Home Tin Tức Thời Sự Hoa Kỳ, Trung Quốc, và học thuyết Kissinger

Hoa Kỳ, Trung Quốc, và học thuyết Kissinger PDF Print E-mail
Tác Giả: Warren I. Cohen-Trần Ngọc Cư dịch   
Thứ Sáu, 09 Tháng 9 Năm 2011 21:25

“...Nếu chúng ta muốn sống trong hoà bình với TQ trong vòng từ 50 đến 100 năm, học thuyết Kissinger với chủ trương tôn trọng những điểm nhạy cảm của TQ là một đường lối sai lầm...”


  Henry Kissinger & Mao

Điều mà người ta đã vui vẻ bỏ quên ở các cuộc tranh luận gay gắt hiện nay về các chính sách của chính quyền Obama là vấn đề Hoa Kỳ phải ứng xử thế nào với Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích Mỹ, cả trong lẫn ngoài chính phủ, đã có những quan điểm rất khác nhau về cách quản lý mối quan hệ với Trung Quốc (TQ). Henry Kissinger, cùng với Richard Nixon, đã đóng góp to lớn cho việc mở ra những quan hệ với TQ vào đầu thập niên 1970. Cuốn sách vừa xuất bản của ông, On China (Bàn về Trung Quốc), là một nỗ lực biện minh dài dòng về những điều ông đã làm lúc bấy giờ và lý giải tư duy hiện nay của ông về phương cách tránh xung đột với một TQ đang trỗi dậy.

Sự gia tăng đột biến sức mạnh quân sự của TQ trong thập kỷ vừa qua đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng cho các lợi ích của Hoa Kỳ và cho trật tự quốc tế được thiết lập sau Thế chiến II. Cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington tại Eo biển Đài Loan – nghĩa là, giữa hai cường quốc nguyên tử -- có thể được coi là một cuộc đối đầu nguy hiểm nhất hoàn cầu. Dù có bất đồng đến đâu về bản chất của mối đe dọa TQ, các chuyên gia cũng thực sự nhất trí cho rằng hai nước phải hợp tác với nhau.

Có một số chính trị gia và trí thức chỉ trích TQ gay gắt, trong đó nhiều người đã coi chính sách Mỹ kể từ khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh đến nay là hòa hoãn (appeasement). Dù quyết tâm chống cộng hay tha thiết cổ vũ cho nhân quyền, những người này đều muốn thay đổi chế độ bằng một nền dân chủ tự do cho TQ. Mặc dù chúng ta liên tục ngạc nhiên trong những năm qua trước sự sụp đổ của Liên Xô và ngọn triều cách mạng tại Trung Đông, nhưng những trở ngại cho những biến cố tương tự có thể xảy ra tại TQ là rất lớn. Hoa Kỳ chẳng làm được một điều gì đáng kể để mang lại “diễn biến hoà bình” cho xã hội TQ, một diễn biến mà các lãnh đạo và các nhà chính trị Mỹ đã kêu gọi kể từ thập niên 1950. Nước Trung Hoa mà chúng ta chứng kiến hiện nay là nước Trung Hoa mà chính phủ Hoa Kỳ phải đối phó trong một tương lai có thể thấy trước được.
Những nhận thức về “mối đe dọa TQ” xoay quanh khả năng ngày càng lớn của chính phủ TQ trong việc làm rối loạn trật tự quốc tế hiện hữu. Về quân sự, TQ đang thu thập những phương tiện chiến tranh nhằm phóng chiếu quyền lực của mình ra ngoài biên giới Đông Á và thách thức Hải quân Hoa Kỳ tại Tây Thái Bình Dương, cụ thể là trong vùng lân cận Đài Loan. Những thí nghiệm về chiến tranh mạng của TQ đã làm cho Lầu Năm Góc giao động. Về kinh tế, nhu cầu vĩ đại của TQ về nguyên vật liệu đã đẩy cao giá cả của rất nhiều thương phẩm. TQ đã mở rộng các hoạt động khai thác nguyên liệu đến mọi châu lục ngoại trừ Nam Cực và đã dùng thủ đoạn để thao túng thị trường khoáng sản “đất hiếm”. TQ đã đặt ra hối suất giả tạo cho đồng nhân dân tệ bất chấp cả những khó khăn nó tạo ra cho Hoa Kỳ và nhiều nước khác. TQ đã trí trá tránh né những bổn phận đối với WTO về việc mở cửa thị trường nội địa và TQ đã gây nhiều thiệt hại to lớn [cho các công ty nước ngoài] vì đã coi thường quyền sở hữu trí tuệ. Về chính trị, TQ đã bao che một số quốc gia thù nghịch với Hoa Kỳ vì những vi phạm nhân quyền của họ: Miến Điện, Sudan, Uzbekistan, và Zimbabwe. Điều nghiêm trọng là, sự trỗi dậy của TQ đã cống hiến một mô hình thay thế cho mô hình dân chủ và thị trường tự do của phương Tây trong việc tổ chức quốc gia.

