Home Tin Tức Thời Sự Quan hệ quốc phòng Ấn Độ Việt Nam bị Trung Quốc thách thức

Quan hệ quốc phòng Ấn Độ Việt Nam bị Trung Quốc thách thức PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Nghĩa   
Thứ Hai, 12 Tháng 9 Năm 2011 17:53

Ấn Độ vẫn còn tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở vùng biên giới hai nước

 

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Shri AK Antony duyệt hàng quân danh dự nhân Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ngày 12/10/2010 tại Hà Nội.
Reuters

Quan hệ thân thiện giữa Ấn Độ và Việt Nam đã có từ lâu, và trong thời gian gần đây đã được tăng cường đáng kể trên bình diện quốc phòng.

Thế nhưng mới đây, Trung Quốc đã có động thái độ được cho là nhằm tỏ thái độ bất bình trước đà phát triển đó. Phản ứng quá chừng mực của New Delhi đã bị dư luận Ấn Độ chê trách và nhiều tiếng nói đã vang lên yêu cầu chính quyền phải tích cực hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của Ấn Độ tại Biển Đông.

 Hành động của Bắc Kinh mà nhiều nhà phân tích cho là công khai « trắc nghiệm phản ứng » của New Delhi cùng với Hà Nội, xảy ra vào hạ tuần tháng Bảy vừa qua, khi một chiến hạm Ấn Độ bị tàu Trung Quốc gọi điện xét hỏi lúc đang di chuyển ngoài khơi Việt Nam, trong khuôn khổ chuyến ghé thăm cảng Việt Nam.
 
Theo nguồn tin chính thức từ phía Ấn, nơi chiếc INS Airavat bị « thăm hỏi » chỉ cách bờ biển Việt Nam có 45 hải lý, nhưng phía Trung Quốc thì lại đòi chiếc tàu Ấn Độ phải giải thích lý do hiện diện trong vùng biển của Trung Quốc.
 
Sự kiện này xảy ra hạ tuần tháng bảy, nhưng không hề được bất cứ bên nào tiết lộ, Trung Quốc đã đành, mà cả Việt Nam lẫn Ấn Độ cũng vây.

Phải chờ đến đầu tháng 9 thì mới bị nhật báo Anh Financial Times tiết lộ. Trung Quốc đã bác bỏ thông tin về sự vụ, cho đấy là điều không đúng sự thật, còn Việt Nam thì hoàn toàn im tiếng, chỉ xác nhận là chiến hạm Ấn Độ thực sự là có ghé cảng Nha Trang và rồi Hải Phòng vào thời điểm ấy.
 
Về phần Ấn Độ, phản ứng khá lúng túng. Theo thông báo chính thức của bộ Ngoại giao, việc chiếc Airavat bị xét hỏi quả là đã xảy ra, nhưng thông qua máy điện đàm, còn trên mặt biển thì không thấy bóng dáng một con tàu nào.

Theo các nhà quan sát, sở dĩ chính quyền New Delhi phản ứng chừng mực như vậy, đó là vì họ tránh gây căng thẳng với Bắc Kinh.
 
Tuy nhiên, công luận Ấn Độ đã không hài lòng với phản ứng kể trên. Trong một bài phân tích được báo trên mạng IB Times ngày 09/09 công bố, ông Pankaj Jha một chuyên gia phân tích chiến lược tại New Delhi, đã cho là vụ đối đầu giữa tàu đổ bộ Airavat của Ấn với một chiến hạm Trung Quốc tại vùng Biển Đông chứng tỏ rằng Bắc Kinh muốn "Ấn Độ và Việt Nam giảm bớt quan hệ, hay bang giao với nhau theo ý thích của giới chỉ huy Hải quân Trung Quốc".
 
Nhận định về sự cố cuối tháng Bẩy, chuyên gia này ngỏ ý tiếc là trong khi Trung Quốc có ý chí chính trị và phương tiện để khẳng định sự hiện diện của họ ở Ấn Độ Dương, thì bản thân Ấn Độ lại là một cường quốc yếu kém, không có khả năng biểu thị quyền lợi của mình trong vùng Biển Đông, thậm chí cho đến gần đây còn lơ là khu vực.
 
Theo chuyên gia này, Ấn Độ cần quan tâm nhiều hơn đến Biển Đông và vùng Đông Á vì lợi ích chiến lược của mình, trong đó có nhu cầu phải bảo vệ quyền tự do đi lại trên các tuyến hàng hải quốc tế, việc hợp tác chống hải tặc...  Ấn Độ cần tranh thủ quan hệ sẵn có với Việt Nam để phát huy vai trò của mình trong khu vực, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hoan nghênh hợp tác quốc phòng với Ấn Độ và đã tăng cường liên hệ song phương trong lãnh vực quân sự.
 
