Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12 Tháng 9 Năm 2011 |
Tác Giả: Thụy My |
Thứ Hai, 12 Tháng 9 Năm 2011 17:43 |
Áp lực đè nặng lên các ngân hàng châu Âu, trước nguy cơ Hy Lạp phá sản
Société Générale và BNP-Paribas, hai trong số ba ngân hàng Pháp đang bị đe dọa hạ điểm tín nhiệm. Reuters Trước nguy cơ Hy Lạp có thể bị mất khả năng thanh toán, áp lực đang đè nặng lên các ngân hàng châu Âu, trong đó có ba ngân hàng Pháp đang bị đe dọa đánh sụt điểm tín nhiệm. Liệu các chính phủ có ra tay cứu vớt các ngân hàng nước mình như hồi năm 2008 ? Nhật báo cánh tả Libération đặt vấn đề như trên nhân dịp Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tiếp đón Tổng thống Rwanda, ông Paul Kagame tại điện Elysée hôm nay. Còn nhật báo công giáo La Croix nhận định « Pháp – Rwanda : Một cuộc đối thoại mong manh », cho rằng chuyến viếng thăm nay làm cho giới chính trị và quân đội Pháp bối rối. Cũng về nước Pháp, nhân dịp khai trường năm nay, nhật báo cộng sản L’Humanité nói về « Ngôi trường trung học mà chúng ta đang mơ », qua cuộc điều tra hai ngàn học sinh trung học Pháp, từ chương trình học cho đến vấn đề hướng nghiệp, bình đẳng… Tờ báo kinh tế Les Echos chạy tựa : « Khu vực đồng euro đối diện với kịch bản Hy Lạp bị phá sản ». Les Echos nêu ra một số vấn đề, trước hết là sự bất đồng ngay trong nội bộ Ngân hàng Trung ương châu Âu với việc từ chức của kinh tế gia trưởng người Đức Jürgen Stark. Tờ báo nhận định, Athènes đã có cố gắng để tránh nguy cơ phá sản, khi đưa ra kế hoạch nhằm tiết giảm 2 tỉ euro để hỗ trợ cho nền kinh tế. Nhưng áp lực đang đè nặng lên các ngân hàng châu Âu, trong đó có ba ngân hàng Pháp đang bị đe dọa đánh sụt điểm tín nhiệm. Trả lời phỏng vấn của Les Echos, Tổng giám đốc tập đoàn tái bảo hiểm SCOR cho rằng, nguy cơ khu vực đồng euro bị tan rã có thể trở thành sự thực. Tờ báo nhấn mạnh, cho dù những biện pháp kinh tế mới đang được loan báo, giả thiết Athènes bị phá sản không còn là điều cấm kỵ nữa. Nhật báo Le Monde ghi nhận « Thị trường hoảng loạn trước những bất định về chính trị ». Ngoài việc từ chức của ông Jürgen Stark đã làm cho thị trường chứng khoán thêm bão táp, kế hoạch tạo công ăn việc làm của ông Obama được đón nhận một cách không mấy phấn khởi. Theo tờ báo, khối G7 đã thất bại trong việc cân bằng giữa các chủ trương thắt lưng buộc bụng và tái thúc đẩy nền kinh tế. Phải chống chọi với sóng gió trên thị trường chứng khoán từ đầu mùa hè, nay các nhà băng lại vấp phải thử thách mới. Trong bối cảnh bộ ba Ủy ban châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ phải ngồi lại với nhau để có thể bật đèn xanh cho việc giải ngân lần hai 8 tỉ euro cho Hy Lạp, người ta đồn rằng cơ quan thẩm định tài chính Moody’s sắp hạ điểm tín nhiệm ba ngân hàng lớn của Pháp. Đó là BNP Paribas, Crédit Agricole và Société Générale, do có liên quan nhiều với thị trường Hy Lạp, và thật ra từ ngày 15/6, Moody’s đã đặt các ngân hàng này dưới sự theo dõi trong vòng ba tháng. Cả Moody’s và ba ngân hàng trên đều từ chối đưa ra lời bình luận. Tờ báo nhắc lại, cổ phiếu của ba ngân hàng này kể từ đầu năm nay đã bị sụt giảm với tỉ lệ lần lượt là 37%, 43% và 56%. Còn Les Echos khi đề cập đến việc đồng euro đã bị sụt giá ở mức thấp nhất kể từ sáu tháng qua đã nói thêm, Moody’s là cơ quan cuối cùng vẫn chưa hạ điểm tín nhiệm, so với các đối thủ là Standard & Poor và Fitch. Cũng theo Le Figaro, hiện nay vẫn chưa có câu trả lời rõ rệt. Trở ngại trước tiên đối với các ngân hàng là đang có nguy cơ thiếu trầm trọng tiền mặt, khi các nhà đầu tư ngày càng ngán ngại bỏ tiền vào thị