Người ta sẽ nghĩ gì sau mười năm ngày mà bọn khủng bố đã đánh bom vào Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế.
(LTS: Tác giả Từ Công Nhượng là một nhà hoạt động Hồi Giáo tích cực trong cộng đồng VN. Bài này viết trong những ngày tưởng niệm 10 năm 9/11, để nói rằng chính những người Hồi Giáo cũng là nạn nhân của hành vi khủng bố 9/11.)
Trước thềm kỷ niệm ngày 11 tháng 9, người ta sẽ nghĩ gì sau mười năm ngày mà bọn khủng bố đã đánh bom vào Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế (TTTMQT), giết chết hơn 3000 công dân Hoa Kỳ, thiệt hại của cải và làm tê liệt hệ thống mậu dịch của nước Mỹ? Kể từ ngày bọn khủng bố tấn công TTTMQT, Hoa Kỳ đã ra binh đã tấn công Afghanistan và sau đó tiến chiếm Iraq nhằm khai trừ nhóm khủng bố al-Qaiđa. Hôm nay, cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn và dân chúng đang chán ngán vì cuộc chiến vẫn còn kéo dài bất phân thắng bại. Chẳng những ngân khố đang thâm thủng vì hai cuộc chiến mà cuộc khủng hoảng kinh tế đã xảy ra vào năm 2008 càng lôi nền kinh tế Hoa Kỳ xuống dốc thêm. Nhiều cuộc cải cách đã được thi hành và nhiều món tiền đã đổ vào nhằm tạo công ăn việc làm nhưng cho đến hôm nay tình hình kinh tế vẫn không có dấu hiệu khả quan nào cả. Những cuộc tranh cãi triền miên giữa Quốc Hội và Tòa Bạch Ốc làm tăng thêm sự chán ngán của người dân đối với giới chính trị gia tại Hoa Thịnh Đốn.
Tuy nhiên, khi nói đến ngày 11 tháng 9 thì lúc nào cũng là ngày đau thương và lịch sử sẽ không bao giờ bỏ quên. Trong thâm tâm của dân chúng tại Hoa Kỳ, phải chăng Hồi Giáo là tôn giáo bạo động như sách báo đã từng viết? Trời ơi, tôn giáo gì mà ghê thế, không tôn trọng sinh mạng, không tôn trọng văn hóa của người khác?
Từ ngày 11 tháng 9 năm 2001 đến nay, nhiều sách báo đã viết về Hồi Giáo, nhiều vị chuyên gia đã trình bày về sự đa mầu đa dạng của Hồi Giáo nhưng không ai chối cãi, hành động của những tên khủng bố là hành động của những tên không có tôn giáo. Thậm chí người Hồi Giáo chính là nạn nhân của những tên Hồi Giáo quá khích. Ngay tại các nước Afghanistan, Iraq và Pakistan, các nhóm khích quân Hồi Giáo đã đánh bom giết người bất kể là bạn hay thù, chúng đã nhẫn tâm giết người cùng đạo nơi thánh đường nghiêm trang, tại các dịp đám cưới hội hè, tại các nơi công cộng. Chúng đã gài bom giết người hầu như trở thành cơm bữa.
Bởi vậy, không những công dân Hoa Kỳ mà ngay cả những công dân tại nước Hồi Giáo là nạn nhân của những tên khủng bố cuồng tín. Vào tháng 7 vừa qua xảy ra một vụ khủng bố kinh hoàng tại đảo Oslo tại Na-Uy làm thiệt mạng 85 em thiếu niên vô tội. Người ta không ngờ cuộc khủng bố lại có thể xảy ra tại Na-Uy, một quốc gia ôn hòa, chưa bao giờ cấu xé quyền lực với các nước lớn trên thế giới. Sau cuộc điều tra, người ta khám phá ra kẻ đã gây khủng bố là một người da trắng tóc vàng, công dân của Na-Uy tên là Anders Behring Breivik, thuộc nhóm thiên chúa cực hữu quá khích. Sáu tiếng đồng hồ trước khi cuộc khủng bố xảy ra, hắn đã mang bộ đồng phục Kỵ Sĩ Thập Tự Quân, hô hào trên mạng YouTube, kêu gọi phe bảo thủ ở Na-Uy sẳn sàng hy sinh tử vì đạo và nói rằng Hồi Giáo là mối nguy cơ đang đe dọa Âu Châu. Sau khi bị bắt, hắn không hề bộc lộ sự hối cãi, đằng đằng nói rằng hành động của hắn là cần thiết để bảo vệ Thiên Chúa ở Âu Châu chống với ảnh hưởng của Hồi Giáo nhưng trong thực chất, hắn là tên khủng bố và việc hắn đã nả súng hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, lùng giết các trẻ em vô tội thì không thể nào nói hành động đó đại diện cho Thiên Chúa Giáo được.
Cùng khắp lịch sử, người ta sẽ tìm thấy nhiều cuộc khủng bố đã xảy ra dưới danh nghĩa của tôn giáo, nhưng sự thật, hành động của những tên khủng bố là hành động của những kẻ vô tôn giáo bởi vì không có tôn giáo nào đem mạng sống và danh dự của con người ra chà đạp như thế cả. Vì thực chất khủng bố là giết người vô tội cho nên là kẻ thù của nhân loại. Nó không có chổ đứng trong bất cứ tôn giáo nào cả. Bởi vậy, gán tôn giáo cho bộ mặt khủng bố chỉ là sự giả tạo. Sau mười năm qua, khủng bố vẫn còn nóng bỏng như ngày hôm qua. Mười năm chiến tranh tại Afghanistan và Iraq, chết chóc vẫn còn đó, khủng bố vẫn còn tiếp diễn. Sau mười năm, dân chúng tại Hoa Kỳ đã quen với lối lập luận của báo chí cho rằng khủng bố chỉ xảy ra dưới danh nghĩa của Hồi Giáo bởi vậy khi vụ khủng bố vừa mới xảy ra tại Na-Uy, các mạng báo chí trên đài truyền hình tại Hoa Kỳ đã lập tức kết tội cho Hồi Giáo quá khích, nhưng khủng bố có thể xảy ra ở mọi nơi không phân biệt chủng tộc hay tôn giáo.
Hôm nay, trước thềm kỷ niệm ngày 11 tháng 9, chúng ta dành một phút mặc niệm cho những nạn nhân vô tội đã thiệt mạng một cách vô cớ. Họ là công dân của nước Mỹ và trong đó có cả người Hồi Giáo. |