Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22 Tháng 9 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22 Tháng 9 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Năm, 22 Tháng 9 Năm 2011 11:50

Châu Á Thái Bình Dương khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên


Một nông dân Trung Quốc trên cánh đồng khô hạn ở ngoại ô Gia Hưng thuộc tỉnh Chiết Giang. Reuters

Mấy thập niên qua, kinh tế khu vực Châu Á Thái Bình Dương phát triển vượt bậc, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên, thế nhưng mô hình phát triển thiếu bền vững đã kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó những hệ lụy về môi trường không phải là nhỏ.

Trong một báo cáo được công bố ngày 19/9, Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) đã chính thức kêu gọi các nước Châu Á tiến hành một « cuộc cách mạng công nghiệp xanh ».

Nhật báo Le Monde hôm nay quan tâm đến sự kiện này qua bài viết: «Các nước Châu Á Thái Bình Dương khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên ».

Báo cáo kêu gọi các quốc gia vùng Châu Á Thái Bình Dương nên nhanh chóng cải thiện việc sử dụng tài nguyên, cụ thể là phải giảm 80% mức tiêu thụ trong hiện tại thì nền kinh tế trong khu vực mới phát triển bền vững được.
 
Theo báo cáo, trên phạm vi thế giới, việc sử dụng tài nguyên phục vụ cho phát triển kinh tế đã có xu hướng giảm dần về số lượng.

Năm 1970, phải sử dụng đến 2,2 kg tài nguyên để có thể tạo ra 1 đô la thu nhập cho nhà nước, thế nhưng đến năm 2005, con số này đã tuột xuống còn 1,1 kg. Trong khi đó tại vùng Châu Á Thái Bình Dương, đến tận năm 2005, con số này còn đến 3,1 kg.
 
Bước vào thế kỷ 21, khu vực này đã trở thành nơi tiêu thụ tài nguyên nhiều nhất hành tinh. Mức tiêu thụ năng lượng tăng trung bình 3,9%/năm trong giai đoạn 1970-2005, trong khi mức tăng bình quân ở các vùng khác chỉ có 1,4%. Trong vòng 35 năm, nhu cầu về than trong vùng đã tăng lên gấp 3 lần.
 
Theo báo cáo, sự gia tăng này là do hiện tượng sau : sự tăng trưởng của nền kinh tế di chuyển từ các nước sử dụng năng lượng hiệu quả (như Nhật Bản) về phía các nước khác sử dụng năng lượng kém hiệu quả hơn (như Trung Quốc và Ấn Độ). Ước tính, vào năm 2005, chỉ riêng Trung Quốc đã sử dụng đến 60 % tổng lượng tài nguyên được tiêu thụ trong vùng, còn Ấn Độ là 20%.
 
Việc tiêu thụ quá mức này đã kéo theo hiện tượng khan hiếm các loại tài nguyên cơ bản.

Trong giai đoạn 1980-2005, tỷ lệ nước bị cạn kiệt đã tăng 25%. Ngoài hai nước đông dân nhất hành tinh nói trên, UNEP cũng cảnh báo hiện tượng khai thác tài nguyên nước một cách quá mức ở Ouzbekistan, Turkmenistan và Tadjikistan.
 
Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận, diện tích đất nông nghiệp tại Châu Á đã tăng 6% trong giai đoạn 1970-2007, trong khi ở những nơi khác chỉ có 1%.
 
 Dân Trung Quốc lại biểu tình chống ô nhiễm
 
Hệ lụy về môi trường tại Trung Quốc trong thời gian gần đây ngày càng trở nên trầm trọng. Mới hồi tháng 8, người dân thành phố Đại Liên tỉnh Liêu Ninh đã giành chiến thắng khi buộc được một công ty gây ô nhiểm di dời.

 Le Monde hôm nay cho hay, tại một thị trấn phía tây nam Thượng Hải, một nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời đã phải tạm ngừng hoạt động từ ngày 19/9 dưới sức ép của người dân trong khu vực.
 
