Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31 Tháng 8 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31 Tháng 8 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Tư, 31 Tháng 8 Năm 2011 08:52

Algéri cảm thấy bị đe dọa bởi cuộc nổi dậy tại Libya

 

Tổng thống Algéri Bouteflika (phải) tiếp các đặc sứ Liên đoàn Ả Rập (Reuters)

Vợ và 3 con của đại tá Kadhafi đã đến tị nạn trên lãnh thổ Algéri với sự đồng thuận của chính phủ nước này. Dù đây là những nhân vật không có ảnh hưởng gì trong chính quyền Kadhafi, nhưng việc Algéri "chứa chấp" các thành viên trong gia đình Kadhafi, đã khiến phe nổi dậy tại Libya vô cùng phẫn nộ.

Một câu hỏi lớn đặt ra là tại sao Algéri lại có hành động như vậy trong khi ông Kadhafi chẳng phải là đồng minh thân thiết gì.

Báo chí Pháp hôm nay cố gắng tìm câu trả lời. Về phần mình, Le Monde cho rằng đó là vì : « Algéri cảm thấy bị đe dọa bởi cuộc cách mạng tại Libya ».

Le Monde nhắc lại, trước đó, Algéri đã gây mất lòng quân nổi dậy Libya khi cùng với Soudan, Syria và Yemen bỏ phiếu phản đối việc Liên đoàn Ả Rập ủng hộ nghị quyết 1973 của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về vấn đề can thiệp quân sự vào Libya.

Cũng đã nhiều lần, quân nổi dậy tại Libya đã tố cáo Alger thông đồng với chính quyền Kadhafi khi để cho vũ khí và lính đánh thuê được thông qua lãnh thổ Algéri đi vào lãnh thổ Libya để phục vụ cho quân đội của đại tá Kadhafi.

Quan hệ giữa chính quyền Kadhafi và Algéri vốn dĩ không tốt đẹp kể từ những năm 1970.

Trong vùng Salel ông Kadhafi có tham vọng trở thành « người bảo vệ » của quân nổi dậy người Touareg ở Mali và Niger. Ông này cũng can thiệp vào vùng tây Sahara và vùng nam Algéri.

Tất cả những việc đó đã gây quan ngại cho các tướng lãnh Algéri bởi họ cho rằng sân sau của họ bị ông Kadhafi đe dọa. Hơn nữa, báo chí Algeri cũng đã nhiều lần cáo buộc đại tá Kadhafi đã cung cấp vũ khí cho lực lượng hồi giáo cực đoan trong cuộc nội chiến hồi những năm 1990.

Thế thì tại sao Algéri lại ủng hộ chế độ Kadhafi như vậy ?

Theo ông Akram Belkaid , một nhà báo Algéri, có ba nguyên nhân chính để lí giải vụ việc :

 1) Đó là dấu hiệu của một đất nước bị rơi vào bế tắc khi mà chính sách ngoại giao bị tê liệt bởi các vụ đấu đá giữa các phe phái trong việc kế nhiệm tổng thống Abdelaziz Bouteflika

 2) Một bộ phận giới lãnh đạo ở Algéri cho rằng, trong Hội đồng chuyển tiếp Libya có thành phần quân hồi giáo cực đoan

 3) Chế độ hiện tại ở Algéri chống lại mọi ý định thay đổi, dân chủ hóa hay cách mạng.

Le Monde thêm vào một lí do quan ngại khác đối với Algéri, đó là hiện có tin đồn cho rằng có nhiều vũ khí hạng nặng từ lãnh thổ Libya được chuyển giao cho lực lượng Aqmi (chi nhánh Al Qaida tại bắc Phi), ở phía bắc Mali gần biên giới với Algéri.

Thêm vào đó là hiện tượng nhiều trăm lính đánh thuê người Touareg trở về sau khi phục vụ cho chế độ Kadhafi.

Cũng theo Le Monde, kể từ đầu năm, Algéri đã không ngại gia tăng chi tiêu cho các biện pháp cần thiết để giúp nước này tránh được ngọn gió đến từ mùa xuân Ả Rập.

Nước này cũng đã không giấu thái độ phòng ngừa sự lây lan của cuộc nổi dậy tại Libya, cuộc nổi dậy đã mở đường cho khối Nato can thiệp ngoài khu vực ảnh hưởng thông thường của mình.

