Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 2 tháng 9 Năm 2011 |
Tác Giả: Lê Phước |
Thứ Sáu, 02 Tháng 9 Năm 2011 08:33 |
Tự ứng cử vào các hội đồng địa phương : Con đường đấu tranh mới ở Trung Quốc
Dân làng Trung Quốc nhân một cuộc bầu cử hội đồng thôn xã gần Bắc Kinh ngày 18/06/2010. Ảnh minh họa. Mô hình phát triển chạy theo chỉ tiêu của Trung Quốc đã kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Thời gian gần đây, tức nước vỡ bờ, nhiều người đã lên tiếng đấu tranh, với ý định không phải là để lật đổ chế độ, mà là để cải thiện tình hình. Trong nhiều con đường đấu tranh, có người đã chọn giải pháp tự ứng cử vào các cơ quan dân biểu địa phương. Nhật báo Le Monde phân tích sự việc qua bài viết : « Giới li khai Trung Quốc tìm đường đấu tranh ở các cuộc bầu cử xã phường ». Tại Trung Quốc, theo Liberation, việc bỏ phiếu này chỉ mang tính hình thức. Theo luật, người trên 18 tuổi có quyền tự ứng cử với tư cách là đại biểu độc lập dưới điều kiện là phải có 10 chữ ký tín nhiệm của cử tri. Bầu cử hội đồng nhân dân địa phương ở Trung Quốc được tổ chức 5 năm một lần, và lần này diễn ra trong năm 2011. Từ tháng 4 đến nay, đã có hơn 100 người tự ứng cử. Họ cũng tiến hành các hoạt động tranh cử theo đúng luật : phát truyền đơn, thảo luận trên các trang mạng xã hội, đọc diễn văn trước công chúng, phát áo có khẩu hiệu tranh cử… Libération nhấn mạnh : Đúng là một hiện tượng chưa từng thấy ở Trung Quốc. Một nhà báo tự ứng cử tại Bắc Kinh cho biết : « Hiện tại, các vấn đề xã hội được xử lí kín, người dân không được tham gia, việc đó kéo theo tình trạng ngày càng xuất hiện nhiều xung đột xã hội đậm màu bạo lực. Vì thế, tại Trung Quốc, chúng ta đang cần một nền dân chủ đại diện thật sự ». Chương trình tranh cử của nhà báo trên là cải thiện chính sách đô thị hóa ở địa phương mình. Thế nhưng, anh cho biết, mục đích thật sự là muốn biết liệu một ứng cử viên độc lập có thể đắc cử hay không. Liberation cho hay, anh còn phải vượt qua nhiều chướng ngại nữa mới có thể trở thành ứng cử viên chính thức. Khâu quan trọng nhất để trở thành ứng viên chính thức, là phải được một ủy ban bầu cử nhà nước công nhận tư cách đại biểu. Cơ hội trúng cử rất mỏng manh. Từ tháng tư đến nay, hầu như toàn bộ 100 ứng cử viên độc lập tuyên bố tranh cử đã lần lượt bị xóa tên với nhiều lí do khác nhau. Trường hợp gần đây nhất liên quan đến giám đốc của một tổ chức phi chính phủ. Người đàn ông 35 tuổi này vốn là đảng viên. Anh tự ứng cử vào hội đồng nhân dân của một phường tại Quảng Đông. Do là đảng viên, nên mọi người tưởng rằng anh sẽ được ưu ái. Thế nhưng, ủy ban bầu cử địa phương đã không thông qua trường hợp của anh, vì cho rằng chỉ tiêu ứng cử viên là đảng viên nam đã đủ. Sau đó, anh còn hứng chịu nhiều đe dọa từ phía chính quyền. Trên trang Blog cá nhân của mình, người đàn ông này kể rằng chính quyền đã gây sức ép buộc 19 người rút tên. Còn tại Thượng Hải, một nhà văn kiêm nhà kinh doanh, sau khi tuyên bố tự ứng cử, đã phải rút tên do công ty của người này liên tiếp được quan chức ngành thuế và thanh tra « chiếu cố ». Liberation còn dẫn ra nhiều minh chứng khác cho thấy đủ hình thức « khủng bố » của nhà nước buộc ứng viên độc lập rút tên. Thậm chí có khi còn bắt bớ vô cớ. Dù vậy, tờ báo cho hay, đây đó vẫn diễn ra các buổi mít tinh tranh cử. Trong một buổi như vậy, có khoảng 50 người đến vào chiều