Home Tin Tức Thời Sự TT Obama: Tương lai đi về đâu?

TT Obama: Tương lai đi về đâu? PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Văn Khanh   
Thứ Bảy, 10 Tháng 9 Năm 2011 06:55

Ông bước vào phòng hội Hạ Viện Liên Bang giữa những tiếng vỗ tay reo hò của các vị dân cử cùng đảng.

 Ai cũng muốn bắt tay, chụp hình chung với ông, có người còn đến trước mấy tiếng đồng hồ để giành cho được chỗ tốt, nhất định phải ngồi ngay sát lối ra vào để có tấm hình kỷ niệm với người đang lãnh đạo quốc gia.

 

Tổng Thống Barack Obama bước vào phòng họp khoáng đại Hạ Viện
chuẩn bị đọc diễn văn liên bang về việc làm. (Hình: Kevin Lamarque-Pool/Getty Images)

Cũng như những lần trước, ông đi thật chậm để chào hỏi những người đón ông. Ông vẫy tay chào người đứng bên phải, bắt tay nói vài câu với người đứng bên trái, lúc nào cũng nở nụ cười thật tươi, thỉnh thoảng còn ghé sát vào tai những người ông từng có dịp tiếp xúc để nói lời thăm hỏi chân tình như người thân trong gia đình. Các thành viên trong đoàn thượng nghị sĩ và dân biểu đại diện cho Quốc Hội đón ông cũng dùng khoảng thời giờ quý báu này để chuyện trò với nhau và với những người khác.

Không khí náo nhiệt chỉ tạm kết thúc khi ông tiến về bục gỗ đặt ngay phía trước chỗ ngồi của ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner và Phó Tổng Thống Joseph Biden. Trên bục đã để sẵn ba bản in bài diễn văn ông sửa soạn đọc. Theo đúng thủ tục, ông quay người lại trao một bản cho ông chủ tịch Hạ Viện, bản thứ nhì dành cho phó tổng thống, và bản thứ ba là bản của ông.

Làm xong thủ tục đó, ông đưa tay cầm ly nước uống một hớp, đưa mắt nhìn mọi người, trước khi cúi xuống nhìn bài diễn văn in sẵn mà ông sắp đọc. Dù ông vẫn tươi cười, nhưng không ai bảo ai, tất cả đều thấy nét đăm chiêu hiện rõ trên mặt của ông. Vài phút đồng hồ nữa ông sẽ trình bày cho người dân biết về thực trạng kinh tế quốc gia, về những kế hoạch ông muốn thực hiện để đạt được mức phát triển cao hơn và nhanh hơn, giúp giải quyết tỷ lệ thất nghiệp vẫn giậm chân ở mức 9.1% vì cả Tháng Tám toàn quốc không có thêm việc làm nào mới trong lúc số người mất việc đã lên tới 14 triệu người. Ông cũng sẽ trình bày cho lưỡng viện biết vai trò cần thiết của Quốc Hội trong kế sách ông đề ra, kêu gọi các vị dân cử bắt tay làm việc với ông, đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi đảng phái.

Từ lâu ông đã nổi tiếng là người ăn nói giỏi, có tài hùng biện, có sức thu hút người nghe. Tối nay ông hy vọng những khả năng đó sẽ giúp ông cơ hội giữ vững niềm tin của những người từng ủng hộ ông, xóa tan mọi thắc mắc, nghi ngờ hay đố kỵ của những người không ưa ông. Cũng chẳng ai bảo ai, mọi người đều hiểu bài diễn văn ông đọc tối nay còn nhắm vào một mục đích khác: ông muốn ở lại Tòa Bạch Ốc thêm một nhiệm kỳ nữa để hoàn tất những gì ông nghĩ có thể làm cho đất nước.