Chế độ Kadhafi, pháo đài cuối cùng của chính phủ Algéri ?

Chia sẻ quan điểm trên của Le Monde, nhật báo Libération có bài viết chạy tựa : « Sự hậu thuẫn mờ ám của Algéri đối với chế độ Kadhafi ».

 Bài viết nhận định, trong khi giữa chế độ Kadhafi và chính phủ Alger không hề có một quan hệ hữu hảo nào, thế mà Algéri lại ủng hộ ông Kadhafi còn mạnh mẻ hơn cả đồng minh lâu năm như Nga chẳng hạn.

Tại sao Algéri lại ủng hộ Kadhafi đến mức mà để mình phải mang hình ảnh cổ hủ trong khu vực châu Phi đang di chuyển về phía tự do dân chủ ?

Libération giải thích, những cuộc nổi dậy ở thế giới Ả Rập và việc các vị tổng thống bị lật đổ bị đem ra xét xử đã gây tâm lí lo sợ cho nhà cầm quyền Algéri.

Họ cảm thấy các tiền lệ Tunisia, Ai Cập, và nhất là Libya và Syria là một mối đe dọa. Nên nhớ rằng, các chế độ vừa nêu cùng với Alger đều đặt nền tảng tồn tại lên hệ thống an ninh xiết chặt.

Do đó, Alger đã và đang hành động như thể là sự sống sót của chế độ Kadhafi và Assad (Syria) như là lá chắn cuối cùng để bảo vệ chế độ Alger. Từ đó, Alger muốn cuộc chiến tại Libya kéo dài để có thể khơi dậy chủ nghĩa dân tộc đối với người Algéri bằng cách tố cáo sự can thiệp của phương tây, và cũng có thể gây tâm lí lo sợ cho người Algéri bằng chiêu bài tuyên truyền cho rằng thay đổi sẽ dẫn đến hổn loạn, và bằng hình ảnh chập chờn của quân Al Qaida.

Algeri hành động một cách thiển cận ?

Cũng để giải mả về hành động được cho là « ngược dòng » của Algéri, Le Figaro dành một bài viết và một bài xã luận. Đặc biệt tờ báo đặt câu hỏi với ông Benjamin Stora , chuyên gia về tình hình Bắc Phi.

Ông Stora đưa ra ba lí do. Thứ nhất, ông cho rằng các nhà lãnh đạo Algéri hình như là chưa cập nhật được tình hình địa chính trị ở thời đại mới, thời đại mà bức tường Berlin đã bị hủy, chiến tranh lạnh đã kết thúc…Bởi thế họ phân tích các mối quan hệ quốc tế hiện tại bằng những tiêu chuẩn lỗi thời, họ muốn trung thành với một thế giới đã đi vào dĩ vãng, vì thế họ đã tỏ ra thiển cận.

Nhân tố thứ hai chính là một tinh thần dân tộc chủ nghĩa cao độ, tinh thần này phản đối mọi hành động can thiệp từ bên ngoài. Cuối cùng, theo ông Stora, nhiều nhà lãnh đạo Algéri lo ngại mùa xuân Ả Rập sẽ là con bài của những người hồi giáo cực đoan, những người mà họ đã phải chiến đấu chống lại suốt những năm 1990.

Tổng thống Sarkozy bị tố cáo nhận hối lộ từ gia đình Bettencourt

Vụ án nữ tỷ phú Bettencourt tại Pháp tưởng như đã kết thúc, thế nhưng một quyển sách chính thức xuất bản vào ngày mai của hai nhà báo Pháp có thể làm vụ án trên sống lại. Libération phản ánh sự việc qua bài viết chạy dòng tít ấn tượng: “Vụ Bettencourt đến điện l’Elysée”.

Quyển sách mang tên : “Sarko m’a tuer”, tạm dịch là “Sarko đã giết tôi”. Trong đó, tác giả thu thập những chứng cớ về những người từng bị “khổ sở” vì tổng thống Sarkozy. Trong số những nhân vật được giới thiệu, có bà Isbelle Prévost-Desprez, cựu thẩm phán tài chính Paris, phó chánh án tòa thượng thẩm Nanterre . Bà đã từng phụ trách một mảng của hồ sơ Bettencourt.

