'Vụ Bùi Ðình Thi' khép lại sau 7 năm |
Tác Giả: Hà Giang/Người Việt |
Thứ Năm, 01 Tháng 9 Năm 2011 19:34 |
Tù cải tạo, đi H.O, ra tòa ở Mỹ, ở tù, chết trên đảo xa
Kính chào bà, Xin lỗi đã chậm trễ trong việc phúc đáp thư bà hỏi về tình trạng của ông Bùi Ðình Thi. Alan E. Fowler
Tấm hình chụp năm 1996, tại tư gia ông Bùi Ðình Thi, do gia đình ông cung cấp cho nhật báo OCRegister năm 2003. “Vụ Bùi Ðình Thi”
Người đàn ông có tên Bùi Ðình Thi từng bị Tòa Án Di Trú San Pedro ở California công bố lệnh trục xuất về Việt Nam vào cuối tháng 4, năm 2004. Nhưng sau đó, không ai biết ông trôi dạt về đâu, và nhiều nguồn tin nói rằng trên thực tế ông không phải về Việt Nam. Sở dĩ mọi người thắc mắc không biết ông Thi được đưa đi đâu sau khi bị trục xuất ra khỏi Hoa Kỳ là vì thời điểm đó giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chưa có Thỏa Hiệp Trục Xuất, vì thế Việt Nam có quyền từ chối không cho ông Thi nhập cảnh (Thỏa Hiệp Trục Xuất được hai bên ký kết vào ngày 22 tháng 1 năm 2008, và có hiệu lực 60 ngày sau).
Sau khi được ra tù, ông Thi cùng gia đình đến Mỹ, theo diện H.O., và định cư tại Garden Grove từ năm 1994. Ở đây gia đình ông sống âm thầm, ít giao du với cộng đồng trong một thời gian được khoảng ba, bốn năm. Thế nhưng những gì xảy ra tại trại tù Thanh Cẩm, ở miền Bắc Việt Nam, bắt đầu đuổi kịp ông. Các nhân chứng, đa số là quân dân cán chính của VNCH, sau 1975 trở thành tù nhân chính trị và tôn giáo, bị giam cùng với ông dần dà lên tiếng tố cáo những hành vi của ông trong tù. Ông Thi bị cáo buộc đã đánh Thiếu Tá Ðặng Văn Tiếp, nguyên dân biểu Quốc Hội VNCH, đến chết, sau khi ông Tiếp tìm cách vượt ngục. Ông Thi cũng bị tố cáo đánh một tù nhân khác tên là Lâm Thành Văn, và sau đó để cho ông Văn chết đói. Ðặc biệt, một người tù tìm cách vượt ngục khác, là Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, cũng lên tiếng rằng ông bị ông Bùi Ðình Thi đánh đập dã man trong tù, và kể lại chi tiết những hành động này trong cuốn hồi ký có tên “Tôi Phải Sống.” Một đoạn trong hồi ký viết: “Lúc ấy nằm ngửa nhìn lên, tôi bắt gặp cặp mắt của Bùi Ðình Thi, một hình ảnh mà tôi còn cảm thấy kinh hãi cho đến giờ này: một cặp mắt đỏ ngầu như máu, hai tròng con mắt lồ lộ ra ngoài như mắt của một người treo cổ tự tử mà vì bổn phận có lần tôi đã chứng kiến. Chưa bao giờ và tôi nghĩ là cũng chẳng bao giờ, tôi thấy cặp mắt của ai như mắt Bùi Ðình Thi lúc đó. Ðánh đập chán chê anh ta bỏ tôi nằm yên. Sau này tôi mới biết anh ta bỏ tôi để quay sang ‘thăm’ hai anh Ðặng Văn Tiếp và Nguyễn Sĩ Thuyên đang nằm gần đó. Tôi lại đi vào cơn hôn mê một lần nữa. Khi tỉnh lại, tôi thấy Bùi Ðình Thi đang cầm hai chân tôi kéo lê lên các bậc thang đúc bằng xi-măng từ sân hội trường sang khu kiên giam. Lưng và đầu tôi va mạnh vào những bậc thang (12 bậc), làm tôi bừng tỉnh lại và nhờ đó tôi mới chứng kiến cảnh tượng hãi hùng khác: Cảnh ‘Ðại úy’ Bùi Ðình Thi giết chết Thiếu Tá Ðặng Văn Tiếp.” Vào năm 1997, sau khi hồi ký “Tôi Phải Sống” ra mắt tại hải ngoại, làn sóng cáo buộc ông Thi về tội tra tấn dâng cao qua những bài viết lưu truyền trên mạng lưới toàn cầu. Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, một người chuyên tranh đấu cho nhân quyền, cũng là Giám đốc BPSOS trụ sở tại Virgina, sau khi đọc cuốn “Tôi Phải Sống” và những bài viết trên mạng, tìm cách kiểm chứng câu chuyện với nhiều cựu tù cải tạo khác ở trại Thanh Cẩm rồi quyết định tố cáo các hành vi của ông Thi với Sở Di Trú Hoa Kỳ. Trong cuộc điều tra bắt đầu từ năm 2001 của nhà chức trách Hoa Kỳ, nhiều cựu tù cải tạo đứng ra làm nhân chứng về các hành động mà người ta cáo buộc rằng ông Bùi Ðình Thi đã làm trong lúc ở trong trại tù Thanh Cẩm. Tháng 8 năm 2003 ông Bùi Ðình Thi bị Sở Di Trú Hoa Kỳ khởi tố. Vào cuối tháng 4, năm 2004, ông Bùi Ðình Thi bị kết án, và thẩm phán D.D. Sitgraves thuộc tòa án liên bang Hoa Kỳ ra lệnh trục xuất khỏi Mỹ, tuyên bố rằng ông Thi “vi phạm luật di trú Hoa Kỳ.” Công tố viên John Salter, thuộc cơ quan Chấp Pháp Di Dân và Hải Quan, phát biểu sau khi tòa án công bố phán quyết đối với ông Bùi Ðình Thi, rằng các luật sư của ông đã tốn hàng trăm giờ đồng hồ để truy tố ông Thi, và rằng “chúng tôi sẽ không đứng yên và để Hoa Kỳ trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ đã phạm trọng tội đối với loài người.” Vụ án Bùi Ðình Thi khiến giới truyền thông cả địa phương lẫn quốc tế, cả Việt ngữ lẫn Anh ngữ, sôi nổi một thời. Trong bài “Tòa Án Mỹ Xử Xong Vụ Bùi Ðình Thi,” đăng ngày 6 tháng 5, 2004, BBC đưa tin: “Lần đầu tiên, Hoa Kỳ trục xuất một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa vì các cáo buộc phạm tội tra tấn và giết tù nhân chính trị trong trại cải tạo ở Việt Nam sau 1975.” Cùng ngày đó, đài VOA, trong bài “Ông Bùi Ðình Thi sẽ không kháng án quyết định trục xuất của Hoa Kỳ,” cho biết luật sư của gia đình ông Thi quyết định không kháng cáo, và nói với tờ Los Angeles Times rằng gia đình ông “cảm thấy không muốn phí thời giờ và tiền bạc” vào việc kháng án, mà “chỉ muốn cho mọi chuyện qua đi.”
Marshall Islands
Thấm thoát đã 7 năm! Vụ án ông Bùi Ðình Thi dần dà đi vào quên lãng. Ngoại trừ gia đình ông, ít ai biết chính xác ông Bùi Ðình Thi rời Hoa Kỳ từ bao giờ. Cho đến cách đây không lâu, tin ông Thi qua đời được người ta truyền tai nhau. Không ai biết chính xác ông qua đời bao giờ, ở đâu. Phóng viên nhật báo Người Việt tìm đến vài chung cư mà theo một số người cho biết từng là nơi ở cũ của gia đình ông. Vẫn biệt tăm. Sau nhiều điện thoại lẫn emails cho Sở Kiểm Soát Di Trú và Thuế Quan (ICE), Bộ Ngoại Giao, Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Marshall Islands, cuối cùng, Người Việt nhận được lời xác nhận từ Bộ Nội Vụ Republic of the Marshall Islands, tại thủ đô Majuro, là ông Bùi Ðình Thi qua đời. Marshall Islands, tên chính thức là Republic of the Marshall Islands, là một đảo quốc của người Micronesia, nằm ở phía Tây Thái Bình Dương, phía Bắc Nauru và Biribati, phía Ðông Liên Bang Microsesia, phía Nam đảo Wake, thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ. Theo bài viết có tên “Marshall Islands Helps Out US with Vietnamese Deportee”, đăng trên website www.yokwe.com, một tờ báo mạng của đảo quốc này, thì ông Bùi Ðình Thi được đưa sang Marshall Islands vào đầu tháng 11 năm 2005, trong khuôn khổ của “Compact of Free Association” (Thỏa ước Liên kết Tự do) ký kết giữa Hoa Kỳ và Marshall Islands năm 1986, đánh dấu một tương quan mới giữa Hoa Kỳ và Marshall Islands, qua đó, Marshall Islands có một chính phủ tự trị, nhưng nhận trợ giúp của Hoa Kỳ, và dành quyền kiểm soát quân sự cho Hoa Kỳ. Ông Thi sở dĩ đã cư ngụ ở Marshall Islands cho đến ngày qua đời vì Việt Nam không chấp nhận cho ông nhập cảnh.
