Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30 Tháng 8 Năm 2011 |
Tác Giả: Minh Anh |
Thứ Ba, 30 Tháng 8 Năm 2011 12:37 |
Ân Độ: Biểu tình tuyệt thực chống tham nhũng làm thức tỉnh tầng lớp trung lưu
Các ủng hộ viên vui mừng sau khi ông Anna Hazare ngừng tuyệt thực, ngày 28/08/2011 REUTERS/Ajay Verma « Biểu tình tuyệt thực đang đánh thức tầng lớp trung lưu tại Ấn Độ » là một đề tài xã hội mà nhật báo Le Fiagro số ra hôm nay, 30/08/2011, quan tâm đến. Sau 12 ngày tuyệt thực liên tiếp, ông Anna Hazare, 74 tuổi, một tông đồ của trường phái Gandhi đã buộc chính phủ Ấn Độ phải nhượng bộ. Bộ trưởng Nội vụ phải hứa đưa những yêu sách của nhà hoạt động này vào dự luật chống tham nhũng, một hiện tượng đang làm xói mòn dần đất nước. Le Figaro nhận xét, đây là một thắng lợi và phương pháp hành động này đã nhận được nhiều sự ủng hộ đáng bất ngờ của người dân trong suốt quá trình đấu tranh. Nhờ vào các trang mạng xã hội, các cuộc biểu tình đã liên tiếp diễn ra trên toàn lãnh thổ, bày tỏ sự ngán ngẩm của người dân Ấn Độ trước các tệ nạn tham nhũng. Le Figaro cho rằng, lần đình công tuyệt thực của ông Anna Hazare đã mang lại một tầm quan trọng chưa từng có. Phong trào này đã làm dấy lên sự trỗi dậy của giai cấp trung lưu mới. Le Figaro trích lời nhận định của một sinh viên đăng trên nhật báo The Times of India : « Nhờ có Anna Hazare mà cả đất nước đã thức tỉnh. Chúng ta đã thực hiện một hành động mà sự kiên nhẫn đang được đáp trả nếu như các động lực của nó là vì quyền lợi của người dân. Hành động của ông là một cuộc cách mạng và kể từ bây giờ không có gì có thể cản bước ông được nữa ». Trên cả việc Anna Hazare và cuộc chiến chống tham nhũng, đó chính là một thế hệ Ấn Độ mới ngày nay ao ước được biểu đạt ý tưởng của mình. Bài báo cho biết, Ấn Độ đã từng biết đến các phong trào đấu tranh xã hội vào những năm 1980 và 1990. Tuy nhiên, theo nhận định của một giáo sư đại học chính trị tại trường đại học Bombay, lần này có một điểm mới, đó là « được chứng kiến thấy giai cấp trung lưu Ấn Độ, thành quả của chương trình cải cách những năm 1990, biểu tình theo cách ấy. Ngoài việc ủng hộ những đòi hỏi của Anna Hazare, tầng lớp trung lưu này bày tỏ sự phẫn nộ vì đã không được hưởng hoàn toàn những cơ hội mới mà ngày nay đất nước đang có ». Theo Le Fiagro, các phong trào xã hội này cũng khiến cho nhiều người lo ngại. Nhiều nhân vật tầm cỡ đã chỉ ra những rủi ro khi thấy thế hệ mới này đạt thắng lợi thông qua các cuộc biểu tình hơn là qua các thùng phiếu bầu. Họ nhấn mạnh rằng, người nghèo tại các vùng nông thôn vẫn là đại bộ phận cử tri chính. Một nhà văn tại Ấn Độ kết luận rằng : « Tầng lớp trung lưu này, về mặt kinh tế, hiện đang kiểm soát đất nước, có một trọng lượng chính trị khá tương đối. Trước con mắt của mọi người, họ luôn tự đắc về nền dân chủ này, nhưng lại nổi giận vì không biết từ gì để nói về cách xử lý các vấn đề khi mà các nhà lập pháp lại do khối dân nghèo nông thôn bầu ra ». Nhật