Bà cho biết, đã từng bị ngạc nhiên bởi sự sợ hãi của các nhân chứng trong vụ án trên. Sợ điều gì ? Về việc khai vào biên bản những điều có liên quan đến tổng thống Sarkozy.

Bà cũng cho biết, có nhân chứng nói rằng đã từng nhìn thấy những phong bì tiền dành cho ông Sarkozy tại nhà bà Bettencourt. Tình tiết này chẳng có gì mới mẻ, bởi trước đó, khi vụ án Bettencourt đang ở cao trào, thì nữ kế toán của bà Liliane Bettencourt đã từng cho biết trên biên bản, thậm chí trên phương tiện truyền thông rằng:

“Nhiều chính trị gia đã nhận tiền” ở chổ bà Bettencourt. Tuy nhiên, theo Liberation, sao đó, bị thúc ép thế nào, cuối cùng nữ kế toán này đã phải nhượng bộ khi cải chính rằng: “Tôi chưa từng nói là các phong bì được thường xuyên gửi cho ông Sarkozy”.

Thế nhưng, tình tiết lần này trong quyển sách có chổ đặc biệt, đó là một quan tòa cao cấp, vốn không còn liên quan đến vụ án chính trị tài chính nhạy cảm này, đã lên tiếng một cách công khai như vậy, làm tăng sự chắc chắn của một câu chuyện gây phương hại đến uy tín của đương kiêm tổng thống Pháp.

Theo lời bà thẩm phán được ghi lại trong quyển sách, thì lời nói của nhân chứng trên, dù ở dạng nói miệng, không được ghi vào biên bản, sẽ có hại cho điện L’Elysée, bởi thể bà đã bị “người ta” tìm mọi cách tách khỏi vụ án.

Phủ tổng thống đã lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc này. Một thân cận của tổng thống cho rằng, sự việc có động cơ chính trị vì quyển sách được công bố đúng vào giai đoạn chuẩn bị bước vào đợt tranh cử tổng thống tại Pháp. Báo Liberation kết luận: “Cuộc chạm trán giữa nữ thẩm phán và tổng thống có thể chỉ mới bắt đầu”.

Người Ai-xlen nghi ngại về dự án du lịch của một cựu quan chức Trung Quốc

Nhìn về Trung Qu ốc tờ Le Monde có bài nhắc về việc nghệ sỹ bất đồng chính kiến Ngãi Vị Vị lại lên tiếng chỉ trích chính phủ Bắc Kinh trên tạp chí Newsweek của Mỹ, còn nhật báo Libération thì nhìn lại thăng trầm của phiên bản Twitter của Trung Qu ốc, trang mạng xã hội Weibo-Vi Bản.

Thế nhưng, đáng chú ý nhất là bài “Chiến lược đất đai khó tin của Trung Qu ốc gây lo ngại cho người Ai-xlen” đăng trên Le Figaro.

Một tỷ phú Trung Qu ốc, người được tạp chí Forbes xếp hạng thứ 161 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh, đang chuẩn bị mua lại 300 km2 đất ở miền đông bắc Ai-xlen để xây dựng một khu du lịch với vốn đầu tư lên đến 100 triệu đô la.

Diện tích đất giao dịch quá lớn này gây quan ngại cho người Ai-xlen. Cụ thế là nó chiếm 0,3% lãnh thổ Ai-xlen.

 Le Figaro nhận định: “Mua đến 0,3% lãnh thổ Ai-xlen mà chỉ để xây có một vài khách sạn, như vậy là hơi không bình thường trong con mắt của những người phản đối dự án”.

Cũng theo Le Figaro, họ cho rằng, vị tỷ phú nói trên vốn từng làm việc tại bộ xây dựng rồi bộ truyền thông Trung Qu ốc, vì thế mục tiêu thật sự của việc giao dịch này có thể là nhằm “đặt nền móng của Trung Qu ốc trong khu vực gần tuyến hàng hải Á-Âu”.

Máy bay của thủ tướng Đức thường xuyên bị hư !

