9/11: Trung tâm Thương mại Thế giới mới và sức sống của thành phố New York |
Tác Giả: Lan Phương | ||
Thứ Sáu, 09 Tháng 9 Năm 2011 09:49 | ||
Một tòa nhà chọc trời cao 80 tầng bằng kính và thép đang được xây cất. 10 năm sau ngày bị tấn công khủng bố phá sập tòa tháp đôi, nơi đặt Trung Tâm Thương Mại Thế Giới, từ địa điểm có tên là Ground Zero, vị trí trước đây của hai tòa tháp, đang có những kiến trúc mới được xây lên. Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này sẽ tường trình cùng quí vị về những công trình đang vươn lên ở địa điểm tòa tháp đôi cũ và tinh thần của người dân New York 10 năm sau biến cố 11 tháng 9 năm 2011. Mời quí vị theo dõi các chi tiết với Lan Phương sau đây.
Tòa tháp đôi của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York, biểu tượng cho sức mạnh tài chính của nước Mỹ cũng như biểu tượng cho văn hóa đại chúng qua những phim ảnh từ Superman đến Spiderman hay King Kong, đã bị khủng bố phá sập bằng cách cho máy bay đâm vào. Hai tòa tháp cao ngất trời đã cháy rụi và sụp đổ ngày 11 tháng 9 năm 2001. Địa điểm đó giờ đây đã bị san thành bình địa mang tên gọi là Ground Zero. Ngay từ đầu, khi tòa tháp đôi bị phá sập và còn nghi ngút khói, người dân New York đã có nhiều ý kiến khác nhau về tương lai của khu đất rộng gần 65 ngàn mét vuông này. Một số muốn xây lại hai tòa nhà chọc trời cao 110 tầng in hệt như cũ, nhưng một số cho rằng để bày tỏ lòng tôn trọng gần 3 ngàn nạn nhân thiệt mạng, nên biến nguyên khu đất này thành một đài tưởng niệm. 10 năm sau, một tòa nhà chọc trời cao 80 tầng bằng kính và thép đang được xây cất, vươn cao lên như con phượng hoàng cất cánh từ tro tàn. Tòa nhà ban đầu mang tên the Freedom Tower, sau được gọi là 1 World Trade Center, Trung Tâm Thương Mại 1. Tòa nhà 1 World Trade Center, Trung Tâm Thương Mại Thế Giới 1, đang được xây cất với tốc độ 1 tuần lễ 1 tầng, và hiện đã ngạo nghễ vươn cao trên nền trời ở phía nam quận Manhatttan. Trung Tâm Thương Mại Thế Giới 1 là một tòa nhà hình tháp bút, cao 541 mét, xây ở tây bắc khu đất này. Để đề phòng trường hợp bị tấn công bằng xe bom, 20 tầng phía dưới cùng sẽ không có cửa sổ, xây bằng bê tông cốt sắt và bao quanh bằng kính. Những tầng phía dưới cùng của tòa nhà sẽ chỉ để chứa những hệ thống như máy phát điện hoặc điều hòa không khí. Cũng bao gồm trong dự án là một đài tưởng niệm, ghi tên hàng ngàn nạn nhân của 2 vụ khủng bố vào tòa Tháp Đôi, sẽ được khánh thành vào ngày 12 tháng 9 năm nay. Đài tưởng niệm còn được che phủ bằng bóng mát của hàng trăm cây sồi với một thác nước. Sẽ có 1 trung tâm giao thông công cộng và một viện bảo tàng được hoàn tất ở khu đất này. Ông Daniel Libeskind, nhà thiết kế trưởng tại địa điểm này, đảm trách việc xây dựng tòa nhà Trung Tâm Thương Mại Thế Giới 1. Chính ông là người đã đòi dành ra một nửa phần đất cho đài tưởng niệm và một trung tâm trình diễn nghệ thuật để điểm thêm màu sắc văn hóa vào tính chất thương mại của địa điểm này. Trong khi đó, nhà phát triển địa ốc, ông Larry Silverstein, 10 năm trước, vào ngày 24 tháng Bảy năm 2001, đã ký một hợp đồng cho thuê tòa tháp đôi trong 99 năm; và sau đó chưa đầy 2 tháng, tòa cao ốc bị khủng bố phá sập. Khi bàn tới công trình tái thiết Trung Tâm Thương Mại Thế Giới, ông là người mạnh mẽ lên tiếng hối thúc xây dựng lại cao ốc với gần 930 ngàn mét