phản đối của người dân do cảnh tức nước vỡ bờ.
Tiêu cực hoành hành, quan liêu trầm trọng. Hệ quả kéo theo là cả hệ thống chính trị Trung Quốc ngày càng bị mất lòng dân.
Không chỉ báo chí phương Tây, mà ngay báo chí chính thống của nước này cũng không còn ngần ngại phanh phui tiêu cực.
Tạp chí Courrier International số ra tuần này dẫn lại bài của tờ Hoàn Cầu Thời báo Trung Quốc với hàng tựa cảnh báo :
«Tín nhiệm dành cho giới lãnh đạo đang bị lật nhào ».Tờ báo cho biết, hầu như toàn thể thống điều có liên quan, từ các tổ chức phi lợi nhuận, quan chức chính phủ, các chuyên gia và các phương tiện truyền thông đại chúng. Đối với các tổ chức phi lợi nhuận, Hoàn Cầu Thời báo nêu lại vụ việc hồi tháng sáu rồi, một thiếu nữ 20 tuổi đăng tải trên trang blog của mình thông tin về lối sống hết sức xa hoa của cô, đồng thời khẳng định đang điều hành cho một công ty liên kết với Hội Chữ Thập Đỏ quốc gia Trung Quốc.
Trong bối cảnh vật giá leo thang, đời sống đắt đỏ, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng tại Trung Quốc, thì sự kiện trên gây sốc nặng đối với mọi người. Đặc biệt thông tin cô làm việc cho Hội Chữ Thập Đỏ quốc gia đã khiến tổ chức phi lợi nhuận này mất uy tín nghiêm trọng, Bên cạnh đó, Hoàn Cầu Thời báo còn dẫn một số minh chứng khác về tiêu cực liên quan đến các tổ chức phi lợi nhuận ở Trung Quốc.
Tờ báo cho biết, mọi người bắt đầu ngần ngại góp tiền từ thiện và mức đóng góp đã giảm đi đáng kể. Cụ thể là, kể từ sau vụ cô gái nói trên, mức quyên góp đã giảm từ 6,26 tỷ nhân dân tệ cho giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 xuống còn 840 triệu cho hai tháng 6 và tháng 8, tức giảm đến 86,6%. Sự mất tín nhiệm của người dân được thấy rõ nhất đối với chính quyền. Các bộ ngành và chính quyền địa phương thường hay có ý bưng bít thông tin và công luận mỗi khi xảy ra xì căng đan. Thế nhưng, theo tờ báo, hễ càng bưng bít, thì sự bất mãn trong dân càng cao, kéo theo là dân ngày càng nghi ngờ thông tin từ phía chính quyền. Trong khi đó, một số người được cho là « chuyên gia » đã can thiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng với mục tiêu mà tờ báo cho là để « làm dịu sự nghi ngờ ». Bởi thế lập luận họ hoàn toàn không khách quan, và thường kéo theo kết quả không mong muốn, đó là làm cho mối nghi ngờ của người dân thêm trầm trọng. Chỉ cách đây ít lâu, các lãnh đạo chính phủ, chuyên gia và các phương tiện truyền thông đại chúng còn được người dân tin tưởng. Thế mà tại sao giờ đây họ lại mất lòng tin ? Hoàn Cầu Thời báo cho rằng, đấy là do sự không cân xứng giữa « cung » và « cầu » trong xã hội. Cung ở đây tức là đáp ứng của chính phủ đối về sự tín nhiệm của người dân.
Tờ báo cho rằng, sự đáp ứng này còn chưa đúng mức. Một chuyên gia thuộc Trường hành chính quốc gia Trung Quốc nhận định :
« Một vài cơ quan chính phủ đã không làm việc hết mình, và đã không có phản ứng đúng đắn ». Theo ông này, đấy là do họ vẫn còn mang nặng tâm lí « phụ mẫu chi dân ».