Theo nhận định của tác giả, các chuyến thăm viếng ngày càng gia tăng của tàu hải quân và các đoàn đại biểu cấp cao Ấn Độ đã làm Trung Quốc khó chịu. Thay vì thận trọng như hiện nay vì e ngại phản ứng của Bắc Kinh, chính quyền New Delhi cần phải năng động hơn nữa.
 
Theo Pankaj Jha, hợp tác quốc phòng mạnh mẽ với Việt Nam có thể giúp Ấn Độ đối phó được với các tàu ngầm hạt nhân hay tên lửa đạn đạo của Trung Quốc. An ninh được tăng cường cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi đe dọa quân sự hoặc ngoại giao.
 
Trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, Việt Nam rất muốn lôi kéo nhiều đối tác ngoài vùng nhập cuộc. Trong số này, Ấn Độ đang vươn lên thành một bạn đồng hành đáng giá. Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về châu Á và Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc (Đại học New South Wales) cho rằng với tiềm lực hải quân và trình độ kỹ thuật sẵn có, Ấn Độ có thể là một đối tác rất tốt cho Việt Nam. Về toàn cảnh quan hệ Ấn Độ Việt Nam, ông ghi nhận :
 
"Quan hệ quốc phòng giữa Ấn Độ và Việt Nam đã có từ lâu, kể từ thời còn Chiến tranh Lạnh. Đó là những mối quan hệ được xây dựng trên nền tảng sự thông cảm của Ấn Độ đối với Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh, cũng như trên một thực tế chính trị là cả hai nước đều đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với Liên Xô. Việt Nam cũng là một thị trường mới nổi quan trọng đối với Ấn Độ
 
Gần đây, yếu tố Trung Quốc càng lúc càng hiển hiện mạnh mẽ hơn. Một số nhà phân tích quốc phòng ở New Delhi cho rằng Ấn Độ nên thúc đẩy quan hệ với Việt Nam theo hướng tương tự như mối quan hệ giữa Pakistan - Trung Quốc.

Ấn Độ đã theo đuổi một chính sách Hướng Đông (Look East) kể từ đầu những năm 1990, bao hàm cả việc phát triển quan hệ với Việt Nam cũng như Miến Điện. Với tiến tình cải tổ trong nước ngày càng được củng cố thêm, chính sách Hướng Đông của Ấn Độ càng lúc càng mở rộng.
 
Sự kiện Hải quân Ấn Độ triển khai hoạt động trên Biển Đông trong thời gian gần đây là một hành động ăn miếng trả miếng đối với việc Trung Quốc tăng cường triển khai tại Ấn Độ Dương.

Tóm lại, cao vọng của Ấn Độ muốn trở thành một cường quốc toàn cầu, đã hội tụ với chiều hướng của Việt Nam đang vươn lên thành một tác nhân chiến lược quan trọng trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Một trong những ví dụ là Việt Nam từng ủng hộ việc kết nạp Ấn Độ làm thành viên trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á".
 
Trong bối cảnh cán cân lực lượng giữa quân đội, và nhất là hải quân, của Việt Nam còn thất lợi so với Trung Quốc, theo giáo sư Thayer, hợp tác với New Delhi sẽ giúp cho Hà Nội nâng cao tiềm lực quốc phòng của mình.
 
Trang thiết bị của quân đội Việt Nam một phần lớn là vũ khí có từ thời Liên Xô cũ và ngày càng tăng thêm với vũ khí do Nga chế tạo. Ấn Độ là nước có kinh nghiệm với cả hai loại thiết bị quân sự này.

Ấn Độ đã cung cấp cho Việt Nam một khối lượng rất lớn linh kiện, phụ tùng cho tàu hải quân Việt Nam có từ thời Liên Xô. Ấn Độ cũng đã giúp Việt Nam bảo trì và nâng cấp động cơ đội máy bay phản lực MIG. Ấn Độ cũng là nguồn giúp huấn luyện và đào tạo lý thuyết cho quân đội Việt Nam.

Ấn Độ cũng có khả năng trở thành một nguồn cung cấp trang thiết bị quân sự hiện đại cho Việt Nam như tên lửa hành trình chống chiến hạm. Theo các nguồn tin báo chí, Việt Nam có liên quan đến thị trường hoả tiễn đạn đạo Brahmos do Ấn Độ và Nga cùng chế tạo.

Ấn Độ cũng có thể trợ giúp Việt Nam trong việc phát triển đội tàu ngầm loại Kilo mà Việt Nam sẽ nhận từ Nga trong tương lai. Ấn Độ đã tập huấn cho nhân sự trong ngành Hải quân Việt Nam.
 