Vào cuối tuần qua, người dân thị trấn Hồng Tiểu cùng với ba thị trấn khác xung quanh nhà máy sản xuất tấm năng lượng mặt trời Jinko Solar đã tổ chức ba cuộc biểu tình lên án hành vi gây ô nhiểm môi trường của công ty này. Người biểu tình ném đá vào tận căn tin nhà máy, đập phá cửa kính công ty và lật ngược bốn xe hơi của các lãnh đạo nhà máy. Đây là một khu vực có nhiều nhà máy công nghiệp tọa lạc gần bờ sông.
 
Hồng Tiểu thuộc tỉnh Chiết Giang. Tỉnh này nằm ở phần phía nam sông Dương Tử. Kinh tế ở đây phát triển nhanh, nhưng hiện tượng ô nhiểm môi trường cũng rất trầm trọng và đã trở thành nguồn gốc của các căng thẳng chính trị. Sự nổi dậy của người dân Hổng Tiểu là một minh chứng cho sự căng thẳng đó.
 
Người dân cho rằng, Jinko Solar đã thải nước độc hại chưa qua xử lý ra môi trường. Đến cuối tháng 8 này, khi xuất hiện nhiều cá chết trong một con sông gần đó, chính quyền địa phương buộc phải vào cuộc. Hôm thứ hai này, Jinko Solar đã thừa nhận việc có nhiều chất thải chứa chất độc hại với hàm lượng cao được tích trữ trong khu vực nhà máy và do mưa lớn đã bị rò rĩ ra môi trường làm ô nhiểm dòng sông.
 
Le Monde cho hay, không chỉ có ô nhiểm nước, nhà máy trên còn gây ô nhiểm không khí. Theo người dân địa phương, nhiều ống khói của nhà máy sau nửa đêm bắt đầu thải khói độc hại.
 
Trong khi đó, người dân lại không được thông gì về tình trạng môi trường nơi mình sinh sống. Có nhiều trường hợp ung thư được cho là có liên quan đến rác thải độc hại của nhà máy.
 
Le Monde ghi nhận trường hợp một người đàn ông bị chính quyền bắt giữ vì đã lên tiếng cho rằng từ năm 2006 đến nay, trong 4 thị trấn xung quanh nhà máy, đã có đến 31 người chết vì ung thư. Trong khi đó, nhiều người dân cho biết con số này là chính xác.
 
Công an đã can thiệp bảo vệ nhà máy. Mỗi buổi tối, họ phong tỏa lối vào nhà máy. Hôm thứ ba này, chính quyền cho biết đã bắt giữ 31 người kể từ đầu vụ biểu tình (Ngày 15/9/2011).
 
Trước tình cảnh đó, một người dân bức xúc: “Cảnh sát đã bắt người vô cớ. Tại sao họ không bảo vệ chúng tôi mà lại bảo vệ nhà máy, trong khi chúng tôi trước đó đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng ô nhiểm?”.

Theo người dân này, Jinko Solar được chính quyền bảo vệ bởi công ty này từ lâu là nguồn đóng góp hàng đầu cho ngân sách của chính quyền địa phương.
 
Năng lượng hạt nhân tiếp tục gây bất ổn tại Nhật Bản
 
Liên quan đến Nhật Bản thời” hậu Fukushima”, Libération có bài viết “Người Nhật xuống đường biểu tình phản đối hạt nhân và sự dối trá”.
 
Tờ báo cho biết, gần đây, ngày càng có nhiều người Nhật xuống đường biểu tình chống hạt nhân, và đỉnh điểm có lẻ là vào ngày thứ hai rồi với cuộc biểu tình huy động đến 60 000 người trên các đường phố Tokyo. Người biểu tình đòi đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản.
 
Theo Libération, người biểu tình đủ mọi lứa tuổi, đến từ khắp nơi trên nước Nhật, trong đó đa số là dân thủ đô và dân của các vùng bị ảnh hưởng bởi phóng xạ của nhà máy Fukushima Daichi.
 
Người biểu tình giương nhiều khẩu hiệu chống hạt nhân: “Vĩnh biệt năng lượng hạt nhân”, “Hãy trả lại cho chúng tôi sự sống”, “Hãy trả đất và nông trại lại cho chúng tôi”, “Hãy đến với năng lượng tự nhiên”.
 
