Bắc Kinh đang thực hiện chính sách ngoại giao « chi phiếu » ( checkbook diplomacy )
Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông DR
Kết thúc phiên họp lần thứ năm của Uỷ ban Chỉ đạo Hợp tác song phương Việt Nam -Trung Quốc ngày 06/09/11, hai nước cam kết sẽ tăng cường đàm phán để sớm ký kết « Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam -Trung Quốc ».
Kết quả phiên họp nói trên cần phải được đặt trong bối cảnh mà Trung Quốc đang tìm cách gây áp lực lên Việt Nam cũng như Philippines để áp đặt giải pháp của họ trên vấn đề Biển Đông. Trước chuyến viếng thăm cấp Nhà nước của tổng thống Benigno Aquino gần đây, Tân Hoa Xã đã từng nhấn mạnh : muốn có quan hệ song phương ổn định và lành mạnh, Trung Quốc và Philippines không chỉ cần tăng cường thương mại, mà còn phải giải quyết tốt các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Nhưng Tân Hoa Xã cũng nói rõ là Bắc Kinh có chủ quyền «không thể tranh cãi được » trên các đảo ở Biển Đông và các vùng biển bao quanh, khu vực mà Trung Quốc xem là « quyền lợi cốt lõi » của họ. Kể từ khi các giới chức Trung Quốc vào năm ngoái tuyên bố Biển Đông là «quyền lợi cốt lõi », tình hình tại khu vực này đã căng thẳng lên. Riêng căng thẳng giữa Bắc Kinh với Hà Nội lên đến tột đỉnh vào tháng 5 và tháng 6 , khi tàu hải giám của Trung Quốc gây hấn và cắt dây cáp các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Những sự kiện này đã gây làn sóng phẫn nộ trong dư luận Việt Nam, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, đặc biệt là ở Hà Nội. Nhưng sau các cuộc hội đàm cấp cao, vào tháng 6/2011, Bắc Kinh khẳng định đã đạt được đồng thuận với Hà Nội để giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông thông qua đàm phán hữu nghị và tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình. Trong một bài viết đăng trên tờ Japan Times ngày 08/09/11, ông Michel Richardson, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho rằng, trong nỗ lực nhằm áp đặt giải pháp về Biển Đông lên các nước Đông Nam Á, Trung Quốc đang dồn áp lực ngoại giao lên Việt Nam và Philippines, vì đây là hai quốc gia cản trở Bắc Kinh nhiều nhất trên con đường vươn ra biển phía Nam. Theo ông Richardson, để đạt được mục tiêu đó, Bắc Kinh đang thực hiện chính sách ngoại giao « chi phiếu » ( checkbook diplomacy ) hứa giúp đỡ Việt Nam và Philippines bằng cách tăng cường mậu dịch, đầu tư vào du lịch vào hai nền kinh tế hiện đang gặp nhiều khó khăn này. Đối với Philippines, Trung Quốc tìm cách khai thác ảnh hưởng về thương mại của cộng đồng người Philippines gốc Hoa, cũng như lay động tình cảm của tổng thống Aquino, vốn có tổ tiên là người Trung Quốc. Trong trường hợp của Việt Nam, Bắc Kinh nhấn mạnh đến sự đồng nhất về chính trị và ý thức hệ với giới lãnh đạo Hà Nội, « vừa là đồng chí, vừa là anh em ». Tuy nhiên, hiện chưa biết là Việt Nam và Trung Quốc sẽ đẩy nhanh đàm phán như thế nào, bởi vì bất đồng lớn nhất giữa hai nước vẫn là Bắc Kinh vẫn đòi giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở song phương, trong khi Việt Nam vẫn đòi là một số khía cạnh của vấn đề cần phải được giải quyết trên cơ sở đa phương. Theo chuyên gia Richardson, nếu Trung Quốc thuyết phục được Việt Nam và Philippines chấp nhận cách thức của Bắc Kinh giải quyết vấn đề chủ quyền Biển Đông, thì họ sẽ thương lượng dễ dàng hơn với hai quốc gia khác cũng tranh chấp chủ quyền là Malaysia và Brunei, cũng như với Indonesia, hiện là chủ tịch luân phiên của ASEAN. Tuy Indonesia không có tranh chấp chủ quyền đảo nào trên Biển Đông, nhưng một phần vùng đặc quyền kinh tế của đảo Natuma của Indonesia bị Trung Quốc xem là thuộc lãnh thổ của họ
|