Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10 Tháng 9 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10 Tháng 9 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Bảy, 10 Tháng 9 Năm 2011 09:25

11-9-2001, ngày suy tàn của Mỹ đã bắt đầu ?

  

World Trade Center sau biến cố 11 Tháng 9 Alexandre Fuchs

10 năm đã trôi qua nhưng đối với người Mỹ thì tòa tháp đôi tại khu World Trade Center « Gone but not forgotten » -biến mất nhưng không bị rơi vào quên lãng.

Một thập niên đã đi qua, và những vết thương vẫn còn đó nhưng ít nhức nhối hơn.

 
Hầu hết các trang báo Pháp hôm nay đều nhắc đến vụ tấn công khủng bố tháp đôi tại khu World Trade Center, New York cách đây 10 năm ngày 11-9-2001.

Riêng nhật báo Le Monde đã dành hẳn 10 trang cho chuyên mục giải mã trình bày những phân tích, nhận định và những hậu quả để lại mà sau 10 năm thảm họa nước Mỹ nói chung và người Mỹ nói riêng vẫn còn bị ám ảnh. Đặc biệt với bài viết « 11-9, thời suy tàn của Mỹ đã bắt đầu ? » của tác giả Corine Lesnes, cho thấy Mỹ đã bắt đầu bước vào thời kỳ suy thoái trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố.
 
10 năm đã trôi qua nhưng đối với người Mỹ thì tòa tháp đôi tại khu World Trade Center « Gone but not forgotten » -biến mất nhưng không bị rơi vào quên lãng. Một thập niên đã đi qua, và những vết thương vẫn còn đó nhưng ít nhức nhối hơn.
 
Năm nay, 10 năm sau thảm họa, nhưng trong tình hình kinh tế khó khăn, Tổng thống Mỹ Barak Obama đã không làm lễ tưởng niệm rầm rộ. Ông cố gắng né tránh mọi lời biểu dương về những thành công đạt được trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông cho rằng vẫn có thời gian để nhắc người Mỹ nhớ lại việc loại trừ Ben Laden trong quá trình vận động tranh cử năm 2012.
 
10 năm đi qua cũng cho thấy sự tự mãn của người Mỹ đã sút giảm một phần nào.

Theo một nghiên cứu của Pew Research Center thì 35% số người Mỹ được hỏi cho rằng nếu như không có khủng bố trong 10 năm qua là nhờ vào may mắn nhiều hơn là do hành động của chính phủ.
 
Tác giả tự hỏi « Liệu trang sử 11-9 đã được lật sang một bên ? ». Câu trả lời là « có » và « không ».

Ben Laden đã bị trừ khử, một chiến thắng sau 10 năm u ám. Chính quyền Obama đã âm thầm gạt bỏ mọi biểu hiện phô trương « chiến tranh với khủng bố » theo kiểu mà Bush đã từng làm.
 
Nhiều nhân sĩ trí thức cho rằng nước Mỹ đã có những hành động thái quá. Sau 10 năm, số người này còn đông hơn khi nghĩ rằng Mỹ phải gánh chịu một phần trách nhiệm về chính sách trước đây cho những gì đã xảy ra.
 
10 năm trôi qua, nhưng ông Barack Obama cũng không thể nào làm khác hơn được người tiền nhiệm. Chính quyền Obama lại lao vào một « cuộc chiến bóng tối », khiến các nhà bảo vệ quyền tự do cảm thấy lo ngại
 
Cuối cùng, tác giả nhận định, 10 năm trôi qua, nếu như trang 11-9 đã được lật qua, là vì do khủng hoảng kinh tế. 10 năm chiến tranh đã biến một đất nước từ thặng dư 86 tỷ đô-la thành một khối nợ khổng lồ 1316 tỷ đô-la.

Từ tình trạng đầy tin tưởng vào kinh tế người dân Hoa Kỳ đã trở nên ngờ vực, hoang mang tột cùng. Bài viết kết thúc với lời nhận xét của chính người Mỹ « Sự ngây thơ của chúng ta đã bị gãy vỡ. Chúng ta đã đánh mất niềm tin nơi chính chúng ta, cũng như vào đất nước ».
 
10 năm trôi qua, gánh nặng của thảm họa vẫn còn
 
« Ngọn cờ rũ của Mỹ » là một bài viết về sự kiện 11-9 trên nhật báo thiên tả Liberation.

Bài báo cho biết ngoài việc Mỹ sa lầy trong hai cuộc chiến tại Irak và Afghanistan, đất nước bị chia rẽ về mặt chính trị và xói mòn vì các vấn đề an ninh trong nước, nước Mỹ vẫn còn sống trong những hậu quả của thảm họa xảy ra năm 2001.
 