Libération nhận xét, trong một đất nước không có tập quán xuống đường biểu tình như Nhật Bản, thì cuộc biểu tình qui mô này cho thấy mối quan ngại to lớn của người dân. Hôm 11/9, cũng đã có gần 12 000 người xuống đường phản đối hạt nhân.
 
Ý tưởng tập hợp mọi người xuống đường chỉ mới xuất hiện trong mùa hè này ở các tổ chức phi chính phủ và các hội đoàn, sau đó được lan rộng trên mạng Internet.
 
Tờ báo đặt câu hỏi, liệu sau mùa xuân Ả Rập, có phải đến Mùa thu Nhật Bản hay không? Tình hình hiện tại cho thấy, một sự rạn nứt xã hội về chủ đề năng lượng hạt nhân có vẻ đang dần thành hình tại Nhật Bản.
 
Các cuộc biểu tình gần đây chủ yếu do giới trẻ khởi xướng. Những thanh niên tuổi ba mươi này bận tâm nhiều đến đạo đức, nhân quyền, sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, họ rất quyết tâm làm thay đổi những gì có thể. Thế nhưng, đa số họ đang bị mất niềm tin.

Theo một nghiên cứu gần đây được thực hiện trên 3 000 người Nhật tuổi dưới 35, có đến 2/3 trong số họ cho biết “không tin tưởng vào tương lai của đất nước và của chính mình”.
 
Hiện tượng người Nhật “nổi dậy” hiện tại không phải chỉ do nguyên nhân thảm họa Fukushima.

Theo Le Monde, đó còn do sự khủng hoảng thế hệ, khủng hoảng đạo đức và của toàn hệ thống chính trị. Khủng hoảng này cảng trầm trọng khi mà ngày nay không một đảng nào tại Nhật có thể đưa ra giải pháp hiệu quả, đưa ra một tầm nhìn sáng suốt và mang đến một niềm hy vọng. Theo một thăm dò được công bố hôm thứ hai, có đến 55% người Nhật muốn dần thoát khỏi năng lượng hạt nhân.
 
Tờ báo kết luận: “Thời hậu Fukushima diễn ra dưới sự ép cao độ”.
 
Vụ án Karachi tiếp tục khuấy động chính trường Pháp
 
Trong khuôn khổ cái gọi là vụ án Karachi, hôm qua, hai người được xem là thân cận của đương kiêm tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bị thẩm tra.

 Sự việc gây ảnh hưởng tiêu cực cho uy tín ông Sarkozy trong giai đoạn tiền tranh cử tổng thống. Chủ đề này thu hút nhiều chú ý của báo Pháp hôm nay, các tờ nhật báo Libération, Le Figaro và La Croix đều có bài phản ánh và phân tích.
 
Vụ án mang tên Karachi vì nó bắt nguồn một vụ đánh bom tự sát bên ngoài khách sạn Sheraton tại thành phố Karachi-Pakistan vào ngày 8/5/2002, làm 14 người chết trong đó có 11 người là nhân viên của bộ chỉ huy hải quân Pháp. Sau đó, có nghi ngờ cho rằng vụ tấn công là do phía Pakistan không hài lòng về việc một số quan chức Pháp ngăn chặn việc trả tiền hoa hồng liên quan đến hai hợp đồng bán vũ khí của Pháp cho Pakistan và Ả Rập Xê Út hồi năm 1994.
 
Hôm qua ông Thierry Gaubert đã bị thẩm tra. Trước đó, ông Nicolas Bazire cũng đã bị câu lưu và hôm nay đến lược ông trả lời câu hỏi điều tra. Hai ông này bị nghi ngờ là đã sử dụng tiền hoa hồng để tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Edouard Balladur, khi ấy là thủ tướng Pháp.
 
Việc thẩm tra được tăng tốc khi ngày 8/9 này, cô vợ cũ của ông Thierry Gaubert đã khai rằng, vào năm 1994 và 1995, ông Gaubert đã nhiều lần đi Thụy Sỹ cùng ông Ziad Takieddine để rút “những va li tiền khổng lồ”.