Cuối cùng, Le Figaro mang đến một thông tin thú vị liên quan đến người phụ nữ được mệnh danh “bà đầm thép” với bài viết: “Angela Merkel không chịu được chiếc Airbus 340 mới của mình”.

Ngày mai, thứ năm, ngày 1/9, bà Merkel sẽ đến Pháp để tham dự cuộc họp bàn về tương lai Libya theo sáng kiến của tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

 Chiếc máy bay chở bà đến Paris sẽ không phải là chiếc A340 đặc dụng dành cho bà, mà là chiếc A310 có từ thời Cộng hòa dân chủ Đức.

Vì sao thế? Vì chiếc A340 đặc biệt dành cho bà thời gian qua liên tiếp bị trục trặc. A340 được mua lại và tân trang vào năm 2010 với tên chính thức là “Konrad Adenauer”.

Nó đã không còn có thể đảm bảo cho nữ thủ tướng và các bộ trưởng được “đi lại an toàn và tiện nghi”, đặc biệt là việc đảm bảo giờ giấc ở các cuộc hội nghị quốc tế, do các sự cố. Như ngày 16/8 rồi, khi đến Paris hội kiến với tổng thống Sarkozy, lúc hạ cánh, chiếc A340 của bà Merkel đã gặp trục trặc ở động cơ phản lực và một bánh xe đã bị nổ khi hạ cánh.

Với tầm bay 13 500 km , chiếc A340 này cũng có thể cho phép bay liên tục từ Berlin đến Bắc Kinh mà không cần phải dừng lại tiếp nhiên liệu. Thế nhưng, nhiều sân bay trên thế giới không đủ đường băng đủ dài cho loại máy bay này.

 Bà Merkel đã hối thúc bộ quốc phòng Đức lo cải tiến A340. Trong khi chờ đợi, bà mới dùng đến chiếc A310 vừa kể trên.

Trong khi đó, Việc đưa vào hoạt động chiếc A340 thứ hai mà Đức mua để phục vụ cho các vị lãnh đạo chính phủ có thể sẽ chậm so với dự kiến. Hai chiếc A340 đã được Đức mua với giá 740 triệu euro, trong khi chiếc Airbus của tổng thống Pháp Sarkozy chỉ có 170 triệu euro.

Chiếc máy bay A340 của thủ tướng Đức được trang bị theo tiêu chuẩn như của tổng thống. Căn phòng VIP có một bàn hội nghị với sức chứa 12 người. Trong máy bay có một phòng ngủ tiêu chuẩn tổng thống.

Đặc biệt, Chiếc A340 của bà Merkel có thể chở đến 143 người với 4 động cơ phản lực. Trong khi đó, chiếc A330 hai phản lực của tổng thống Pháp Sarkozy chỉ có thể chở được 60 người.

Trang nhất các báo Pháp

Chủ đề ưu tiên của các báo Pháp hôm nay khá đa dạng. Le Monde và Le Figaro dành trang nhất cho việc Algéri chấp nhận cho tị nạn vợ con của đại tá Kadhafi.

 Le Monde cảnh báo: “Sự chạy nạn của gia đình Kadhafi quan hệ giữa Algéri và Libya căng thẳng trở lại”, Le Figaro thì đánh giá: “Algéri, sự hỗ trợ cuối cùng của Kadhafi”. Cả hai tờ báo điều tập trung trả lời cho câu hỏi vì sao Algéri lại đối xự quá nồng hậu với gia đình kadhafi, nồng hậu còn hơn cả đồng minh truyền thống của chế độ Kadhafi như Nga.

Libération ưu tiên cho quyển sách của hai nữ phóng viên báo Le Monde sẽ chính thức phát hành vào ngày mai, trong đó một nữ thẩm phán đã lên tiếng tái khẳng định dính líu tài chính giữa tổng thống Sarkozy và gia đình nữ đại tỷ phú Bettencourt trong vụ án mang tên bà khởi nguồn từ hơn một năm trước.

Nhật báo cộng sản L’Humanité chạy tựa lớn trên trang nhất : “Ai đứng sau sau các công ty thẩm định tài chính”. Tờ báo tập trung tìm hiểu về cách vận hành, và những ảnh hưởng của các công ty thẩm định đầy uy lực trên thị trường tài chính thế giới.