Home Tin Tức Thời Sự Người giàu Trung Quốc muốn sống ở ngoại quốc

Người giàu Trung Quốc muốn sống ở ngoại quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: V.Giang   
Thứ Năm, 08 Tháng 9 Năm 2011 17:43

Thành phần giàu có nhất Trung Quốc nay ngày càng đầu tư nhiều ra ngoại quốc

BEIJING (AP) - Nhà triệu phú Trung Quốc tên Su này chuyên xây các tòa nhà cao tầng ở Bắc Kinh và là một trong những người có nhiều đóng góp vào việc thúc đẩy kinh tế Trung Quốc để tiến lên hàng lớn nhất thế giới.
 


Hình chụp một nhân viên trong văn phòng công ty ở Bắc Kinh chuyên giúp người Trung Quốc di cư sang Canada và Mỹ. (Hình: AP Photo/Alexander F. Yuan)
 

Ông thuộc thành phần hàng đầu của một quốc gia đang phát triển mạnh về kinh tế, với ảnh hưởng lan rộng ra khắp thế giới, sức mạnh quân sự đang bành trướng, những điều sẽ giúp quốc gia này chi phối thế kỷ 21.
 
Nhưng ông có mong ước cũng giống như những người khác thuộc thành phần mới giàu lên ở Trung Quốc: đó là chờ đợi ngày sang sống ở nước khác.
 
Những lý do ông Su đưa ra gồm có việc bảo vệ tài sản của mình, luôn phải dè dặt những gì phát biểu và muốn có đứa con thứ nhì, một điều phạm pháp ở Trung Quốc.
 
Thành phần giàu có nhất Trung Quốc nay ngày càng đầu tư nhiều ra ngoại quốc để có sổ thông hành của một quốc gia khác, hầu dễ dàng cho việc di chuyển khi làm ăn, nhưng cũng để có cơ hội ra sống ở ngoại quốc.
 
Mỹ là nơi thành phần giàu có Trung Quốc muốn đến nhiều nhất, do hệ thống giáo dục và y tế ở nơi này. Năm ngoái, có gần 68,000 người sinh ở Trung Quốc trở thành thường trú nhân ở Mỹ, chiếm khoảng 7% trong thành phần này và chỉ sau những người sinh ra ở Mexico. Canada và Úc cũng là hai quốc gia nhiều người Trung Quốc muốn đến ở.
 
Ðây là một phong trào đang làm cho thành phần lãnh đạo ở Trung Quốc phải lo lắng. Họ trông đợi sự phát triển kinh tế và nâng cao mức sống sẽ là lý do tạo ra chính nghĩa cho chế độ độc đảng này.
 
Nhưng dù có thêm tự do kinh tế, chính quyền cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì sự kiểm soát chặt chẽ lên các lãnh vực khác trong đời sống người dân. Và chế độ độc tài cũng không giải quyết được những vấn đề tồn tại lâu nay như ô nhiễm, thực phẩm nhiễm độc và hệ thống y tế yếu kém.
 
“Ở Trung Quốc, người ta không làm chủ cái gì cả. Cũng giống như mua căn nhà. Quý vị mua căn nhà nhưng nó sẽ là của nhà nước 70 năm sau đó,” ông Su than phiền.
 
“Nhưng ở ngoại quốc, sau khi mua căn nhà, nó sẽ mãi mãi là của mình,” ông nói. “Cả giới doanh gia lẫn giới chức chính quyền đều giống nhau ở điểm này. Họ đều lo ngại về sự an toàn của tài sản họ.”
 
Leo Liu, thuộc công ty tư vấn di cư Goldlink có trụ sở ở Bắc Kinh, cho hay công ty thấy có sự gia tăng trong số người giàu có ở Trung Quốc muốn ra sống ở ngoại quốc, nhất là Canada, trong 15 năm qua kể từ khi công ty thành lập.
 
Theo ông Liu, các lý do chính khiến người ta muốn ra sống ở ngoại quốc vì giáo dục cho con cái và vì hệ thống y tế tốt hơn. Một số muốn đi vì họ giàu có nhờ các hành vi bất chính, như giới chức chính quyền tham nhũng và giới doanh gia, trong khi những người khác lại thèm muốn đời sống của những người đã di cư sang Mỹ.
 
“Họ muốn có thẻ xanh dù rằng nhiều người trong số này vẫn còn có cơ sở doanh nghiệp ở Trung Quốc,” ông Liu nói. “Họ có thể đưa vợ con ra ngoại quốc và tiếp tục làm ăn ở nơi đây.”
 
