Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16 Tháng 9 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16 Tháng 9 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Sáu, 16 Tháng 9 Năm 2011 22:09

Sarkozy : Người hùng của thành phố Ả Rập Benghazi


Tấm bảng khổng lồ ở quảng trường Tahrir ở Benghazi, với chân dung ông Sarkozy và dòng chữ "Cám ơn nước Pháp!"
REUTERS/Darrin Zammit Lupi

Cách đây một năm, ai có thể tưởng tượng được có một ngày ông Nicolas Sarkozy lại có thể trở thành người hùng của một thành phố lớn Ả Rập ? Không có ai cả !

Thế mà đó là hiện thực của ngày hôm qua. Bài viết mang tựa đề « Benghazi, thành phố xem Tổng thống Pháp như anh hùng » của Le Figaro đã mở đầu như trên, không quên nhấn mạnh chi tiết dân chúng Libya đã nhiệt liệt chào đón ông Sarkozy.

 Sự kiện Tổng thống Pháp và Thủ tướng Anh cùng đến thăm Libya ngày hôm qua được nhiều tờ báo chú ý.

Trang nhất của nhật báo Le Figaro cánh hữu chạy tựa « Sarkozy và Cameron được người dân Libya đón tiếp như những người hùng giải phóng ». Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu cũng là đề tài quan trọng.

 Tờ Le Monde đưa tít trang nhất « Bóng ma một cuộc khủng hoảng hệ thống ám ảnh châu Âu ».

Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa « Khủng hoảng : Liên minh quý giá của các ngân hàng trung ương » và nhận xét, sự can thiệp của các ngân hàng nhà nước đã hóa giải một vấn đề gai góc về tiền mặt, giúp các bộ trưởng tài chính châu Âu có thể tập trung cho các phương diện khác.

Về nội tình nước Pháp, nhật báo cánh tả Libération chất vấn bộ trưởng Nội vụ Claude Guéant về nhiều vấn đề gai góc hiện nay, còn nhật báo cộng sản L’Humanité đăng kết quả cuộc thăm dò dư luận, về những gì cử tri cánh tả chờ đợi trong cuộc bầu cử tổng thống 2012.

Riêng tờ báo công giáo La Croix thì quan tâm đến « Con đường dài dằng dặc của người Palestine » với một hồ sơ 8 trang, trước ý định cua chính quyền tự trị Palestine muốn được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công nhận.
 
Đặc phái viên Le Figaro tại Benghazi cho biết, tại quảng trường Giải phóng của thành phố, từ tháng 3 đến nay bức chân dung khổng lồ của Tổng thống Pháp vẫn ngự trị, trên nền đám đông những người nổi dậy với dòng chữ bằng ba thứ tiếng Pháp, Anh, Ả Rập « Cám ơn nước Pháp ».

Người dân thành phố một triệu dân này không quên nghĩa cử của Paris, khi ông Kadhafi đã đe dọa sẽ tàn sát họ « như những con chuột cống », « nhấn chìm trong biển máu ».

Một bác sĩ trẻ chỉ cho các nhà báo xác một chiếc xe tăng cháy đen ở cửa ngõ thành phố, nói rằng : « Nếu hôm 19/3, ông Sarkozy không ra lệnh cho những chiếc phi cơ Rafale phá hủy chúng, thì những chiếc tăng này đã tiến vào tàn sát chúng tôi ».

Tất cả các khách sạn đếu phấp phới lá cờ ba màu của Pháp, và người dân hết sức tử tế đối với khách nước ngoài nói tiếng Pháp. Ngay cả những thành viên của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo cũng không dám nói xấu về ông Sarkozy, nếu không muốn bị đám đông chỉ trích là vô ơn.
 
Tờ báo đặt câu hỏi, tình cảm thân Pháp và ủng hộ ông Sarkozy sẽ kéo dài được bao lâu ở Benghazi ? Không ai có thể biết được. Nhưng có điều chắc chắn cuộc chiến giành quyền lực sẽ có lúc trở nên tàn khốc hơn, giữa các nhóm « thế tục » và các nhóm Hồi giáo. Một ngày nào đó Paris sẽ phải chọn lựa, và lúc đó, khó khăn mới bắt đầu.
 
Le Figaro ví von chuyến viếng thăm Libya của hai nguyên thủ quốc gia Pháp và Anh là một cuộc đột kích ngoại giao được tính toán kỹ lưỡng, trước khi người đứng đầu Thổ Nhĩ Kỳ đặt chân đến đất nước vừa ngưng giao tranh chưa đến ba tuần lễ này.
 
