Home Tin Tức Thời Sự Hoài nghi về khả năng vực dậy nền kinh tế Mỹ của Ngân hàng Trung ương

Hoài nghi về khả năng vực dậy nền kinh tế Mỹ của Ngân hàng Trung ương PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa / Thanh Hà   
Thứ Sáu, 23 Tháng 9 Năm 2011 21:48

Kinh tế toàn cầu đang gặp lại rủi ro y như vào năm 2008 

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ  / Reuters

Ngày 21/09/11 Ngân hàng Trung ương Mỹ, Fed thông báo nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm tiếp sức cho kinh tế Hoa Kỳ qua hình thức « Operation Twist ».

Biện pháp đó là gì và việc các thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giá trong nhiều ngày liên tiếp sau thông báo của Fed phải chăng phản ánh hoài nghi về hiệu quả của quyết định đó ?
 
 Sau hai ngày họp, chiều ngày 21/09/11 ủy ban đặc trách về chính sách tiền tệ và tín dụng của hệ thống Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ thông báo quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ.

Lập tức thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ tuột giá và tuột còn mạnh hơn vào nửa giờ sau cùng.

Kế tiếp là đến lượt các thị trường Á Châu rồi Âu Châu bị mất giá vào ngày 22/09/11. Không khí chấn động thật ra lại dội ngược về Hoa Kỳ, nơi mà chỉ số Kỹ nghệ Dow Jones có lúc mất đến hơn 500 điểm.

 Người ta nói đến một nguy cơ đình đốn kinh tế toàn cầu, từ Hoa Kỳ đến Trung Quốc, Nhật Bản và cả Âu Châu. Dự phóng bi quan về tình hình kinh tế Mỹ của Fed khiến dư lận và giới chứng khoán hoang mang.
 
Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ dự trù nới lỏng chính sách tiền tệ để tiếp sức cho khu vực kinh tế qua hình thức nào ?

 
Fed hay Ngân hàng Trung ương Mỹ là một định chế tài chính độc lập này có nhiệm vụ đảm bảo ổn dịnh giá cả để đạt mức tăng trưởng cao và thất nghiệp thấp. Để hoàn thành nhiệm vụ, Fed có nhiều loại khí cụ khác nhau.
 
Trước kết là khí cụ tiền tệ như hạ hai loại lãi suất ngắn hạn để làm giảm lãi suất dài hạn hầu kích thích kinh tế.

Sau vụ suy trầm 2008-2009, lãi suất tại Mỹ đã tuột đến số không từ hơn hai năm nay mà kinh tế vẫn chưa hồi phục.
 
Một khí cụ tín dụng khác có tính chất định lượng, là có thể bơm vào hoặc hút ra một số lượng tiền tệ nhất định chứ không bất định như phản ứng của thị trường về lãi suất.

 Cuối năm 2008, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã bơm ra một ngàn 250 tỷ đô la để cấp cứu khu vực ngân hàng và gia cư.

Từ Tháng 11/2010 cho đến Tháng Sáu năm nay thì bơm thêm, thực tế là in thêm tiền, một ngân khoản tổng cộng là 600 tỷ, mà tình hình vẫn chưa khả quan.

Tháng Tám vừa qua, Ủy ban Tiền tệ và Tín dụng thông báo sẽ duy trì lãi suất thấp cho đến năm 2013 và sẵn sàng áp dụng một biện pháp cần thiết khác mà chưa kích thích được gì.
 
Sau hai ngày họp, hôm Thứ Tư 21 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Mỹ công bố quyết định mới, là từ nay đến cuối Tháng Sáu năm 2012 sẽ mua vào 400 tỷ đô la trái phiếu dài hạn, có hạn kỳ từ 6 đến 30 năm, và bán ra một trị giá tương đương trái phiếu ngắn hạn, có hạn kỳ từ 3 năm trở xuống.

Đấy là một cách can thiệp vào phân lời trái phiếu để giảm phân lời dài hạn như muốn xoắn muốn vặn hai sợi dây trên nguyên tắc nằm xa nhau vì phân lời dài hạn bao giờ cũng cao hơn ngắn hạn do việc dự phòng rủi ro trong tương lai đòi hỏi tiền lời dài hạn phải đắt hơn.
 
