Tâm Trương, thợ may của những người nổi tiếng |
Tác Giả: Ngọc Lan/Người Việt |
Thứ Năm, 08 Tháng 9 Năm 2011 21:11 |
Khách hàng của ông Tâm Trương là những người nổi tiếng trong giới thể thao, ca sĩ, và các xướng ngôn viên truyền hình...
Bởi đó là một khu thương mại nhỏ, chừng mươi tiệm, khá cũ kỹ nằm trên đường Goldenwest, gần góc Westminster. Ðưa mắt nhìn qua nhìn lại nhiều lượt, tôi mới phát hiện ra được cái bảng hiệu khiêm tốn của tiệm may Tam Tailor nằm phía trên lầu.Tiếp tôi tại tiệm chuyên may áo sơ mi và đồ veste, vào lúc 9 giờ sáng là một người đàn ông cao chừng 5 feet 6, ngoài 70, dáng gầy gầy, đeo kính gọng vàng, áo sơ mi xanh, quần kaki tươm tất. Ông có giọng nói nhỏ, tiếng người Quảng Nam, thân thiện.Người đàn ông đó chính là Tâm Trương, thợ may của không ít người nổi tiếng trong giới thể thao, ca sĩ, và các xướng ngôn viên truyền hình của đài số 4, số 9, như Edwin Moses, Jaret Wright, Rod Stewart, Eric Johnson, Will Downing, Emmanuel Lewis.
Tháng 10 năm 1980, ông Tâm “đăng ký” theo diện người Hoa để đi vượt biên, lấy tên là Trương Muối - đây cũng chính là lý do vì sao nhiều người Mỹ vẫn gọi ông là “Muoi”. Nhiều năm đầu ở Mỹ, ông vẫn mang tên trên giấy tờ là “Muối Trương”. Ðến khi vào quốc tịch, “Tôi mới đổi lại được thành Tâm Trương.”Gần một năm rưỡi ở trại tị nạn Hồng Kong, ông Tâm vẫn thể hiện khả năng may vá của mình bằng cách “lật đế chiếc dép lên làm bàn cắt, vô trạm xá xin kim chỉ của mấy người y tá, cùng những chiếc váy mà họ bỏ, rồi may thành quần short cho mấy anh thanh niên trong trại mặc”.“Bởi lúc đó có ai có đồ đạc gì đâu. Vậy mà mỗi ngày tôi cũng may tay như vậy được 2 cái đó.” Ông lại cười một cách thú vị khi nhớ lại chuyện xưa. Cơ may trên đất Mỹ Thợ may cho những người nổi tiếng
“Ði may như vậy, chú phải mang tất cả vải vóc, máy may, vật liệu theo à?” Phóng viên Người Việt hỏi.“Không. Thường thì mình đã có số đo trước, mình may mang theo. Ðến đó chỉ thử và chỉnh sửa, nếu cần thôi. Có khi đi đo rồi về may và gửi sang.” Ông cho biết.Những khách hàng nổi tiếng của mình, có người ông biết tên, có người không nhớ tên, ông chỉ có thể nhắc đến vài người tiêu biểu như Edwin Moses, Jaret Wright, Rod Stewart, Eric Johnson, Will Downing, Emmanuel Lewis, các thành viên của đội football Pittsburgh Steelers, v.v.Ông Tâm kể câu chuyện mà “trong đời nhớ hoài”.Một lần, có một người khách đến tiệm “mặc quần jean, áo thun, nhìn dơ lắm”. Vị khách nói có người giới thiệu anh ta tới, và xưng là Phil Ivey, vua đánh bạc.“Ổng hỏi có gì tốt không may cho ổng mấy chục bộ. Tôi đưa hàng tốt cho ổng xem mà trong bụng cứ nghi lắm. Ổng cứ biểu đo và may đi.” Ông kể.Khi nghe ông nói giá khoảng $2,000 cho một bộ, vị khách kêu may 10 bộ, “rồi đi mất tiêu”.“Tôi chẳng biết trời trăng mây gió gì. Thì cũng cứ đo thôi. Hai ngày sau, có người mang tiền đến. Tôi may xong, cũng chẳng biết đâu mà giao. Chỉ thấy là sau đó tự nhiên có người đến lấy. Tay chân bộ hạ của ổng đâu mà quá trời!” Ông cười.Có lần, “đùng một cái ông Phil Ivey này hỏi tôi có đi Las Vegas được không. Tôi nói được. Tôi mang theo hết các mẫu vải ra phi trường, có người của ổng lo hết mọi thứ. Ðến Las Vegas thì ra là có một tiệc của đó của gia đình ổng. Ðông lắm. Ổng kêu tôi đo may hết cho mọi người.”Ông Tâm kể, ông đo từ 5 giờ chiều đến gần 1 giờ sáng mới xong.