Không có một chỉ dấu rõ ràng nào cho thấy Bắc Kinh có ý định sẽ làm gì với quyền lực mới khôi phục của mình. Đường lối tuyên truyền chính thức của nhà nước nói rằng TQ không có ý định xâm lấn, rằng TQ vẫn còn là một nước đang phát triển, và rằng phải mất thêm nhiều thập kỷ nữa quân đội TQ mới có thể cạnh tranh với quân đội Hoa Kỳ. Nhưng mặt khác, nhiều sĩ quan cấp cao trong Giải phóng quân Nhân dân và một số trí thức TQ lại tỏ ra hiếu chiến hơn, lên tiếng cảnh báo người Mỹ và các dân tộc khác không được thách thức quan niệm đang phổ biến ngày một rộng rãi của TQ về “quyền lợi cốt lõi của họ”. Những nỗ lực gần đây nhằm đe nẹt các nước láng giềng của TQ tại Biển Đông chí ít cho thấy khả năng là, khi quyền lực của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa gia tăng, nước này sẽ không chống lại cám dỗ hành xử một cách quyết đoán, như các đại cường thường làm, kể cả nước Trung Hoa ngày xưa và Hoa Kỳ.

Có một số trí thức Mỹ nổi tiếng - chẳng hạn, Andy Nathan tại Đại học Columbia và Rod MacFarquhar và Elizabeth Perry tại Đại học Harvard – không tin rằng những dự đoán hiện nay về sự trổi dậy của TQ là có cơ sở vững chắc. Một số người tiên đoán sự sụp đổ của chế độ Cộng sản; một số người khác tranh luận giản dị rằng kinh tế TQ sẽ chao đảo. Họ ghi nhận những khuyết tật trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt là những món nợ cho doanh nghiệp nhà nước vay mà không đòi lại được. Họ viện dẫn bất ổn xã hội ngày một gia tăng, với bằng chứng là hằng chục ngàn cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra khắp nước mỗi năm. Gần đây, các nhà nghiên cứu dân số đã vạch ra tình trạng ngày một già nua của lực lượng lao động TQ mà không có giới trẻ thay thế -- do chính sách một con của nước này. Ngoài ra, những đòi hỏi của lao động TQ về đồng lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn đang đẩy một số công nghiệp ra nước ngoài. Cộng đồng tình báo tại Hoa Kỳ đã xét đến nhiều kịch bản khác nhau liên quan đến sự sụp đổ của chế độ Bắc Kinh. Nhưng sự tăng trưởng kinh tế phi thường của TQ vẫn tiếp tục, tương phản rõ nét với những khó khăn hiện nay tại châu Âu và Hoa Kỳ. Bộ máy công an hiện diện khắp mọi nơi tại TQ đã giúp Đảng Cộng sản bóp nghẹt sự chống đối của dân chúng trong nước một cách dễ dàng.