Vì thế, họ vẫn đặt trọng quyền lợi và ưu tiên dành cho chức vụ của họ, nói nhiều mà làm ít, thậm chí còn có quan chức luôn phản ứng bằng cách bưng bít sự việc. Từ đó, những gì cần công khai thì lại không được công khai, và hậu quả là làm dấy lên những tin đồn. Trong khi cung từ phía chính quyền không đủ, thì cầu của người dân lại mỗi ngày một lớn.
Xã hội thay đổi mau chóng, người dân cũng ngày càng đòi hỏi nhiều hơn về quyền được tham gia vào công việc chung, về sự minh bạch.
Do thông tin thường bị chính quyền bưng bít, nên họ buộc phải tự đi tìm sự thật và thể hiện mong ước trên mạng Internet. Với Internet, tin đồn cũng như sự bất mãn được lan truyền nhanh chóng và không ngừng lớn lên, tính trung thực và sự công minh của các tổ chức chính quyền bị đặt vấn đề, và thế là chính quyền bị giảm tín nhiệm đáng kể trong dân. Nói về các chuyên gia, tờ báo cho rằng, có nhiều người vì chạy theo lợi ích vật chất mà quên đi sự công minh của khoa học. Còn các phương tiện thông tin đại chúng thì không còn đấu tranh vì sự thật nữa mà đang dần trở thành cơ quan phát ngôn của các nhóm lợi ích. Khi các nhà khoa học và các phương tiện truyền thông không còn giữ được óc khách quan và vô tư, do vậy họ cũng mất lòng tin của dân chúng. Ấn Độ : Phân biệt đẳng cấp hoành hành tại các trường đại học Cũng liên quan đến Châu Á, Courrier International dẫn lại bài của tờ Tehelka tại New Dheli phản ảnh về tình trạng phân biệt đẳng cấp trong các trường đại học Ấn Độ. Những sinh viên bị phân biệt đối xử đến từ tầng lớp Dalit, một giai tầng thấp nhất trong hệ thống đẳng cấp tại Ấn Độ.
Theo thống kê, trong bốn năm qua, đã có đến 18 sinh viên Dalit tự tử do không chịu được áp lực phân biệt đối xử trong nhà trường.
Cách đây 9 tháng, một tổ chức phi lợi nhuận đã thành lập đường dây nóng dành cho sinh viên có xuất thân « thấp hèn » chia sẻ tâm sự. Đa số các cuộc gọi có liên quan đến những sinh viên nghèo khổ, được nhận vào các trường lớn nhờ vào chính sách Quota (ưu đãi) dành cho sinh viên thuộc đẳng cấp thấp, bị phân biệt đối xử trong trường bởi bạn bè, và ngay cả giảng viên, viên chức. Trong xã hội Ấn Độ phổ biến tâm lí cho rằng, tài năng không phải bẩm sinh, mà gắn liền với nguồn gốc gia đình.
Bởi thế, khi đến học tại các trường lớn, sinh viên thuộc giai tầng thấp bị xem là « không xứng đáng » để có thể theo kịp khóa học, và mọi người cho rằng tốt hơn họ nên đến học ở những trường nhỏ hơn.
Thêm vào đó, ở những trường lớn tại Ấn Độ, hai điều ngự trị là tiếng Anh và văn hóa thành thị. Do đó, các sinh viên đến từ miền quê, không rành tiếng Anh luôn bị thua thiệt và phân biệt đối xử. Từ đó, để tồn tại được trong nhà trường, sinh viên Dalit phải biết học cách thoát khỏi mặt cảm tự ty, và phải biết tự tin vào chính mình.
Tờ báo dẫn ví dụ tại Mỹ, kể từ khi ông Obama lên nắm quyền, thì tỷ lệ chệnh lệch về kết quả học tập giữa sinh viên da trắng và da đen đã giảm đi đáng kể. Còn tại Ấn Độ, một minh chứng là ở một trường đại học có một giáo sư xuất thân từ giai tầng Dalit, nên sinh viên Dalit nhờ đó có động lực phấn đấu. Ở Ấn Độ, các trường đại học lớn có dành chỉ tiêu cho sinh viên thuộc giai tầng thấp như Dalit.