vuông dùng làm văn phòng mà ông đã mất. Công trình mà ông đang, và dự tính sẽ xây cất, là 3 tòa nhà chọc trời dùng làm văn phòng ở phía đông khu đất. Tòa nhà chọc trời đầu tiên mà ông Silvertein đang cho xây cao hơn 288 mét, có tên gọi là 4 World Trade Center, Trung Tâm Thương Mại Thế Giới 4, đã cơi tới tầng thứ 48 trong tuần này. Theo ông cho biết thì tòa nhà, do kiến trúc sư Nhật Bản Fumihiko Maki thiết kế, sẽ được hoàn tất trước tòa nhà 1 World Trade Center, Trung Tâm Thương Mại Thế Giới 1 vì nó thấp hơn. Tuy đã 80 tuổi, ông Silvertein vẫn còn dự tính xây thêm 2 tòa cao ốc nữa, và muốn nhìn thấy chúng được hoàn tất trong những năm còn lại trong đời ông. Cùng với công trình tái thiết đang diễn ra ở nơi tòa tháp đôi cũ bị phá sập, thành phố New York tiếp tục thu hút chừng 40 triệu du khách mỗi năm và cư dân ở đây vẫn giữ vững tinh thần hơn bao giờ hết, mặc dù trong 10 năm qua họ đã phải đối phó với những âm mưu khủng bố. Ở đây, quang cảnh vẫn nhộn nhịp như 10 năm trước, đầy nghẹt xe cộ, du khách và cư dân trong những sinh hoạt thường ngày. Và tòa nhà chọc trời Trung Tâm Thương Mại Thế Giới đang được xây lên đem lại sinh khí cho khu vực Ground Zero. Đối với nhiều cư dân New York, vết thương ngày 11 tháng 9 đã được chữa lành. Giáo sư Adam Sills, dạy văn chương, cư ngụ ở Brooklyn, cho rằng những vụ tấn công khủng bố đó xét về căn bản đã không thay đổi được thành phố. Ông nói: "Nếu các vụ tấn công đó có tạo một ảnh hưởng nào đó, thì nó là một sự khẳng định về hình ảnh của New York, một nơi có tinh thần rất kiên cường, rằng chúng tôi có thể chịu đựng được những thử thách to lớn. Xét tầm vóc của vụ khủng bố, người dân ở đây có được một khả năng tuyệt vời để chịu đựng, hấp thu nó, và thậm chí còn vươn lên trên những thử thách đó." Giáo sư tâm lý học George Bonanno thuộc đại học Columbia tại New York, chuyên nghiên cứu về đau buồn và chấn thương tâm lý của tập thể, cho biết cuộc nghiên cứu của ông cho thấy cư dân New York hồi phục nhanh hơn là người dân Mỹ ở các nơi khác: "Giờ đây so với phần còn lại của quốc gia, lo âu và đau đớn sau ngày 11 tháng 9 của đa số dân chúng ở khắp nơi trong nước vẫn còn cao, nhưng tại thành phố New York lại không phải như vậy." Nhưng đối với vài cư dân thành phố New York thì họ vẫn còn bị ảnh hưởng sâu đậm. Cư dân Yudelka Cepeda, một trợ tá pháp lý, sống tại quận Bronx, nói lên cảm nghĩ: "Khi xem lại hình ảnh ngày 9/11, tôi muốn khóc và cảm thấy thật đau lòng. Ngay lúc này đây khi nói chuyện với bạn, tôi vẫn muốn khóc vì những kỷ niệm đau buồn đó. Thật là ám ảnh khó quên." Giáo sư Adam Sills, có một bé trai 1 tuổi, nói rằng trong vai trò làm chồng, làm cha của ông, ông cảm thấy gắn bó rất nhiều với thành phố: "Thế giới của bạn qui về đó, trong đó có những điều như nuôi dưỡng một gia đình ở nơi ấy, và theo một cách nào đó, nó có nghĩa là:” Tôi cho đây là một điều hết sức đặc biệt, là nơi quan trọng, và đó là lý do tại sao tôi thấy không cần phải đặt câu hỏi xây dựng một gia đình ở thành phố này là điều có nên làm hay không?" Không phải chỉ có một mình ông Sills nghĩ như vậy. Theo dự kiến sẽ có thêm 1 triệu người nữa dọn đến thành phố New York trong 20 năm sắp tới. Họ sẽ trở thành cư dân của một thành phố mà 10 năm sau thảm họa to lớn nhất của nó, luôn sống cho hiện tại và tương lai nhiều hơn là cho quá khứ. |