Cuốn On China của Kissinger có thể được coi như một diễn văn từ biệt của ông về quan hệ Mỹ-Trung. Cũng như hầu hết các tác phẩm ông viết ra từ khi rời chức vụ vào năm 1977, phần lớn cuốn sách này được dùng để tự đề cao mình và bỏ qua một số sai lầm ghê gớm của ông trong những lần tiếp xúc đầu tiên với Chu Ân Lai, đáng lưu ý nhất là việc ông đưa ra những nhượng bộ to lớn về Đài Loan vào đầu các cuộc thương thuyết – một động thái tiến tới việc bỏ Đài Loan – lớn hơn cả điều mà họ Chu có thể tưởng tượng. Nhưng sự phân tích của ông về cách lý luận và phương pháp làm việc của phía Bắc Kinh là đáng suy nghĩ. Hẳn nhiên, Kissinger nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa TQ và Hoa Kỳ là thiết yếu cho hoà bình và ổn định của thế giới, cũng như lợi ích của hai quốc gia. Ông luôn luôn ám chỉ rằng chính việc Hoa Kỳ che chở cho Đài Loan và việc Hoa Kỳ đòi hỏi Bắc Kinh cải thiện hồ sơ nhân quyền là nguyên nhân chính cho sự căng thẳng trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, dù cho những chính sách này có phản ánh những giá trị đáng chiêm ngưỡng bao nhiêu đi nữa. Ông không đòi hỏi người Mỹ phải từ bỏ những giá trị của mình, nhưng gợi ý rằng đường lối thực tế của ông, theo đó những giá trị này phải được đặt dưới các nhu cầu của quốc gia, là vô cùng ưu việt.

Phần đầu cuốn sách là một lịch sử đại cương về nước Trung Hoa cổ trước thời Cộng hòa dân quốc. Kissinger dùng lịch sử này để giải thích những điểm nhạy cảm và chiến lược của TQ. Việc ông phân tích tính nhạy cảm này cũng là một cách trình bày tinh tế lời than phiền quen thuộc của TQ về một “thế kỷ bị chà đạp”, những năm trong đó TQ bị bọn đế quốc châu Âu, Nhật Bản, và Mỹ xâu xé. Kissinger còn đưa vào trong phần này một số vấn đề mà TQ đã chịu đựng trước đó, chẳng hạn những đợt tàn phá do người Mông Cổ gây ra, và nhấn mạnh nỗi sợ kinh niên của TQ về hiểm họa bị bao vây. Tuy nhiên, Kissinger, cũng như người TQ, không chịu nói đến những nỗi nhục nhã mà người Trung Hoa đã gây ra cho các nước láng giềng qua những thế kỷ mà lãnh đạo của họ xây dựng Đế quốc Trung Hoa -- phần lãnh thổ tối đa mà TQ đang tuyên bố chủ quyền. Trong quá trình kiến tạo một đế quốc như vậy, người Trung Hoa cũng hống hách, tàn bạo không thua gì người châu Âu, người Nhật Bản, hay người Mỹ trong việc xây dựng đế quốc của mình. Người Trung Hoa cũng dùng biện pháp quân sự để xâm chiếm và khuất phục những giống dân yếu kém mà họ cho là bọn man di thiếu phẩm chất con người (subhuman) để biện minh cho hành vi của mình. Điều hiển nhiên -- nhưng bị làm cho lu mờ bởi cách Kissinger bàn về Khổng giáo và các chiến lược lịch sử -- là chúng ta không có lý do, văn hóa hay di truyền, để tin chắc TQ trong tư thế một đại cường có thể hành động ít hiếu chiến hơn các đại cường khác qua hằng ngàn năm nay.

