Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 1 Tháng 9 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 1 Tháng 9 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Năm, 01 Tháng 9 Năm 2011 09:18

Chính giới Nhật được khuyên nên đặt lợi ích dân tộc trên lợi ích đảng phái

 

Ông Yoshihiko Noda được hoan nghênh sau cuộc bỏ phiếu ngày 29/08/ 2011.
REUTERS/Toru Hanai

Ngày 29/8/2011, Nhật Bản vừa có thủ tướng mới là ông Yoshihiko Noda.

Như vậy, chỉ trong 5 năm, nước này đã thay đến 6 chính phủ. Riêng đối với đảng Dân chủ Nhật Bản (PDJ), thì đây là lần thay lãnh đạo thứ 3 kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2009.
Thách thức gì đang chờ đợi chính phủ Noda ? Ông phải làm sao để nước Nhật không còn cảnh bị lợi ích đảng phái chi phối lợi ích quốc gia ? Nhật báo Le Monde góp phần lý giải những khúc mắc đó qua bài xã luận : «Thoát ra khỏi vũng bùn chính trị tại Nhật Bản ».

Thách thức đầu tiên đối với ông Noda là phải huy động được sự thống nhất của chính đảng mình, một đảng được thành lập từ những người thuộc đảng Tự do Dân chủ cầm quyền cũ, Đảng Xã hội Dân chủ, các nhà hoạt động công đoàn và từ cánh hữu thân Mỹ. Ông cũng phải đương đầu với đảng đối lập đang nắm đa số tại Thượng viện và luôn lên tiếng cho rằng nếu họ cầm quyền thì đã giải quyết tốt hơn thảm họa 11/3.

Thế nhưng, Le Monde nhấn mạnh, phương thuốc cứu nguy cho nền dân chủ Nhật Bản không chỉ dựa vào một cá nhân thủ tướng, cũng không phải chỉ ở việc đảng của ông chiếm đa số tại quốc hội. Vấn đề ở đây sâu xa hơn, mà theo tác giả, nên tìm hiểu cội nguồn của nó.

 Tìm hiểu ở đâu ? Ở trong hố sâu khoảng cách giữa cử tri và dân biểu, tức phải tìm hiểu tại sao các dân biểu chưa xứng với mong đợi của người dân để người dân có thể hoàn toàn tin tưởng họ.

Sự « xa cách » giữa dân với đại biểu do dân bầu ra vốn tồn tại trước sự kiện 11/3/2011. Cử tri Nhật thích những cái gì cụ thế, thiết thực trong cuộc sống, họ chán ngán những đại dự án xã hội xa vời. Đến tận những năm 1980, kinh tế Nhật phát triển mạnh, mức sống người dân được nâng cao.

 Người Nhật khi ấy cảm thấy hài lòng về giới lãnh đạo đất nước. Nhờ đó mà đảng phái được mở rộng, công bằng xã hội được tăng cường.

Thế nhưng, hai thập niên vừa qua, tình hình đã đổi khác : kinh tế đình trệ, bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, các đảng phái bị chao đảo do mâu thuẩn nội bộ, và đã dần xa rời quần chúng. Thảm họa Fukushima cho thấy quyền lợi quốc gia bị đặt dưới lợi ích cá nhân và tình trạng nhắm mắt chạy theo lợi nhuận trong xã hội.

Theo tác giả, nếu các đảng phái chính trị của Nhật muốn lấy lại lòng tin trong dân chúng, họ phải cấp thiết thoát ra vòng lẫn quẩn của sự mặc cả chính trị, để kết nối lại với các lực lượng năng động trong xã hội.

Đối với các dân biểu, đã đến lúc phải biết lắng nghe tiếng nói của người dân về những khó khăn « hiện hữu nhưng thầm lặng » của họ. Thảm họa 11/3 vừa rồi đã cho thấy một thực trạng đáng lo, đó là tinh thần đấu tranh trong xã hội đã bị ức chế từ cơ sở. Thảm họa này cũng đã củng cố thêm tinh thần đoàn kết cộng đồng, một sức mạnh mà các đảng phái chính trị nên lấy đó làm nền tảng.

