Kể từ ngày 7/10 sắp tới.
Đợt gạo xuất khẩu hơn 42 nghìn tấn từ Thái Lan sang Jakarta ngày 25/1/2011. Reuters
Chính phủ mới của Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã hứa sẽ mua gạo của nông dân trong nước với giá cao hơn thị trường. Nhưng kế hoạch này có nguy cơ đẩy giá gạo trên thế giới cao hơn và làm xáo trộn thị trường.
Trong thời gian vận động tranh cử, để lôi kéo cử tri vùng nông thôn, đảng Puea Thai đã cam kết sẽ mua gạo của nông dân với giá lên tới 15 ngàn baht/tấn, tương đương với 497 đôla, trong khi giá hiện nay ở thị trường là khoảng 8 ngàn baht/tấn. Gạo sẽ được thu mua với giá này với khối lượng vô giới hạn, tức là bao nhiêu tấn Nhà nước cũng mua hết ! Phần lớn nhờ vào lời hứa hẹn nói trên mà đảng Puea Thai đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 3/7 vừa qua và bà Yingluck Shinawatra, em gái của cựu thủ tướng hiện sống lưu vong Thaksin, lên nắm quyền. Kế hoạch mua gạo với giá cao hơn thị trường trên nguyên tắc sẽ được thực hiện kể từ ngày 7/10 tới. Vấn đề đặt ra đối với chính phủ Thái Lan bây giờ là về mặt tài chính. Theo thẩm định, chi phí để thực hiện kế hoạch mua gạo với giá cao hơn thị trường là 190 tỷ baht trong năm đầu tiên thực hiện kế hoạch này. Nhưng Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp, tức là ngân hàng được giao trách nhiệm mua gạo của nông dân, hiện chỉ có trong tay 50 tỷ baht và như vậy sẽ phải mượn thêm tiền của các ngân hàng khác. Mặt khác, cơ chế thực hiện kế hoạch này cũng chưa rõ ràng. Nhưng cho dù với bất cứ giá nào, chính phủ của bà Yingluck có vẻ quyết tâm thực hiện lời cam kết, vì sợ sẽ mất uy tín với nông dân. Nếu như kế hoạch này sẽ có lợi cho nông dân Thái Lan, thì ngược lại nó sẽ gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu Thái Lan, vì theo dự báo, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan có thể vượt qua mức 750 đôla/ tấn.
Sẽ không có ai mua gạo của Thái Lan với giá cao hơn 200 đôla/tấn so với gạo của Việt Nam hay của Ấn Độ ( quốc gia mà sau ba năm ngưng xuất khẩu, nay đã quay trở lại thị trường gạo thế giới). Các cơ quan độc lập của Thái Lan cũng đã cảnh báo chính phủ về khả năng sẽ ứ đọng hàng triệu tấn gạo không người mua. Bộ Nông nghiệp Mỹ gần đây đã thẩm định là kế hoạch mua gạo với giá cao của Thái Lan sẽ khiến khối lượng xuất khẩu gạo của nước này sụt giảm 20% xuống còn 8 triệu tấn trong năm 2012 và như vậy Thái Lan sẽ để lọt vị trí quốc gia xuất khẩu gạo số một thế giới vào tay Việt Nam.
Do lượng gạo xuất khẩu từ Thái Lan giảm đi, giá gạo trên thị trường thế giới sẽ leo thang, gây thêm khó khăn cho dân nghèo ở những nước châu Á khác, vốn đang rất vất vả vì giá lương thực tăng cao.
Theo dự báo của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo trắng 5% tấm có thể lên tới 830 đôla/tấn so với mức hiện nay là 613 đôla. Một số chiến lược gia trong đảng Puea Thai đang đề nghị Thái Lan thành lập một liên minh với Việt Nam và các nước khác để cùng nhau ấn định giá gạo. Nhưng các nhà xuất khẩu Thái Lan cho rằng với lượng gạo sẽ ứ đọng nhiều như thế, làm sao có thể lập một liên minh như vậy được ? Dẫu sao thì cho tới nay, chính phủ Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đề nghị của Thái Lan lập một liên minh giữa các nước xuất khẩu gạo theo kiểu OPEC.
Vấn đề đặt ra bây giờ là Hà Nội sẽ đối phó ra sao khi kế hoạch của Thái Lan mua gạo giá cao bắt đầu được thực hiện ? Hay là chính phủ sẽ tiếp tục khống chế giá lúa gạo trong nước như đã làm vào năm 2008, khiến nông dân không được hưởng lợi từ việc giá gạo trên thị trường thế giới tăng cao? |