Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11 Tháng 9 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11 Tháng 9 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân   
Chúa Nhật, 11 Tháng 9 Năm 2011 15:57

Việt Nam: Nhờ đến các nhà "ngoại cảm" để tìm hài cốt người mất tích trong chiến tranh

 


(Ảnh: The Economist)

Trong bài viết mang tựa : « Thủ tục visa » để tiếp xúc với người chết tại Việt Nam, tuần báo Anh The Economist đã chú ý đến hiện tượng các nhà "ngoại cảm" nở rộ tại Việt Nam. Tác giả bài báo đã thử phân tích nguyên nhân khiến người Việt Nam cầu viện đến các yếu tố tâm linh để tim lại hài cốt thân nhân bị mất tích trong chiến tranh.

 
Mở đầu bài báo, tác giả bài báo đã kể lại chuyến đến gặp một nhà ngoại cảm rất đông khách ở Hà Nội :

« Trong một tòa nhà văn phòng bốn tầng đổ nát, ông Vũ Thế Khanh điều hành nơi được ông mệnh danh là một trong những ‘sứ quán’ bận rộn nhất tại Hà Nội. Nhưng không giống như các lãnh sự quán bình thường khác, khách của ông lại là những người đã chết. Vị giám đốc tóc đã bạc của cở sở mang tên kỳ lạ là Liên hiệp Khoa học và Công nghệ Tin học Ứng dụng UIA giải thích :

"Chúng tôi cung cấp thị thực cho người chết để họ đến đây nói chuyện với thân nhân của họ". Mỗi ngày, tổ chức của ông giúp cho khoảng 100 người tìm hài cốt thân nhân của họ bị chết trong chiến tranh tại Việt Nam ».
 
The Economist ghi nhận là đối với rất nhiều người Việt Nam, người chết cần phải được mồ yên mả đẹp để có thể phù hộ cho người thân, khỏi trở thành ma quỷ quay về phá phách con cháu. Thế nhưng thực tế trong các cuộc chiến tranh vừa qua cho thấy là còn có hàng trăm ngàn hài cốt bộ đội Việt Nam bị mất tích, gây ra nỗi khổ triền miên cho gia đình của họ.
 
Với đời sống kinh tế sung túc hơn, nhu cầu tìm hài cốt người thân gia tăng, và người ta ngày càng viện đến sự giúp đỡ của các ông đồng, bà cốt. Các cơ sở sử dụng sức mạnh tâm linh để tìm hài cốt mọc lên như nấm, một số tính tiền lệ phí cực cao.
 
Theo The Economist, các hoạt động đó thường bị giới lý luận gia cộng sản cấm đoán, xem đó là hiện tượng "mê tín dị đoan" lạc hậu.

Tuy nhiên, các tập quán truyền thống đã dần dần hồi sinh với việc chính quyền càng lúc càng cho người dân nhiều quyền kinh tế và xã hội hơn trong thập kỷ qua. Và theo lời giáo sư Ngô Đức Thịnh, giám đốc một trung tâm nghiên cứu tín ngưỡng cổ truyền Việt Nam tại Hà Nội, do việc xã hội ngày càng bất bình đẳng và phân hóa cao thấp, những người thuộc tầng lớp dưới đã phải quay sang tìm sự an ủi nơi thế giới tâm linh.
 
Thế nhưng, tuần báo Anh ghi nhận một vấn đề khác nẩy sinh. Đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều của những kẻ lừa đảo, tự nhận mình có khả năng giao tiếp với người ở thế giới bên kia.

 Báo VietnamNet và Tuổi Trẻ đã đăng rất nhiều bài về các ông đồng, bà cốt giả hiệu. Ông Vũ Thế Khanh cho rằng : "Có lẽ chỉ có khoảng 20 nhà ngoại cảm thực thụ tại Việt Nam, bên cạnh hàng trăm người giả mạo". Trung tâm của ông tuyên bố là đã xác định được vị trí của từ 5.000 đến 10.000 bộ hài cốt mỗi năm, và công việc tìm kiếm hoàn toàn miễn phí.
 