Nhưng, cũng trong bản tin cho báo chí, định chế này còn nhận định là kinh tế Hoa Kỳ đang bị nhiều rủi ro "một cách đáng kể". Chính là nhận định ấy mới làm dư luận quốc tế lo sợ, chứ việc mua ra bán vào hai loại trái phiếu ấy là điều được thị trường dự đoán từ kỳ họp Tháng Tám rồi.
 
 "Operation Twist"?

Người Mỹ cũng có óc trào phúng và trí tưởng tượng nên tìm ngay ra chữ này từ năm 1961, dưới thời Tổng thống John Kennedy, khi điệu Twist đang thịnh hành với một ca khúc của Chubby Checker.

Twist là vặn vẹo. Ngày Thứ Tư vừa qua, quyết định của Ngân hàng trung ương Mỹ  chỉ là một sự vặn vẹo mà bảy năm trước, khi còn là giáo sư kinh tế học, chính Chủ tịch Ben Bernanke đã phê phán là vô hiệu.

Bây giờ mà ông ta phải áp dụng thì ai mà không lo sợ là có lẽ định chế này đã hết bửu bối. 

Chưa kể là trong Ủy ban Tiền tệ có ba trong chín ông Thống đốc các ngân hàng dự trữ đã bỏ phiếu chống lại quyết định này, tức là y như trong tháng Tám, nội bộ của định chế tiền tệ đã hết nhất trí.
 
 Về kỹ thuật thực tế thì Ngân hàng Trung ương Mỹ nắm trong tay một khối công phố phiếu hay giấy nợ của quốc gia trị giá một ngàn 700 tỷ đô la làm công cụ điều tiết tiền tệ và tín dụng.

Khi cần bơm tiền thì mua thêm giấy nợ sẽ thanh toán sau này nhưng ngay trước mắt thì trả bằng tiền mặt.

Khi cần hút tiền ra khỏi thị trường để tránh lạm phát thì bán ra giấy nợ để thu vào tiền mặt. Quyết định gọi là vặn vẹo loan báo hôm Thứ Tư có nghĩa là mua vào và bán ra cùng một lượng tiền 400 tỷ trong chín tháng tới đây, nhưng nhắm vào mục đích làm hạ lãi suất dài hạn vì mua vào trái phiếu dài hạn, chứ lãi suất ngắn hạn đã nằm dưới sàn zéro rồi!
 
Hiệu quả ?

Thật ra Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ vẫn còn nhiều khí cụ tiền tệ và tín dụng có thể ban hành sau khi đã hạ lãi suất tới số không và bơm ra gần hai ngàn tỷ đô la theo lối gọi là "gia tăng mức lưu hoạt có định lượng" hay "quantitative easing".

Nhưng vấn đề chính nằm trong niềm tin - hoặc nói cho đúng hơn sự mất niềm tin - của thị trường, hơn là trong số lượng tiền tệ lưu hành với giá đã quá rẻ mà chả ai muốn vay.
 
Niềm tin ấy bị tiêu hao vì khủng hoảng chính trị, là điều ta đã thấy từ 2009 và ngay ngày Thứ Năm 22 vừa rồi vì một trận đánh mới về ngân sách.

 Nó càng tiêu hao khi đảng Cộng Hoà tấn công Ngân hàng Trung ương độc lập này là cứ bơm tiềm vô ích khi mà gánh nặng thuế khoá vẫn đe dọa giới đầu tư.

Từ góc bên kia, đảng Dân Chủ thì đòi hạn chế quyền độc lập của định chế này. Tức là hai phe tả hữu mắng anh lính chữa lửa ở giữa và đòi phải có giải pháp khác mà họ tìm chưa ra!
 
Trong khi đó, vì địa cầu hình tròn, sự trì trệ tại Âu Châu, Nhật Bản và Trung Quốc càng khiến kinh tế Mỹ bị nguy cơ suy trầm nữa, chưa nói đến mối lo khủng hoảng tài chính và ngân hàng Âu Châu.

Vì vậy, kinh tế toàn cầu đang gặp lại rủi ro y như vào năm 2008 và tuần này, giới chức tài chính và ngân hàng của nhóm G-20 sẽ phải thảo luận về nguy cơ này nhân kỳ họp hàng năm của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới thại thủ đô Washington.