Bản có thủ tướng mới Vẫn tại châu Á, sự kiện đáng chú ý là « Nhật Bản lựa chọn một thủ tướng chủ trương khắc khổ ». Đây cũng chính là tựa bài viết trên báo Le Monde viết về ông Yoshihito Noda, nguyên bộ trưởng Tài chính, vừa được đảng Dân chủ Nhật Bản lựa chọn làm người thay thế thủ tướng Naoto Kan. Nhận định về ông Noda, Le Monde tóm tắt như sau : có tư tưởng tự do kinh tế, chủ trương quản lý kinh tế chặt chẽ, ngờ vực đối với Trung Quốc, ít được công chúng biết đến. Trong cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua, 29/08/2011 của các dân biểu thuộc đảng Dân chủ Nhật Bản, ông Noda đã về đầu, vượt lên trên bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp, Banri Kaieda. Đây là vị thủ tướng thứ sáu của xứ hoa anh đào trong vòng 5 năm qua. Ngay sau khi trúng cử, ông Noda đã nhắc lại khẩu hiệu của đảng Dân chủ Nhật Bản : tiến hành một chính sách « vì sự tốt đẹp của người dân », ông kêu gọi các thành viên trong đảng hãy tiến bước theo cùng hướng. Le Monde nhắc lại tiểu sử của tân thủ tướng Nhật Bản : Sau khi tốt nghiệp đại học Waseda, ông Noda theo học về quản lý chính phủ tại học viện Matsushita, nơi đào tạo các chính trị gia tương lai cho nước Nhật. Ông tham gia chính trị từ năm 1987. Được bầu là dân biểu năm 1993 thuộc Tân đảng Nhật Bản, đảng này đã giải thể, ông Noda gia nhập đảng Dân chủ Nhật Bản vào cuối những năm 1990 và đến tháng Sáu năm 2010, được chỉ định làm bộ trưởng Tài chính. Là chính trị gia thuộc phe hữu trong đảng Dân chủ trung tả, ông Noda ủng hộ việc tăng thuế để cải thiện tình trạng tài chính của đất nước, chủ trương sửa đổi Hiến pháp chủ hòa, đặc biệt là điều 9 liên quan đến việc Nhật Bản cam kết từ bỏ tiến hành chiến tranh, qua đó cho phép nước này tham gia vào các liên minh phòng thủ. Trong lĩnh vực ngoại giao, tân thủ tướng Nhật Bản luôn luôn ủng hộ liên minh với Hoa Kỳ và là một trong những chính trị gia lớn tiếng bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc phát triển bộ máy quân sự. Theo báo Le Monde, các chính kiến của ông Noda có thể tạo thuận lợi cho việc xích lại gần với đảng bảo thủ Tự do Dân chủ, hiện thuộc phe đối lập nhưng lại chiếm đa số tại Thượng viện. Điều này có thể đóng vai trò quyết định trong việc Nghị viện Nhật Bản thông qua ngân sách bổ xung thứ ba, phục vụ cho công cuộc tái thiết, một trong những dự án quan trọng ngay đầu nhiệm kỳ làm thủ tướng của ông Noda. Tuy nhiên, để có thể lãnh đạo chính phủ một cách thuận lợi, tân thủ tướng Nhật Bản sẽ phải xử lý hai vấn đề tế nhị để tranh thủ được sự ủng hộ của toàn bộ các phe phái và chính trị gia có trọng lượng trong đảng Dân chủ. Trước tiên là trường hợp ông Ichiro Ozawa, một nhân vật đầy thế lực, đứng đầu phe mạnh nhất trong đảng. Ông Ozawa đã ủng hộ bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp làm thủ tướng nhưng không thành. Vấn đề thứ hai là phải có được sự ủng hộ của cựu thủ tướng Yukio Hatoyama, người đã chỉ trích và gây khó khăn cho thủ tướng vừa