Cam Bốt tiết lộ cuộc đàm phán bí mật với Thái Lan về khai thác dầu khí tại vùng biển tranh chấp |
Tác Giả: Phạm Phan / Đức Tâm |
Thứ Sáu, 02 Tháng 9 Năm 2011 20:48 |
Người dân Cam Bốt hân hoan khi đất nước mình có nhiều dầu khí Thủ tướng Kuwait Nasser al-Mohammad al-Sabah từng đến Phnom Penh vào năm 2008 để thảo luận về khả năng khai thác dầu của Cam Bốt. Ngày 30/8/2011, Ủy Ban Dầu Khí Quốc Gia Cam Bốt ra thông báo về một cuộc thương thảo bí mật giữa chính quyền Hun Sen và chính quyền Abhisit vừa mãn nhiệm tại Thái Lan, để phân ranh vùng biển tranh chấp. Giới quan sát coi đây là một cuộc tấn công mới của Phnom Penh, hơn một tuần sau khi báo chí Thái chỉ trích toan tính viếng thăm Phnom Penh của cựu Thủ Tướng Thaksin có liên hệ đến chuyện hợp tác để khai thác dầu. Theo Thông tín viên Phạm Phan tại Phnom Penh, dù cho chuyến đi của ông Thaksin đến Phnom Penh chưa thực hiện được, sự kiện phía Cam Bốt mới đây tung ra thông báo của Ủy Ban Dầu Khí Quốc Gia cho thấy đó là một hình thức đáp trả không kém phần cứng rắn nhắm vào dư luận Thái. Theo thông báo thì đã có nhiều cuộc họp cấp cao giữa chính quyền Hun Sen và chính quyền Thái trước đây do ông Abhisit cầm đầu nhằm thảo luận hướng giải quyết cách phân ranh vùng biển tranh chấp giữa hai nước mà có nhiều dữ kiện cho biết chứa rất nhiều dầu khí. Các cuộc họp bí mật trong quá khứ diễn ra tại các địa điểm như tỉnh Kandal thuộc Cam Bốt, thành phố Côn Minh - tỉnh Vân Nam ở Trung Quốc, và tại Hồng Kông trong thời gian từ tháng 6 năm 2009 đến tháng 7 năm 2010. Các giới chức tham dự phiên họp bao gồm Thủ Tướng Hun Sen, Phó Thủ Tướng Sok An, về phía Thái có Phó Thủ Tướng Suthep Thaugsuban và cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Pravit Wongsuwan.
Riêng về Phó Thủ Tướng Suthep Thaugsuban vào thời điểm diễn ra thương thảo đã chứng tỏ một thái độ rất mong muốn giải quyết vấn đề này trong thời gian ông Abhisit còn tại chức và chính ông Abhisit đã chỉ thị cho ông Suthep Thaugsuban các công việc cần thảo luận.
Phản ứng về việc Cam Bốt tiết lộ bí mật các cuộc thương thảo Một ngày sau khi Ủy Ban Dầu Khí Quốc Gia Cam Bốt đưa ra bản thông báo thì tại Bangkok, trên báo mạng Bangkok Post cho đăng lời chối bỏ của cựu Phó Thủ Tướng phụ trách an ninh ông Suthep Thaugsuban. Theo ông Suthep: không có cuộc họp bí mật nào diễn ra giữa ông và ông Sok An để bàn về những lợi ích có được trong vùng biển chưa phân định trên lãnh hải hai nước.
Sau đó ông Hun Sen nói ông Suthep hãy gặp ông Sok An để có những cuộc trao đổi thêm về nhiều vấn đề.
Và ngày hôm nay 2/9, Thủ Tướng Yingluck đã yêu cầu Bộ Ngoại Giao cho điều tra về các cuộc họp mật này.
Còn theo ông Christopher Larkin, giám đốc quản trị của cơ quan tư vấn về rủi ro chính trị ở Châu Á nói vấn đề vùng biển tranh chấp không được ưa thích trong công luận Thái và bất cứ thỏa hiệp nào về việc này có thể dẫn đến rủi ro chính trị, do vì công chúng sẽ tố cáo chính quyền đã bán hết cho Cam Bốt. Liệu rằng lợi ích từ việc khai thác dầu khí sẽ mang lại cho người dân Cam Bốt nhiều quyền lợi ? Năm 2007, khi công ty Chevron công bố kết quả sau hai năm khoan thử 6 địa điểm và khám phá có nhiều dầu tại 5 địa điểm thuộc vùng biển Nam Cam Bốt, nhiều tin tức phấn khởi loan đi khắp xứ Chùa Tháp và khu vực, họ coi xứ Chùa Tháp như một quốc gia mới nhất có được nguồn dầu khí với trữ lượng rất lớn. Theo các dữ kiện của Liên Hiệp Quốc và Ngân Hàng Thế Giới cũng như nhiều định chế uy tín khác cho biết sau thời gian nghiên cứu thì mỏ dầu Cam Bốt có trữ lượng đến 2 tỷ thùng và 10.000 tỷ mét khối khí đốt. Với trữ lượng đồ sộ này, hàng năm Cam Bốt sẽ thu về được 6 tỷ Mỹ Kim. Cũng cần ghi nhớ rằng, vùng biển đang tranh chấp với Thái chỉ là một phần thuộc lãnh hải Cam Bốt nằm ở phía Nam quốc gia này có vùng duyên hải chạy từ tỉnh Kampot sát Hà Tiên đến biên giới Thái. Sau khi tin Cam Bốt có dầu được loan truyền thì nhiều công ty lớn trên thế giới như của Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Úc, Pháp, Nhật, Kuwait đến Phnom Penh chờ đợi ký hợp đồng khai thác. Nhưng cũng có nguồn tin thận trọng nhìn về tình hình Cam Bốt khi liên hệ kinh nghiệm khai thác dầu tại Nigeria. Ở đất nước Phi Châu này, dầu được khai thác từ thập niên 1970, và cho tới nay nó đã mang lại số lợi nhuận khổng lồ trên 400 tỷ Mỹ Kim, thế nhưng dân vẫn nghèo đói và quốc gia phải mang món nợ 30 tỷ Mỹ Kim do sự quản lý kém và tệ nạn tham nhũng. Người dân Cam Bốt hân hoan khi đất nước mình có nhiều dầu khí, một kho báu dưới đáy biển mà thiên nhiên ban tặng cho. Điều còn lại là cuộc sống của đa số dân nghèo có được cải tiến hay không? Khi khai thác tài nguyên thiên nhiên của quốc gia, lợi nhuận thu được có phân bố đều trong xã hội hay không để cuộc sống mọi người dân được nâng cao?
|