Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14 Tháng 9 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14 Tháng 9 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân   
Thứ Tư, 14 Tháng 9 Năm 2011 09:08

Ngành giáo dục Pháp bị tụt hậu so với các nước phát triển khác

 
Một lớp học tại Pháp. OCDE xếp hạng Pháp đứng thứ 32 trên tổng số 34 nước thành viên. Reuters

 
Ngoài các hồ sơ kinh tế, chính trị thông thường, các báo Pháp hôm nay đều chú ý đến báo cáo về giáo dục Pisa, của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển OCDE, nêu bật tình trạng không mấy sáng sủa của ngành giáo dục Pháp : trên 34 quốc gia phát triển thành viên của OCDE đuợc quan sát, Pháp đứng hàng thứ 32.

 
Tờ Les Echos chạy một hàng tít trang nhất tóm lược suy nghĩ chung : ‘‘Ghi nhận đáng ngại của OCDE về giáo dục ở Pháp’’, trong lúc Le Monde nêu bật trong hàng tít cũng trên trang nhất một yếu tố trong bản báo cáo : ‘‘Lương giáo viên Pháp ngày càng tồi tệ’’.
 
Trong báo cáo Pisa 2011 về giáo dục Pháp, tổ chức OCDE nêu bật những yếu tố rất đáng ngại : Trong giai đoạn 1995 - 2009, tỷ lệ học sinh lứa tuổi 15 - 19, đã tuột giảm tại Pháp, từ 89% xuống 84%, trong khi tăng lên ở những quốc gia khác trong tổ chức, tăng hơn 9 điểm. Ở đại học - lứa tuổi 20-29, cũng vậy, Pháp dậm chân tại chỗ ở 19%, trong khi các nước khác thì tăng hơn 8 điểm trong cùng thời kỳ.
 
Les Echos cho là tổ chức OCDE quả là đã gióng lên hồi chuông báo động, vì nếu trong vòng 30 năm, Pháp đã nâng được trình độ của người dân, bắt kịp chậm trễ so với các nước phát triển khác, thì giờ đây giáo dục Pháp lâm vào tình trạng đình đốn.
 
Tờ báo cũng như các đồng nghiệp đã nêu lên những điểm tiêu cực khác : ngân sách dành cho giáo dục ngày ít đi hơn, trong lúc lương giáo viên vốn đã ít hơn những nước phát triển khác, lại có chiều hướng giảm sụt về mặt giá trị thực thụ.
 
Về chi phí cho giáo dục, nếu tính khoản dành cho mỗi một học sinh, ở Pháp chi phí này chỉ tăng 5% trong những năm 2000 - 2008, trong khi tại 23 quốc gia khác trong OCDE khoản này tăng đến 15%. Khoản dành cho giáo dục trong ngân sách nhà nước cũng giảm : 11,5% năm 1995, 10,6% năm 2008.
 
Tổ chức OCDE không tán đồng việc ngân sách giáo dục bị thu hẹp lại, và cho là phải đầu tư vào giáo dục cho dù ở trong thời kỳ khủng hoảng, vì thực tế cho thấy 30% thanh niên Pháp lứa tuổi 20-24 rời nhà trường không bằng cấp, đã không tìm được việc làm.
 
Một ghi nhận khác là Pháp đã yếu kém hơn các quốc gia phát triển khác trong mục tiêu giảm bất bình đẳng xã hội qua học đường : 30% học sinh Pháp ở tuổi 15, xuất thân từ gia đình nhập cư có trình độ yếu kém hơn các bạn, bị trễ đến 1 năm rưỡi so với các bạn khác.
 
Những nước đứng đầu bảng như Canada, Hàn Quốc, Phần Lan đã thành công hơn. Theo giải thích của ông Eric Charbonnier, chuyên gia kinh tế của OCDE được tờ Le Figaro trích dẫn, “mục tiêu của giáo viên ở các nước đó không phải như ở Pháp là chạy theo chương trình, mà là làm thế nào để các học sinh nắm vững chắc các yếu tố cơ bản chung”.
 
Trong bài xã luận Les Echos kêu gọi hãy nhanh chóng xây dựng lại học đường. Tờ báo rất gay gắt, cho là học đường là nơi cho thấy tương lai của một đất nước. nếu tình trạng học đường hiện tại không xứng đáng đối với một quốc gia tiên tiến, thì hình ảnh nước Pháp tương lai quả đáng ngại thật.

Tờ báo nhắc lại : Hơn 1/4 học sinh học xong cấp 1 không biết đọc biết viết đàng hoàng, 140.000 thanh niên ra khỏi trường không có bằng cấp.
 