trường chứng khoán. Tiếp theo là nguy cơ lỗ lã trước sự giảm tốc của nền kinh tế, cuộc khủng hoảng nợ công, mà trước mắt là nợ công của Hy Lạp. Báo chí Đức cho biết Berlin đang chuẩn bị một kế hoạch hỗ trợ khu vực tài chính, sẽ được tiến hành khi Hy Lạp bị phá sản. Nhưng theo phân tích của Le Figaro, khó khăn đầu tiên đối với các chính phủ châu Âu là một số nước sẽ rất khó gánh vác thêm khi các món nợ của ngân hàng đã gần như tương đương với tổng sản phẩm nội địa. Khó khăn tiếp theo là về mặt chính trị : liệu dư luận có chấp nhận việc ra tay cứu giúp các ngân hàng thêm một lần nữa ? Một chính trị gia cho rằng, dư luận quần chúng chỉ chấp nhận nếu các nhà băng chịu trả phí cao hơn hồi năm 2008 cho số vốn được nhà nước cho vay, kèm với việc cải tổ khu vực này. Tờ báo nhận định, việc từ chức của ông Jürgen Stark không phải là hành động đơn lẻ của một cá nhân, mà càng củng cố thêm ấn tượng là người Đức đã bị mất đi khá nhiều ảnh hưởng. Les Echos nêu ra hai giải pháp, trong đó giải pháp danh dự là thành lập một Nhà nước liên bang châu Âu, còn biện pháp tệ hại nhất là, để mặc cho khu vực đồng euro tan rã ! Trên lãnh vực chính trị, thời sự nước Pháp cũng đang sôi động trước tiết lộ của luật sư Robert Bourgi, chuyên gia về châu Phi của điện Elysée. Hôm qua trên tờ Nhật báo Chủ nhật, ông này khẳng định cựu Tổng thống Jacques Chirac và cựu Thủ tướng Dominique De Villepin đã từng nhận các va-li tiền mặt hối lộ của các nước châu Phi. Phản ứng lại, cả hai nhân vật trên đều cho biết sẽ kiện ông Bourgi về tội vu khống. Theo lời kể của ông, thì ông Chirac lúc còn là Đô trưởng Paris, hồi đó đã vui vẻ đón tiếp ông, « cầm lấy chiếc túi xách đựng tiền, đi về chiếc bàn ở cuối phòng và tự tay cất các xấp tiền vào đó ». Cũng theo luật sư Bourgi thì chưa bao giờ số tiền này dưới mức 5 triệu quan Pháp, và có khi lên đến 15 triệu quan. Tổng cộng mỗi năm có nhiều chục triệu quan Pháp cũ, hầu hết được chi cho các chiến dịch tranh cử, đặc biệt là vào năm 2002. Số tiền này, đến từ ông Gbagbo của Côte d’Ivoire, ông Omar Bongo của Gabon, và các Tổng thống Sénégal, Burkina Faso, Congo…Không chỉ có những va-li tiền, mà các nguyên thủ quốc gia châu Phi còn gởi những món quà giá trị khác, trong đó có chiếc đồng hồ gắn khoảng 200 viên kim cương do ông Bongo tặng ông Chirac. Hãng AFP đặt câu hỏi, vì sao sau nhiều thập kỷ, đến nay ông Bourgi mới chịu tiết lộ, trong khi ông cũng có nguy cơ bị liên đới trách nhiệm hình sự ? Liệu có phải, theo như tố cáo của ông Villepin, là để loại ông này ra khỏi cuộc tranh cử Tổng thống sắp tới hay không ? Nhưng theo những người phe ông Sarkozy, thì chẳng cần thiết phải ngáng đường một ứng viên không có mấy hy vọng. Còn theo giải thích của chính ông Bourgi, thì do ông đã thấy quá nhiều việc chướng tai gai mắt, và từ nay muốn thấy « một nước Pháp trong sạch ». Thường thì da đùi được sử dụng nhiều nhất, và có những thiết bị kỹ thuật có thể nhân diện tích da bóc tách được lên gấp sáu lần. Tuy nhiên nếu diện tích phỏng chiếm đến 70% cơ thể thì rất khó vì không đủ da ghép. Tại Marseille và Lyon hiện nay có các phòng thí nghiệm chuyên nuôi cấy các tế bào biểu bì, nhưng nếu chỉ ghép có biểu bì thì làn da sẽ trở nên rất cứng, không còn co giãn được vì thiếu lớp nội bì phức tạp bên trong. Bác sĩ phải ghép da lần hai, với các lớp nội bì nhân tạo, tại những cơ quan cử động nhiều như miệng chẳng hạn. Cuối cùng, việc tái cấu trúc lớp hạ bì được thực hiện bằng cách tiêm các tế bào mỡ trích xuất từ bụng hay mông của người bệnh, nhiều tháng sau khi đã lành sẹo, giúp người bệnh cử động dễ dàng hơn.
|