Các sinh viên thuộc diện này bị nhìn với ánh mắt khinh thường, bởi họ là những « sinh viên Quota ». Theo tờ báo, để chính sách Quota đạt mục tiêu đề ra, thì các thể chế phải có quyết tâm giúp sinh viên hội nhập thật sự, bởi đối với sinh viên Dalit, cái khó nhất không phải là được nhận vào trường, mà là khả năng có thể trụ lại đó! Yemen : Thảm họa lương thực đang rình rập Tiếp tục thông tin về tình hình Yemen, Le Nouvel Observateur có bài cảnh báo về « bóng ma thiếu đói » đang chập chờn tại nước này. Tính từ đầu vụ nổi dậy hồi tháng giêng đến nay, tại Yemen đã có hàng trăm người chết và nhiều ngàn người bị thương.
Cộng đồng quốc tế lên tiếng kêu gọi tổng thống Saleh rời bỏ quyền lực. Thế nhưng, ông này vẫn tiếp tục tại vị, tình trạng trấn áp biểu tình vẫn tiếp diễn, số người thương vong tiếp tục tăng lên. Le Nouvel Observateur nhận định :
« Người dân Yemen đang trả giá đắt cho quyền tự do của mình ». Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức phi chính phủ Oxfam cho biết, bạo lực chính trị đã làm tê liệt Yemen.
Oxfam cảnh báo sẽ xảy đến một thảm họa lương thực thật sự tại nước này nếu cộng đồng quốc tế không huy động kịp thời để giúp đỡ Yemen, nước được xem là nghèo nhất trong cộng đồng Ả Rập.
Theo báo cáo, phụ nữ Yemen vốn bị phân biệt đối xử trầm trọng nhất thế giới, khi lương thực thiếu thốn, họ càng trở nên thảm thương hơn. Trong bối cảnh đó, tình hình bất ổn tại Yemen rất rối rắm : sự nổi dậy của người Shia ở miền bắc, phong trào li khai ở miền nam, ảnh hưởng ngày càng lớn của tổ chức Al Qaida.
Cộng đồng quốc tế kêu gọi ông Saleh ra đi, nhưng ai sẽ là người thay thế ông để ổn định tình hình đất nước, trong khi các cường quốc phương Tây và Ả Rập Xê Út cũng thừa nhận rằng thiếu lực lượng thay thế cho ông Saleh, và không có thể chế nào đủ sức đảm nhiệm trọng trách ổn định đất nước như lực lượng quân đội đã làm tại Ai Cập chẳng hạn. Đảng đối lập Al-Islah thì không được người Mỹ ưa thích. Merkel và nỗi đau Hy Lạp
Đến với đầu tàu kinh tế Châu Âu là nước Đức, L’Express có bài viết chạy tựa : « Merkel và nỗi đau Hy Lạp ». Tờ báo nhắc đến nhân vật mang tên Frank Schaffler thuộc đảng Tự do dân chủ FDP. Ông này liên tiếp lên tiếng phản đối chính sách cứu nguy dành cho Hy Lạp, phản đối việc củng cố Quỹ bình ổn tài chính Châu Âu, một dự án được bà Merkel và ông Sarkozy theo đuổi. Ông Schaffler không phải là trở ngại duy nhất đối với thủ tướng Merkel, mà số người thuộc diện chống đối đã lên đến 20, tất cả đều nằm trong liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ thiên chúa Giáo (CDU) của bà Merkel và đảng Tự do dân chủ FDP. Trong khi đó, bà Merkel không đủ sức dập tắt phản đối. Tờ báo nhắc lại một loạt chuyện có liên quan. Đó là chuyện ông bộ trưởng kinh tế Rosler làm thị trường lo ngại khi khẳng định rằng một kịch bản vỡ nợ đối với Hy Lạp không còn là chuyện cấm kị. Rồi đến bộ trưởng Vận tải Ramsauer cũng cho biết không lo ngại lắm đến sự vỡ nợ trên. L’Express