Ghi nhận tiêu cực kể trên không phải là mới mẻ, và bộ Giáo dục Pháp đã ra biết bao chỉ thị để chấn chỉnh nhưng không được áp dụng. Tờ báo cho là muốn ngăn chặn đà suy thoái thì phải bắt đầu xây dựng lại ngay từ mẫu giáo.
 
Trung Quốc với thái độ nước đôi trước khủng hoảng châu Âu
 
Khủng hoảng tài chính vùng đồng euro do món nợ công Hy Lạp, được phản ảnh rất rộng rãi hôm nay : Les Echos nêu "mối lo ngại của Hoa Kỳ và các nước đang trỗi dậy", đến nỗi mà Hoa Kỳ đến nay vốn tỏ ra kín đáo, đã phải lên tiếng mong muốn các lãnh đạo châu Âu phối hợp hành động chặt chẽ hơn.
 
Trong lúc đó thì quốc gia đang trỗi dậy trong nhóm BRICS - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi – thì đề nghị giúp đỡ Châu Âu.
 
Trong tình hình đó, Le Figaro đã nêu bật thái độ mà tờ báo gọi là “nước đôi” của Bắc Kinh, dưới tựa đề : “Trung Quốc, nhà đầu tư có giọng điệu nước đôi đối với châu Âu”.
 
Tờ báo nhắc lại kịch bản rập khuôn là cứ một nước vùng đồng euro gặp khó khăn hơn các láng giềng, thì Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng đến cứu giúp. Nhưng lần này kịch bản có khác đi.

Phát ngôn viên bộ trưởng tài chính Ý đã công nhận là vị bộ trưởng có gặp một phái đoàn nhà đầu tư Trung Quốc cách đây 8 ngày, có thảo luận về việc Bắc Kinh mua công trái của Ý. Nhưng các nhà đầu tư Trung Quốc có vẻ không hứng thú, cho dù hiện tại Trung Quốc có đến 36.800 công ty xí nghiệp hoạt động tại Ý.
 
Theo bài báo, châu Âu hiện là đang trở thành thị trường chính của Trung Quốc. Bắc Kinh từng thông báo là tin tưởng vào khả năng các quốc gia châu Âu khống chế nợ công, họ đã giúp Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và cả Hungary, và không bao giờ nêu con số cụ thể.
 
Nhưng Trung Quốc cũng muốn có những bảo đảm. Chiến lược của họ rất rõ : hai bên cùng có lợi. Và bàn tay mà Trung Quốc chìa ra với châu Âu là để không mất phần đã giành được.
 
Theo Le Figaro, dù Bắc Kinh quyết định tiếp tục đầu tư vào châu Âu, câu hỏi đặt ra hiện nay là khả năng Trung Quốc có thể đi đến đâu, khi mà mục tiêu ưu tiên của họ là chống lạm phát đã lên tới 6,2% vào tháng 8, và phải đối phó với các món nợ khổng lồ của các điạ phương.
 
Tokyo muốn giảm bớt điện hạt nhân để phát huy năng lượng tái tạo
 
Nhìn về châu Á, hôm nay, tờ la Croix lưu ý đến chính sách năng lượng mới của Nhật Bản. Sau tai nạn nhà máy điện Fukushima, Tokyo muốn giảm phần điện hạt nhân và thiên về các loại năng lượng tái tạo.
 
Mở đầu bài viết, nhà báo Dorian Malovic nhận thấy Nhật đang ngã quỵ nhưng sẽ biết cách vươn lên, và ông giải thich : Sáu tháng sau động đất và sóng thần làm hơn 20.000 người chết và tai nạn Fukushima đã khiến dân Nhật phải tiết kiệm điện, giờ đây là thời hồi phục.
 
Thủ tướng Nhật thông báo hôm qua một chính sách năng lượng mới từ đây đến muà hè 2012, có thể kích động mạnh mẽ giới nghiên cứu và các phòng thí nghiệm Nhật Bản : Tokyo sẽ giảm đến mức có thể làm được, phần điện hạt nhân của mình để xoay qua đi tiên phong trong lãnh vực năng lượng tái tạo. Trước đây Nhật muốn nâng phần điện hạt nhân lên đến 50%, nhưng giờ đây họ phải làm ngược lại.
 
Đối với nhiều nhà quan sát, Nhật có khả năng thực hiện đươc chính sách của họ, vì đây là đất nước của "kinh nghiệm tri thức, chiụ khó làm việc và không ngừng cải thiện".

Nghiên cứu là trọng tâm trong chính sách phát triển của Nhật, trong việc tạo nên của cải, công việc làm, thúc đẩy xuất khẩu.

Nhật đã dành đến 5% GDP cho việc nghiên cứu, hơn Hoa Kỳ, chỉ dành có khoảng 3%, trong khi Pháp chỉ 2%. Và giờ đây giới nghiên cứu Nhật dứt khoát lao vào tìm giải pháp công nghệ thay thế hạt nhân.