Home Tin Tức Thời Sự Hợp tác dầu khí Manila - Bắc Kinh ở Trường Sa : Môi trường bị đe dọa

Hợp tác dầu khí Manila - Bắc Kinh ở Trường Sa : Môi trường bị đe dọa PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Nghĩa   
Thứ Ba, 06 Tháng 9 Năm 2011 10:06

 Việc khai thác mỏ dầu sẽ tàn phá hệ sinh thái quần đảo Trường Sa


Việc khai thác mỏ dầu sẽ tàn phá hệ sinh thái quần đảo Trường Sa(DR)

Giới bảo vệ môi trường tại Philippines cảnh báo : thỏa thuận cùng thăm dò dầu khí với Trung Quốc sẽ hủy diệt quần đảo Trường Sa. Trong những ngày qua, thông tin đã rộ lên về việc hai chính quyền Manila và Bắc Kinh vừa đạt thỏa thuận về việc đồng khai thác dầu khí tại vùng Trường Sa đang tranh chấp giữa hai bên.

Cho dù khả năng này chưa được xác nhận chính thức, nhưng vào hôm qua, 05/09/2011, nhiều chuyên gia tại Philippines đã lên tiếng lo ngại về nguy cơ môi trường khu vực quần đảo này bị hủy hoại nếu thỏa thuận thăm dò dầu khí Trung – Phi được thực hiện.

Theo nhật báo Philippine Daily Inquirer, số ra hôm nay, thì dự án giữa Trung Quốc và Philippines nhằm cùng nhau tìm kiếm dầu khí trong vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa, nằm trong số các thoả thuận đã được đúc kết nhân chuyến công du Trung Quốc trong tuần qua của Tổng thống Philippines Benigno Aquino.

Theo thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines, ông Cristino Panlilio, thì chính quyền Manila đã cho phép tập đoàn dầu khi quốc gia Trung Quốc Sino Petroleum tiến hành một cuộc thăm dò dầu khí trong vùng biển tranh chấp.

Xin nhắc lại là ngoài Trung Quốc và Philippines, còn có Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trên một phần hay toàn bộ khu vực Trường Sa. Do vậy, nếu thỏa thuận nói trên được chính thức xác nhận, sự vụ đó chắc chắn sẽ bị các nước khác đang tranh chấp chủ quyền tại vùng Trường Sa phản đối. Trước mắt thì giới bảo vệ môi trường là thành phần lên tiếng phản đối trước tiên.

Trả lời báo Philippine Daily Inquirer, Tiến sĩ Perry Aliño, thuộc Viện Khoa học biển Philippines, cho rằng môi trường vùng quần đảo Trường Sa cần phải được quản lý một cách thích hợp để khỏi gây hại cho các sinh vật biển rất đa dạng trong vùng.

Sở dĩ Tiến sĩ Aliño phải lo ngại, đó là vì phía Trung Quốc không quan tâm nhiều đến việc bảo vệ mội trường. Ông cho biết là từng có một đề nghị biến Trường Sa thành một vùng bảo tồn biển quốc tế, đặt dưới quyền giám sát của Hiệp hội Đông Nam Á ASEAN. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị Bắc Kinh bác bỏ vì lẽ “Họ khẳng định quần đảo Trường Sa là của riêng họ”.

Ông Jose Ma. Lorenzo Tan, giám đốc điều hành của Quỹ Thế giới Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), chi nhánh tại Philippines, cũng tỏ ý thất vọng về thỏa thuận đồng thăm dò dầu khí Philippines – Trung Quốc, xem đấy là một hành vi “bán đứng” khu vực. Đối với ông, trong thời gian qua, đã có những nỗ lực nhằm bảo vệ môi trường sinh thái của vùng quần đảo Trường Sa, thế nhưng những cố gắng đó chỉ có trên giấy tờ mà thôi.

Sau cùng, Mạng lưới bảo vệ môi trường mang tên Kalikasan People’s Network for the Environment cũng chỉ trích kế hoạch của chính phủ muốn cùng với Trung Quốc khai thác các mỏ dầu trong khu vực, xem đấy là một đòn giáng mạnh vào cố gắng bảo tồn sự đa dạng sinh học của khu vực.