chủ nhật để nói chuyện dân chủ. Một ứng viên độc lập là giáo sư đại học chia sẻ với người ủng hộ : « Chúng ta thuộc giai cấp bị trị, hành động và suy nghĩ của chúng ta thường rụt rè vì chúng ta có tập quán hành động để làm hài lòng kẻ thống trị. Đừng bận lòng đến nhưng đe dọa của chính quyền. Để hưởng được quyền cần phải đấu tranh ». Trở lại trường hợp của nhà báo ở Bắc Kinh nêu trên, người này cũng chịu những áp lực. Chính quyền đã cảnh báo anh này không được trả lời phỏng vấn hay phát truyền đơn. Như để phác họa hậu quả đến từ hành động « bài trừ » ứng viên độc lập bằng những phương cách « hậu đài » của chính quyền, Liberation dẫn lại đoạn đối thoại của nhà báo này với một cử tri. Trước đám đông ủng hộ, một cử tri hỏi anh : « Ông sẽ làm gì nếu chính quyền không thông qua tư cách ứng cử viên chính thức cho anh ? Hoặc là việc kiểm phiếu bị gian lận ? » . Anh đã trả lời : « Đó sẽ không phải là một thảm kịch cho riêng tôi, mà là cho đất nước Trung Quốc ». Hàn Quốc thay bộ trưởng thống nhất để làm dịu căng thẳng nam bắc ? Cách đây hai ngày, tổng thống Hàn Quốc đã bổ nhiệm ông Yu Woo-ik làm bộ trưởng thống nhất đặc trách vấn đề triều tiên. Đâu là mục đích của sự thay đổi này ? Nó sẽ có tác dụng ra sao ? Nhật báo Le Monde góp phần giải mã với bài viết : « Thông điệp của Séoul gửi cho Bình Nhưỡng báo hiệu sự nối lại đàm phán giữa hai huynh đệ trong thế kẻ thù ». Le Monde cho rằng, việc thay thế này chứng tỏ tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak muốn phát tín hiệu « nhún nhường », bởi vị tân bộ trưởng thống nhất vốn từng là đại sứ Hàn Quốc tại Trung Quốc, và được xem là « mềm dẻo » hơn so với người tiền nhiệm, ông Hyun In-taek. Nên nhớ rằng, ông Hyun là người theo đường lối cứng rắn trong quan hệ với Bắc Triều tiên. Le Monde nhận xét, ông Huyn đã thực hiện chính sách « treo giá ngọc » với phía Bắc. Chính sách này mang tính « có đi có lại », không chấp nhận « mọi cách ứng xử sai trái », đã không được lòng phía Bắc. Từ bốn năm nay, quan hệ hai miền Triều Tiên ngày càng xấu đi, với cao trào căng thẳng là vụ miền bắc bị nghi đánh chìm tàu Cheonan của miền nam hồi tháng 3/2010, rồi vụ miền bắc cho nã pháo vào một đảo của miền nam hồi tháng 9/2010. Trong bối cảnh đó, nhiều người lo ngại giữa hai miền sẽ có cuộc đối đầu mới. Một chuyên gia tại Séoul cho biết, thời gian qua, quan hệ hai miền đã xấu đến mức dư luận cho rằng chính tổng thống Lee Myung-bak là « thủ phạm ». Rồi ngày 21/8 này, một dấu hiệu căng thẳng mới đã xuất hiện khi miền bắc cho phong tỏa toàn bộ tài sản của Hàn Quốc tại khu nghỉ dưỡng núi Kim Cương, và ra lệnh cho toàn bộ người Hàn Quốc phải rời khỏi khu vực này. Gần đến ngày bầu cử tổng thống, và tiếp sau đợt vận động ngoại giao cho việc nối lại vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, tổng thống Lee Myun-Bak muốn thông qua việc thay bộ trưởng này để mở ra một khả năng nối lại đối thoại với miền bắc. Bên cạnh đó, ông Lee làm việc này cũng để lấy lòng dân vì hiện tại tỷ lệ tín nhiệm trong dân của ông giảm xuống chỉ còn 33%. Hơn nữa, trước đó, các đảng đối lập đã yêu cầu tổng thống thay bộ trưởng Thống nhất. Thậm chí ngày 29/8, ông Hong Joon-pyo, chủ tịch đảng Đại Quốc Dân Đảng Hàn Quốc của tổng thống Lee cũng có yêu cầu tương tự. Một gương mặt nặng ký của đảng cầm quyền là bà Park Geun-Hye (con gái cựu tổng thống Park Chung-hee bị