Hồ sơ Libya làm nổi bật khác biệt giữa phương Tây và BRICS

 
Nhìn rộng ra trên lãnh vực chính trị quốc tế, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết mang tựa đề « Libya, nơi biểu hiện các rạn nứt ngoại giao của thế giới ».Theo tờ báo, thì cuộc khủng hoảng ở Libya cho thấy hố sâu ngăn cách giữa phương Tây và các nước mới trỗi dậy, thường được gọi là BRICS.
 
Đối với khu vực, thì sự sụp đổ của chế độ Kadhafi đã giúp cho làn gió dân chủ còn mong manh nhưng đầy hứa hẹn tiếp tục thổi suốt từ Ai Cập cho đến Maroc, trừ Algérie, nước bị thiệt thòi nhiều qua sự kiện này.

Nhìn tổng quát hơn, thì bài học từ Libya mang tính hai mặt. Các lực lượng giải phóng hãy còn quá yếu, thiếu tích cực, còn các chế độ khác, sợ hãi trước sự quật cường của người dân, đã quyết định kìm hãm những đổi thay.

 Trên tầm vóc quốc tế, cuộc khủng hoảng Libya đã làm nổi rõ những khác biệt giữa phương Tây và các nước mới nổi. Trong khi phương Tây có thái độ phù hợp với những giá trị được bảo vệ lâu nay, thì khối BRICS lại khư khư giữ quan niệm đã lỗi thời về quyền tự quyết dân tộc. Mà thật ra trước làn sóng cách mạng Ả Rập, Brazil chẳng có lợi lộc gì khi đứng về phía Nga và Trung Quốc, vốn chống lại việc nước này ứng cử làm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an.
 
Châu Âu thì đã không thống nhất được với nhau về giải pháp cho Libya tuy Pháp, Anh đã đứng ra làm đầu tàu.

Với thắng lợi ngoại giao to lớn vừa qua, Pháp muốn tranh thủ để thúc đẩy một chính sách quốc phòng chung châu Âu. Nhưng nghịch lý ở chỗ, nước ủng hộ thì không có phương tiện và ngược lại.
 
Ấn Độ và ám ảnh phải vượt qua Trung Quốc
 
Liên quan đến châu Á, phụ trang Le Figaro đăng bản dịch một bài báo trên tờ The New York Times mang tựa đề « Đánh bại Trung Quốc là nỗi ám ảnh của Ấn Độ ».
 
Theo tác giả, so sánh sự phát triển của Ấn Độ với mẫu hình Trung Quốc gần như là ám ảnh chung của nước Ấn.

Tuy cũng giống như Trung Quốc, Ấn Độ là một trong những cường quốc hiếm hoi có tỉ lệ tăng trưởng ít nhất 8% trong những năm gần đây, nhưng cuộc chạy đua dường như chỉ có một chiều. Người Trung Quốc hầu như không mấy quan tâm đến quốc gia cùng châu lục này, mà chỉ muốn so sánh với Hoa Kỳ và châu Âu. Tờ báo nói thêm, nếu Trung Quốc vẫn là đối tác trọng tâm của Ấn Độ, thì xuất khẩu của Trung Quốc chủ yếu là vào Mỹ.
 
Để so sánh : Trung Quốc mạnh hơn Ấn Độ về cơ sở hạ tầng, quân đội, giáo dục đại học và cao đẳng, nhưng Ấn Độ lại vượt xa Trung Quốc về kỹ nghệ phần mềm và trình độ tiếng Anh.

Về mặt xã hội, dân số Trung Quốc già hơn Ấn Độ, nên Ấn có thể phát triển với tốc độ nhanh hơn dù nền kinh tế Trung Quốc có sức nặng gấp ba lần rưỡi. Nhưng tác giả bài báo nhắc lại, Bắc Kinh vẫn không coi New Delhi là đối thủ.
 
Khủng hoảng nợ châu Âu : nguyên nhân và giải pháp

 
Còn tại châu Âu trên lãnh vực kinh tế, nhật báo công giáo La Croix có bài phân tích « Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu qua mười câu hỏi ». Các vấn đề chính đặt ra là, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng là gì, tại sao việc ứng phó lại chậm chạp đến thế, và các giải pháp là gì ?
 
Trước hết, liệu đây có phải chỉ là cuộc khủng hoảng của riêng Hy Lạp ?