Chính quyền cộng sản Việt Nam, theo The Economist, đang ở trong thế kẹt. Dù chống lại mọi biểu hiện mê tín dị đoan, nhưng chính quyền cảm thấy cần phải thể hiện lòng biết ơn đối với gia đình của hàng triệu người đã ngã xuống vì đất nước.

Về mặt công khai, chính quyền nói rằng mặc dù đánh giá cao sự tham gia của các nhà tâm linh học vào việc tìm mộ của những người lính đã chết, nhưng họ không chính thức phê duyệt các phương pháp tìm kiếm như vậy. Chính quyền khuyến khích các gia đình sử dụng thử nghiệm ADN để xác định nguồn gốc các hài cốt tìm thấy được.
 
Vào giữa tháng Tám vừa qua, chính quyền Việt Nam đã hình thành một trang web được gọi là "Tri ân liệt sĩ" cho phép người dùng trao đổi thông tin về vị trí có thể có của những người đã ngã xuống. Đối với The Economist, đây là một ví dụ hiếm hoi về việc chính phủ phê chuẩn một mạng xã hội vì lẽ nhà nước Việt Nam thường ngăn chặn các trang mạng xã hội như Facebook.
 
Lặng lẽ hơn, các nhân vật khả kính như ông Khánh và ông Thịnh đã cùng làm việc với giới ngoại cảm cũng như các quan chức chính phủ để tìm cách để loại bỏ những người chuyên khai thác nỗi khổ đau của người khác để kiếm tiền.
 
Các quan chức của Việt Nam vẫn cảm thấy sự cần thiết phải can thiệp vào hầu hết các lĩnh vực trong đời sống kinh tế, nhưng có lẽ họ không thích là phải phân định khác biệt giữa các nhà ngoại cảm "thực" và "giả mạo".
 
Trung Quốc : Vi Bác trong vai trò tổng giám thị

 
Courrier Internationale tuần này trích dịch một bài trên báo chí Trung Quốc nói về vai trò của mạng xã hội Vi Bác chống tham nhũng, với tựa đề « Vi Bác trong vai trò tổng giám thị ».
 
Trước đây, những người có điều gì bất bình thì không biết kêu với ai, ngoài việc gõ cửa các cơ quan truyền thông chính thức. Giờ đây, họ sẽ được khuyên nhủ là hãy trút nỗi bất bình trên Vi Bác, mạng xã hội tại Trung Quốc, giống như Twitter.
 
Thực vậy, từ đầu năm đến nay, mạng Vi Bác, mới ra đời được hai năm, đã trở thành một công cụ để người dân theo dõi, giám sát xã hội.
 
Tờ báo đưa ra ví dụ cụ thể. Sáng sớm ngày 27/06 vừa qua, sự hiện diện của cô gái có tên Quách Mỹ Mỹ tại sân bay Bắc Kinh, đã thu hút sự chú ý của đông đảo các nhà báo. Trước đó vài ngày, cô ta đã kể trên mạng Vi Bác cuộc sống phóng túng của mình với một quan chức thuộc Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc. Sự kiện này làm dấy lên một làn sóng bình luận, chất vấn, nghi ngờ về hoạt động của Hội Chữ Thập Đỏ và một công ty bảo lãnh tín dụng, một trong những đối tác của Hội.

Trước sức ép của công luận trên mạng Vi Bác, cô Quách Mỹ Mỹ đã phải lên tiếng giải thích về các mối quan hệ của mình, về một số hợp đồng mà Hội Chữ Thập Đỏ cho đấu thầu.
 
Theo tờ báo, trong vụ này, mạng Vi Bác chỉ thực hiện một chức năng kiểm soát cổ điển : Tất cả bắt đầu từ việc một vài người dùng internet phát hiện ra một sự kiện nào đó trên một blog. Thông tin này sau đó được những người đọc blog bình luận hoặc đăng lại trên các blog khác. Thế rồi, nhân chuyện này, một số người lại nêu ra một số việc khác có liên quan v.v. Cư dân mạng mở điều tra, nhận định và thông tin cứ như vậy được lan truyền. Khi sự việc trở nên nghiêm trọng, có tiếng vang, thì các phương tiện truyền thông chính thức của Nhà nước có khi phải nhẩy vào cuộc.
 