ám sát năm 1979) kêu gọi một chính sách dựa trên « sự tin tưởng lẫn nhau » với miền bắc. Nhật báo Chosun cũng nhận định rằng chính sách đối với Bắc Triều Tiên lâu nay của tổng thống Lee đã không mang lại hiệu quả tốt. Trở lại vị bộ trưởng mới Yu Woo-ik, Le Monde nhận định, do ông này từng là đại sứ Hàn Quốc tại Trung Quốc nên đã quá quen với chính sách của Trung Quốc. Bởi thế, trong tương lai, ông sẽ khiến Hàn Quốc có thái độ mềm dẻo hơn đối với Bắc Triều Tiên. Một nguồn ngoại giao phương tây cũng chia sẻ quan điểm của ông khi cho rằng, dù không có sự chuyển hướng, thì ít ra tình hình cũng sẽ được cải thiện. Mục đích dầu hỏa của cuộc chiến Libya ngày càng lộ rõ Hội nghị tái thiết Libya thời hậu Kadhafi đã diễn ra vào hôm qua tại Paris với sự tham dự của hơn 60 nước, theo đề nghị của tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Hội nghị bàn về tương lai dân chủ của Libya hay về tương lai các hợp đồng dầu hỏa và khí đốt ? Câu hỏi này làm tốn nhiều giấy mực của báo giới Pháp hôm nay. La Croix, Liberation, Le Monde, Les Echos, Le Figaro và L’Humanité đều dành bài thông tin về hội nghị 1/9 tại Paris với những phân tích về lợi ích kinh tế của các nước « chiến thắng » thời hậu chiến. Thế nhưng, đáng chú ý và súc tích nhất là bài đăng trên nhật báo cộng sản L’Humanité dưới dòng tít : « Mùi dầu hỏa phủ trùm hội nghị Paris ». « Mỹ ý » thực sự của Pháp đối với Libya có lẽ không gì rõ hơn qua câu nói của ngoại trưởng Pháp Alain Juppé : « Hội đồng chuyển tiếp Libya (CNT) đã chính thức tuyên bố rằng trong quá trình tái thiết, hội đồng này sẽ có cách đối xử ưu ái đối với các nước đã từng ủng hộ mình ». Ông Juppé cho rằng, quyết định này của CNT là « hợp lí và đúng đắn ». Không chậm trễ, Hiệp hội chủ nhân Pháp (Medef) và Phòng Thương mại Pháp-Libya sẽ tổ chức một hội nghị các doanh nghiệp Pháp tại Paris vào ngày 6/9 để bàn về các dự án của CNT. Trong khi đó, tháng 10 tới, hãng Total và nhiều công ty Pháp sẽ đến Libya. Trong cuộc chạy đua vào thị trường béo bở này, Qatar đã chọn dầu hỏa Libya từ ngày 27/3, tức chỉ 8 ngày sau khi NATO bắt đầu tham chiến, trong lúc mà CNT đã chọn giả thuyết sẽ cho khai thác tách biệt dầu hỏa ở vùng Cyrenaique (đông Libya) và vùng Tripolitaine (đông Libya). Cụ thể là, tổng công ty dầu khí quốc gia của Qatar là Qatar Petroleum đã ký thỏa thuận với CNT về việc giao dịch dầu hỏa trong vùng do quân nổi dậy kiểm soát. L’Humanité đánh giá, Mỹ và Anh, do giữ vai trò chính yếu trong việc ủng hộ quân nổi dậy, nên hai nước này không có gì phải lo lắng. Trong khi đó, Ý từng do dự nên cũng có nhiều quan ngại. Dưới thời ông Kadhafi, tập đoàn dầu hỏa ENI của Ý là nhà khai thác dầu hỏa nước ngoài lớn nhất tại Libya. Ngay sau khi Tripoli thất thủ, chủ tịch tập đoàn này đã lập tức đích thân đến Libya. Bên cạnh đó, Nga và Trung Quốc cũng lo bảo toàn lợi ích kinh tế của mình. Hai nước này không tham chiến tại Libya, hơn nữa lại còn vắng mặt, khi thông qua và liên tiếp lên tiếng phản đối nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an. Thế nhưng, ngân sách của CNT đang trống rỗng, việc giải ngân các khoản tiền của Libya bị quốc tế phong tỏa là hết sức cấp bách. Nếu Trung Quốc và Nga dùng quyền phủ quyết, thì Hội đồng Bảo an sẽ không thể thông qua nghị quyết cho giải ngân tài sản Libya bị phong tỏa , ước tính lên đến 160 tỷ đô la. Theo L’Humanité, các vấn đề