Cùng quan điểm với Le Monde, Liberation cho rằng người Mỹ « không bao giờ quên được » sự kiện xảy ra cách đây 10 năm.

Trong bối cảnh ngày nay, Mỹ bị sa lầy trong hai cuộc chiến, cựu Tổng thống Bush kết thúc nhiệm kỳ khi mà sự suy thoái đã nhen nhuốm, tình hình chính trị trong nước hiện nay chia rẽ sâu sắc … đã khiến cho người Mỹ cảm thấy bi quan cho tương lai.
 
Một số đông trong giới trí thức nhận định Mỹ đã quá lãng phí tiền của trong hai cuộc chiến. Đây chính là nguồn gốc nhận chìm ngân sách của chính quyền liên bang. Trên phương diện quốc tế, người Mỹ nghĩ rằng Bush đã để lại một hình ảnh xấu khi ông đã đơn phương tiến hành chiến tranh Irak. Chỉ đến khi ông Barack Obama lên cầm quyền hình của nước Mỹ mới được cải thiện hơn khi ông chủ trương đối thoại trong chính sách ngoại giao.
 
Tuy nhiên, 10 năm đã qua nhưng vấn đề an ninh trong nước vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền. Các nhà bảo vệ quyền công dân vẫn lên án xu hướng cực đoan của lực lượng cảnh sát trong cuộc chiến chống khủng bố và sự lạm quyền của cảnh sát mỗi khi gặp một người Mỹ theo đạo Hồi.

Sau vụ khủng bố tấn công tòa tháp đôi, người Hoa Kỳ có cái nhìn khắt khe hơn đối với cộng đồng người Hồi giáo trong nước.

Vụ tranh cãi trở nên khốc liệt hơn khi mà năm rồi một thông báo cho biết sẽ cho xây dựng một nhà thờ Hồi giáo gần với khu vực Ground Zero. Điều này cho thấy làn sóng bài Hồi giáo đang leo thang ngay trong lòng công chúng Mỹ.
 
Pháp đối diện với nạn gián điệp kinh tế
 
Nhìn sang Châu Âu, nhật báo cánh hữu Le Figaro quan tâm đến một kiểu « chiến tranh kinh tế » đang ngấm ngầm đe dọa các doanh nghiệp của Pháp.

Theo nhận định của cơ quan Phản gián (DCRI) Pháp, thì cứ mỗi bảy tiếng có một doanh nghiệp của Pháp bị tấn công. Trong vòng có 4 năm, có khoảng 3.900 vụ tình nghi bị phát hiện, trong đó 1/3 số hồ sơ này liên quan đến các vụ tấn công vốn (tức là chiếm phần góp vốn hay mưu toan mua lại các xí nghiệp gia công của các tập đoàn lớn).
 
Theo Le Figaro, trong vòng có 4 năm, các doanh nghiệp của Pháp, thuộc mọi loại hình từ các doanh nghiệp lớn cho đến các xí nghiệp nhỏ, đã trở thành mục tiêu tấn công dưới đủ hình thức : mưu toan chiếm đoạt công thức, ăn cắp bằng sáng chế, cài đặt người … được điều khiển từ đằng sau hậu trường từ các cơ quan của chính phủ hay các tập đoàn đa quốc gia.
 
Le Figaro liệt kê lại các vụ gián điệp công nghiệp với những thủ đoạn tinh vi như giả lạc đường để lén chụp hình các dây chuyền lắp ráp. Gần đây, người ta bất ngờ phát hiện một gã lạ mặt trong phái đoàn đi tham quan một đơn vị sản xuất đang tẩm ướt chiếc cà-vạt của mình, được may đệm thêm một lớp xốp, trong một dung dịch hóa chất.
 
Hoặc trong một sự cố khác, người ta đã phát giác ra tên gián điệp đã giấu những miếng nam châm trong lớp miếng lót giày để thu nhặt những phần tử kim loại quý trong một nhà máy luyện kim. Vào năm 2005, tập đoàn Valeo phát hiện một nữ thực tập sinh Trung Quốc ăn cắp các dữ liệu mật thuộc bộ phận xử lý nhiệt.
 
Le Figaro cho rằng các đối tượng này tập trung chủ yếu tại Ấn Độ, Châu Mỹ La-tinh hay các tập đoàn lớn của Châu Á. Đứng đầu danh sách là Trung Quốc, với 30 ngàn sinh viên đang theo học chủ yếu là thạc sĩ hay sau Tiến sĩ.

