Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất đại sứ Israel |
Tác Giả: BBC |
Thứ Sáu, 02 Tháng 9 Năm 2011 08:48 |
Thổ Nhĩ Kỳ muốn Israel phải xin lỗi về vụ bố ráp, nhưng nước này từ chối.
Một số nhà hoạt động trên tàu Mavi Marmara đã chống trả khi lực lượng commando Israel ập lên. Thổ Nhĩ Kỳ quyết định trục xuất đại sứ Israel, sau khi các chi tiết được đưa ra từ một bản phúc trình của Liên hợp quốc về vụ bố ráp chết người hồi năm ngoái trên đoàn tàu tiếp vận tới Gaza. Các quan chức tại Ankara cũng tạm ngưng toàn bộ các thỏa thuận quân sự đang có với Israel. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói rằng một số kết quả tìm hiểu được đưa ra trong bản phúc trình, vốn bị lộ ra cho tờ New York Times, là không thể chấp nhận được. Thổ Nhĩ Kỳ muốn Israel phải xin lỗi về vụ bố ráp, nhưng nước này từ chối. Chín nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Palestine đã bị giết chết khi các lực lượng Israel tấn công vào đoàn thuyền hồi tháng 5/2010. Có mặt tại Istanbul, phóng viên BBC Jonathan Head nói quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã bị đóng băng kể từ sau vụ tấn công năm ngoái, nhưng nay mối quan hệ này đang bị đưa xuống mức thấp nhất. Theo bản sao bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc bị rò rỉ, các lực lượng Israel đã dùng vũ lực quá mức khi chặn đoàn tàu do người Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu, khi đó đang tìm cách phá vỡ lệnh phong tỏa Gaza của Israel. Tuy nhiên, bản phúc trình cũng kết luận rằng việc Israel phong tỏa đường biển đối với Gaza là hợp pháp, điều khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố việc trục xuất đại sứ Israel vài giờ trước khi bản phúc trình dự kiến sẽ được công bố. Tổng thống nước này, Abullah Gul nói rằng bản phúc trình là "vô hiệu, vô giá trị đối với chúng tôi", hãng tin AFP đưa tin. Hôm thứ Năm, ông Davutoglu nói rằng bản phúc trình của LHQ là "hạn chót" để Israel nói lời xin lỗi. Hamas, nhóm dân quân hiện đang kiểm soát khu vực Dải Gaza, đã hoan nghênh bước đi của Thổ Nhĩ Kỳ. Phát ngôn viên Sami Abu Zuhri nói: "Đây là phản ứng tự nhiên trước tội ác của Israel đối với đoàn thuyền tự do." Trong bản sao được rò rỉ cho New York Times, bản phúc trình viết: "Thổ Nhĩ Kỳ và Israel nên nối lại quan hệ ngoại giao đầy đủ, hàn gắn quan hệ song phương vì sự bình ổn ở vùng Trung Đông và vì hòa bình, an ninh quốc tế." Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi đại sứ của mình tại Israel ngay sau cuộc bố ráp và đã hủy các hoạt động tập trận chung. Việc công bố bản phúc trình đã bị trì hoãn nhiều lần, trong nỗ lực khuyến khích hai bên hòa giải. Tuy nhiên, mục tiêu này đã không đạt được. |