Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13 Tháng 9 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13 Tháng 9 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Anh Vũ   
Thứ Ba, 13 Tháng 9 Năm 2011 11:05

Linda Lê, nữ nhà văn Pháp gốc Việt muốn sống cuộc đời đơn độc để sáng tạo

 Nhà văn Linda Lê DR

Nhật báo Libération có bài phác họa chân dung nữ nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê, tác giả của nhiều tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp và đã nhận được không ít giải thưởng văn học có uy tín trên văn đàn nước Pháp.

Số lượng tác phẩm cũng như chất lượng các cuốn tiểu thuyết của Linda Lê đã để lại những dấu ấn khó quên trong độc giả Pháp.

 Độc giả ở Việt Nam cũng biết đến nhiều tác phẩm của nhà văn Linda Lê đã được dịch sang tiếng Việt như : « Ba số phận » (Les Trois Parques), « Vu khống » (Calomnies), « Lại chơi với lửa » (Autres jeux avec le feu).
 
Nhật báo Libération nhìn thấy nét cá tính và tính cách đặc biệt trong đời tư ở nữ nhà văn gốc Việt này. Libération phát hiện thấy người đàn bà này thích sống cô độc, nhất định từ chối không muốn có con. Tiếp cận với cuộc sống của Linda Lê, điều khiến tác giả bài viết ấn tượng nhất đó là một người đàn bà thích sống đơn độc không hề muốn có con trẻ bên cạnh.

Tác giả bài báo nhận thấy dường như thiên chức làm mẹ chỉ « làm cho bà thêm vướng víu, nhàm chán và rời xa bản thân mình ».

Thế nhưng bà là một tác giả cay nghiệt và vĩ đại. Trong các tác phẩm của Linda Lê người ta thường thấy hình ảnh của một xứ sở cấm kỵ xa xưa, một người cha bị bỏ rơi, một người mẹ khuôn phép hay một người tình hờ hững. Nhưng trong đó người ta cũng thấy những câu chuyện huyễn hoặc, siêu thực phảng phất đâu đó như trong các tác phẩm của Shakespeare.
 
Trong những ngày này, Linda Lê đang chuẩn bị xuất bản một bức thư gửi đứa con mà bà đã và sẽ không có. Theo tác giả thì có con là điều bà không hề muốn bao giờ, Linda Lê vẫn tỏ ra phấn khích khi tuyên bố về chuyện này, trong khi mà ở Pháp tỷ lệ sinh đẻ đang tăng mạnh và đa số người dân Pháp đều thèm muốn được quyền nuôi con.
 
Phác họa chân dung của nhà văn thì không thể thiếu phần tiểu sử. Tác giả bài báo tóm tắt :

Linda Lê sinh ra ở Việt Nam, có người mẹ ảnh hưởng đậm nét văn hóa Pháp và một người cha xuất thân từ tầng lớp thấp. Gia đình họ có bốn cô con gái, Linda là người chị thứ hai và người duy nhất mang cái tên có vẻ tây này. Sau ngày chế độ Sài gòn sụp đổ, cô theo mẹ sang Pháp định cư năm 1977 khi chưa đầy 14 tuổi.

Ở Pháp, cô được đi học và theo nghiệp văn chương. Cha cô ở lại thành phố Hồ Chí Minh theo đuổi giấc mơ nghệ sĩ của mình, rồi qua đời ở đó mà không được gặp lại vợ và các con. Linda vẫn luôn nhắc tới người cha bị bỏ rơi, cảm thấy như có lỗi với ông.
 
Trở lại với chuyện người đàn bà không thích có con. Tác giả kể lại, năm 15 tuổi, Linda cũng đã có một người bạn trai là một nhạc công chơi đàn ghi-ta.

Dù chưa một lần ôm ấp, nhưng khi anh ta đã có lần ngỏ ý muốn có con với cô, Linda đã từ chối thẳng thừng. Cô sợ mang thai, sợ cho con bú, vì e rằng từ bầu vú mình lại tiết ra những tia mật đắng của nỗi sầu của mình.

Nhiều năm sau, trong cuộc sống nay đây mai đó cô cũng đã gặp một người tình, là một diễn viên kịch dễ mến. Anh chàng này cũng cố thuyết phục cô có con. Anh ta đưa ra lý lẽ rằng có con sẽ mang lại cho cô sự thanh thản, dịu dàng, nữ tính và cô sẽ trở nên chín chắn hơn … Cô đã đáp lại rằng, cuộc sống lứa đôi không nhất thiết cứ phải trải qua giai đoạn đó mới tồn tại được, rằng có con không khỏa lấp được thất bại trong cuộc sống v.v.
 
Tác giả viết tiếp, ở tuổi 48, Linda Lê không có gì nuối tiếc, ân hận. Bà đã chọn cái thế giới này và đứng vững trong đó, không cần biết đến sự tồn tại của thế giới khác. Trong văn chương, Linda luôn tránh không bị ảnh hưởng bởi những nhà văn tiền bối như Simone de Beauvoir, Marguerite Yourcenar hay Virgina Woolf. Theo cô, tác phẩm của các nhà văn đó không mang được nét đẹp của văn chương.
 