Cuối cùng, tác giả kết luận : Tân thủ tướng Noda phải làm sao chứng tỏ có thể thoát ra khỏi « vũng bùn chính trị » trên.

Các nước bắt đầu chia phần chiếc bánh Libya ?

Hôm nay, hội nghị quốc tế về tái thiết Libya thời hậu chiến theo sáng kiến của tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy diễn ra tại Paris với sự tham gia của hầu hết các cường quốc thế giới và khu vực. Thế nhưng, L’Humanité có bài đặt câu hỏi : « Nhóm tiếp xúc nhóm họp tại Paris : để chia phần chiếc bánh ngọt hay để giúp người Libya ?».

Tờ báo nhận định, Pháp muốn ở tuyến đầu mặt trận Libya trước nhất là vì muốn khai thác thị trường béo bở ở một đất nước có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào. Ý cũng chẳng muốn bị mất phần. Tập đoàn dầu hỏa ENI của nước này lo ngại sẽ bị thua thiệt trước hãng Total của Pháp và BP của Anh.

Trong khi đó, các công ty dầu hỏa của Mỹ vốn đã kiếm được nhiều hợp đồng dưới thời Kadhafi, cũng đang ra sức không để bị mất phần. L’Humanité nhấn mạnh, việc bà Hillary Clinton đến Paris không phải là ngẫu nhiên.

Hồi tháng 3 vừa qua, một trong những quyết định đầu tiên của Hội đồng chuyển tiếp Libya là thành lập Ngân hàng trung ương theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). Người phát ngôn bộ ngoại giao Mỹ cho biết, cuộc họp của nhóm tiếp xúc tại Paris « sẽ mang đến cho cộng đồng quốc tế cơ hội tăng cường hợp tác tài chính và chính trị » với Hội đồng Chuyển tiếp.

Trong khi đó, tại Libya tình hình rất bi thảm. Chương trình lương thực thế giới đã gửi 600 tấn lương thực và 500.000 lít nước đến Libya để cứu trợ cho những người chạy nạn ở Tripoli, vùng duyên hải và vùng rừng núi Nefoussa. Thảm họa nhân đạo không còn xa nữa.

Như vậy, theo L’Humanité, hội nghị hôm nay tại Paris là « sặc mùi dầu hỏa ».

Pháp can thiệp vào Libya vì dầu hỏa ?

Đi sâu hơn vào lợi ích Pháp kiếm được trong việc hết mình ủng hộ phe nổi dậy tại Libya, Libération vừa sở hữu một tài liệu liên quan đến « một thỏa thuận bí mật » mang tính « có đi có lại » giữa Pháp và Hội đồng Chuyển tiếp của quân nổi dậy.

Tờ báo cho đăng nguyên bản bức thư bằng tiếng Ả Rập của Hội đồng Chuyển tiếp Libya, cơ quan lãnh đạo cuộc nổi dậy, mà Pháp là nước đầu tiên công nhận, và được NATO hỗ trợ để lật đổ chế độ Kadhafi. Bức thư đề ngày 3 tháng 4, tức 17 ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết 1973, nghị quyết mở đường cho các nước can thiệp quân sự, giúp quân nổi dậy tại Libya, trong đó Pháp là nhân tố tích cực nhất.

Bức thư của Hội đồng Chuyển tiếp nêu rõ : « Chúng tôi đã cử ngài Mahmoud (bộ trưởng truyền thông Hội đồng Chuyển tiếp) để ký thỏa thuận này, theo đó 35% tổng sản lượng dầu thô được sản xuất tại Libya sẽ bán cho Pháp,  đổi lại Paris sẽ ủng hộ toàn diện và thường trực Hội đồng Chuyển tiếp tại Hội đồng Bảo an ».

Bức thư được gửi cho quốc vương Hamad ibn Khalifa al-Thani của Qatar, vì nước này là trung gian giữa Pháp và Hội đồng Chuyển tiếp ngay từ buổi đầu cuộc chiến. Một bản photo cũng được gửi cho tổng thư ký Liên Đoàn Ả Rập, ông Amr Moussa.