nhận định, 18 tháng khủng hoảng nợ công đã làm chia rẽ sâu sắc ê-kíp của bà Merkel, đến mức mà nhiều người lo ngại chính phủ Đức sẽ phá sản trước khi Hy Lạp vỡ nợ . Trang nhất các tuần báo Pháp Chủ đề liên quan đến nước Pháp thu hút đặc biệt sự chú ý của các tạp chí Pháp tuần này. Hai tuần san lớn là L’Express và Le Nouvel Observateur đều dành trang nhất cho nước Pháp. Với hàng tít lớn trên trang nhất : « Nợ công của Pháp, những thủ phạm », L’Express dành đến 17 trang thông tin và phân tích tình hình nước Pháp trong hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt tờ báo chú ý đến tình trạng nợ công hiện tại lên đến hơn 80% GDP và sự trì trệ của nền kinh tế Pháp. Theo tờ báo, tình hình kinh tế hiện tại của Pháp vốn có nguồn cội từ ba mươi năm nay. Các thủ phạm có cả đủ mọi thành phần. Đầu tiên là các nhà hành pháp thuộc cả cánh tả và hữu. Từ 30 năm nay, họ đã chi tiêu quá mức nguồn ngân sách quốc gia trong khi cải cách thì ít ỏi và èo ọt. Kế đến tờ báo cũng chỉ trích chủ nghĩa nghiệp đoàn, và ngay cả những người Pháp đã quá lạm dụng vào mô hình nhà nước tập trung chi tiêu cho phúc lợi xã hội của Pháp. L’Express không quên đề cập đến các nạn nhân, đó chính là thế hệ trẻ. Họ đang phải gánh lấy hậu quả của thế hệ trước để lại và đang đối mặt với một cuộc sống mà chất lượng ngày càng giảm sút. Đề cập đến giải pháp, tờ báo đặc biệt nhấn mạnh đến một nỗ lực tập thể to lớn của toàn nước Pháp. Liên quan đến những người đứng đầu nhà nước từ ba mươi năm qua, tờ báo đăng hình ảnh từ tổng thống François Mitérand (lãnh đạo nước Pháp từ năm 1981-1995), tổng thống Jacques Chirac (1995-2007), và tổng thống Sarkozy (từ năm 2007).
Đáng chú ý là ảnh các vị tổng thống có kèm theo phác đồ biểu thị mức nợ công của Pháp, theo đó nợ công tăng liên tục từ 30 năm nay. Hồi năm 1981, khi tổng thống Mitterand đắc cử, nợ công của Pháp chỉ có 20% GDP, thế mà đến hiện tại là 82,3%. Le Nouvel Observateur thì đặc biệt chú ý vào hình ảnh tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trước thềm bầu cử tổng thống 2012 với hơn 13 trang phân tích. Với hành tựa « Những hồ sơ gây sợ hãi cho ông Sarkozy » trên trang nhất, tờ báo điểm lại một số vụ án đình đám có liên quan ít nhiều đến đương kim tổng thống Pháp.
Trong các vụ án, nổi nhất có lẽ là vụ án Bettencourt và vụ Karachi. Trong vụ liên quan đến nữ tỷ phú tuổi bát tuần Liliane Bettencourt, ông Sarkozy bị nghi ngờ nằm trong số những chính trị gia từng nhận phong bì của bà Bettencourt. Vụ Karachi liên quan đến hai hợp đồng bán vũ khí của Pháp cho Pakistan và Ả Rập Xê Út.
Tư pháp cho rằng, một phần tiền hoa hồng đã quay trở lại Pháp và được tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Balladur vào năm 1995.
Khi đó, ông Balldur là thủ tướng Pháp, còn ông Sarkozy là bộ trưởng Ngân sách và là người phát ngôn của chiến dịch tranh cử này. Vừa qua, hai nhân vật thân cận với ông Sarkozy đã bị thẩm tra và điều tra trong khuôn khổ vụ án.
|