Quả đúng là một người phụ nữ đặc biệt đã làm nên một văn sĩ khác thường. Tuy cô độc trong cuộc sống cá nhân, nhưng Linda Lê không đơn độc trong văn chương, xung quanh cô luôn có rất đông độc giả ngưỡng mộ.
 
Dư âm của 6 tháng sau thảm họa sóng thần ở Nhật

 
Trong lúc nước Mỹ tưởng niệmm 10 năm sự kiện đau thương 11/9 thì tại Nhật Bản, người dân cũng kỷ niệm 6 tháng xảy ra trận động đất sóng thần và tai nạn hạt nhân khiến gần 20.000 người chết và mất tích.
 
Báo Le Monde trở lại với sự kiện buồn của người dân Nhật sáu tháng sau khi xảy ra vụ tai nạn nhà máy điện Fukushima với bài viết « Fukushima : Người dân Nhật phẫn nộ và cam chịu ».
 
Theo Le Monde, đã sáu tháng trôi qua từ khi trận động đất sóng thần kinh hoàng đổ vào đất Nhật đến giờ, việc chính phủ không cung cấp đầy đủ thông tin về tai họa sóng thần cũng như hạt nhân vẫn còn bị chỉ trích mạnh mẽ.
 
Le Monde cho biết, khu Kasumigaseki, tại trung tâm Tokyo, trước kia không mấy khi thu húit người qua lại vào ngày chủ nhật. Thế nhưng kể từ khi xảy ra thảm họa sóng thần ngày 11 tháng 3 kéo theo tai nạn hạt nhân khủng khiếp ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima, thì khu trung tâm các cơ quan đầu não của chính phủ Nhật này trở nên nhộn nhịp huyên náo. Hầu như chủ nhật nào cũng có người biểu tình kéo đến đây đòi chính phủ tử bỏ năng lượng hạt nhân.
 
Trong dịp kỷ niệm 6 tháng sau thảm họa, một đoàn biểu tình gồm 1.500 người trước cửa bộ Kinh tế, cơ quan quản lý về phát triển năng lượng hạt nhân, giương khẩu hiệu khẳng định rằng : «  một Fukushima có thể sẽ lặp lại ».

Sau đó, 4 thanh niên còn tuyên bố bắt đầu tuyệt thực trước cửa cơ quan của ông Yoshi Hachiro, người đã phải từ chức sau khi bổ nhiệm được có 8 ngày, chỉ vì những phát biểu thiếu trách nhiệm liên quan đến tai họa hạt nhân Fukushima.
 
Mặc dù tình hình tại nhà máy điện Fukushima đang dần đi vào ổn định, thế nhưng theo Le Monde, thái độ của công ty chủ quản nhà máy là Tepco vẫn tiếp tục gây ra những ngờ vực về độ xác thực của thông tin.

 Bản thân chính phủ cũng bị chỉ trích là đưa thông tin chậm trễ và nhỏ giọt. Đơn cử một sự việc đó là bản đồ mức độ nhiễm phóng xạ trong vòng bán kính cách nhà máy điện 100 km, phải đến tháng 9 này mới được công bố, trong khi mà các đo đạc đã được tiến hành từ hồi tháng 6 và 7.

Báo chí Nhật cho biết, theo kết luận của các nhà khoa học thì con số tích tụ các chất phóng xạ đổ ra biển lớn gấp 3 lần con số của Tepco đưa ra. Ngoài ra còn không ít chuyện tranh cãi xung quanh việc nhiễm xạ thực phẩm và cách kiểm soát sai sót, không rõ ràng.
 
Le Monde nhận thấy là, khắc hẳn với người tiền nhiệm Naoto Kan, tân thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda, vừa mới nhận chức hôm 2/9, tỏ ra mập mờ về tương lai của năng lượng hạt nhân Nhật.

Ông còn muốn nhanh chóng khởi động lại các lò phản ứng đã bị dừng trong thời gian vừa qua.

 Sáu tháng sau thảm họa, cuộc tranh cãi về hạt nhân chắc sẽ không làm người ta quên được việc tái thiết vùng bị động đất sóng thần tàn phá. Các cơ sở hạ tầng như cầu đường đã nhanh chóng được phục hồi, nhưng còn nhiều vùng vẫn chưa được dọn dẹp. 94% các khu nhà tạm đã được dựng lên trong lúc các trung tâm cư trú tập trung cho nạn nhân cũng đang dần được đóng cửa.

Việc tái thiết vẫn đang tiếp tục, nhưng đòi hỏi một khoản tiền không nhỏ, chắc chắn phải đợi đến đợt bổ sung ngân sách thứ 3 mà dự kiến cũng không dưới 100 tỷ đô la.
 
