Palestine đề nghị Liên Hiệp Quốc công nhận là nhà nước độc lập
Biểu tình của người Palestine, Israel và các nhà hoạt động nữ quyền tại một trạm kiểm soát Israel gần thành phố Ramallah (Cijordanie) REUTERS/Ammar Awad
« Palestin đang tiến dần tới Liên Hiệp Quốc » là tựa đề một bài viết trên trang Quốc tế của báo Liberation.
Bài viết cho rằng việc chính quyền Palestine kiên quyết đề nghị Liên Hiệp Quốc công nhận như là một chính thể độc lập có thể sẽ gặp khó khăn từ phía Mỹ.
Nói cho chính xác, đây chính là vấn đề hóc búa cho chính Tổng thống Mỹ hiện tại, ông Barack Obama. Từ nhiều tuần nay, chính quyền của ông Obama dưới sức ép của Israel, cho thấy quan điểm rõ ràng của mình là sẽ chống lại đề nghị của Palestine và chỉ khuyến khích một giải pháp duy nhất để giải quyết xung đột thông qua việc nối lại đàm phán. Liberation nhận định, đây chính là một thất bại cho tổng thống Mỹ, vì đã không thể nào tái khởi động lại được đàm phán Israel-Palestine, bị chựng lại từ một năm nay. Như vậy, vô hình chung chính ông Obama đã dập tắt hy vọng hình thành một Nhà nước Palestine do chính ông đề xuất hồi năm rồi. Giờ đây, tổng thống Mỹ đang trong thế tiến thoái lưỡng nan. Ông bị kẹt giữa những lời tuyên bố trước công chúng về việc xây dựng mới các mối quan hệ với các nước Ả Rập năm 2009 và thực tế xung đột vẫn tiếp diễn giữa Israel và Palestine. Theo nhận định của một quan chức ngoại giao Ả Rập, thì « tổng thống Mỹ đang đi vào ngõ cụt ».
Đối với phong trào « Mùa xuân Ả Rập », ông Obama công khai ủng hộ làn sóng dân chủ tại các nước này. Còn đối với Palestine thì ông lại « sập cửa ». Trước mắt, bộ máy chính quyền Obama đang tìm mọi cách hòng né tránh đề nghị gia nhập Liên Hiệp Quốc của Mahmoud Abbas, tổng thống Palestine. Cuộc họp của bộ tứ (Mỹ, Nga, Châu Âu và Liên Hiệp Quốc) hôm chủ nhật vừa qua nhằm tìm kiếm một công thức cho phép nối lại các cuộc thương lượng. Mặt khác, Mỹ cũng cố gắng thuyết phục tổng thống Palestin, dù chỉ là một chút hy vọng nhỏ nhoi, chuyển hướng sang Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, thay vì Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm xin được một quy chế không phải thành viên và không công nhận hoàn toàn, tương tự như trường hợp của Vatican. Như vậy, với quy chế này, Palestine sẽ không có ảnh hưởng lớn gì lên việc đưa ra các nghị quyết. Một trong những rủi ro lớn nhất của chính quyền Obama, là việc Mỹ sẽ bị cô lập nếu như họ bỏ quyền phủ quyết, trong khi các nước khác lại thiên về việc công nhận nhà nước Palestine. Chủ đề này cũng được nhật báo Le Monde khai thác, nhưng trên góc độ nội bộ nước Mỹ.
Theo nhận định của Le Monde, xung đột Palestine-Israel đã trở thành ván cờ chính trị nội bộ. Theo Le Monde, trong chiến dịch tranh cử, đảng Cộng Hòa đã lên án ông Barack Obama đã không ủng hộ Israel. Chiến thắng của phe Cộng hòa trong đợt bầu cử vùng tại New York hôm 13/9 vừa qua đã khẳng định lời kết tội này.