Điểm rất dễ bột phát xung đột trong quan hệ Mỹ-Trung hiện nay vẫn là Đài Loan. Vào cuối thập 1940, khi Tưởng Giới Thạch và đám tàn dư của bại quân lục địa cai trị đảo này với thái độ khinh miệt thô bạo đối với dân bản xứ, chính quyền Truman đã toan tính bỏ rơi Đài Loan. Chiến tranh Triều Tiên buộc chính quyền này phải thay đổi đường lối và quay ra hậu thuẫn chế độ độc tài độc đảng của Tưởng Giới Thạch. Hầu hết các quan chức chính phủ từng chỉ trích họ Tưởng, một con cưng của Cánh hữu Mỹ, đều bị thanh trừng trong thời kỳ McCarthy [một giai đoạn chống cộng rất điên cuồng tại Mỹ, DG.] Tổng thống Eisenhower và Ngoại trưởng Dulles gia tăng luồng viện trợ và ký một thỏa ước phòng thủ chung với Đài Bắc. Việc Hoa Kỳ chống đối quyết tâm của Bắc Kinh tái thống nhất đảo Đài Loan với lục địa là điểm thường gây bế tắc trong các cuộc thương thuyết Mỹ-Trung. Mãi cho đến chính quyền Nixon mới có một toan tính thứ hai nhằm bỏ Đài Loan. Nixon và Kissinger biết mình đã liều lĩnh gây phẫn nộ bên cánh hữu nhưng, vì kết luận rằng thiết lập một quan hệ hữu hiệu với TQ là có ích lợi hơn làm một nước bảo hộ Đài Loan, đã bày tỏ cho Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông biết quyết tâm bỏ Đài Loan của mình. Điều mà cả Washington và Bắc Kinh đều đinh ninh là, nếu không có hậu thuẫn Mỹ, chế độ Tưởng cuối cùng sẽ sụp đổ, tạo điều kiện thuận lợi cho TQ sáp nhập Đài Loan.

Nhưng Đài Loan đã không sụp đổ, thậm chí cả sau sự kiện bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung và sự kiện Mỹ chấm dứt liên minh với Đài Loan dưới thời chính quyền Carter. Thay vì sụp đổ, Đài Loan đã phát triển thành một nước dân chủ vững mạnh, thường xuyên được lãnh đạo bởi những chính khách từng được đào tạo ở Mỹ và chia sẻ những giá trị của Mỹ. Hậu thuẫn cho Đài Loan lan rộng tại Hoa Kỳ khi cả giới tự do và giới bảo thủ Mỹ cùng nhau bày tỏ niềm hân hoan trước sự chuyển đổi văn hóa chính trị của Đài Loan. Những âm mưu hù dọa người dân đảo quốc của TQ đã bị Hoa Kỳ chặn đứng, rõ ràng nhất là khi Bill Clinton gửi hai toán tàu chiến có hàng không mẫu hạm (carrier battle groups) vào trong khu vực năm 1996. Vấn đề Đài Loan một lần nữa đã trở thành nguyên nhân chính cho mối căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.

Kissinger không bao giờ công khai kêu gọi bỏ rơi Đài Loan, nhưng rõ ràng là ông vẫn còn tin tưởng rằng quan hệ hữu nghị với TQ là quá quan trọng, không thể để cho nó bị đe dọa vì việc Mỹ tiếp tục hậu thuẫn Đài Loan. Suốt sự nghiệp và ngay cả trong cuốn On Politics, Kissinger nhấn mạnh khuynh hướng Realpolitik (chính trị thực tế) của mình. Ông ca ngợi Bismark và một số nhà lãnh đạo khác, những nhân vật ít bận tâm với các lý tưởng nhân đạo nhưng biết coi trọng lợi ích quốc gia. Kissinger không cần đến cái nhiệt tình “truyền giáo” của Hoa Kỳ để đi rao giảng các giá trị Mỹ, nhưng ông lại coi những nhân vật như Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông là những nhà chiến lược đáng khâm phục, được khuôn nắn theo hình ảnh của ông.

Nếu có cái gọi là một học thuyết Kissinger, thì học thuyết này sẽ gạt bỏ các giá trị nhân đạo qua một bên và chỉ tập trung một cách không nương nể vào lợi ích chiến lược của quốc gia. Áp dụng vào quan hệ hữu nghị với TQ, nhất là trong những năm kể từ khi sự trỗi dậy của TQ đã trở nên hiển nhiên, Kissinger yêu cầu Mỹ phải chấm dứt chỉ trích chế độ độc tài độc đảng của TQ và chấm dứt than phiền về những vi phạm nhân quyền của TQ. Luôn luôn bênh vực tinh thần Hoà ước Westphalia, một chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, ông tuyên bố người Trung Quốc là những người mang tinh thần Westphalia gương mẫu trong thế giới ngày nay. Nếu Washington muốn tránh xung đột với một TQ đang trỗi dậy, thì việc nhượng bộ về những điểm này và chỉ tập trung vào những vấn đề mà TQ và Hoa Kỳ cùng có lợi ích chung sẽ là một điều khôn ngoan.