Các ngân hàng Pháp, nạn nhân của khủng hoảng nợ Hy Lạp
 
Thị trường tài chính châu Âu hôm qua lại trải qua một ngày đen tối nữa vì tác động của nguy cơ Hy Lạp phá sản.

 Đặc biệt là tại Pháp, chỉ số chứng khoán của các ngân hàng đã rơi tự do. Cổ phiếu của ba ngân hàng lớn của Pháp BNP Paris bas, Crédit Agricol và Société Général lần lượt bị mất từ 12% đến 10% trong phiên giao dịch hôm qua. Không khí hoang mang trên khắp thị trường tràn vào cả các báo Pháp hôm nay.
 
Trang nhất của hầu hết các tờ báo hôm nay tại Pháp đều đăng tải những hàng tựa mang nội dung như báo động đỏ.

Tờ báo kinh tế Les Echos với kêu than « Các ngân hàng Pháp trong vòng xoáy khủng khiếp ».

Báo La Croix cũng đồng thanh với Les Echos « Ngân hàng Pháp trong cơn cuồng phong ».

Trong khi đó nhật báo Libération đề cập thẳng vào nguyên nhân và khẳng định « Các ngân hàng Pháp bị đau ốm vì Hy Lạp »

 Tờ Le Parisien đặt câu hỏi « Chúng ta trả giá bao nhiêu cho việc Hy Lạp bị phá sản ? ».

Trang nhất báo kinh tế La Tribune thì khẩn thiết kêu gọi « Hãy ngừng lại cuộc thảm sát ».
 
Các bài viết về đề tài này cuối cùng đều nêu bật một băn khoăn lo lắng, không hiểu rồi thị trường tài chính cứ rơi tự do sẽ kéo chúng ta đi đến đâu ?

Từ hàng tháng nay, thế giới tài chính dường như đang trượt dốc một cách đáng ngại.

Sau chấn động hồi tháng 8, tiếp đó là báo động trong tuần trước, đến giờ thì vụ nợ nần của Hy lạp tiếp tục làm rung chuyển các thị trường chứng khoán và đè nặng lên các nền kinh tế.

Riêng với Châu Âu, thì cựu lục địa này đang đứng trước một thách thức lớn là phải xét lại toàn bộ từ A đến Z học thuyết kinh tế của mình, xem xét lại triết lý tương trợ lẫn nhau và xa hơn nữa là cả các mục tiêu chính trị.
 
Điểm chung của các nhà bình luận trên báo Pháp về sự kiện ngày thứ hai đen tối này là như Les Echos viết : « Ngôi nhà ngân hàng Pháp chưa bị cháy. Cũng giống như nhiều lĩnh vực khác, nó chỉ là nạn nhân của việc thiếu quyết đoán của các chính phủ trong khu vực đồng euro trước hiểm họa của Hy Lạp ».

Kịch bản Hy Lạp bị phá sản đang hiện dần ra thì càng làm rõ thêm nguy cơ khu vực đồng euro bị tan vỡ.
 
Vụ Bourgi hứa hẹn những bùng nổ

 
Thời sự chính trị Pháp đang bị khuấy động bởi vụ luật sư Robert Bourgi, trong tuần, bỗng tung ra lời tố cáo việc cựu tổng thống Pháp Jaques Chirac và cựu thủ tướng Dominique de Villepin nhận khoảng hai chục triệu đô la tiền mặt từ lãnh đạo của nhiều quốc gia châu Phi ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông Chirac hồi năm 2002, đã gây rúng động sân khấu chính trị Pháp. Hiển nhiên đây là một đề tài thu hút đặc biệt sự chú ý của báo chí Pháp.
 
Từ hôm qua đến hôm nay nhân vật Robert Bourgi, một chuyên gia về châu Phi, vẫn thường xuyên đi lại cố vấn cho các nhà lãnh đạo Pháp về tình hình châu Phi, liên tục xuất hiện trên khắp các mặt báo, đài phát thanh, truyền hình Pháp.

Báo Libération khẳng định, không phải vô cớ mà ông Robert Bourgi lại mở tung bí mật hậu trường quan hệ của Pháp với các nước châu Phi.

Lý do mà Liberation cố gắng lý giải, đó là bởi vì Bourgi đã bị thất sủng trong bộ máy của tổng thống Pháp hiện nay, cho nên đã tự ái tung hết bí mật.

Nhưng cũng có báo như Le Monde thì lại nhận định, dường như đây là một chiêu bài mà Tổng thống Sarkozy tung ra để triệt hạ đối thủ chính trị cùng cánh hữu nhưng không đội trời chung là ông cựu Thủ tướng Dominique de Villepin.

Còn theo Le Figaro thì « Vụ Bourgi làm cho điện Elysée (phủ tổng thống Pháp) bối rối ». Bối rối bởi có thể những phát giác của ông Bourgi sẽ còn gây hệ lụy đến đảng cầm quyền hiện nay và trực tiếp là tổng thống.

 Dư luận dự báo đây cũng chỉ là khúc dạo đầu cho chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm tới hứa hẹn sẽ còn nhiều sôi động.