Home Tin Tức Thời Sự Philippines đề nghị khoanh vùng tranh chấp Biển Ðông

Philippines đề nghị khoanh vùng tranh chấp Biển Ðông PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Sáu, 23 Tháng 9 Năm 2011 11:00

 Thay lực lượng quân sự bằng dân sự

MANILA (TH) - Philippines đang thúc đẩy để thành lập một “Công Viên Biển Hòa Bình Hỗn Hợp” ở Biển Tây Philippines (như cách gọi của Phi, biển Ðông theo cách gọi của Việt Nam) như một số những đề nghị mới nhất nhằm giải tỏa căng thẳng ở khu vực.
 

 

Người dân ở Hà Nội biểu tình chống Trung Quốc bá quyền. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/getty Images)


 
Theo báo Philippines Inquirer, Philippines đề nghị khoanh vùng tranh chấp của nhiều nước trong khu vực rồi thay thế các lực lượng quân sự (ở đó) bằng các đại biểu dân sự.
 
Chính phủ Philippines đứng ra tổ chức một cuộc hội thảo 2 ngày về tranh chấp Biển Ðông, bắt đầu từ ngày Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011, với các chuyên viên của 10 nước ASEAN.
 
Ðây là lần đầu tiên chính phủ Phi đưa ra một kế hoạch phối hợp các nước trong khu vực chống lại sự tuyên bố chủ quyền độc quyền của Trung Quốc với hầu hết cả Biển Ðông, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Cuộc hội thảo nói trên qui tụ chuyên viên về pháp lý và lãnh hải của 10 nước ASEAN nhưng chỉ có 4 nước của hiệp hội là tranh chấp với nhau và với Trung Quốc và Ðài Loan về quần đảo Trường Sa và các vùng biển chung quanh.
 
Riêng Trung Quốc và Việt Nam tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và vùng biển chung quanh.
 
Bản đề nghị “công viên hòa bình” của Philippines “có thể thiết lập một vùng hợp tác hỗn hợp” (Joint Cooperation Area hay JCA) đối với 6 nước tranh chấp khu vực Trường Sa, theo báo Philippines Inquirer.
 
“Nó có thể là sự áp dụng cụ thể của Bộ Qui Tắc Ứng Xử (cho các nước tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa) và bắt đầu cho một sự hợp tác mạnh mẽ hơn ở khu vực biển Ðông,” bản tin trên tường thuật.
 
Bản đề nghị này nhấn mạnh qui tắc ứng xử “chỉ áp dụng cho khu vực JCA” và có thể “lập ra để ngăn chặn các vụ đụng độ quân sự bất ngờ xuyên qua các qui tắc ứng xử đặc biệt khi (lực lượng các bên) gặp nhau.”
 
Qua bản đề nghị này, người ta chỉ thấy Phi tập trung vào giải quyết khu vực Trường Sa mà Philippines có quyền lợi liên quan. Tranh chấp quần đảo Hoàng Sa không thấy đề cập, bỏ riêng để Việt Nam và Trung Quốc cư xử với nhau.
 
Ðề nghị của Bộ Ngoại Giao Philippines muốn vùng JCA “phi quân sự hóa” và thay thế bằng các lực lượng cảnh sát hay tuần biển thuộc dân sự, không phải lực lượng hải quân.
 
Khi khu vực tranh chấp đã được khoanh vùng, các lực lượng quân sự (đang trấn đóng trên các đảo) rút đi và thay thế bằng các lực lượng dân sự rồi tham gia các cuộc khảo cứu hỗn hợp cũng như luyện tập cứu nạn thiên tai nhằm gia tăng tin cậy lẫn nhau, theo đề nghị của Philippines.
 
Những khu vực nào có thể được quyết định và đo đạc, bản đề nghị nói, bằng cách phân biệt giữa “tranh chấp lãnh thổ” với “tuyên bố chủ quyền mặt nước” chỉ đích danh các đặc tính địa lý tuyên bố chủ quyền, và áp dụng các điều luật ấn định bởi Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS).
 
Trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông, chỉ có Việt Nam và Philippines là mạnh mẽ to tiếng nhất trước chủ trương bành trướng bá quyền nước lớn của Trung Quốc.
 
Hai viên chức ngoại giao cao cấp của Philippines ở Bắc kinh cho thông tấn xã AP hay rằng Trung Quốc chống lại cuộc hội thảo do Philippines tổ chức. Một nhà ngoại giao Philippines cho rằng nếu các nước ASEAN đoàn kết cùng một lập trường thì có thể lôi kéo được sự đồng thuận của Bắc Kinh.
 
Một bản dự thảo bản tuyên bố dự tính phân phối sau cuộc hội thảo có vẻ như các tham dự viên nghiêng về phía ủng hộ đề nghị của Philippines, mô tả như nó “tương ứng với luật lệ quốc tế.” Họ đề nghị các nước tranh chấp gặp nhau để thăm dò những khu vực nào cần được xác định cho các dự án phối hợp thực hiện.
 
Dù chính phủ Philippines đề nghị như vậy, nhưng theo thông tấn xã AP, phó tổng thống Philippines, Jejomar Binay, thì tỏ vẻ hoài nghi khả năng thành công.

Theo ông, giải quyết tranh chấp này có thể kéo dài nhiều thế kỷ. Nhưng dù sao, ông tin rằng một cách giải quyết căn cứ vào luật lệ sẽ dẫn đến những giải pháp có tính bắt buộc và có ý nghĩa ở khu vực tranh chấp. (TN)