Bài báo công nhận khủng hoảng khởi phát từ Hy Lạp, do từ khi gia nhập khu vực đồng euro, quốc gia này đã vung tay quá trán, sau đó lại giấu nhẹm nợ nần trong nhiều năm. Nhưng rồi những khuyết điểm của một đất nước chỉ chiếm có 3% tổng sản phẩm nội địa của châu Âu đã đe dọa toàn thể khu vực, cho thấy thực chất là cuộc khủng hoảng về quản trị châu Âu.

Nếu các nhà đầu tư không lo lắng về công nợ của từng tiểu bang Mỹ vì đã có Nhà nước liên bang gánh vác trách nhiệm, thì sự chần chừ và bất đồng trong việc đề ra giải pháp của các nước châu Âu đã làm thị trường thêm bất ổn.
 
Sở dĩ phản ứng của các nước khu vực đồng euro chậm chạp, đó là vì khu vực này không được điều hành theo mô hình liên bang như Hoa Kỳ. Khi cùng từ bỏ đồng nội tệ để sử dụng đồng tiền chung euro, các nước đã trao quyền điều hành tiền tệ cho Ngân hàng Trung ương châu Âu, nhưng vẫn nắm quyền về kinh tế và ngân sách.

Tất cả các quyết định đều phải được Nghị viện từng nước thông qua, vì vậy mà mọi phản ứng đều rất chậm chạp. Đây là điều đáng lo trong thời kỳ khủng hoảng, như nhận xét của một đại biểu châu Âu : « Đồng tiền chung được tạo ra để sử dụng trong giai đoạn tốt đẹp mà thôi ».
 
Ngày càng có nhiều chuyên gia cho rằng Hy Lạp rất có nguy cơ bị vỡ nợ. Trong trường hợp đó, các ngân hàng nước này sẽ sụp đổ, Hy Lạp sẽ không còn vay nợ được nữa và nếu ra khỏi khu vực đồng euro, nợ nần của Athènes sẽ bùng nổ, làm lây lan sang các ngân hàng châu Âu khác đang giữ trái phiếu Hy Lạp, có thể làm đồng euro bị chết yểu. Thật ra châu Âu vẫn có thể tồn tại mà không có đồng tiền chung, nhưng trọng lượng của châu lục này sẽ yếu hẳn đi trên trường quốc tế.
 
Pháp và Đức muốn thành lập một chính phủ kinh tế cho khu vực, với người đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng châu Âu, nhằm hài hòa chính sách kinh tế và ngân sách của 17 quốc gia trong khu vực đồng euro.

Nhưng ủy viên tư pháp châu Âu lại thiên về việc củng cố quyền điều hành Eurogroupe, còn Chủ tịch Ngân hàng châu Âu lại muốn có một bộ trưởng châu Âu về tài chính. Những thay đổi này liệu có buộc phải sửa đổi lại Hiệp ước châu Âu, và như vậy phải được Nghị viện của 27 nước thông qua hay không ? Có điều chắc chắn là, với ý kiến nên thành lập một Liên bang châu Âu thực sự, thì nhất định Hiệp ước nền tảng này sẽ phải thay đổi.
 
Áo choàng y tế : ổ vi trùng
 
Về mặt y tế, nhật báo Le Figaro cho biết « Những chiếc áo blouse trắng là ổ vi trùng ».

Theo một công trình nghiên cứu mới đây, thì trên 40% nhân viên y tế mặc cùng một chiếc áo choàng trắng để làm việc trong hai ngày liên tiếp, và như vậy, nguy cơ các vi khuẩn kháng thuốc tăng lên gấp ba.
 
Công trình này được các nhà nghiên cứu ở Jérusalem tiến hành trên 60 bác sĩ và 75 y tá, trong đó 60% làm việc tại các phòng mổ, số còn lại ở bộ phận nội khoa. Các mẫu được lấy từ những phần vạt bụng, lai tay hoặc túi của chiếc áo choàng trắng, sau đó vi khuẩn được nuôi cấy ở 35°C trong vòng 48 giờ.

Kết quả cho thấy phân nửa số mẫu đã bị nhiễm khuẩn, trong đó áo choàng của các y tá bị nhiễm các vi khuẩn kháng thuốc nhiều nhất. Và có đến 29% áo blouse của những người hai ngày mới chịu thay bị nhiễm khuẩn, trong khi tỉ lệ này chỉ có 8% nếu thay áo hàng ngày.

Nguy cơ nhiễm khuẩn còn do nhiều người mang đồng phục y tế về giặt ở nhà, thay vì ở bệnh viện, nên không đảm bảo được nhiệt độ giặt cũng như trộn lẫn với quần áo thường.