Nga có thể mất các hợp đồng béo bở ở Libya vì không ủng hộ phe nổi dậy |
Tác Giả: Đức Tâm |
Thứ Tư, 31 Tháng 8 Năm 2011 12:03 |
Có thể gây khó khăn cho việc tái khởi động các dự án Tổng thống Nga tiếp ông Kadhafi tại Matxcơva 1/11/2008 (Reuters) Trong nhiều năm trời, trước khi có cuộc nổi dậy lật đổ chế độ của đại tá Kadhafi, Nga đã giành được các hợp đồng đầy hứa hẹn tại Libya. Thế nhưng, việc Matxcơva có lập trường thận trọng quá mức, không ủng hộ phe nổi dậy, có thể làm tổn hại các lợi ích của Nga trong một nước Libya mới, không có Kadhafi. Ông Viktor Kremeniouk, phó chủ tịch Viện nghiên cứu Hoa Kỳ và Canada, có trụ sở tại Matxcơva, nói AFP rằng « chúng tôi đã có thể hiện diện tại Libya nhờ có liên minh với Kadhafi, với các hợp đồng bán vũ khí, xây dựng đường sắt, các dự án trong lĩnh vực dầu lửa. Đương nhiên, sự ra đi của Kadhafi có nghĩa là các lợi ích của chúng tôi chấm hết ». Trong tháng Ba, Nga cùng với Trung Quốc, trong tư cách thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An có quyền phủ quyết, đã vắng mặt và không ngăn cản việc thông qua nghị quyết 1973, cho phép quốc tế can thiệp quân sự vào Libya. Từ đó, Matxcơva luôn kêu gọi ngừng chiến và tìm kiếm một giải pháp qua thương lượng. Ngay lúc đó, tập đoàn Nga Rosoboronexport chuyên xuất khẩu các thiết bị quân sự, đã nhận định là việc Liên Hiệp Quốc, trong tháng Hai, ra lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya làm cho họ bị mất cơ hội ký kết các hợp đồng trị giá tới 4 tỷ đô la. Cho đến nay, trong thế giới Ả Rập, Libya là một trong những khách hàng chính của ngành chế tạo vũ khí Nga. Trong những năm vừa qua, để sưởi ấm lại mối quan hệ song phương, chính quyền Kadhafi đã ký nhiều thỏa thuận kinh tế với Nga. Thế nhưng, giờ đây, do thay đổi chính quyền, các hợp đồng này bị đình hoãn. Ví dụ, công ty đường sắt Nga RZD, trong năm 2008, đã ký một thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt dài 550 km, nối liền thủ đô Tripoli với thành phố Syrte, quê hương Kadhafi. Việc khởi công được dự tính vào năm 2012. Thế nhưng, do tình hình chiến sự, trong tháng Hai, mọi hoạt động bị ngưng lại và công ty Nga đã phải sơ tán 204 nhân viên của mình ra khỏi Libya. Trong lĩnh vực dầu khí, các dự án của tập đoàn Gazprom, liên quan đến việc thăm dò 4 khu dầu mỏ của Libya cũng bị đình chỉ. Theo kế hoạch ban đầu, trong năm nay, tập đoàn dầu lửa Ý Eni sẽ chuyển giao cho Gazprom 50% phần vốn trong tổ hợp khai thác mỏ Elephant - Con Voi của Libya, nơi có trữ lượng 110 triệu tấn dầu thô. Thế nhưng, việc chuyển nhượng đã bị hoãn lại vô thời hạn. Một tập đoàn dầu lửa khác của Nga, Tatneft, cũng phải dừng các hoạt động thăm dò ở bốn khu dầu mỏ tại Libya. Lập trường của Nga không ủng hộ phe nổi dậy tại Libya có thể gây khó khăn cho việc tái khởi động các dự án đã được ký kết từ trước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của Nga chưa đầu tư nhiều vào những dự án này. Trước khi quân nổi dậy đánh chiếm được Tripoli, Nga đã lên tiếng kêu gọi ông Kadhafi phải ra đi, nhưng Matxcơva vẫn không công nhận Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp – CNT - là cơ quan quyền lực duy nhất tại nước này. Ngày 24/08 vừa qua, ông Guma Al-Gamaty, điều phối viên của CNT tại Anh Quốc bảo đảm rằng chính phủ mới tại Libya sẽ tôn trọng các hợp đồng đã được ký kết dưới thời Kadhafi. Thế nhưng, ngay hôm sau, lãnh đạo Hội đồng này, ông Moustapha Abdeljalil lại tuyên bố, đại ý là việc phân bổ các hợp đồng tái thiết Libya tùy theo sự giúp đỡ của các quốc gia đối với lực lượng nổi dậy. Đại diện công ty đường sắt Nga RZD hy vọng là hợp đồng đã ký sẽ được thực hiện trở lại khi tình hình Libya ổn định bởi vì doanh nghiệp này đã đầu tư vào đây 10 tỷ rouble, tương đương 417 triệu đô. Theo một số chuyên gia, để khôi phục lại dự án này, thì cần phải có thời gian, không thể là một hay hai năm. Trong khi đó, ông Viktor Kremeniouk tỏ ra bi quan, vì cho dù việc tái thiết Libya là một dự án khổng lồ, nhưng không có gì bảo đảm là chính phủ mới tại Libya lại không chọn các doanh nghiệp của Pháp, Ý, những nước đã tích cực ủng hộ phe nổi dậy lật đổ chế độ Kadhafi. Phải chăng để cứu vãn các lợi ích kinh tế tại Libya mà hôm nay, chính quyền Nga thông báo cử đặc phái viên tới dự hội nghị các nước bạn bè của Libya, được tổ chức vào ngày mai, 01/09, tại Paris, bàn về thời kỳ hậu Kadhafi.
|