Đương nhiên, vẫn còn có một đường lối khác: Đó là, quân bình các lý tưởng với lợi ích quốc gia. Thật vậy, chúng ta có thể lý giải rằng hậu thuẫn các lý tưởng nhân đạo của Mỹ ở nước ngoài cũng là phục vụ lợi ích quốc gia, rằng cổ vũ dân chủ và tôn trọng nhân quyền khắp địa cầu sẽ gia tăng cơ may sống trong một thế giới mà lợi ích của Hoa Kỳ có thể phát triển. Qua nhiều năm nay, Hoa Kỳ là mô hình hấp dẫn đối với các dân tộc khác nhờ nó có một xã hội cởi mở, một chế độ dân chủ, và cam kết bảo vệ nhân quyền. Sự tập trung của Hoa Kỳ vào những giá trị này tỏ ra có sức hấp dẫn trong thời Chiến tranh Lạnh. Ngày nay, những giá trị này có thể thu hút loài người thêm một lần nữa, nếu chúng được phát huy mà không cần sử dụng vũ lực -- nếu Washington khắc phục được vết ô nhục gắn liền với cái ý thức về một sứ mệnh (sense of mission) của Mỹ trong thời chính quyền George W. Bush.

Chúng ta không thể kỳ vọng người TQ lấy làm thích thú vì Hoa Kỳ chỉ trích văn hóa chính trị của họ; họ cũng sẽ không hài lòng vì Washington tiếp tục hậu thuẫn Đài Loan. Những bất đồng này và việc Hoa Kỳ phản đối hành vi của TQ ở nước ngoài chắc chắn sẽ tạo ra những va chạm trong những năm tới. Người TQ chắc không khác hơn người Mỹ ở chỗ chịu chấp nhận những phàn nàn về hành vi của mình mà không phản đối. Nhưng đấy là lý do chúng ta cần đến những nhà ngoại giao. Những vấn đề này có thể đá qua đá lại, có thể hậm hực với nhau, có thể thương thuyết -- tất cả đều không cần đến xung đột vũ trang.

Ngày nay TQ chưa ở trong tư thế có thể thay thế Hoa Kỳ như một siêu cường để giải quyết các vấn đề thế giới, nhưng các học giả TQ tỏ ra rất hân hoan trước viễn ảnh suy yếu của Hoa Kỳ. Nếu chúng ta muốn sống trong hoà bình với TQ trong vòng từ 50 đến 100 năm, học thuyết Kissinger với chủ trương tôn trọng những điểm nhạy cảm của TQ là một đường lối sai lầm. Người Mỹ cần chứng tỏ rằng quốc gia của mình không suy yếu. Họ phải đối phó thành công với những vấn đề kinh tế và chính trị mà họ đã đương đầu trong những năm đầu tiên của thế kỷ này. Họ phải chuẩn bị về mặt quân sự để ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu mà những đế chế thịnh trị của TQ đã lao vào trong quá khứ. Các nhà phân tích Mỹ đủ mọi khuynh hướng chính trị, bất luận nhận thức của họ về ý đồ của TQ là như thế nào, đều đồng ý rằng đe dọa chính cho vai trò siêu cường quốc tế của Hoa Kỳ xuất phát từ bên trong./.

*******

Warren I. Cohen là giáo sư danh dự của Đại học Maryland, Baltimore, và là học giả thâm niên trong chương trình châu Á thuộc Trung tâm Học giả Nghiên cứu Quốc tế Woodrow Wilson. Ông là tác giả cuốn America’s Response to China: A History of Sino-American Relations.