từ chức, ông ông Naoto Kan. Tân thủ tướng Nhật Bản còn phải đối mặt với một thách thức khác : Đó là sự ủng hộ của người dân. Ông Noda lên cầm quyền vào lúc kinh tế suy thoái, nợ công cao, đất nước trong giai đoạn tái thiết sau thảm họa thiên tai. Giới lãnh đạo chính trị gần như xa rời những thực tế mà người dân đang phải trải qua và do vậy, họ không quan tâm đến những thay đổi lãnh đạo. Thậm chí, theo báo Le Monde, nhiều người dân Nhật Bản còn dự báo là ông Noda cũng sẽ không làm thủ tướng lâu, giống như 5 vị tiền nhiệm của ông ta. Libya : phát hiện một hố chôn tập thể Về thời sự quốc tế, báo Le Monde hôm nay có bài phóng sự « Tại Tripoli, nỗi kinh hoàng của một hố chôn tập thể trong một nhà tù bí mật của chế độ ». Đặc phái viên của báo Le Monde cho biết là lực lượng nổi dậy đã phát hiện ra nhà tù này, khi đánh chiếm thủ đô Tripoli. Đây thực ra là một ga-ra, ở khu Salahaddin, bên cạnh doanh trại quân đoàn 32, do Khamis, con trai đại tác Kadhafi, chỉ huy, ở phía nam Tripoli. Theo ghi nhận của báo Le Monde, thì tại đây, người ta nhìn thấy nhiều xác người, được xếp chống chéo trên nền đất. Dường như họ bị trói trước khi chết. Các xác chết bị đốt cháy nên khó có thể biết chính xác số nạn nhân, có thể là năm chục người. Nằm sát bức tường doanh trại quân đoàn 32, ga-ra này trở thành trung tâm giam giữ những người đối lập với chế độ Kadhafi kể từ tháng Hai năm nay, khi có các cuộc nổi dậy. Libya trước đây đã có nhiều nhà tù đông chật cứng, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ, chế độ Kadhafi còn lập ra thêm những khu biệt giam như vậy. Đặc phái viên báo Le Monde dẫn lời một nhân chứng tên là Bachir Mohammed Sadik. Ông nói là đã bị giam giữ tại đây 95 ngày trong cái nóng khủng khiếp, bẩn thỉu, ngột ngạt. Thế rồi, hôm thứ Sáu, 26/08, cánh cửa nhà tù chợt mở và người ta đã ném nhiều quả lựu đạn vào 150 tù nhân. Trong khi đó, những kẻ hành quyết dùng súng tiểu liên bắn chết những tù nhân chạy được ra bên ngoài. Trước cửa nhà tù, có 3 xác người, chân tay bị trói. Một người tự xưng là họ hàng với một tù nhân thoát chết cho biết đó là lính canh gác tù và bị giết để bịt đầu mối, « xóa bỏ nhân chứng ». Sadik và một nhân chứng khác khẳng định là chính các binh sĩ thuộc quân đoàn 32 là thủ phạm vụ thảm sát tù nhân. Phát ngôn viên phe nổi dậy nói trong nhà tù này có từ 57 đến 60 ngàn người. Khi chiếm được Tripoli, hộ chỉ giải thoát được khoảng 10 đến 11 ngàn, vậy số phận những người khác ra sao ? Phải chăng họ đã bị thảm sát trong những ngày cuối cùng của chế độ Kadhafi ? Le Monde đặt câu hỏi : Nếu các binh sĩ thuộc quân đoàn 32 là thủ phạm vụ giết người thì những kẻ này hiện giờ ở đâu ? Bỏi vì phía bên kia, doanh trại của quân đoàn này, giờ chỉ còn là những khu nhà bỏ trống hoặc bị tàn phá bởi các đợt oanh kích của không quân NATO. Trẻ em dùng quá nhiều thuốc kháng sinh Liên quan đến vấn đề sức khỏe con người, Le Figaro có bài viết đề tựa « Trẻ em dùng quá nhiều thuốc kháng sinh ». Bài báo nhận định, việc tiêu thụ quá nhiều loại thuốc này làm tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh như béo phì, tiểu đường, thậm chí một số bệnh ung thư hệ tiêu hóa. Các nhà khoa học cảnh báo, lạm dụng thuốc kháng sinh dẫn đến hệ quả là sự lan truyền ngày càng nhiều các loài vi khuẩn kháng thuốc, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng. Trong một bài viết đăng trên tạp chí Nature số ra ngày 25/8, với tựa đề « Hãy chấm dứt việc tàn sát các loại vi khuẩn có lợi », giáo sư Martin Blaser, thuộc đại học New York, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm khẳng định rằng, một đứa trẻ sống tại một nước phát triển nhận trung bình từ 10 đến 20 liều kháng sinh trước 18 tuổi. Ông còn nhấn mạnh rằng, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy dù là trong thời gian ngắn, thuốc kháng sinh cũng có thể làm thay đổi về lâu về dài hoàn toàn thành phần vi khuẩn đường ruột. Một điều chắc chắn rằng, các loại kháng sinh sẽ hủy diệt những loại vi khuẩn độc hại, nhưng vô hình chung cũng loại trừ đi một vài loại mầm có ích khác ngụ trong trong các đường tiều hóa. Ông đơn cử trường hợp vi khuẩn Helicobacter pylori, chủ yếu ngụ trong dạ dày con người. Theo ông, loại vi khuẩn này là những tác nhân chính gây ra các bệnh loét và ung thư dạ dày. Nhưng ngược lại, trong một nghiên cứu cho thấy, ở những cá nhân nào không mang loại vi khuẩn này, có khả năng phát triển nhiều loại bệnh rối loạn tiêu hóa, trào ngược hay các bệnh dị ứng khác nhau như hen suyễn, hay cảm mạo mùa. Nhiều nghiên cứu khác đã giả định rằng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm hệ tiêu hóa tỷ lệ với số lần dùng kháng sinh. Giáo sư Martin Blaser cũng cảnh báo việc sử dụng thuốc kháng khuẩn lâu dài, dù chỉ ở liều nhỏ, còn thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình tăng trọng. Chính vì vậy, thuốc kháng sinh được sử dụng rộng rãi tại Mỹ như là những chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi (trong khi đó, châu Âu nghiêm cấm việc sử dụng biện pháp này). Đồng chia sẻ quan điểm với ông Blaser, giáo sư Patrick Berche, nhà vi sinh học thuộc bệnh viện Necker Paris khẳng định « vai trò quan trọng của hệ vi khuẩn đường ruột như là động cơ để phát triển các bệnh như béo phì hay ung thư đại tràng ». Đối diện trước nhiều mối đe dọa mới, ông Martin Blaser kêu gọi hạn chế đến mức tối đa việc dựa vào thuốc kháng sinh cho trẻ nhỏ, ngay cả lúc còn trong bụng mẹ. Ông đề nghị phát triển những loại sản phẩm đặc biệt nhằm giúp đỡ ổn định hệ vi khuẩn có lợi cho đường ruột và chế ra những loại thuốc kháng sinh với những liều dùng thật là hạn chế, để giảm thiểu những hậu quả xếp chồng lên nhau lên các loài vi khuẩn. Tuy nhiên, ông Patrich Berche tỏ ra nghi ngờ về việc ông Blaser đề nghị tiêm một vài loại vi khuẩn gốc Helicobacter để dự báo nguy cơ các bệnh hen suyễn, rồi sau đó loại trừ chúng bằng thuốc kháng sinh để giảm thiểu nguy cơ viêm loét hay ung thư dạ dày.
|