Liên Hiệp Quốc chia rẽ sâu sắc về hồ sơ Palestine
Một phụ nữ Palestine với biểu tượng "Palestine, quốc gia thành viên thứ 194 của Liên Hiệp Quốc" trong một cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống Mahmoud Abbas tại Beirut ngày 23/9/11. Reuters
Hoa Kỳ đã thẳng thừng tuyên bố phản đối đề nghị của Palestine và dọa sẽ dùng quyền phủ quyết.
Đến nay, đã có 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an tuyên bố ủng hộ Palestine, còn đến 4 phiếu nữa mới đủ số quy định thông qua. Colombia không tham gia bỏ phiếu, Anh, Đức, Ấn Độ, Nigeria và Pháp chưa cho biết lập trường chính thức. Như vậy, áp lực đang đè nặng lên các nước như Bosnia, Bồ Đào Nha và Gabon.
Hôm qua, Tổng thống Palestine Mamoud Abbas đã chính thức đệ đơn yêu cầu Liên Hiệp Quốc (LHQ) công nhận nước này là quốc gia thành viên thứ 194.
Cộng đồng quốc tế có nhiều phản ứng khác nhau về hồ sơ này. Báo Pháp hôm nay quan tâm nhiều đến sự kiện trên. Libération có bài trên trang nhất : « Liên Hiệp Quốc : Palestine cuộc giằng co tới cùng». Hôm qua, ông Abbas đã chính thức đệ đơn xin công nhận nhà nước Palestine cho Tổng thư ký LHQ và sau đó, đã có bài phát biểu chính thức trước Đại hội đồng.
Trong diễn văn, ông tha thiết yêu cầu tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này công nhận Palestine là nước thành viên, một hành động mà Libération nhắc lại là Israel đã làm và được chấp nhận cách đây 62 năm. Ông Abbas thống thiết :
« Đã đến lúc nhân dân tôi được sống tự do độc lập trên lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình, như mọi dân tộc trên thế giới ». Libération cho biết, bài phát biểu của ông Abbas được cử tọa « nhiệt liệt hoan nghênh ». Libération đánh giá, động thái trên của ông Abbas cho thấy sự bất lực của Mỹ và cộng đồng quốc tế trong việc làm ông Abbas chùn bước.
Tờ báo cho biết từ nhiều ngày nay, phía Mỹ đã liên tiếp nhắc đi nhắc lại rằng, không có giải pháp nào ngoài việc Palestine đàm phán với Israel. Hôm thứ tư này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng phản đối đề nghị của ông Abbas và cho biết sẽ dùng quyền phủ quyết nếu hồ sơ được đệ trình tại Hồi đồng Bảo an. Thế nhưng, từ hôm qua, sau diễn văn của hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine, nhiều nhà ngoại giao đã cho rằng « vẫn còn chỗ để cho hai bên đạt được thỏa thuận mặc dù còn nhiều vấn đề phải giải quyết ».
Về phần mình, phía Palestine cho biết, sau khi về nước, ông Abbas sẽ họp khẩn cấp với các nhà lãnh đạo nước này để xem xét mọi giải pháp, nhất là giải pháp do Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đề xuất là chấp nhận cho Palestine tư cách tạm thời của một nước quan sát viên tại LHQ. Ông Ban Ki Moon đã trao thư đề nghị của Palestine cho Liban, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an, thế nhưng việc tiến hành bỏ phiếu còn phải đợi nhiều tuần nữa. Theo Libération, thật ra, cộng đồng quốc tế muốn tranh thủ khoản thời gian còn lại này để thuyết phục hai bên trở lại bàn đàm phán. Trong khi đó, tại Ramallah và ở các thành phố thuộc miền Tây sông Jordan, nhiều chục ngàn người đã tuần hành ủng hộ Tổng thống Abbas.
Theo một thăm dò được công bố hôm thứ Hai, có đến 83% người Palestine ủng hộ hành động của ông Abbas. Về phía Israel, Libération cho biết, đại đa số người Israel ủng hộ việc công nhận nhà nước Palestine. Theo một thăm dò do trường đại học Jerusalem thực hiện, có đến 70% người Israel ủng hộ việc công nhận nhà nước Palestine.
