Home Tin Tức Thời Sự Thủ tướng Thái Yingluck Shinawatra thăm Cam Bốt

Thủ tướng Thái Yingluck Shinawatra thăm Cam Bốt PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Phương   
Thứ Tư, 14 Tháng 9 Năm 2011 09:45

chuyến viếng thăm một ngày của bà Yingluck không thể giải quyết trọn vẹn các vấn đề quan trọng tồn đọng giữa hai bên

 

 
Thủ tướng Yingluck Shinawatra phát biểu trước Quốc hộì Thái Lan ngày 23/8/2011. Reuters

 Ngày mai, 15/9/2011, thủ tướng Yingluck Shinawatra đến thăm Cam Bốt lần đầu tiên kể từ khi nắm quyền.

Ngay ngày hôm sau, 16/9, người anh của bà là cựu thủ tướng Thaksin cũng đến Cam Bốt. Từ Phnom Penh, thông tín viên Phạm Phan tường trình về mối quan hệ đặc biệt hiện nay giữa hai nước Cam Bốt - Thái Lan.

 Chương trình làm việc của bà Yingluck tại Phnom Penh
 
Chuyến đi của bà Thủ Tướng Yingluck, ngoài ý nghĩa lễ nghi ngoại giao truyền thống của khối ASEAN, còn mang một ý nghĩa đặc biệt khi đặt trong bối cảnh mối quan hệ hai láng giềng thường thù địch nhau sau cuộc đảo chính thủ tướng Thaksin hồi tháng 9/2006. Chuyến đi này lại được chú ý hơn nữa khi anh của thủ tướng sẽ tới Phnom Penh chỉ sau một ngày bà có mặt tại đây.
 
Dù rằng người nữ phát ngôn của chính quyền Thái Titima Chaisan nói bà Yingluck là một doanh nhân, nên chỉ chú trọng về hợp tác kinh tế. Nhưng theo các biến cố đã xảy ra trong thời gian qua giữa hai nước, chúng ta thấy có 3 vấn đề chính mà bà Yingluck sẽ phải nêu lên khi gặp thủ tướng Hun Sen:
 
Vấn đề thứ nhất là bàn thảo về vụ tranh chấp ngôi đền cổ Preah Vihear.

Đây được coi là khúc xương khó nuốt trong mối quan hệ hai bên. Trước mắt, bà Yingluck là tạo được đường biên giới hòa bình với láng giềng Cam Bốt để cùng nhau xây dựng mối quan hệ hợp tác phát triển cùng có lợi.

Hai là phía sau lưng bà phải xoa dịu được lòng hăng say nồng nhiệt quá đổi của tinh thần dân tộc Thái. Ba là giữ thể diện cho toàn khối ASEAN không bị sứt mẻ do cựu thủ tướng Abhisit đã làm một cách ngoan cố qua các vụ đụng độ quân sự chết người.
 
Vấn đề thứ hai là cách thức hợp tác cũng như phân định ranh giới trên vùng biển tranh chấp nằm ở Vịnh Thái Lan. Sự kiện này đã kéo dài gần 1 thập niên nhưng hai bên chưa đạt đến một giải pháp dứt khoát để khai thác nguồn dầu khí tiềm tàng có trữ lượng rất lớn và rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu dân sinh, xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt về phía Cam Bốt.
 
Vấn đề thứ ba là yêu cầu Cam Bốt phóng thích hai người tù nằm trong ban lãnh đạo Phe Áo Vàng đang bị giam tại nhà tù Prey Sar ngoại ô Phnom Penh. Liệu rằng chỉ yêu cầu phóng thích không thôi hay bà Yingluck có mang trong tay một danh sách tù nhân để trao đổi? Điều này có thể có.
 
Mối quan hệ giữa ông Thaksin với thủ tướng Hun Sen
 
Cách đây gần một tháng ông Thaksin dự tính đi Phnom Penh ngay sau khi em gái ông là bà Yingluck vừa tuyên thệ nhậm chức thủ tướng. Tuy nhiên, chuyến đi bị hoãn lại không có lý do, nhưng có thể hiểu do vì chuyến đi không danh chính ngôn thuận và gặp phải phản ứng của một số công luận Thái.
 
Thế nhưng, theo dự trù thì ông Thaksin sẽ đến Phnom Penh vào thứ Sáu này và sẽ ở lại gần một tuần. Điều này cho người ta thấy rằng ông Thaksin quyết tâm làm những gì ông đã trù tính. Có điều chưa rõ là ông Thaksin đến Phnom Penh trên danh nghĩa gì?

Một phái viên cấp cao của bà Yingluck hay một đại diện của tân chính quyền Thái hay chỉ đơn giản là một người bạn tốt của thủ tướng Hun Sen đến Phnom Penh theo lời mời của người cầm đầu xứ Chùa Tháp?
 