Tiếp xúc với phóng viên nhật báo Người Việt qua email, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ cho biết ông “đã biết tin,” và với tư cách một linh mục, ông luôn cầu nguyện cho ông Bùi Ðình Thi, và tin tưởng rằng thời gian ở đảo Marshall, ông Thi “có thì gìờ suy nghĩ về những gì mình đã làm và ăn năn sám hối.” Linh Mục Lễ, một nạn nhân của ông Bùi Ðình Thi trong thời gian ở trại Thanh Cẩm, từng gây tranh cãi khi ra tòa làm chứng chống lại ông Thi sau khi nói lời tha thứ ông này. Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ nói sẽ “dâng lễ cầu nguyện cho linh hồn người quá cố,” và “tiếp tục cầu nguyện cho một con người, về mặt này hay mặt khác, đã để lại trong lòng tôi một kỷ niệm trong thời gian tôi đi tù Cộng Sản.” Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, giám đốc BPSOS, phát biểu: “Buồn cho một người đã ra đi, mạng sống con người rất quý, bất kỳ người đó là ai và đã làm gì.” Ông Ðỗ Tăng Bí, một cựu tù khác, từng ở trại Thanh Cẩm, cho biết các anh em cựu tù Thanh Cẩm vẫn sinh hoạt với nhau, “riêng ông Bùi Ðình Thi thì vì hoàn cảnh riêng không sinh hoạt được.” “Riêng tôi vẫn xem ông Thi như một bạn tù, mặc dù có biết đến dư luận này kia về ông ta. Từng chia sẻ từng miếng cơm nên tin anh ta chết, tất nhiên tôi cũng ngậm ngùi.” Nhà báo Lữ Giang, một người từng có nhiều bài viết về vụ án Bùi Ðình Thi, nói với Người Việt, rằng chính ông cũng là một cựu tù bị giam cầm tại trại Thanh Cẩm, và “đã chứng kiến tận mắt sự tàn bạo của ông Bùi Ðình Thi.” Nhà báo Lữ Giang phát biểu: “Ông Thi kể ra thì cũng tệ quá, cho nên qua đây không dám gặp ai cả. Tôi hồi đó không là nạn nhân của ông Thi, tuy nhiên những điều mà ông hành hạ người khác thì tôi có chứng kiến hết. Nghe tin ông chết thì thấy cũng thường thôi, vì hai bên không liên lạc gì.” Trong khi đó, ông Phạm Phú Minh, một cựu tù khác ở trại Thanh Cẩm, tác giả bài viết “Một số suy nghĩ nhân vụ Bùi Ðình Thi,” trong đó ông tìm cách lý giải rằng “hiện tượng Bùi Ðình Thi” là vì hoàn cảnh khắc nghiệt của các trại tù Cộng Sản, cho biết ông thấy “bùi ngùi” khi biết ông Thi qua đời, “vì đó là người cùng cảnh ngộ” với ông trong cảnh tù đày sau 1975. Ông nói: “Mặc dù anh ấy có phạm một số lỗi lầm trong cách đối xử với anh em cùng tù, nhưng cuối cùng anh ấy cũng đã trả giá cho các việc mình làm, và sự kiện anh Thi qua đời trong khi còn đang ở tù xa gia đình người thân thì cũng là việc đáng thương. Tôi mong sẽ quên hết mọi chuyện đen tối trong quá khứ, và cầu chúc anh Thi được thảnh thơi ở cảnh giới bên kia.”
|