Tuy nhiên, họ cho rằng nên giải quyết vấn đề thông qua đàm phán giữa hai nước, chứ không phải ở Liên Hiệp Quốc. Họ cũng đặt nhiều điều kiện kèm theo. Cũng theo thăm dò trên, có đến 60% người Israel lo ngại, trong dài hạn người Palestine sẽ dần chiếm lãnh thổ của họ. Vấn đề Palestine: Bế tắc ? Đánh giá về số phận của đề nghị công nhận Palestine, nhật báo Le Figaro cho là « bế tắc ». Hoa Kỳ đã thẳng thừng tuyên bố phản đối đề nghị của Palestine và dọa sẽ dùng quyền phủ quyết tại Hồi đồng Bảo an.Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã nhận đơn yêu cầu của Palestine và sẽ phải dựa vào Hội đồng Bảo an để giải quyết.
Đến lượt mình, Hội đồng Bảo an sẽ phải thành lập một ban chuyên trách xem xét hồ sơ và đề ra lịch trình bỏ phiếu thông qua. Đến hiện tại, đã có 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an (gồm cả thường trực và không thường trực ) là Trung Quốc, Brazil, Liban, Nam Phi và Nga đã tuyên bố ủng hộ Palestine.
Colombia thì cho biết sẽ không tham gia bỏ phiếu. Phải còn đến 4 phiếu nữa mới đủ số quy định thông qua tại Hội đồng Bảo an Trong khi đó, Anh, Đức, Ấn Độ, Nigeria và Pháp chưa cho biết lập trường chính thức. Như vậy, áp lực đang đè nặng lên các nước như Bosnia , Bồ Đào Nha và Gabon . Le Figaro nhận định, nếu phe phản đối chiếm số đông thì Hoa Kỳ sẽ khỏi phải dùng đến quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an, vì nếu buộc phải dùng quyền này để chống lại số đông thì Washington sẽ bị thiệt hại về mặt ngoại giao. Chính giới Pháp cũng bị chia rẽ về hồ sơ Palestine Liên quan đến nước Pháp, Le Monde cho biết, hồ sơ Palestine cũng gây chia rẽ sâu sắc chính giới Pháp. Trong đảng cánh hữu UMP của Tổng thống Nicolas Sarkozy thì có người thẳng thừng phản đối, có người tỏ vẻ cẩn trọng.
Đảng cực hữu Mật trận Quốc gia lên tiếng ủng hộ. Các đảng phái cánh tả đứng đầu là đảng Xã hội, đảng đối lập lớn nhất, tuyên bố ủng hộ. Đảng Cộng sản Pháp mạnh giọng nhất khi tuyên bố “ủng hộ hoàn toàn” đề nghị của Palestine. Lập trường của Mỹ bị phê phán Bàn về lập trường của Mỹ thông qua bài phát biểu của Tổng thống Obama trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Le Monde ghi lại nhận xét của sử gia Rashid Khalidi thuộc đại học Columbia tại New York. Ông này cho rằng, thật thất vọng khi mà ông Obama không ngừng ca ngợi tự do mới đạt được của người dân tại Nam Soudan, Côte d’Ivoire , Tunisia , Ai Cập và Libya , nhưng lại từ chối tự do cho người Palestine .
Theo ông, bài phát biểu của tổng thống Obama là một minh chứng khẳng định thêm rằng chính sách của Hoa K ỳ “đã và đang là chướng ngại to lớn cho hòa bình nói chung, mà cụ thể là tại Trung Đông ”. Nhà sử học này cũng cho biết, ông Abbas không chỉ bị sức ép từ bên ngoài như Mỹ, Isral và Châu Âu, mà sức ép trong nước đối với ông cũng không phải là nhỏ. Tình trạng người Israel chiếm đóng ngày càng trầm trọng, mọi giải pháp thương thảo mấy chục năm qua đều thất bại. Bởi thế, ông Abbas buộc phải làm một điều gì đó bất chấp sức ép bên ngoài. Hành động đệ đơn lần này cho thấy ông Abbas “đã thoát khỏi nhà tù” mà Hoa Kỳ muốn ông phải nhốt mình trong đó.
Ông Abbas đã thành công khi làm như vậy, bởi qua đó, ông đã khiến vấn đề Palestine được đem ra xem xét trong bối cảnh quốc tế, và cũng muốn cho mọi người thấy rằng “sự kiểm soát độc quyền của Mỹ” có thể gây hại hoặc là một cái gì đó không tích cực.