Theo bà này, số tiền đó được chuyển về Pháp cho ông Nicolas Bazire, khi ấy là chánh văn phòng chính phủ Balladur, và là người điều hành chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Balladur hồi năm 1995.
 
Còn ông Gaubert đã từng làm việc dưới quyền Sarkozy ở địa phương và cả ở bộ Ngân sách. Gaubert và Bazire được cho là có quan hệ mật thiết với ông Ziad Takieddine, một đại doanh nhân người Pháp góc Liban, được xem là trung gian cho hai hợp đồng vũ khí nói trên. Tuần rồi ông này đã bị thẩm tra về tội “thông đồng và thâm lạm tài sản xã hội”.
 
Như vậy, mấu chốt của vấn đề là có phải ông Gaudert đã từng đi Thụy Sỹ với ông Takieddine để rút tiền và số tiền đó có phải được chuyển về Pháp cho ông Bazire hay không?
 
Liên quan đến tổng thống Nicolas Sarkozy, các tờ báo cho biết, khi ấy, ông Sarkozy là bộ trưởng ngân sách, đồng thời là phát ngôn nhân của chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Balladur hồi năm 1995, ông lại là người thân cận của ông Bazire. Bởi thế, thật khó mà tin được rằng, ông Sarkozy hoàn toàn không biết gì về vụ việc.
 
Ảnh hưởng của vụ việc đối với ông Sarkozy không phải nhỏ, nhất là trong giai đoạn tiền tranh cử hiện tại, đến mức mà tờ Libération không ngại nhận định: “Đồng tiền dơ bẩn này làm ô nhiểm chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy”.
 
Le Figaro dẫn lại lời bà Martine Aubry, lãnh đạo Đảng xã Hội Pháp, ứng viên vòng sơ tuyển chọn người đại diện đảng cho cuộc bầu cử tổng thống 2012, đã cho rằng, đây là “một trong những sự việc nghiêm trọng nhất dưới thời đệ ngũ cộng hòa”.
 
Vấn đề Palestine làm nóng diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc
 
Một chủ đề thời sự cũng được báo Pháp quan tâm nhiều hôm nay đó là việc tổng thống Palestine dự kiến trình đơn xin công nhận Palestine là quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc vào ngày mai, và hai bài phát biểu của tống thống Pháp Nicolas Sarkozy và tổng thống Mỹ Barack Obama. L’Humanité, Le Figaro và Libération đều có bài thong tin về vụ việc.
 
Trong khi tổng thống Hoa Kỳ thẳng thừng phản đối yêu cầu của phía Palestine, thì tổng thống Pháp lại có vẻ mềm dẻo và trung lập hơn khi kêu gọi chấp nhận cho Palestine qui chế tạm thời là “nước quan sát” tại Liên Hiệp Quốc để mở đường cho các cuộc thương thảo nhầm tiến tới thành lập nhà nước Palestine theo đường ranh giới năm 1967.
 
Tổng thống Sarkozy đề nghị lịch trình như sau : 01 tháng để nối lại đàm phán, 06 tháng để thỏa thuận về đường ranh giới và 01 năm để đạt thỏa thuận cuối cùng. Ông cũng cho rằng, từ mấy thập niên nay, vấn đề Israel-Palestine vẫn chưa được giải quyết, vì thế cần phải thay đổi phương pháp, Châu Âu phải can dự nhiều hơn, các cuộc thương thảo không nên có điều kiện trước.
 
Trong khi đó, thủ tướng Israel ông Benyamin Netanyahou cũng nhanh chóng có mặt ở New York để phản đối dự định mà ông cho là « đơn phương » của phía Palestine.

Một phát ngôn nhân của ông tuyên bố : « Dự định của Palestine là một sai lầm ».
 
Về phần mình, nhật báo cộng sản Pháp L’Humanité cho biết, hôm qua, trong cuộc họp báo tại trụ sở quốc hội Pháp, các đại biểu và quan chức thuộc Đảng Cộng Sản Pháp đã bày tỏ « sự ủng hộ hoàn toàn » đối với đề nghị cho Palestine gia nhập Liên Hiệp Quốc với tư cách là một nhà nước thực thụ.