Ba năm trước đây, ông đến với người dân Hoa Kỳ bằng những bài diễn văn nẩy lửa, hối thúc mọi người tin tưởng ở ông và tin tưởng ở chính sách ông vạch ra “để thay đổi cục diện chính trị đầy sai lầm ở thủ đô Washington” đang làm băng hoại đất nước.

Trước ngày xuất hiện ở Denver để đọc bài diễn văn nhận lời đề cử của đảng Dân Chủ, ông ghé thăm Florida và tại đó ông còn bảo rằng “tình thế không cho phép chúng ta ngồi yên nữa,” và nói tiếp “phải sửa đổi đất nước này giờ đã lên tới cao điểm.” Tất cả những phát biểu đầy khí thế đó bao giờ cũng kết thúc bằng câu “đúng, chúng ta có thể (cùng nhau) làm được điều đó. “Yes, We Can” là khẩu hiệu được ông đưa ra, và mọi người đứng dậy tỏ thái độ quyết tâm cùng ông đi về phía trước.

“Bây giờ thì khác hẳn rồi,” theo nhận xét của ông Stephen Hess, một trong những nhà phân tích chính trị hàng đầu của nước Mỹ. “Thông thường, dân chúng được nghe những bài diễn văn ngày một sôi nổi hơn, chứ không phải ngày một kém đi” như trường hợp của ông Obama.

Lý do nào khiến không ít người dân nghĩ như thế? “Cứ đọc hay nghe lại những bài diễn văn tổng thống mới đọc hồi gần đây thì thấy ngay,” bà Nichelle Coles của văn phòng trung ương đảng Cộng Hòa vừa trả lời vừa đưa ra dẫn chứng. “Mới tháng trước khi nói chuyện với những người ủng hộ đảng ở New York, ông bảo quý vị đòi hỏi quá nhiều ở tôi, quý vị quên rằng tôi chẳng có tài phép gì để xoay đổi cục diện trong vòng chỉ một vài năm, quý vị phải cho tôi thời gian để sửa chữa những khó khăn, quý vị thế này, quý vị thế khác...” Bà Coles kết luận: “Ngày xưa thì chúng ta phải làm ngay, một mực 'Yes We Can,' ngày nay thì vẫn 'Yes We Can,' nhưng phải từ từ tôi mới làm được.”

Những điều các chiến lược gia Cộng Hòa chú ý và đưa ra để chê bài ông Obama không phải là không có cơ sở. Trong bài nói chuyện ở New York, ông bảo “khi tôi ra tranh cử hồi 2008, mọi người cứ nghĩ rằng bỏ phiếu cho ông Obama là chúng ta sẽ thay đổi bộ mặt và cách hoạt động của thủ đô Washington ngay tức khắc. Nhưng sau hai năm, ai cũng thấy tình huống khó khăn hơn, không những thế còn tệ hơn trước nữa. Có rất nhiều điều chúng ta muốn sửa đổi nhưng không làm ngay được, đồng thời quốc gia bị phân hóa ở mức độ mỗi lúc một nhiều hơn, và không phải ai cũng đồng ý với đề nghị tôi đưa ra.”

Trước đó, trong buổi nói chuyện ở Miami, Florida, ông cũng cho người dân biết phải từ từ, phải có thời giờ mới giải quyết được các khó khăn mà ông “thừa hưởng từ chính quyền cũ.” Ông bảo: “Tôi đã cảnh báo với mọi người, tôi đã giải thích cho mọi người hiểu chúng ta chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu chứ chưa ở giai đoạn kết thúc đâu. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề chỉ trong vòng một ngày, một tuần, một năm, và ngay cả một nhiệm kỳ cũng chưa hẳn đã xong.”