Cơ quan phản gián Pháp cho biết « mục tiêu tấn công hàng đầu chính là các phòng thí nghiệm, những nơi nghiên cứu các công nghệ cho tương lai trực thuộc Ủy ban Năng lượng Nguyên tử, Trung tâm nghiên cứu Khoa học Quốc gia, Viện Nghiên cứu quốc gia Nông học, Trường Bách Khoa hay Viện Pasteur ». Trong đó, tấn công bằng tin học dường như là đáng ngại nhất và hiệu quả nhất. Với sự phát triển lan tràn của Internet, các vụ tấn công kiểu này cũng chiếm số lượng quan trọng như là các vụ trộm cắp tại chỗ.
 
Theo thống kê cho biết những ngành được các gián điệp quan tâm nhiều nhất là hàng không, tiếp đến là sản xuất xe hơi, luyện kim và cuối cùng là chế biến thực phẩm.
 
Tại Nhật, hạt thóc vàng bị đe dọa nhiễm xạ
 
Nhìn sang Châu Á, nhật báo Le Monde cho biết nước Nhật đang bước vào mùa gặt.

 Nông dân xứ Hoa Anh Đào đang khấp khởi chờ mong một mùa bội thu nhưng cũng không kém phần lo âu vì ảnh hưởng của thảm họa hạt nhân Fukushima. « ‘Hạt thóc vàng óng ánh’ hay bị nhiễm xạ ? » là tựa đề bài viết của tác giả Philippe Pons trên mục « Lá thư Châu Á ».
 
Tác giả cho biết « bông lúa vàng óng » được ca ngợi nhiều trong tập tuyển thơ ca của Manyo-shu thế kỷ 8 và là biểu tượng cho mùa bội thu đang được trông chờ trong nỗi phập phồng.

Sau thảm họa Fukushima, các mối nguy nhiễm xạ đã lan tới các loại rau củ, thịt bò và nhiều loại cá. Bây giờ, ngay cả gạo cũng có thể bị đe dọa.
 
Các xét nghiệm đầu tiên cho thấy tại vùng Ibaraki, phía Nam Fukushima, gạo đã bị nhiễm xạ nhẹ (52 becquerels chất cesium/ kg gạo, chiếm khoảng 10% giới hạn do chính phủ ấn định).
 
Theo Philippe Pons, việc gạo nhiễm xạ sẽ có những hậu quả không những về mặt kinh tế mà lẫn về tâm lý.
 
Về mặt kinh tế, tình trạng này sẽ gây ra hiện tượng đầu cơ tích trữ làm dội giá gạo trên thị trường.
 
Về mặt tâm linh, đối với người Nhật, gạo không chỉ là một loại lương thực, mà nó còn chứa đựng giá trị tôn giáo và thế tục.
 
Cũng như rượu sakê, vốn được làm từ gạo, thì cây lúa giữ một vị trí trong các nghi lễ của Thần đạo ( thuyết tâm linh và là tôn giáo hàng đầu tại Nhật Bản).

Hàng năm, cứ đến ngày 23 /11, khi cử hành một trong những nghi lễ quan trọng theo lịch hoàng gia (lễ « nếm hoa quả đầu mùa »), Hoàng đế dâng cơm được nấu từ những hạt gạo đầu tiên của năm lên các vị thần.
 
Trong đời sống thường nhật, hạt gạo hầu như không thể nào vắng bóng trong các bữa ăn gia đình. Nó quan trọng đến mức mà từ hàng ngàn năm nay một thành ngữ quen thuộc để chỉ các bữa ăn là « ăn cơm » khác với người phương Tây là họ phân biệt rất rõ là « ăn sáng », « ăn trưa » và « ăn tối ».
 
Những cánh đồng lúa đã tạo dáng cho cảnh vật và kiến trúc nên những cộng đồng thôn xã : hệ thống thủy lợi đã tạo ra những nghĩa vụ hỗ tương và buộc phải có một kỷ luật tập thể, một trong những nền tảng cơ bản của nền văn minh xứ sở Hoa Anh Đào.
 
Hạt gạo rất quý vì nó còn gắn liền với những sự kiện xa hoa : bánh nếp gói trong dịp năm mới, gạo đỏ trong những dịp lễ …
 
Đối với người Nhật, gạo đươc sản xuất từ vùng Niigata là một trong những loại gạo ngon nhất thế giới. Và dĩ nhiên là giá cũng đắt nhất (10 euros/kg).

 Nhưng họ cũng có thể thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng gạo trồng ở vùng này đã vượt qua được kỳ xét nghiệm.
 
Sở dĩ người Nhật Bản chấp nhận trả tiền mắc cho gạo sản xuất nội địa là vì họ nghĩ rằng gạo ở đây có một chất lượng ẩm thực rất đặc trưng nhất là cho sushi.

Họ có thể đưa ra nhiều viện dẫn khác nhau, nhưng nếu cây lúa cũng bị nhiễm xạ thì có lẽ thảm họa sẽ là khôn lường.