Tính đến ngày 18/08/2011, mạng Vi Bác đã có hơn 200 triệu người đăng ký sử dụng.

Đây là một đội ngũ hùng hậu các nhà quan sát và sẵn sàng lên tiếng. Bảng chữ « Hãy để các nhà lãnh đạo lên máy bay trước », tại một sân bay ở phía nam Thượng Hải đã bị cư dân mạng lên tiếng chỉ trích gay gắt thói quan liêu, hách dịch này. Việc đăng các hóa đơn với số tiền khổng lồ mua rượu Mao Đài của một chi nhánh tập đoàn dầu hỏa Sinopec đã buộc nhiều quan chức phải từ chức và trên Vi Bác xuất hiện một bài hát chế diễu « Tôi uống rượu Mao Đài vì tổ quốc » đã được rất nhiều người xem.
 
Cũng tương tự, Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc đã bị cấp trên phê phán mạnh mẽ sau khi Vi Bác công bố những hóa đơn ăn nhà hàng của giới lãnh đạo Hội này.
 
Vi Bác quan tâm đến mọi vấn đề. Ngày 23/06, một trận mưa lớn đổ ập xuống thủ đô Bắc Kinh, nhiều khu vực bị ngập lụt tới 80 cm. Trong nhiều ngày, trên Vi Bác, cư dân mạng đã không ngớt những lời chỉ trích nhắm vào các cơ quan phụ trách đô thị hóa, giao thông.
 
Theo tờ báo, vai trò của Vi Bác rất rõ ràng : Buộc các cơ quan chính quyền phải chú ý tới phản ứng của dân chúng và phải hành động. Đây cũng chính là một hình thức cân bằng quyền lực cần thiết cho toàn xã hội Trung Quốc.
 
Kỷ niệm 11/09 : 10 năm sau nỗi sợ vẫn tiềm tàng

 
Sự kiện đươc thế giới lưu ý tuần này là kỷ niệm 10 năm vụ khủng bố 11 tháng 9 tại Hoa Kỳ. Tờ Courrier International dành trang bìa nhắc đến sự kiện, và nêu câu hỏi : Phải chăng phương Tây và đạo Hồi đi đến hòa bình ?

Các tạp chí khác thì nói đến sự kiện đã làm thay đổi nước Mỹ và ảnh hưởng đến cục diện thế giới.
 
Tuy nhiên, qua các bài phóng sự ở trang trong, các tạp chí Pháp đặc biệt quan tâm qua đến sự chấn động 10 năm sau đối với những người thoát nạn, đặc biệt người dân ở New York : Họ không quên được.
 
Phóng viên của Le Nouvel Observateur đến gặp những người mà tạp chí gọi là nhũng kẻ thoát chết trong đưòng tơ kẻ tóc, như Sal d’Agostino, 41 tuổi, lính cứu hoả, đã nhớ lại rõ cảnh ông và các đồng đội ở toà nhà phiá Bắc World Trade Center, đưa một phụ nữ kiệt hơi sức xuống đến lầu thứ 4.
 
Đúng lúc ấy toà nhà này sụp đổ, và ngay chỗ đó hình thành một cái hang ở giữa một núi thép và kính vỡ ngổn ngang, tức những gì còn lại của các tầng nằm giữa tầng 2 và 6. Nhờ thế mà 15 người đã sống sót. Những điều còn ghi lại trong ký ức của ông về biến cố 11/09 là "nỗi sợ hãi, nỗi tuyệt vọng, cảnh tượng những người đã lao qua cửa sổ, khói lửa…"
 
Và vốn là người ít nói, Sal d’Agostino đã khép kín tâm hồn, không muốn thổ lộ gì thêm.
 