Ngày thứ Hai, khi nói chuyện trước 4.100 sinh viên tại buổi lễ tốt nghiệp ở trường Đại Học Quản Trị Quốc Gia ở Phnom Penh, thủ tướng Hun Sen cho biết ông Thaksin sẽ đến Phnom Penh để tham dự Hội Nghị Tương Lai Kinh Tế ASEAN.
 
Theo báo mạng The Nation thì ông Hun Sen nói rõ là chuyến đi ông Thaksin không phải để thảo luận về dầu khí tại vùng biển tranh chấp. The Nation trích nguyên văn lời ông Hun Sen nói như sau: “Ông Thaksin không có nhiệm vụ thương thảo về những hợp đồng dầu và khí đốt và những vấn đề khác, đây là nhiệm vụ của chính quyền Thái chứ không phải của Thaksin.”
 
Theo chương trình làm việc khi ở Phnom Penh, ông Thaksin sẽ thuyết trình về đề tài kinh tế tại Hội Nghị Tương Lai Kinh Tế ASEAN. Có một sự kiện cũng đáng chú ý trong dịp này là trận đá banh giao hữu ngày Chủ Nhật 24/9 giữa các vị dân cử hai nước, trong đó có sự tham dự của một số giới chức chính quyền Cam Bốt.

 Sự kiện thể thao nghiệp dư này đánh dấu tinh thần hòa bình không gây chiến tranh đổ máu của hai quốc gia, đã “qua cơn ác mộng” khi ông Abhisit nắm quyền thủ tướng Thái, như theo lời ông Hun Sen phát biểu.
 
Phía Phnom Penh, các phương tiện truyền thông thân chính quyền tỏ thái độ lạc quan về chuyến viếng thăm.

Trong khi đó tại Bangkok, nhất là tờ báo mạng The Nation, luôn theo dõi sát chuyến đi của ông Thaksin đến Phnom Penh. Điều này tỏ rõ một quan điểm của phe quốc gia lo ngại ông Thaksin sẽ có ảnh hưởng nhiều trong tân chính quyền Thái, dù ông không ra mặt hay không giữ chức vụ chính thức nào.

Tất nhiên, chuyến viếng thăm một ngày của bà Yingluck không thể giải quyết trọn vẹn các vấn đề quan trọng tồn đọng giữa hai bên. Và vì thế sự hiện diện của ông Thaksin, dù muốn dù không, là một yếu tố cần thiết để xây dựng lại mối bang giao hai nước.
 
Bang giao Thái – Cam Bốt từ khi đảng thân Thaksin lên nắm quyền
 
Vào thời điểm diễn ra trận túc cầu của các vị dân cử Thái – Cam Bốt vào ngày 24/9 thì Bộ Trưởng Quốc Phòng Thái ông Yuthasak Sasiprapha đến Phnom Penh thảo luận các vấn đề quân sự giữa hai bên, như vị trí đóng quân gần đền Preah Vihear, và chuẩn bị cho Ủy Ban Biên Giới hai nước có phiên họp thảo luận các vấn đề liên quan. Diễn tiến này được nhận xét là tích cực sau khi bà Yingluck lên cầm quyền.
 
Tuy nhiên, hồi đầu tháng 9 này, tòa án tỉnh Sisaket đã phạt tù 3 người Cam Bốt, mỗi người 2 năm tù giam về tội danh làm gián điệp ở khu vực quân sự Thái gần đền Preah Vihear. Trong 3 người này, có một người mang quốc tịch Việt Nam, và người cầm đầu tên Ung Kimthai 46 tuổi. Trước phiên xử này, khi bà Yingluck mới lên cầm quyền, tòa đã thay đổi tội danh từ "gián điệp" thành "đi trái phép vào khu quân sự".
 
Sự kiện tòa tuyên án, thoạt đầu nhiều người nghĩ có thể gây căng thẳng cho quan hệ hai bên.

Tuy nhiên sau đó có thể hiểu dụng ý của các bản án này. Và dụng ý này có thể được lòng cả hai bên. Thứ nhất là không bị phe thân cựu Thủ Tướng Abhisit phản đối vì chính quyền Yingluck đã phạt tù người của chính quyền Abhisit bắt giam hồi tháng 6 năm nay.

Thứ nhì, sử dụng 3 tù nhân này để đề nghị trao đổi tù nhân, như thế Cam Bốt không bị quá ép khi Thái yêu cầu thả hai nhân vật cầm đầu Phe Áo Vàng là ông Veera Somkwamkid và người thư ký là bà Ratree Pipatanapaiboon đang thụ án 8 và 6 năm.
 
Việc trao đổi tù nhân có thể được giải quyết sớm vì không cần nhiều thời gian quyết định. Riêng đối với bà Yingluck, nếu thành công trong việc này sẽ trở thành một ân nhân cho Phe Áo Vàng.