Liberation nhận định, bức thư đã làm chắn chắn hơn giả thuyết rằng mục đích chính của sự can thiệp quân sự vào Libya là vấn đề dầu hỏa. Bộ Ngoại giao Pháp đã lên tiếng phủ nhận và cho biết không hề biết gì về một thỏa thuận như vậy.

Khi quyết định can thiệp vào Libya, tổng thống Pháp Sarkozy từng tuyên bố :

 « Đến để giúp đở một dân tộc thoát vòng tử nạn…nhân danh lương tâm nhân loại…Chúng ta làm điều đó để bảo vệ thường dân khỏi cơn thịnh nộ chết người của một chế độ thảm sát người dân của chính mình ». Đến hiện tại, với bức thư này, có thể thấy rằng, các công ty dầu hỏa của Pháp có thể sẽ thu lợi to lớn từ chiến dịch quân sự tại Libya.

Kịch bản thời hậu Kadhafi của Liên Hiệp Quốc

Hôm qua, tức trước một ngày khai mạc « hội nghị những người bạn của Libya » được tổ chức tại Paris vào hôm nay, ngày 1/9/2011, Liên Hợp Quốc đã hé lộ những dự tính của mình về việc giúp Libya tái thiết đất nước. Tài liệu nội bộ này được ký ngày 22/8. Nhật báo Le Monde có được một bản photo và giới thiệu nội dung này qua bài viết : « Liên Hiệp Quốc quan tâm đến kịch bản thời hậu chiến tại Libya ».

Trong tài liệu, cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về việc chuẩn bị tái thiết Libya thời hậu chiến, ông Ian Martin, lo ngại rằng Libya sẽ bị rơi vào tình trạng hỗn loạn và nội chiến do tàn quân Kadhafi và chính quyền mới sẽ tiếp tục nổ súng.

Để đảm bảo trật tự, an ninh cho Libya thời hậu chiến, Liên Hiệp Quốc từng dự định cử đến nước này 200 quan sát viên quân sự và 190 cảnh sát. Tuy nhiên đề nghị đó đã bị Hội đồng Chuyển tiếp từ chối vì cho rằng mình đủ sức đảm bảo an ninh trong nước mà không cần đến sự can thiệp của nước ngoài. Theo Le Monde, có thể Hội đồng này ngại bị xem là bị bên ngoài điều khiển.

Thế thì, Liên Hiệp Quốc chỉ còn có thể đóng vai trò chính trong việc giúp quân nổi dậy thành lập chính phủ dân sự « bao gồm đủ thành phần, minh bạch và dân chủ ». Các quan chức Liên Hiệp Quốc cũng lên tiếng cảnh báo về hiện tượng thanh toán những người trung thành với ông Kadhafi, một hiện tượng kéo theo nhiều nguy cơ nội chiến. Các quan chức này cho rằng : « Ở Libya, nhiều người còn ủng hộ Kadhafi, vì thế cần tìm cách giúp họ hòa nhập vào hoàn cảnh mới ».

Liên Hiệp Quốc cũng cho rằng, hiến pháp của Libya phải được soạn thảo bởi « một hội đồng nhà nước lâm thời ». Hội đồng này có thể được bầu trong vòng từ sáu đến chín tháng. Đây là một thời gian khá cấp bách để có thể tìm đủ 40.000 nhân viên phục vụ bầu cử ở một đất nước chưa từng có bầu cử.

Trong lĩnh vực quân sự, Liên Hiệp Quốc dự định chưa vội cho NATO rút toàn bộ lực lượng. Ông Martin cho biết : « Nghị quyết bảo vệ thường dân của Hội đồng Bảo an do NATO thực thi sẽ không dừng lại dù chế độ Kadhafi đã sụp đổ. NATO phải tiếp tục thực thi trách nhiệm của mình khi các lực lượng đối nghịch tấn công thường dân ».

Dự định quân sự này càng làm tăng phản đối của Nga và Trung Quốc. Hai nước này cũng đã do dự trong việc tháo gỡ các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Libya của Hội đồng Bảo an, một sự việc đã khiến Hội đồng Chuyển tiếp chưa thể kiểm soát toàn diện những tài sản của nước này bị quốc tế phong tỏa.

Hôm thứ ba, Luân Đôn đã phải tranh đấu với Bắc Kinh để Trung Quốc không phủ quyết việc cho giải tỏa 1,6 tỷ đô la tài sản Libya bị phong tỏa tại Anh.