Tình trạng của Theodore Goddard, 69 tuổi, một cựu nhân viên phụ trách vệ sinh, còn bi thảm hơn. Ông vẫn bị ác mộng đến bây giờ. Ở tầng 60 khi chiếc máy bay đâm vào tòa nhà, ông bị văng vào tường, bị thương ở lưng, ở gáy và ở chân. Thế nhưng ông ráng sức bò xuống trong khi cả đoàn người khác thì đi ngược lên, và không ai sống sót.
 
Mỗi năm, ngày 11/09 là cả một sự tra tấn đối với ông, và ông rút vào phòng riêng, không bao giờ bật truyền hình vào ngày đó.
 
Tuy nhiên, cũng có người bình tĩnh lạ thường, như Brian Clark, 64 tuổi, cựu chủ tịch Euro Brokers. Ông cho là ông không bị hề hấn gì, đêm ngủ yên không ác mộng, và không mất thì giờ với nhũng câu hỏi không lời giải đáp. Ông có mặt tại tầng 84 khi máy bay đâm vào tòa nhà. Ông sống sót trong lúc mà 61 người trong công ty của ông đã mất mạng. Không ai giải thích được điều này.
 
Những gì ông còn nhớ rất rõ là đã tìm được chiếc cầu thang duy nhất còn sử dụng được và ông đã giúp kéo một người, tên Stanley ra khỏi đóng gạch vụn. Ông cũng nhớ cảnh những người hoảng sợ chạy ngược lên thay vì đi xuống. Ông Clark và Stanley thoát nạn còn đứng nhìn toà nhà sụp đổ, hai người còn có thời giờ trao đổi danh thiếp với nhau.
 
Le Point dưói tựa đề "hồi tưởng", kể lại cảm nhận của nhà văn Jay McInerney, đã chứng kiến cảnh sụp đổ hai cao ốc World Trade Center, từ bao lơn của ông. 10 năm sau ông cũng như những người dân New York cứ tưởng là đã có thể quên dần những hình ảnh khủng khiếp, và sống trở lại một cách bình thường. Thế nhưng không ! Mỗi một lần nghe tiếng máy xe hơi nổ to là giật thót cả người, thấy một chiếc máy bay bay thấp là đã lo ngại.
 
Họ cũng e ngại khi đi xuống tàu điện ngầm, không phải vì sợ cướp bóc như trước lúc sự cố, mà với một nỗi sợ khác, vì đó là mục tiêu dễ bị tấn công khủng bố. Nỗi lo sợ vẫn tiềm tàng và dễ bùng lên trước những sự kiện bất thường như khi bị mất điện vào năm 2003, hay động đất vừa qua.
 
Nhà văn nhận thấy sự kiện 11/09 đã làm thay đổi người dân New York, theo ông từng nổi tiếng là thờ ơ, lạnh lùng, không đếm xỉa đến những người chung quanh. Bây giờ thì khác, họ tự nhiên quan tâm hơn đến những người chung quanh. Họ không ngần ngại giúp đỡ một du khách lạc lõng. Đường phố Mahattan đã trở nên "hiếu khách" hơn cách nay 10 năm hay 20 năm.
 
Ngoài sự kiện 11/09, phần lớn các tạp chí Pháp vẫn xoáy trên tình hình chính trị tại chỗ với những cuộc tranh luận, ẩu đã trong cánh tả, như L’Express đã chạy hàng tít trang bià : "Đảng Xã Hội : Cuộc chiến tay ba", bên trên ảnh bà Royal, ông Hollande và bà Aubry, 3 nhân vật tranh chức ứng viên tổng thống của đảng Xã Hội vào năm tới đây.
 
Còn tạp chí Le Nouvel Observateur, dưới tựa đề : "Những tay ‘sát thủ", nói về những cách thức mà tổng thống Sarkozy trừng trị những người gây phiền toái cho ông.
 
Riêng Le Point thì dành trang bìa và cả trăm trang bên trong cho hội chợ rượu, theo thông lệ được tổ chức vào những ngày đầu thu hàng năm.