Đảng Cộng Hòa đã chiến thắng tại New York, vốn là địa bàn của phe Dân chủ. Tại đây, cũng là nơi sinh sống của cộng đồng Do Thái. Le Monde trích nhận định của nhật báo New York Times, một bộ phận đông dân Do Thái tại bang này, truyền thống vẫn theo đảng Dân chủ, đã cảm thấy thất vọng về ông Obama. Còn theo đảng Cộng Hòa, thì tổng thống Mỹ đã chậm trễ trong hành động. Mãi cho đến tháng 8, chính quyền Obama mới cho phát đi các thông điệp cho hơn 70 nước để yêu cầu họ không nên ủng hộ « lộ trình đơn phương » của người Palestine tại Liên Hiệp Quốc. Như vậy, trong tình hình hiện nay, Mỹ đành lòng phải dùng quyền phủ quyết. Trên phương diện đối ngoại, việc dùng quyền phủ quyết sẽ đặt ông Barack Obama vào tình thế khó xử so với những giá trị mà ông định bảo vệ trong khu vực. Nhưng về mặt đối nội, việc phủ quyết sẽ giúp ông chống lại sự « lảm nhảm » của phe Cộng hòa về một tổng thống « không ủng hộ Israel ». Tunisia sắp tiến hành cuộc bầu cử tự do đầu tiên Ngày 23 tháng 10 sắp tới, Tunisia sẽ tiến hành bầu Quốc hội lập hiến. Một cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên kể từ sau khi « Cách mạng Hoa Nhài » bùng nổ, làm sụp đổ chế độ độc tài Ben Ali. Đề tài này được Le Figaro hôm nay chú ý đến qua bài viết đề tựa « Năm thứ nhất của nền dân chủ Tunisia ».
Le Fgaro cho biết, đã có 1600 danh sách ứng viên được ghi nhận cho bầu cử Quốc hội lập hiến. Một đợt tranh cử tự do đầu tiên trong lịch sử của đất nước Tunisia. Chính thức thì chiến dịch tranh cử sẽ bắt đầu từ ngày 2 tháng 10 sắp tới, thế nhưng từ bây giờ vận động tranh cử đã trở nên sôi động. Le Figaro ghi nhận do không có nền văn hóa dân chủ, nên đợt bầu cử làn này sẽ có rất nhiều thách thức đáng kể. Tính từ đầu năm đến nay, Tunisia đã có khoảng 500 tổ chức chính trị được hợp pháp hóa.
Với số lượng các đảng phái này, cử tri như bị tung hỏa mù. Dường như không một điều gì cho phép giải mã được một diện mạo chính trị mới nào. Nó giống như trong một đầm lầy đục ngầu và không ổn định chứa đầy các chiếc tàu ngầm, những bóng ma và những kẻ phiêu lưu chủ nghĩa dân túy. Theo Le Figaro, những bóng ma chủ yếu đến từ tàn dư đảng RCD của ông Ben Ali, giờ đây bị xé thành nhiều nhóm chính trị nhỏ khác nhau. Một điểm mới trên chính trường Tunisia, đó là sự hiện diện của đảng el-Majd của ông Abdel Wahab Hani, tự xem là thuộc cánh trung, nhưng dưới con mắt các nhà quan sát thì tổ chức này thuộc Hồi giáo cấp tiến. Ngoài ra, nếu đếm những ứng viên độc lập có đến một nửa trong số 1.570 danh sách được niêm yết và những người này có thể gây trở ngại cho các đảng lớn tại nhiều nơi bỏ phiếu. Tuy nhiên, điều làm nhiều người cảm thấy lo ngại là sự xuất hiện những người « Hồi giáo cực đoan » thuộc đảng Ennahda (Phục Hưng).