Nga thì phản đối yêu cầu của Pháp và Đức về việc cho giải ngân 6 tỷ euro cho Libya. Một nhà ngoại giao phương Tây đánh giá : « Nga sợ mất thị phần tại Libya, thế nhưng thái độ này của Nga cũng không thể làm hồi sinh chế độ Kadhafi ».

Mỹ và Úc lên án thái độ xem thường mạng người của Wikileaks

Vừa qua, trang mạng Wikileaks lại công bố 130.000 tài liệu mật của Mỹ khiến các nhà ngoại giao thêm một phen nghiêng ngữa. Nhật báo La Croix phản ánh vụ việc qua bài viết : « Loạt đạn mới của Wikileaks »

Như thường lệ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lập tức lên án vụ việc. Người phát ngôn bộ ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho rằng : « Đây là hành động đe dọa an ninh quốc gia của chúng ta và ảnh hưởng đến các nỗ lực của chúng ta trong việc hợp tác với các nước để giải quyết các vấn đề quan ngại chung ».

Chính phủ Úc xưa nay không mạnh miệng trong bình luận về hành động của Wikileaks, thì lần này, cũng lên tiếng phản đối khi cho rằng : « Đấy là hành động vô trách nhiệm quá mức tưởng tượng ». Tiết lộ trên của Wikileaks chỉ rõ tên họ 23 người Úc bị nghi ngờ có liên hệ với tổ chức khủng bố tại Yemen.

Chỉ trích lần này không chỉ đến từ chính giới, mà ngay cả báo giới, trong đó có tờ New York Times. Năm ngoái, tờ báo này từng hợp tác với Wikileaks để cho công bố nội dung các bức điện tín ngoại giao của Mỹ. Lần này, New York Times cho rằng, danh tính nhiều người đã bị công bố, trong đó có một nhà đấu tranh nhân quyền ở Cam Bốt và một quan chức Liên Hiệp Quốc tại Đông Phi. Họ có thể bị nguy hiểm tính mạng.

La Croix cho hay, Wikileaks đã bị tin tặc tấn công và bị sập mạng trong nhiều giờ liền.

Từ ngày 27 đến ngày 31/8/2011, tại Paris đã diễn ra hội thảo của Hiệp hội tim mạch châu Âu (ESC) với vấn đề nổi cộm là tỷ lệ phụ nữ chết vì bệnh tim mạch ngày càng cao. Le Monde phản ánh sự việc qua bài viết : « Phụ nữ ngày càng có nhiều nguy cơ tim mạch ».

Theo hiêp hội ESC, đối với phụ nữ, trong 100 ca tử vong, có đến 54 ca liên quan đến bệnh tim mạch, trong đó có từ 12 đến 15 ca do tai biến mạch máu não.

Nguyên nhân đầu tiên được các nhà khoa học đưa ra đó là do phụ nữ có tuổi thọ dài hơn nam, trong khi bệnh tim mạch thường là căn bệnh dành cho người lớn tuổi.

Nguyên nhân thứ hai đến từ thuốc lá. Phụ nữ sống lâu hơn nam, vì vậy nếu hút thuốc thì cũng hút lâu hơn và nhiều hơn. Theo thống kê, 25% phụ nữ là người hút thuốc lá thường nhật. Tỷ lệ này lên đến 29% đối với độ tuổi 45-54. Nếu phụ nữ hút thuốc mà còn dùng thuốc tránh thai thì sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên gấp 20 lần so với người bình thường.

Bênh cạnh đó, thuốc lá cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu người mẹ hút thuốc khi mang thai, thì đứa con sau này có nhiều nguy cơ phát triển các bệnh lí tim mạch.

Phương pháp phòng ngừa tốt nhất mà các nhà khoa học khuyên là có một chế độ dinh dưỡng cân đối và tập thể dục đều đặn.

Hồi tháng tư, hiệp hội ESC đã phát động ở Mỹ một ngày « báo động đỏ » về nguy cơ tim mạch đối với phụ nữ. ESC mong rằng, phong trào này sẽ đến Pháp và Châu Âu.