Home Tin Tức Thời Sự Chất độc tràn ra từ mỏ khai thác Bauxite Lâm Ðồng

Chất độc tràn ra từ mỏ khai thác Bauxite Lâm Ðồng PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Sáu, 23 Tháng 9 Năm 2011 10:14

Bauxite được khai thác là loại chất thải gây ô nhiễm môi sinh và rất khó “xử lý.”

 

LÂM ÐỒNG (TH) - Chỉ sau 6 tháng hoạt động, mỏ khai thác bauxite lộ thiên Tân Rai thuộc huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Ðồng đã gây chấn động dư luận vì để hóa chất rỉ từ bể trộn, chảy lan ra ngoài làm ngập 200 ha đất chung quanh.

 

Chất xút ăn da theo nước mưa thấm xuống đất, tràn lan ra ngoài. (Hình: Bee.net.vn)

 Báo mạng “Bee.net.vn” tiết lộ tin này hồi 4 giờ 45 chiều ngày 22 tháng 9 cho hay, bể trộn có chứa “xút ăn da” - một loại hóa chất rất độc, tại tổ hợp bauxite Tân Rai bị ăn mòn nhiều chỗ, tạo ra các khe hở không biết từ lúc nào.

Xút và các loại hóa chất độc khác thấm xuống mặt đất và theo nước mưa tràn ra ngoài làm ngập ít nhất 200 ha đất chung quanh.


Cư dân địa phương phát giác sự việc này đã lập tức báo cho chính quyền địa phương biết. Một cuộc khảo sát khẩn cấp diễn ra tại tổ hợp bauxite Tân Rai còn khám phá nhiều vụ bê bối khác.

Theo đoàn thanh tra liên ngành, hầu hết các bao chứa xút bị quăng ném lung tung và khu vực có chứa hóa chất cũng như xút dùng để pha trộn trong bể, dùng cho việc sản xuất không hề đặt bảng báo hiệu.

Chỉ vì không được cất giữ cẩn thận, một số lượng xút trong các bao này tuôn chảy ra ngoài theo nước mưa gây ô nhiễm khu vực chung quanh. Cũng theo đoàn kiểm tra thì độ pH cao làm nhiệt độ dòng nước chảy ra ngoài tăng gấp 1/5 lần so với tiêu chuẩn cho phép.

“Bee.net.vn” còn dẫn lời của Phòng Tài Nguyên và Môi Trường huyện Bảo Lâm xác nhận có đến 200 ha đất bị nhiễm độc vì hóa chất dò rỉ từ tổ hợp bauxite Tân Rai.

Công trình nhiều tai tiếng

 Tin rỉ hóa chất độc làm ô nhiễm trầm trọng môi sinh vùng đất đã khiến người dân Việt Nam khắp nơi rúng động mặc dù tổ hợp bauxite Tân Rai mới hoạt động được 6 tháng nay. Trước đó, đoàn xe vận chuyển bauxite từ quặng về nhà máy khai thác cày nát tuyến đường dài 227 cây số, trong đó có quốc lộ 20 đã làm dư luận phẫn nộ.


Có lẽ để xoa dịu dư luận, ngày 19 tháng 9, giám đốc Sở Giao Thông-Vận Tải tỉnh Lâm Ðồng báo tin Bộ Giao Thông-Vận Tải hứa hẹn sẽ thực hiện kế hoạch nâng cấp quốc lộ 20 để vận chuyển bauxite.

Theo kế hoạch này, ngành Giao Thông-Vận Tải Việt Nam sẽ chi gần 4,000 tỉ đồng tương đương 200 triệu đô làm một con đường dài 227 cây số để vận chuyển bauxite từ quặng đến nhà máy.

Ngay trong giai đoạn đầu, đoạn đường từ Dầu Giây thuộc tỉnh Ðồng Nai đến Bảo Lộc, tỉnh Lâm Ðồng dài 130 cây số được “nâng cấp” trước với tổng kinh phí 2,000 tỉ đồng, tức một nửa khoản tiền nói trên. Song song, người ta còn mở một con đường mới dài 24 cây số tốn 50 triệu đô “né” khu dân cư, nối Tổ hợp Tân Rai với quốc lộ 20.


Chưa hết, tỉnh Lâm Ðồng còn có kế hoạch mở một tuyến đường sắt từ nay đến năm 2030 với tổng kinh phí 62,682 tỉ đồng, tương đương với 1.134 tỉ đô nối Tân Rai với Gia Nghĩa thuộc tỉnh Ðắc Nông và cảng Kê Gà, tỉnh Bình Thuận.

