Home Tin Tức Thời Sự Dầu khí Libya: Cuộc đua trở lại

Dầu khí Libya: Cuộc đua trở lại PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Bảy, 10 Tháng 9 Năm 2011 17:04

Việc khôi phục sản xuất sớm sẽ có lợi cho không chỉ Libya mà cả thế giới.

 

 

Cuộc giao tranh kéo dài và dữ dội giữa phe nổi dậy và những người ủng hộ ông Gaddafi đã khiến các khu vực khai thác dầu của Libya rơi vào tình trạng đình trệ.

Sự thịnh vượng lâu dài của Libya phụ thuộc phần lớn vào một thứ.

Giải phóng được hàng chục tỷ đôla tài sản bị phong tỏa có thể là chìa khóa để tái thiết đất nước trong thời gian trước mắt, nhưng không có dầu thì nước này không thể xây dựng một nền kinh tế ổn định, từ đó phát triển được nền dân chủ.

Ngành công nghiệp dầu mỏ của Libya chính là chìa khóa cho sự thành công của chế độ còn non trẻ ở Libya và sự thịnh vượng của người dân.

Dầu chiếm một phần tư tổng sản lượng kinh tế và 95% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Tuy nhiên, cuộc nội chiến đẫm máu đã làm việc khai thác dầu trở nên nhỏ giọt, cho ra chỉ khoảng hơn 50.000 thùng một ngày, so với 1,6 tỷ thùng thời trước cuộc chiến.

Những trở ngại chính

Ngành công nghiệp dầu mỏ của Libya dựa vào ba khu vực chính - Sirte, Murzuk và Palagian.

Sirte là khu vực lớn nhất và đến nay, quan trọng nhất. Nơi này chiếm khoảng 80% tổng sản lượng dầu cả nước. Đây chính là nơi các trở ngại chính cần phải được vượt qua.

An ninh là điều then chốt.

Tùy thuộc vào số lượng mìn mà phe ủng hộ Gaddafi gài đặt và lượng thời gian cần thiết để gỡ bỏ chúng, việc nối lại hoạt động sản xuất dầu ở đây có thể bị trì hoãn hàng tuần, hay thậm chí hàng tháng.

Ngay cả khi các bãi mìn đã được tháo dỡ an toàn thì vẫn có những vấn đề kỹ thuật quan trọng cần xử lý.

Rất nhiều máy bơm ở Sirte đã qua thời kỳ sử dụng chính và nay cần được làm vệ sinh thường xuyên. Vấn đề là cuộc chiến khiến các máy bơm đã bị lơ là bảo dưỡng. Cho nên một số máy thậm chí còn phải được đại tu, càng làm tốn thêm thời gian quý báu.

Nạn cướp bóc cũng làm phức tạp hóa tình hình.

Các khu vực Murzuk và Palagian hiện gặp ít khó khăn hơn.

Các mỏ dầu ở những nơi này mới hơn, an toàn hơn, mặc dù các đường ống dẫn từ Murzuk tới Tripoli đã bị hư hại trong cuộc giao tranh.

Việc khắc phục sẽ tùy thuộc vào mức độ bị hư hại; nếu cần một đường ống dẫn mới thì sẽ mất ít nhất sáu tháng, trong khi các sửa chữa nhỏ sẽ chỉ mất vài tuần.

Sự trở lại nhanh chóng

Việc chưa xác định được rõ ràng mức độ phức tạp của các trở ngại khiến người ta đưa ra các ước đoán khác nhau về thời gian cần thiết để Libya có thể trở lại với sản lượng dầu như thời trước cuộc chiến.

Công ty nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie nói sẽ mất ba năm, trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế và tân Chủ tịch của Công ty dầu quốc gia Libya, Nuri Berruien, đều cho rằng ít có khả năng đạt được sản lượng này trước năm 2013.

Một số người khác lạc quan hơn, với hy vọng 12 tháng là điều khả thi nếu tình trạng thù nghịch không bùng lên.

Việc khôi phục sản xuất sớm sẽ có lợi cho không chỉ Libya mà cả thế giới.

Các hãng dầu mỏ lớn rất nóng lòng trở lại. Chẳng hạn như ENI của Italia đã quay lại đánh giá thiệt hại.

Cơ quan cầm quyền mới của Libya, Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia, cho biết họ sẽ tôn trọng các hợp đồng đã ký với chính quyền Gaddafi và các hãng dầu trở lại càng sớm thì càng có thể bắt đầu khai thác lợi nhuận từ các giếng dầu đang đình trệ.

Điều thú vị là chế độ mới cũng sẽ bắt đầu tính chuyện mời chào các hợp đồng mới. Kế hoạch đấu thầu dự kiến khó có thể được tổ chức trong năm nay, nhưng các hãng ENI, Repsol, Gazprom, Total, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, BP, Exxon Mobil đều đang rất sốt sắng nhập cuộc một khi việc mời gọi hợp đồng được công bố.

Các hãng thuộc các quốc gia vừa giúp phe nổi dậy lật đổ ông Gaddafi có lẽ sẽ có nhiều lợi thế hơn.

Cho nên ENI, Total và BP có thể sẽ qua mặt được các đối thủ khác.

Ảnh hưởng toàn cầu

Tuy nhiên, việc phục hồi của ngành công nghiệp dầu khí Libya còn có ảnh hưởng rộng lớn hơn.

Tuy chiếm ít chưa tới 2% sản lượng toàn cầu, nhưng Libya sở hữu một loại dầu đặc biệt chỉ có ở một số ít các quốc gia, như Nigeria và Azerbaijan.

Dầu thô Libya có chất lượng rất cao và cả thế giới đều cần. Nó được sử dụng trong giao thông vận tải, sản xuất năng lượng và các sản phẩm có giá trị cao.

Bởi vậy, sự trở lại của Libya trong việc xuất dầu sang các thị trường quốc tế sẽ gây áp lực khiến dầu thô Brent giảm giá.

Quả là giá dầu cao đã khiến cho giá cả nhiều mặt hàng khác tăng lên tại hầu hết các nền kinh tế trong năm qua.

Cho nên có lẽ không chỉ người dân Libya và các quan chức dầu khí muốn ngành công nghiệp chủ chốt của nước này hoạt động mạnh trở lại, mà còn cả người tiêu dùng trên toàn thế giới nữa.