“Lúc đó tôi muốn ngả nghiêng ngả ngửa rồi. Tôi tính hết $100,000. Ổng kêu nhiều quá. Tôi nói thôi thì muốn đưa bao nhiêu đưa. Ổng nói may vải thường thôi, và đưa tôi đâu sáu mươi mấy ngàn. Ổng kêu yên tâm đi ngủ, hôm sau ổng cho xe chở tôi về nhà.” Ông Tâm thích thú kể lại chuyện một trong những vị khách của mình.“Một bộ veste chú may đắt nhất bao nhiêu và rẻ nhất bao nhiêu?” Tôi hỏi.“Mắc nhất là $6,000, rẻ nhất mà tôi từng may là $650. Ðó là tôi chỉ may bằng nửa giá người ta thôi.” Chủ tiệm Tâm's tailor cho biết.“Người khách may nhiều nhất mỗi lần bao nhiêu bộ?” Tôi lại hỏi.“Cũng trên 20 chục bộ.” Vừa nói, ông Tâm vừa kéo ra một trong những quyển sổ đặt hàng của ông. Lướt nhìn sơ qua, tôi nhận thấy, một người khách may áo sơ mi đã đặt không biết bao nhiêu là mẫu vải, mà theo chủ tiệm, mỗi yard không dưới $40.Ông cũng chỉ tôi xem những mẫu vải có giá khoảng $300/yard, có loại rẻ hơn khoảng $150/yard dùng để may đồ veste. Có những loại đắt tiền có thể trên $1,000/yard.“Có ông ca sĩ muốn trên những sọc vải có thấp thoáng tên của ổng thì mình phải order vải, nhiều khi 3 tháng mới có.” Ông cho biết.Những chiếc áo đang treo tại tiệm chờ giao cho khách, ngoài miếng “mạc” tên tiệm đính bên trong phía trái áo, còn có thêm một mạc nữa, đính bên phải, là tên của chủ nhân chiếc áo.Khách của ông Tâm, ngoài giới thể thao, ca sĩ, còn lại là những luật sư, giáo sư, bác sĩ, những người buôn bán nhà. Ông chỉ vào những chiếc thùng giấy đặt đầy dưới nhà, nói, “Ðó là những hợp đồng may đồ.”
Ông Tâm nói qua về những kinh nghiệm mà người thợ may cần có như việc ngoài nhìn ra được cơ thể hình dáng người khách, còn phải biết khách mặc đồ vest đó cho chuyện gì. “May cho người trong ban nhạc, ca sĩ, khác với may cho ông giáo sư dạy học, khác với may cho ông luật sư hay những người làm xướng ngôn viên truyền hình.” Mỗi người mỗi nghề có những hoạt động, cử động, động tác khác nhau, phải mang cho thích hợp thì chiếc áo nhìn mới đẹp.“Ngoài chuyện may ra, chú còn có thú giải trí nào không?” Tôi tò mò.“Không có gì hết.” Ông trả lời ngay lập tức. “Ðầu tôi lúc nào cũng chỉ có ba cái vải sợi thôi.”Tuy nhiên, vài giây sau, người thợ may lại nói, “Thực ra tôi thích nghe tin tức. Nghe tin tức của Mỹ và đài Việt Nam thì nghe Ðỗ Dzũng ??? nói chuyện. Hôm nào ông Ðỗ Dzũng nói trên đài tôi cũng canh nghe. Hôm nào bị trễ, nghe không được thì thấy không vui.”Ông nói ông có 4 người con, nhưng không ai theo nghề ông hết. Ông cũng không nhận học trò nào hết vì “giờ đâu mà dạy”.Tiệm Tam Tailor mở cửa 7 ngày một tuần, “mở từ rất sớm và có khi đóng rất trễ đến 1, 2 giờ sáng” và “không cần biết đến ngày nào là lễ Tết gì hết”. Cho nên, chỉ trừ khi ông đi đo, thử quần áo cho khách ở những nơi xa, thì lúc nào ông cũng có mặt ở tiệm. Ðó là niềm vui của ông.“Vui nhất là sau khi chiếc áo hoàn tất, khách mặc vào rồi ngắm nhìn trong kiếng và cười. Lúc đó mình thấy vui lắm!” Ông thổ lộ.74 tuổi, người thợ may này chưa bao giờ nghĩ đến chuyện về hưu, “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện retire, làm đến khi nào chết thì thôi. Dân Quảng Nam, cô biết mà, người nào đã làm thì làm chết bỏ, làm đến chết thì thôi.”Có một điều ông Tâm nghĩ, “Tôi là một người Việt Nam, tôi chạy theo người Mỹ để kiếm đồng tiền, kiếm sự hiểu biết trên đất Mỹ. Giờ đây nước Mỹ này chỗ nào tôi cũng lội hết rồi, người nào tôi cũng biết rồi. Giờ tôi nghĩ thôi mắc rẻ gì bây giờ nên làm với người Việt cho vui.”Và qua hai người khách Việt đầu tiên, người thợ may nổi tiếng này nhận ra rằng, “May cho người Việt sao mà dễ đẹp quá!” |