Kế đến, bằng việc làm trên, ông Abbas cũng muốn đặt mọi trông đợi của mình vào một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, chứ không phải của một trục hay một nhóm quốc gia nào. Trung Quốc: Thêm một vụ xì-căng-đan chính quyền & mafia “Nô lệ tình dục: khi Bắc Kinh bao che một kẻ sát nhân”, đó là tựa đề bài viết đăng trên nhật báo Libération phản ánh về một vụ xì-căng-đan mới làm ảnh hưởng xấu đến uy tín nhà cầm quyền Trung Quốc. Hôm thứ Tư này, nhật báo Nam Phương Đô thị (Quảng Đông) đã phanh phui một vụ việc “gớm ghiếc” về tội sát nhân, giam giữ và biến phụ nữ là nô lệ tình dục.
Thủ phạm tên là Lý Hạo, 34 tuổi, hiện là cán bộ nhà nước ở thành phố Lạc Dương tỉnh Hồ Nam . Người này đã giam giữ trái phép nhiều cô gái phục vụ quán bar trong một tầng hầm của một chung cư trung tâm thành phố.
Ngày 4/9 vừa qua, một cô đã chạy thoát và tố giác vụ việc. Hai ngày sau, công an can thiệp và cứu được bốn “tù nhân”, đồng thời cũng phát hiện hai cô đã chết và bị chôn cũng trong tầng hầm này. Ngay ngày hôm sau khi đăng bài, phóng viên thực hiện bài báo đã bị quan chức thuộc đảng bộ Lạc Dương đến đe dọa với lý do là anh đã “tiết lộ bí mật quốc gia” và có thể bị phạt rất nặng.
Nhà báo này kinh hải và vội vã trở về Quảng Đông, cách đó khoảng 1.000 cây số về phía Nam, nơi anh và gia đình trú ngụ và là trụ sở của tờ Nam Phương đô thị. Anh cho biết, khi về đến nhà, anh sẽ đưa gia đình đi lánh nạn ở nơi an toàn. Theo Libération, anh này làm vậy là có nguyên nhân, bởi mới vừa rồi, một nhà báo đã bị đâm đến hơn mười nhát dao khi đang điều tra vụ xì- căng-đan liên quan đến việc dầu ăn đã qua sử dụng được thu gom từ ống cống để tái chế đem bán lại trên thị trường. Tờ báo nhận định, hiện tượng thông đồng giữa chính quyền và giới mafia là thường xảy ra ở Trung Quốc. Quan hệ đồng minh Mỹ-Pakistan gặp sóng gió! Quan hệ Pakistan-Mỹ vốn đã rất căng thẳng kể từ sau vụ Mỹ đơn phương đột kích và hạ sát trùm khủng bố Ben Laden vừa qua, hiện tại tình đồng minh này đang bị đe dọa nghiêm trọng khi Mỹ lớn tiếng lên án việc Pakistan thông đồng với lực lượng Hồi giáo cực đoan Haqqani tại Afghanistan.
Le Figaro phản ảnh vụ việc qua bài nhận định : “Mỹ và Pakistan bên bờ đổ vỡ”. Vừa qua, trong một buổi điều trần trước Thượng viện, Tướng Mike Mullen, Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã tố cáo cơ quan tình báo trung ương Pakistan (ISI) đã hỗ trợ các chiến binh Haqqani lên kế hoạch tấn công tòa đại sứ Mỹ ở Kaboul vừa rồi, và vụ đánh bom vào một cơ sở của NATO ngày 10/9.
Theo ông Mullen, Pakistan còn hỗ trợ Haqqani thực hiện vụ tấn công vào khách sạn Intercontinental, nơi có nhiều du khách phương tây đến trọ, hồi tháng 6. Ông Mullen tuyên bố: “Chọn cách sử dụng lực lượng Hồi giáo cực đoan làm dụng cụ chính trị, Pakistan không chỉ làm phương hại đến triển vọng đối tác chiến lược giữa hai nước, mà còn ảnh hưởng xấu đến hình ảnh cường quốc khu vực của nước này”. Theo Le Figaro, việc Pakistan sử dụng các tổ chức Hồi giáo cực đoan để kiềm chế sự ảnh hưởng của Ấn Độ (hiện tại là đồng minh của chính phủ Afghanistan ) không phải là mới. Thế nhưng, lần này tình hình rất nghiêm trọng, bởi lời tố cáo lại đến từ tướng Mullen, người được xem là đầu tàu ủng hộ quan hệ song phương giữa hai nước trong những năm qua. Theo tờ báo, Mỹ đang cân nhắc lợi hại để có đáp trả trước “sự phản bội” của một đồng minh vốn nhận giúp đỡ nhiều tỷ đô la từ phía Washington từ bấy lâu nay. Hôm thứ Ba, tướng David Patraeus, tân giám đốc CIA, đã mời lãnh đạo ISI đến để trao những bằng chứng liên quan đến việc các cơ quan tình báo Pakistan có dính líu đến vụ đánh bom tại đại sứ quán Mỹ ở Kaboul.