“Có được sổ thông hành ngoại quốc cũng giống như mua bảo hiểm,” theo lời Rupert Hoogewerf, người lập danh sách giới giàu có ở Trung Quốc, mang tên Hurun Rich List, cũng giống như danh sách của Forbes.
 
“Nếu có bất ổn chính trị hay có điều gì bất ngờ xảy ra ở Trung Quốc - vì đây là một nước lớn, nếu có điều gì nguy hiểm, họ đã có sẵn sổ thông hành để ra ngoại quốc. Ðây là tấm lưới an toàn nữa cho họ.”
 
Trong số khoảng 20,000 người Trung Quốc với tài sản cá nhân trị giá ít nhất 100 triệu yuan (khoảng $15 triệu) đã có khoảng 27% ra sống ở nước ngoài và 47% đang tính tới chuyện này, theo một bản báo cáo của ngân hàng Trung Quốc China Merchants Bank và công ty tư vấn Mỹ Bain & Co. công bố hồi Tháng Tư vừa qua.
 
Có gần 60% những người được hỏi nêu ra lý do lo ngại về giáo dục của con cái họ để giải thích việc muốn ra đi.
 
Một nhà triệu phú khác trong kỹ nghệ than, nói rằng lý do khiến ông muốn di cư sang Mỹ là vì hệ thống giáo dục ở Trung Quốc, chỉ đào tạo được các học sinh biết cách thi cho đậu nhưng không có khả năng khi làm việc. Ông dự trù đưa đứa con 7 tuổi sang Mỹ sau khi đứa bé tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp từ một trường quốc tế ở Bắc Kinh, nơi các học sinh được dạy bằng tiếng Anh.
 
“Nước Mỹ có nền giáo dục tốt và hệ thống y tế tuyệt vời,” theo lời nhà triệu phú 39 tuổi này, người có ba căn nhà ở Trung Quốc và với tài sản trị giá khoảng $5 triệu. “Ðó là lý do tại sao chúng tôi trông đợi được đến đó.”
 
Các lý do khác được nêu trong bản nghiên cứu của Merchants Bank gồm có việc bảo vệ tài sản, chuẩn bị nghỉ hưu, có thêm con và dễ dàng trong việc làm ăn trên thị trường ngoại quốc.
 
Cùng với làn sóng di cư này là việc ào ạt đổ tiền ra ngoại quốc dù rằng nhà nước Trung Quốc đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Bản nghiên cứu cho hay người giàu ở Trung Quốc, được kể là những người có tài sản riêng hơn 10 triệu yuan, hiện có khoảng 3.6 ngàn tỉ yuan (khoảng $564 tỉ) đầu tư ở ngoại quốc.
 
“Nền kinh tế Trung Quốc nay giống như một ống phễu (quặng) khổng lồ,” theo lời Zhong Dajun, giám đốc trung tâm nghiên cứu tư nhân Dajun Center for Economic Observation & Studies ở Bắc Kinh.
 
Ông Zhong cho hay phần lớn các giới chức chính quyền tham nhũng chuyển toàn bộ tài sản ra ngoại quốc vì kiếm được do các hành vi bất chính và sợ hãi sẽ bị tịch thu.
 
Ông Su dự trù sẽ ở lại Trung Quốc và tiếp tục xây các căn chung cư cao tầng cùng các tòa nhà văn phòng thêm 10 năm nữa vì sợ rất khó để thành công khi ra nước ngoài.
 
Bà vợ của ông hiện đang ở Mỹ, sắp sinh đứa con thứ nhì. Theo chính sách một con của Trung Quốc, vốn đã có từ ba thập niên nay, có đứa con thứ nhì có thể sẽ bị phạt vạ rất nặng. Ở Bắc Kinh, tiền phạt có thể gấp 3 đến gấp 10 lần mức thu nhập trung bình, nghĩa là có thể lên đến 250,000 yuan (khoảng $40,000).
 
Khi ăn tối trong căn phòng đặc biệt dành cho đại gia ở một nhà hàng tại Bắc Kinh, ông Su nói, “điều kiện sống ở ngoại quốc tốt hơn, như ở các khu dân cư, an toàn thực phẩm và giáo dục.” Hạ thấp giọng, ông nói điều mà nhiều người giàu có ở Trung Quốc đều lo sợ về chế độ độc tài nơi đây: “Ai cũng biết, ở ngoại quốc có tự do và công lý hơn.”