Mặc dù trong cuộc « Cách Mạng Hoa Lài » những người này không đóng góp một vai trò nào, nhưng theo thăm dò, thì đảng này được cho là chiếm ưu thế. Đảng này đã cho xây dựng nhiều nhà thờ Hồi giáo và mong muốn mở rộng tầm ảnh hưởng. Dưới chiêu bài nước đôi, đảng Ennahda phô bày cho thấy họ vừa là người của cải cách dựa trên mô hình AKP của Thổ Nhĩ Kỳ, vừa là những người bảo thủ. Cuối cùng, Le Figaro chú ý đến đảng Dân chủ cấp tiến (PDP) do ông Nejib Chebbi lãnh đạo. Đây có thể được xem là đối thủ nặng ký của đảng Ennahda. Tuy nhiên đảng này lại không được giới doanh nhân mấy ủng hộ. Cuộc sống tươi đẹp đối với Airbus bất chấp khủng hoảng Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay trên trang nhất chạy tít « Airbus thấy tương lai màu hồng bất chấp khủng hoảng ». Tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu của Châu Âu dường như không biết khủng hoảng là gì. Theo ước tính của tập đoàn sản xuất máy bay Airbus, từ đây cho đến năm 2030, nhu cầu mua sẽ tăng lên đến 27.800 chiếc. Một thị trường tiềm năng khổng lồ mà Airbus và Boeing sẽ cùng nhau chia sẻ với tổng trị giá 3.500 tỷ đô-la. Les Echos nhận định chưa bao giờ Airbus thấy bầu trời xanh trong đến thế ! Hiện tại, Airbus cũng không nhận thấy hậu quả của khủng hoảng tài chính đến gõ cửa nhà. Les Echos cho biết, trong tổng số 27.800 chiếc máy bay mới, có đến 69% là loại máy bay một hành lang, kiểu máy bay giống như chiếc A-320 hiện nay hay chiếc B737. Tỷ lệ này tương đương với 19.200 chiếc sẽ được bán ra từ đây cho đến năm 2030, với tổng trị giá 1.400 tỷ đô-la. Ông Christian Scherer, phụ trách về chiến lược và các chưong trình tương lai tại Airbus, giải thích với Les Echos rằng, sở dĩ số loại máy bay nêu trên sẽ chiếm đa số trên thị trường là vì hai lý do : Thứ nhất, do bùng nổ các đường bay giá rẻ tại các nước mới trỗi dậy. Và điều này sẽ phải còn tiếp tục. Thứ hai, nhu cầu thay thế các máy bay già cỗi, nhất là tại các nước Bắc Mỹ. 60% số máy bay hiện nay đã lỗi thời về phương diện tiêu thụ nhiên liệu. Tuy nhiên, việc thay thế sẽ được dàn trải ra trong suốt thập niên. Trước mắt, Airbus sản xuất 38 chiếc/tháng và sẽ đạt được mức năng suất 42 chiếc/tháng cuối năm 2012. Thậm chí, Airbus còn nghiên cứu tăng lên đến mức 50 chiếc/tháng. Một khuynh hướng khác cũng được Airbus chú trọng đến chính là kích cỡ của máy bay. Theo nhận định của một chuyên gia, thì nhu cầu về các loại máy bay chuyên chở hành khách loại lớn cũng sẽ tăng lên từ đây cho đến năm 2030, cụ thể là khoảng 1.781 chiếc loại A-380 hay B747-8. Cuối cùng, Les Echos kết luận, triển vọng này sẽ rất sáng sủa cho ngành sản xuất hàng không với điều kiện là khủng hoảng ngân hàng không chạm đến các công ty tài chính. Trang nhất các nhật báo Pháp Trên trang nhất các báo Pháp hôm nay, đề tài khá đa dạng.
Nhật báo cánh hữu Le Figaro vẫn xem đề tài « Dominique Strauss-Kan » là chủ đề chính. Nhật báo Công giáo La Croix lại quan tâm đến số phận của 9 người Pháp vẫn còn bị bắt giữ làm con tin trên toàn thế giới.
Còn báo Liberation chú ý phỏng vấn đặc biệt với bà Martine Aubry, một trong những ứng viên quan trọng của vòng sơ tuyển nội bộ cho vị trí ứng viên tranh cử Tổng thống Pháp năm 2012. Tuy nhiên chủ đề thời sự nóng bỏng nhất được báo Le Monde, L’Humanité và Liberation hôm nay quan tâm nhiều nhất là sự kiện Palestine đề nghị Liên Hiệp Quốc công nhận là một Quốc gia độc lập.
|