Chi tiết về cuộc gặp không được tiết lộ. Nhưng theo Le Figaro, Mỹ đang để ngỏ cho Pakistan chọn lựa: hoặc là tự mình tấn công Haqqani, hoặc là để Mỹ tiến vào lãnh thổ Pakistan để tiêu diệt nhóm Hồi giáo cực đoan này.
Mỹ đang đụng đến điểm nhạy cảm của người Pakistan , đó là vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Nên nhớ rằng, sau vụ Mỹ đơn phương đột kích vào nơi ở của Ben Laden trên lãnh thổ Pakistan đã làm dấy lên làn sóng phản đối trong dân Pakistan . Bộ Ngoại giao Pakistan đã lên tiếng cảnh báo rằng Mỹ có thể sẽ mất một đồng minh. Le Figaro kết luận: “Trong khi Mỹ đang thúc đẩy quá trình rút quân khỏi Afghnistan, thì có lẽ chính quyền Washington sẽ quyết định vô hiệu hóa mạng lưới Haqqani, vì cho rằng việc này quan trọng hơn là chiều theo tâm trạng của một đồng minh “lúc nóng lúc lạnh” như Pakistan ”. Châu Âu đã trở thành tâm chấn của khủng hoảng? Tối qua, sau cuộc gặp không chính thức của các bộ trưởng tài chính nhóm G20 tại Washington , một thông cáo chung đã được công bố.
Bản tuyên cáo này được báo giới cho là “bất ngờ”, cam kết về một phản ứng “mạnh và có tính tập thể” để đối phó khủng hoảng. Tuy nhiên, đánh giá về ảnh hưởng của thông cáo này, Le Figaro có bài nhận định: “Nhóm G20 vất vả trong việc trấn an thị trường tài chính”. Tờ báo cho rằng, người ta không đoán trước được việc các bộ trưởng tài chính lại có thể cho ra thông cáo chung tại Washington chỉ qua một buổi ăn tối, bởi giữa tháng 10 tới đây họ sẽ nhóm họp chính thức tại Paris. Thế nhưng, theo ông Francois Baroin , bộ trưởng Tài chính Pháp, đương kiêm chủ tịch luân phiên G20, thì do tình hình biến động của thị trường buộc họ phải có hành động tập thể như vậy. Thông cáo trên nhắc lại những cam kết của nhóm G7 hồi ngày 10/9, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường Quỹ bình ổn tài chính Châu Âu. Tuy nhiên, các bộ trưởng cũng thừa nhận là cần phải tiến xa hơn nữa. Họ cam kết duy trì tăng trưởng thế giới bằng cách đảm bảo sự bình ổn ngân sách. Cụ thể là lãnh đạo các nước G20 sẽ phải đề ra một kế hoạch hành động tập thể quy mô hơn trong cuộc họp thượng đỉnh vào đầu tháng 11 tới. Ngày hôm qua, đồng euro đã giảm xuống mức còn 1,34 đô la, mức thấp nhất kể từ tám tháng nay. Theo các chuyên gia, trong ba tháng tới, tỷ lệ này sẽ xuống còn 1,25 đô la.
Áp lực ngày càng đè nặng lên Châu Âu. Bộ trưởng Tài chính Brazil nhận định: “Tâm chấn của khủng hoảng hiện tại là Liên Hiệp Châu Âu, các nước trong khối này đang chậm trễ trong việc tìm ra giải pháp”. Về phần mình, Mỹ tối qua đã lên tiếng kêu gọi Châu Âu hành động tích cực hơn. Người đứng đầu ngành tài chính Mỹ và Ngân hàng thế giới đã kêu gọi tăng nguồn vốn của Quỹ bình ổn tài chính Châu Âu. |