Tại sao lại có những thay đổi đầy bất ngờ như thế? Các cuộc thăm dò dư luận hồi gần đây cho thấy “dường như” ông Obama không tìm được cách đối phó với bế tắc về chính trị, không chứng tỏ cho dân chúng thấy ông biết trở ngại gồm những gì, nằm ở đâu, và phải giải quyết như thế nào. Thay vào đó, “ông vẫn tiếp tục tìm đủ mọi cách để đổ lỗi cho người khác,” theo nhận định của chiến lược gia Cộng Hòa Ron Bonjean khi phát biểu với nhật báo The Washington Post hồi tuần trước. “Thoạt tiên ông đổ lỗi cho ông George W. Bush, sau đó đổ lỗi cho Quốc Hội, rồi bây giờ bắt đầu đổ lỗi cho cử tri, bảo rằng họ đã đòi hỏi ở ông quá mức.” Ông Bonjean kết thúc nhận xét của mình bằng câu: “Rõ ràng cử tri không ai hài lòng với những lời giải thích ông đưa ra sau ngày vào Tòa Bạch Ốc, họ thấy ông cứ than thở và tiếp tục than thở mà không có những hành động cụ thể như ông đã hứa hẹn với họ lúc còn kiếm phiếu.”

Nếu những nhận định của các phân tích gia Cộng Hòa có thể bị chê trách là nhận định một chiều, thì kết quả cuộc thăm dò do nhật báo The Washington Post - thường ủng hộ cánh Dân Chủ - thực hiện hôm Thứ Hai vừa rồi cho thấy người dân Mỹ không hài lòng với những kế sách ông đưa ra để vực nền kinh tế quốc gia và cứu vãn tình trạng thất nghiệp. Cuộc thăm dò cho thấy chỉ có 43% cử tri tán đồng với ông, trên 55% bảo không đồng ý với cách giải quyết vấn nạn kinh tế mà ông thực hiện. Cũng trong cuộc thăm dò này, cứ ba người từng ủng hộ ông thì có hai người bảo quốc gia đi chệch hướng, và chừng 60% cho hay so với thời gian trước ngày ông lên làm tổng thống thì bây giờ họ đang sống trong trạng thái “âu lo” hơn.

Tờ Post loan báo kết quả cuộc thăm dò chỉ vài ngày sau khi nhà phân tích Stan Greenberg của đảng Dân Chủ lên tiếng cảnh báo dân chúng đang mất dần niềm tin vào chính phủ. Trong bài nhận định đăng trên tờ The New York Times - một tờ báo khác cũng thường ủng hộ đảng Dân Chủ - ông Greenberg ghi rõ chỉ có 25% cử tri Mỹ tin tưởng vào chính quyền đương thời, và “điều đó có lợi cho đảng Cộng Hòa.” Ông viết: “Nếu một chính phủ không làm được việc thì có lý do gì để dân chúng phải tín nhiệm các ứng cử viên Dân Chủ?”

Tiếng vỗ tay lại vang lên, tất cả các vị dân cử lưỡng viện một lần nữa đều đứng dậy chào ông sau lời giới thiệu của ông chủ tịch Hạ Viện. Ông nở nụ cười thật tươi, ra dấu yêu cầu mọi người ngồi xuống để ông có thể bắt đầu bài diễn văn mà chính ông đang nóng lòng muốn đọc và người dân Hoa Kỳ cũng nóng lòng muốn nghe.

Với người dân Mỹ, họ đang chờ đợi xem ông có đưa ra được điều gì mới hay không. Với ông, ông biết mọi chuyện sẽ khởi đầu từ tối hôm nay với bài diễn văn này, vì đây là bài diễn văn cử tri sẽ đem ra mổ xẻ, cân nhắc, trước khi quyết định có nên tiếp tục tin vào những gì ông nói và giữ ông ở lại Tòa Bạch Ốc thêm bốn năm nữa hay không. Trên trang nhất của số báo mới ra sáng Thứ Năm, tờ New York Post chạy hàng chữ thật to: “Bama's Do or Die Tonight,” có nghĩa là sự nghiệp chính trị của vị tổng thống đương nhiệm sẽ được quyết định qua bài diễn văn ông đọc tối hôm đó.