Ông Kadhafi đã tích lũy một lượng vũ khí to lớn nhưng cũ kỹ, phần lớn là của Nga chế tạo
Vũ khí được tìm thấy tại một căn cứ quân sự của lực lượng Kadhafi ở Fourgane Ain Zara, cách Tripoli 6 km, ngày 8/9/11. Reuters
Theo Le Monde, ông Kadhafi đã tích lũy một lượng vũ khí to lớn nhưng cũ kỹ, phần lớn là của Nga chế tạo, do lệnh cấm vận áp đặt từ năm 1992 cho đến 2004.
Với cuộc chiến bùng lên gần đây, quân đội Libya đã sửa chữa lại vũ khí để sử dụng, và cũng phân tán, cất giấu.
Chế độ Kadhafi còn phân phát vũ khí cho dân chúng. Kho vũ khí của chế độ Kadhafi, cộng với vũ khí cung cấp cho phe nổi dậy đang biến Libya thành một tiệm "tạp hóa" lớn về thiết bị quân sự.
Những hồ sơ mà các báo chạy tựa lớn trang đầu vào ngày cuối tuần này rất tản mạn. Tuy nhiên về Libya, đáng chú ý là hồ sơ lớn của Le Monde dành cho vấn đề vũ khí.
Các quốc gia Ả Rập và phương Tây lo ngại sự phân tán của kho vũ khí Libya. Tờ báo chạy hàng tựa « Cuộc chiến để kiểm soát vũ khí ở Libya ». Mối quan ngại hàng đầu của quốc tế là lượng vũ khí quy ước rất to lớn đang được chuyển đi khắp Libya từ khi các kho súng đạn của chế độ Kadhafi được mở ra, với những chuyến xe chuyển vũ khí đi cung cấp cho lực lượng nổi dậy. Giới chức quốc phòng phương Tây e ngại là khối lượng lớn vũ khí lưu hành rộng rãi sẽ gây bất ổn định cho cả vùng, cho nên đã kêu gọi phải kiểm tra một cách khẫn cấp. Các viên chức Mỹ, đầu tháng 9, đã khẳng định là một số tên lửa địa đối không SA7 đã đến Mali. Trong một vùng nổi tiếng về nạn buôn bán vũ khí, các cơ quan tình báo ghi nhận là các phe ở Libya đang cất giấu vũ khí. Trong lúc đó, số lính đánh thuê Sudan, Tchad hay bộ tộc Touareg, tham gia vào cuộc chiến, sẽ không trở về tay không.
Từ giới kinh doanh bất lương, các bộ tộc, các thành phần môi giới, cho đến mạng lưới Al Qaeda vùng Bắc Phi, tất cả đều đang tìm cách thâu tóm vũ khí Libya. Theo Le Monde, ông Kadhafi đã tích lũy một lượng vũ khí to lớn nhưng cũ kỹ, phần lớn là của Nga chế tạo, do lệnh cấm vận áp đặt từ năm 1992 cho đến 2004.
Các kho chứa đủ loại vũ khí từ rocket Grad 122 mm, đạn pháo phosphore, cho tới chất nổ, hoả tiễn đủ loại. Tuy nhiên vì vốn nghi kỵ giới quân đội, ông Kadhafi đã cố tình để một phần thiết bị ở trong tình trạng không thể sử dụng được, như cho tháo gỡ xích của xe tăng. Và chỉ có những đạo quân thân cận với ông như lữ đoàn 32 dưới quyền chỉ huy người con trai Khamis, là có được trang bị tối tân. Một phần không nhỏ vũ khí cũng được ông Kadhafi cho phân tán ra khắp nơi. Nhưng với cuộc chiến bùng lên gần đây, quân đội Libya đã phải sửa chữa lại vũ khí để sử dụng được, nhưng họ cũng phân tán ngay, cất giấu trong những trường học hay nhà thương như đã được khám phá vừa qua. Chế độ Kadhafi còn phân phát vũ khí cho dân chúng. Chiến dịch oanh kích của NATO cho là đã phá hủy đến 85% khả năng chiến đãu của Kadhafi, nhưng thực hư vẫn không rõ ràng. Còn tân chính quyền Libya, Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp thì lại không thể đưa ra một bản kê khai các loại vũ khí đã tịch thu được. Những vũ khí hiện làm cho phương Tây lo ngại nhất là loại gọi là manpads, tức là tên lửa địa đối không xách tay, giống như loại hỏa tiễn Stinger của Mỹ, hiện được Hoa Kỳ ước tính lên đến 20.000 chiếc. Phần lớn loại vũ khí này là tên lửa SA7 do Liên Xô chế tạo từ cuối thập niên 1960, mà giới khủng bố có thể dễ dàng sử dụng. Bên cạnh đó, Lữ đoàn 32 có khoảng 200 hoả tiễn SA24, thế hệ mới hơn. Số vũ khí này đã biến mất. Mối lo ngại khác nữa là các loại vũ khí chống chiến xa hiện đại có tính năng tầm nhiệt, hay các loại hỏa tiễn AT14 hoặc rocket TBG7 có thể phá tan các bunker nằm sâu dưới mặt đất và gây nên những vết bỏng rất đau đớn cho nạn nhân. Tóm lại theo bài báo, kho vũ khí của chế độ Kadhafi, cộng với vũ khí cung cấp cho phe nổi dậy đang biến Libya thành một tiệm "tạp hóa" lớn về thiết bị quân sự. |