Ngược lại thì Ấn Độ đã học hỏi kinh nghiệm chuyên môn của Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc trước đây, cũng như kinh nghiệm của Việt Nam trong kỹ thuật dùng lực lượng đặc công chiến đấu trong rừng sâu.

Ngoài ra Ấn Độ cũng có thể trông chờ vào hậu thuẫn chính trị của Việt Nam trên một số hồ sơ ngoại giao quan trọng.

So với Hải quân Trung Quốc, Hải quân Việt Nam còn non yếu đã đành, nhưng còn Hải quân Ấn Độ thì sao ?

Theo giáo sư Thayer, nếu chỉ tính tới thời điểm hiện nay, về mặt tương quan lực lượng thuần túy thì Hải quân Ấn Độ có phần mạnh hơn Trung Quốc. Thế nhưng, với đà gia tăng ngân sách quân sự hiện nay, trong vòng hai thập niên tới đây, Hải quân Trung Quốc có thể qua mặt Ấn Độ.
 
Trên một số mặt, vào lúc này, Hải quân Ấn Độ hiện đại hơn Hải quân Trung Quốc. Ấn Độ hiện đang điều hành hai hàng không mẫu hạm, và có đội tàu ngầm loại Kilo. Hải quân Ấn Độ thực thụ có khả năng hoạt động trên đại dương xa bờ, điều mà Trung Quốc chưa làm được.

Tuy nhiên, rất khó mà so sánh tiềm lực hải quân của hai nước mà không nói rõ nơi mà hai hạm đội này thể đối chọi với nhau.

Trong vùng biển Adaman và Ấn Độ Dương, Ấn Độ ở trong thế mạnh, trong lúc mà Trung Quốc lại phát triển đáng kể lực lượng của họ (tại Biển Đông), đặc biệt là Hạm đội Nam Hải và căn cứ trên đảo Hải Nam.
 
Lực lượng Hải quân Ấn Độ càng hoạt động xa vùng bờ biển của họ chừng nào thì họ lại càng yếu thế chừng ấy. Nhưng đối với Trung Quốc cũng thế. Hải quân Trung Quốc không thể hoạt động ở nơi xa hơn vùng nằm trong tầm yểm trợ của phi cơ đặt căn cứ trên đất liền.

Thế nhưng trong hai thập kỷ tới, hay lâu hơn một chút, thì cán cân lực lượng hai bên sẽ nghiêng về phiá Trung Quốc.
 
Hiện nay, Ấn Độ cũng đang ra sức phát triển phương tiện răn đe hạt nhân từ trên biển (tức là chế tạo các loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân bắn đi từ tàu ngầm hay tàu trên mặt nước). New Delhi cũng nỗ lực mở rộng tầm bắn của các dàn hoả tiễn đạn đạo đặt trên bộ, sao cho có thể bao trùm toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc.
 
Hiện nay, Ấn Độ vẫn còn thận trọng, không muốn trực tiếp đối đầu với Trung Quốc, đặc biệt là trên vấn đề Biển Đông. Câu hỏi đặt ra là nếu có yêu cầu từ các đối tác Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia hay Malaysia chẳng hạn, thì liệu New Delhi có mạnh dạn hơn hay không ?
 
Trên vấn đề này, Giáo sư Carl Thayer cho rằng do một số tranh chấp hiện nay với Trung Quốc ở nơi khác, Ấn Độ hoàn toàn có thể dấn thân sau hơn vào khu vực Biển Đông. Thế nhưng vấn đề là liệu các quốc gia ASEAN có dám đi quá trớn so với Trung Quốc hay không.
 
Ấn Độ vẫn còn tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở vùng biên giới hai nước. Trung Quốc cũng hậu thuẫn Pakistan (đối thủ truyền thống của Ấn Độ). Trọng tâm của New Delhi hướng về các yếu tố này.
 
Ấn Độ đã chỉ trích thái độ quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng đã ủng hộ lập trường của Việt Nam, nhưng một cách thật nhẹ nhàng, kín đáo.

Nếu có yêu cầu từ các quốc gia trong vùng, muốn Ấn Độ dấn thân tích cực hơn, Ấn Độ sẽ đáp ứng, đặc biệt là nếu điều này đẩy lùi được ảnh hưởng của Trung Quốc. Thái độ năng nổ hơn của New Delhi đã bắt đầu rồi.

Tuy nhiên các nước Đông Nam Á không tìm cách cô lập hoặc kềm tỏa Trung Quốc, mà chỉ muốn cân bằng thế lực của Bắc Kinh.