của thời hậu Kadhafi như chia chiếc bánh dầu hỏa và khí đốt, chia phần thị trường phục vụ tái thiết, thành lập và trang bị cho một quân đội chuyên nghiệp…dĩ nhiên là không được đề cập đến tại Hội nghị Paris. Tuy vậy, nó đã là đối tượng của một « cuộc chiến đấu thầm lặng » giữa những nước chiến thắng. Pháp được nhiều lợi ích kinh tế từ cuộc chiến Libya Phân tích chi tiết hơn về trường hợp của Pháp, L’Humanité cho rằng, chỉ trong vòng vài tháng, chính phủ Pháp đã cử quân đến tham chiến ở hai chiến trường (Côte d’Ivoire và Libya) với cùng một « cớ » : Lí do nhân đạo. Thế nhưng, tờ báo nhắc lại, nhân dân Syria và Libya đã chịu đựng chế độ độc tài từ lâu đời, trong khi đó, ông Sarkozy đã từng tiếp đón nồng hậu tại Paris hai ông Assad và Kadhafi. Rồi sau đó ông Sarkozy thay đổi quan điểm và trở thành người tích cực nhất trong việc ủng hộ phe nổi dậy tại Libya. Tại sao thế ? L’Humanité nhắc lại thỏa thuận bí mật vừa được báo giới tiết lộ hôm qua giữa CNT và Pháp, theo đó, sau khi giành được chính quyền, CNT sẽ dành 35% dầu thô khai thác được cho Pháp, đổi lại là việc Pháp công nhận và ủng hộ CNT tại Hội đồng Bảo an. Như vậy, ý định thật sự của Pháp là gì đã lộ rõ. Tờ báo nhận định, kiểu hiếu chiến mới này của Pháp có thể mang mục tiêu chính trị, đó là muốn khai thác tài nguyên các nước và mưu toan bắt mọi ý định dân chủ của các dân tộc phục vụ cho lợi ích kinh tế. Thêm vào đó, vừa rồi, tổng thống Sarkozy còn không ngại đe dọa Iran và Syria. L’Humanité kết luận : sự giúp đỡ « cho người dân Libya đang trong vòng tử địa » theo lời của tổng thống Pháp Sarkozy, sặc mùi dầu hỏa. Trong khi tình hình Libya còn chưa ổn định, thì tổng thống Sarkozy lại nghĩ đến việc « mang lửa đến xứ người ». Việt Nam là quốc gia bị cúm gia cầm đe dọa nhiều nhất Cuối cùng là một thông tin y tế đáng chú ý được đăng tải trên nhật báo Le Monde : Tổ chức nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cảnh báo nguy cơ tái xuất hiện dịch cúm gia cầm và hiện tượng một thể đột biến của vi rút H5N1 đang phát tán tại Châu Á. Từ khi xuất hiện vi rút cúm H5N1 đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới đã thống kê được 565 ca nhiễm ở người , trong đó có 331 ca tử vong. Trường hợp tử vong gần đây nhất là ở Cam Bốt hồi đầu tháng 8 vừa qua. Le Monde cho hay, H5N1 có mặt thường trực ở 6 nước : Bangladesh, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Indonésia và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam là nước bị nặng nhất. Ngày 4/8 rồi, Việt Nam đã phát hiện đến 5 ổ dịch H5N1. Cũng như các dòng vi rút cúm A, có thể gây bệnh trên người, heo hay gia cầm, vi rút H5N1 tồn tại nhờ đột biến gien. Tại Việt Nam, đã phát hiện một dòng vi rút đến từ vi rút H5N1 đã đột biến gien và có tên khoa học là « nhánh 2.3.2.1 ». Vắc xin sử dụng cho H5N1 không hiệu quả với loại mới này. Hiện tại, theo các chuyên gia, có hai cách xứ lý cúm gia cầm : tiêm ngừa hoặc cho thiêu hủy hàng loạt các gia cầm bị bệnh. Những nước có điều kiện thì cho thiêu hủy đền bù, nhưng các nước thiếu phương tiện thì chọn giải pháp tiêm ngừa, đó là trường hợp của Việt Nam và Trung Quốc. Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đã cho nghiên cứu một chủng vắc xin mới chống H5N1 đã đột biến gien. Nếu hoàn thành và được cấp phép, thì loại vi rút này sẽ được lưu hành. Thế nhưng, OIE không nói rõ thời hạn là bao lâu.
|