Tuy nhiên, chi phí xây dựng con đường vận chuyển bauxite khổng lồ nêu trên đến nay vẫn chưa công khai nguồn cung cấp.

Bee.net.vn chỉ nói rằng “tổng kinh phí đầu tư được thực hiện theo hình thức BT tức là xây dựng trước rồi nhà nước Việt Nam hoàn vốn sau.”

Nguồn tin này không nói ai sẽ ứng vốn ra.


Có thể nói Bauxite Tân Rai là dự án gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Việt Nam từ sau năm 1975 tới mức Luật Sư Cù Huy Hà Vũ, con trai của nhà thơ Cù Huy Cận, đâm đơn kiện Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 6 năm 2009.

 Ông Hà Vũ cho rằng ông Dũng quyết định cho khai thác bauxite ở Tây Nguyên là bất hợp pháp. Dư luận cho rằng vì sự đụng chạm này mà sau đó ông Hà Vũ lâm vào vòng lao lý.

Một trong những vị “khai quốc công thần” của chế độ cộng sản Việt Nam là Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp hồi tháng 4 năm 2009 cũng đã khuyến cáo chính phủ Việt Nam không nên khai thác bauxite để “tránh hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về môi trường, xã hội và an ninh quốc phòng.”

Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối quyết liệt của giới khoa học và cư dân quanh vùng trước nguy cơ hủy hoại môi sinh, dự án bauxite Tân Rai cũng đã khởi động công trình khai thác vào trưa ngày 16 tháng 3 tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Ðồng. Ðơn vị thực hiện dự án này là công ty cổ phần Than Hà Tu thuộc tổ hợp Than-Khoáng Sản Việt Nam cho biết sẽ bắt đầu chạy thử nhà máy sản xuất nhôm vào cuối năm 2011.

Vụ khai thác gây chấn động này đã làm lòng dân không an cho tới nay. Hôm 11 tháng 8 vừa qua, ông Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang lại một lần nữa khẳng định rằng chính phủ Việt Nam không để Trung Quốc khai thác bauxite tại Tây Nguyên.

Theo báo Tuổi Trẻ, ông Sang cho rằng sự có mặt của người Trung Quốc tại công trình xây dựng nhà máy bauxite Tân Rai ở tỉnh Lâm Ðồng và nhà máy Alumin Nhân Cơ thuộc tỉnh Ðắc Nông là vì công ty Trung Quốc trúng thầu xây dựng nhà máy. Ông Sang cũng quả quyết rằng người Trung Quốc sẽ rút đi hết sau khi 2 nhà máy này được xây dựng xong.

Cũng như nhiều nhà máy khác trong toàn quốc, nhà máy Alumin Nhân Cơ có 267 người Trung Quốc đang làm việc và số thợ Trung Quốc làm việc “chui” chiếm tới 75%.

Riêng tại tổ hợp bauxite Tân Rai, số thợ Trung Quốc từ 1,400 người đã giảm xuống còn 576 người, theo phúc trình của Sở Lao Ðộng-Xã Hội tỉnh này. Phúc trình cũng nói sau khi nhà máy được xây dựng xong vẫn còn trên 100 công nhân Trung Quốc ở lại để làm “nhiệm vụ bảo trì máy móc.”

 
Con đường vận chuyển bauxite sẽ được xây dựng trong tương lai. (Hình: Bee.net)

 

 Theo một tài liệu của Nga để lại cho biết vùng có trữ lượng bauxite lớn nhất tại Việt Nam là Tây Nguyên lên tới khoảng 8 tỉ tấn, đứng hàng thứ 3 thế giới sau Guinee và Úc Ðại Lợi.

Khoảng 95% lượng bauxite được khai thác được đưa về nhà máy luyện thành nhôm. Bauxite được khai thác là loại chất thải gây ô nhiễm môi sinh và rất khó “xử lý.”


Dư luận trong nước phản đối việc khai thác quặng bauxite còn lập luận rằng bụi bauxite phát tán trong không khí khi khai thác và vận chuyển có thể đi xa hàng trăm cây số sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe hàng triệu cư dân huyện Bảo Lộc và Ðắc Nông, chạy dọc theo tuyến đường từ Bảo Lộc cho đến Vũng Tàu.


Hơn nữa, điện năng dùng vào việc khai thác tiêu hao khủng khiếp sẽ làm thiếu hụt nguồn điện ở Việt Nam hiện nay vốn không đủ cho sinh hoạt của người dân.(PL)